Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa

14/11/2017 11:22
Hồng Thủy
(GDVN) - "Tôi muốn cảnh báo để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cả cơ quan trình đề án không bị “ru ngủ” vì câu chữ."

Ngày 1/11 chúng tôi có bài viết Mong Quốc hội giám sát, làm rõ kinh phí cho chương trình, sách giáo khoa nêu lên những bất cập của việc tiêu tiền ngân sách cho hai lần thay chương trình - sách giáo khoa, đặc biệt là sử dụng hàng ngàn tỉ đồng vốn vay ODA một cách tùy tiện.

Đi sâu tìm hiểu về cách thức các nhà dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo làm chương trình và làm sách giáo khoa, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều dấu hiệu bất thường, xin được nêu ra đây để rộng đường dư luận, mong Quốc hội vào cuộc giám sát và làm rõ.

Nguy cơ “đẻ ngược”: sách có trước, chương trình làm sau để tiêu hàng trăm triệu USD dự án đi vay?

Câu chuyện viết sách giáo khoa trước, viết chương trình tổng thể sau để hợp thức hóa dự án, viết xong sách giáo khoa mới cho người viết sách đi nước ngoài đào tạo vuốt đuôi thoạt nghe cứ ngỡ chuyện tiếu lâm.

Ấy vậy mà đây chính là cách để các nhà làm dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo tiện giải ngân dự án hàng mấy trăm triệu đô la Mỹ vốn vay ODA, chỉ cần đủ chứng từ mà không cần quan tâm nội dung chương trình, sách giáo khoa thế nào.

Thực tế đau lòng của việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa hiện hành ngốn hàng ngàn tỉ đồng của đội quân dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được chính một số nhà biên soạn chương trình - sách giáo khoa hiện hành tiết lộ với truyền thông.

Ảnh minh họa, chụp màn hình clip Môi tím chân trần - Cơm Có thịt với trẻ em vùng cao / Youtube.
Ảnh minh họa, chụp màn hình clip Môi tím chân trần - Cơm Có thịt với trẻ em vùng cao / Youtube.

Và hiện tại, có những dấu hiệu cho thấy thảm kịch này có nguy cơ lặp lại với Đề án Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành, nếu không có biện pháp kiểm tra, giám sát và ngăn chặn kịp thời.

Từ ngày 3/5/2016, Báo Thanh Niên dẫn nguồn tin riêng cho biết:

"Theo nguồn tin của Thanh Niên, đến thời điểm này đã có 4 bộ và một số cuốn sách giáo khoa có thể sẽ tham gia phát hành khi thực hiện chương trình mới. 

Cụ thể: một bộ sách của nhóm tác giả phía nam, một bộ của nhóm tác giả ở Hà Nội, sách tiếng Việt công nghệ và bộ sách giáo khoa theo mô hình VNEN."

Thông tin này đã dấy lên một cuộc tranh luận trên truyền thông, nhưng chỉ tập trung vào việc có hay không 2 bộ sách giáo khoa cho 2 miền Nam - Bắc.

Những lập luận phản bác của đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dường như không thuyết phục bằng chính những tài liệu cơ quan này cung cấp cho báo chí. [1]

Nhưng Công văn 1296/BGDĐT-GDTH do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 30/3/2016, 3 tháng trước khi nghỉ hưu thì nói rất rõ, bộ sách VNEN sẽ được "chỉnh sửa" thành 1 trong 4 bộ sách giáo khoa mới.

Kết luận của Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng cho thấy nguồn tin của Thanh Niên về 4 bộ sách giáo khoa mới là có cơ sở:

"Trong tương lai, nếu được nâng cao chất lượng, tài liệu này có thể được sử dụng như là một cuốn sách giáo khoa trong số những cuốn sách giáo khoa khác nhau khi cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới và chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” có hiệu lực."

Điều này được ông Vũ Bá Khánh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội nói với báo giới trong buổi tọa đàm về VNEN tại Hà Nội ngày 1/8/2017.

Buổi tọa đàm có sự hiện diện của nguyên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Đặng Tự Ân.

Từ phải qua trái: thầy Nguyễn Vinh Hiển, ông Vũ Bá Khánh, thầy Đặng Tự Ân trong buổi tọa đàm về VNEN tại Hà Nội ngày 1/8, ảnh: Báo Quân đội Nhân Dân.
Từ phải qua trái: thầy Nguyễn Vinh Hiển, ông Vũ Bá Khánh, thầy Đặng Tự Ân trong buổi tọa đàm về VNEN tại Hà Nội ngày 1/8, ảnh: Báo Quân đội Nhân Dân.

Ông Vũ Bá Khánh thông báo: Sẽ có sách VNEN từ lớp 1 đến lớp 12.

Theo ông Khánh, Công ty thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bắt tay vào việc chuẩn bị làm bộ sách mới này từ hơn một năm nay. 

Tổng số người tham gia là 156 người, bao gồm các nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, thạc sỹ và giáo viên đã đứng lớp giảng dạy theo mô hình VNEN.

Thậm chí, sách cũng đã được đơn vị này dạy thử nghiệm ở một số nơi.

“Tất nhiên là hiện chúng tôi mới soạn theo chương trình giả định. Tới đây, khi bộ ban hành chương trình môn học, chúng tôi sẽ điều chỉnh phù hợp”, ông Khánh nói. [2]

Báo cáo của Ban Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 do ông Vũ Bá Khánh ký ngày 21/4/2017, phần thứ hai - nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2017 cho biết:

Công ty đã có chiến lược phát triển sản phẩm mới là xây dựng xong đề án tổ chức biên soạn và xuất bản "Bộ sách giáo khoa Trường học mới", khi Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Nghị quyết 88/QH về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. [3]

Như vậy những thông tin này cho thấy, ít nhất đã có một bộ "sách giáo khoa chương trình mới" đã được biên soạn, thậm chí được dạy thử nghiệm ở một số nơi, thực tế là sửa bộ sách "Hướng dẫn học VNEN".

Trong khi Hướng dẫn học VNEN chép lại nội dung sách giáo khoa hiện hành một cách vội vàng, cẩu thả.

Phải chăng chương trình - sách giáo khoa mới chỉ là bình mới, rượu cũ?

Hướng dẫn học VNEN lớp 6, lớp 7 vừa xuất bản năm 2017 đã đón đầu xu thế "tích hợp" 3 môn Lý - Hóa - Sinh thành 1 sách Khoa học Tự nhiên, theo thiết kế của chương trình mới đang gây tranh cãi.

Như vậy, chính “ông trùm xuất bản sách VNEN” đã thừa nhận 1 trong 4 bộ sách mới có rồi, trước khi có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn học.

Việc còn lại là Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình các môn học nữa là “điều chỉnh” rồi bán.

Xin được lưu ý rằng, riêng bộ sách VNEN mới cùng với Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đã được Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, Tiến sĩ Lê Tiến Thành, Tiến sĩ Phạm Ngọc Định và Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã bỏ công xây dựng hệ thống phân phối độc quyền, khép kín.

Quý thầy đã sử dụng hệ thống quản lý giáo dục ngành dọc từ Bộ xuống các sở, phòng về tới nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, bán sách bằng công văn, cha mẹ học sinh gần như chỉ có kênh duy nhất mua sách cho con qua đăng ký với nhà trường.

Ảnh minh họa, chụp từ clip Môi tím chân trần - Cơm Có thịt với trẻ em vùng cao / Youtube.
Ảnh minh họa, chụp từ clip Môi tím chân trần - Cơm Có thịt với trẻ em vùng cao / Youtube.

Học sinh học mô hình VNEN không thể không mua, cho dù bộ sách này có đắt gấp 2, gấp 3 lần sách giáo khoa hiện hành, và còn có thể đắt hơn.

So với 2 bộ sách giáo khoa “mới” còn lại, thì bộ sách VNEN và một số cuốn sách công nghệ giáo dục nắm chắc thị trường đầu ra cho sản phẩm hơn cả.

Riêng Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, trẻ học mẫu giáo 5 tuổi cha mẹ đã phải đăng ký mua, nếu không lúc vào lớp 1 sẽ không có sách học.

Biến tướng của độc quyền kiểu mới: chỉ “xã hội hóa” phát hành sách giáo khoa trong phạm vi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam?

Đề án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị để xin Quốc hội ra Nghị quyết 88 năm 2014 về việc thực hiện 1 chương trình nhiều sách giáo khoa xác định:

Sẽ có 4 bộ sách giáo khoa của chương trình mới, trong đó có 1 bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, kinh phí lấy từ 80 triệu đô la Mỹ.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã từng phản đối rất gay gắt việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra làm một bộ sách giáo khoa “quốc doanh” với lập luận chúng tôi cho là rất thuyết phục.

Để tiết kiệm cho ngân sách, tránh chuyện nước đã nghèo mà lại tiêu hoang, Giáo sư Thuyết kiến nghị:

Nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉnh sửa lại sách giáo khoa hiện hành mà ông tham gia làm chủ biên Tiếng Việt, Ngữ Văn từ lớp 2 đến lớp 9, thay vì “xóa đi làm lại từ đầu”.

Nhưng phản đối mãi cũng chẳng ăn thua, cuối cùng Giáo sư cũng đành giúp Bộ bằng việc gánh vác vị trí Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới.

Không biết trên cương vị mới, thầy Thuyết sẽ kế thừa bao nhiêu phần trăm của chương trình, sách giáo khoa hiện hành?

Quay trở lại thông tin ông Vũ Bá Khánh nói rằng, “Công ty thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bắt tay vào việc chuẩn bị làm bộ sách mới này từ hơn một năm nay", đó là những công ty nào?

Ngoài Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội do ông Vũ Bá Khánh làm giám đốc phụ trách 1 trong 4 bộ là bộ sách VNEN, thì 3 công ty còn lại gồm:

- Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam.

Địa chỉ 231 Nguyễn Văn Cừ, Phường 4, Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo thường niên 2015 của công ty này, trang số 40, Kế hoạch phát triển trong tương lai, Mục tiêu chung ghi rõ:

Tập trung năng lực làm bộ sách giáo khoa mới theo chương trình cải cách giáo dục của nhà nước. [4]

- Công ty Công ty Cổ phần Xuất bản - thiết bị trường học Việt Nam.

Địa chỉ đăng ký của doanh nghiệp này tại số 81, đường Trân Hưng Đạo, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Địa chỉ giao dịch: Tầng 1, toà nhà GREEN PARK, đường Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, Hà Nội; website: vepic.edu.vn. 

Báo cáo của Ban Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 do ông Vũ Bá Khánh ký ngày 21/4/2017, cho biết:

Năm 2016 Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội góp vốn 12 tỷ đồng (tỉ lệ 11% vốn điều lệ) vào Công ty Cổ phần Xuất bản sách - thiết bị trường học Việt Nam.

Công ty này có nhiệm vụ triển khai bộ sách giáo khoa mới để thực hiện Nghị quyết 29/TW và Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới căn bản giáo dục toàn diện. Có nhiều tương lai hứa hẹn về kết quả hoạt động.

Chúng tôi tìm kiếm trên Google, không có doanh nghiệp nào tên là Công ty Cổ phần Xuất bản sách - thiết bị trường học Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng tôi thấy có Công ty Cổ phần Xuất bản - thiết bị trường học Việt Nam, so với tên gọi trong Báo cáo nói trên thiếu chữ "sách".

Doanh nghiệp này mới chỉ đăng ký mã số thuế ngày 27/7 năm ngoái, là một công ty tư nhân không có chức năng biên soạn, xuất bản sách giáo khoa.

Người đại diện pháp luật của công ty này là ông Ngô Trần Ái [5], Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này thời điểm ngày 3/1/2017 không ai khác, chính là ông Vũ Bá Khánh [6]

Thông báo tuyển người viết sách giáo khoa. Ảnh chụp màn hình.
Thông báo tuyển người viết sách giáo khoa. Ảnh chụp màn hình.

Thứ Năm ngày 31/8/2017, Báo Giáo dục và Thời đại, cơ quan ngôn luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng thông báo tuyển dụng của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam:

Cán bộ biên tập sách giáo khoa, sách tham khảo các môn học: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Việt, Ngữ Văn, Giáo dục công dân, Luật, Kinh tế, Giáo dục thể chất, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật và Tiếng Anh.

Số lượng: Mỗi môn học 1 - 2 người. [7]

- Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục. 

Doanh nghiệp này có giấy phép kinh doanh được cấp ngày 11/6/2010, địa chỉ đăng ký là căn hộ P.302, mảnh 2, khu nhà ở bán cho cán bộ chiến sĩ Báo, phường Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm.

Địa chỉ nhận thông báo thuế, Tầng 8 tòa nhà HEID, ngõ 12 Láng Hạ. Tòa nhà HEID là của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội mà ông Vũ Bá Khánh làm giám đốc, sở hữu và cho thuê văn phòng.

Giám đốc công ty này là ông Phạm Mạnh Thắng, lĩnh vực đăng ký kinh doanh là "bán buôn đồ dùng khác cho gia đình". 

Doanh nghiệp này giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong việc phát hành các đầu sách công nghệ giáo dục, cũng như tổ chức tập huấn cho giáo viên. [8]

Xin lưu ý rằng, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn tại vị, Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng tuyên bố rằng ông tặng bộ sách công nghệ giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, "bộ muốn làm gì thì làm".

Phát biểu trên kênh truyền hình Thông tấn xã Việt Nam, Giáo sư Đại cho biết, ông đã "làm cam đoan biếu không" bộ sách này cho Bộ. [9]

Nhưng không hiểu sao việc phát hành và kinh doanh bộ sách này lại thuộc về một công ty cổ phần, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nắm giữ 50% và có kế hoạch thoái vốn hoàn toàn trong năm 2017. 

Hiện tại công ty kinh doanh "bán buôn đồ dùng khác cho gia đình" này dường như không còn là thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Vậy thực chất ai đang hưởng lợi từ công trình giáo sư đã "biếu không" cho Bộ?

Theo Báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017 và kế hoạch triển khai năm học 2017-2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Năm học 2016-2017, cả nước có 48 tỉnh, thành phố đã triển khai dạy học môn Tiếng Việt lớp 1-Công nghệ giáo dục với 7.857 trường và 693.0478 học sinh tham gia (con số in đậm nghi do lỗi đánh máy của người soạn Báo cáo này).

Nếu gần 700 ngàn học sinh tiểu học này chỉ phải mua sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục (3 tập) và vở tập viết (3 tập) đi kèm, thì số tiền xã hội phải bỏ ra là:

693.478 x (8.500 + 16.500 + 10.500 + 5.000 + 7.500 + 5.000) = 36.754.334.000 VNĐ.

Nếu các em học sinh này phải mua trọn bộ tài liệu Công nghệ giáo dục "như sách giáo khoa" bao gồm 16 đầu sách, số tiền xã hội phải bỏ ra là:

693.478 x 142.000 =  98.473.876.000 VNĐ

Nếu các em học sinh này phải mua trọn bộ tài liệu Công nghệ giáo dục "như sách giáo khoa" gồm 16 đầu sách và 4 đầu sách bổ trợ lớp 1 Công nghệ giáo dục, thì số tiền xã hội phải bỏ ra là:

693.478 x (142.000 + 75.000) = 150.484.726.000

(Một trăm năm mươi tỉ, bốn trăm tám mươi tư triệu, bảy trăm hai mươi sáu ngàn đồng).

Xin lưu ý đây chỉ là con số tạm tính dựa trên dữ liệu công khai. 

Nhưng sách công nghệ giáo dục không tốn tiền mặt bằng và quảng cáo, in đến đâu bán đến đó bằng công văn và bộ máy quản lý ngành dọc nhờ "ké" một phần vào dự án VNEN là sự thật. 

Điều này được khẳng định qua các văn bản khác nhau của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương.

Thầy Đại trả lời phỏng vấn truyền hình Thông tấn xã Việt Nam về công nghệ giáo dục. Ảnh chụp màn hình.
Thầy Đại trả lời phỏng vấn truyền hình Thông tấn xã Việt Nam về công nghệ giáo dục. Ảnh chụp màn hình.

Thầy Đại đã “biếu không” bản quyền công trình này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có lẽ Giáo sư cũng chẳng màng chi;

Vậy cổ tức từ việc bán Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và các tài liệu khác đi kèm mà doanh thu (chưa trừ chi phí) lên tới cả trăm tỉ đồng này được chia cho những ai?

Công ty sân sau thao túng "công nghiệp phát hành sách giáo khoa"?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cả 3 doanh nghiệp nói trên, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam; Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục đều không có chức năng biên soạn, phát hành sách giáo khoa.

Hai doanh nghiệp đầu hiện tại đều không phải công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội hiện nay chỉ là 1 trong số 27 công ty liên kết mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nắm 20% đến 50% vốn điều lệ;

Mặc dù nó được thành lập theo Quyết định số 310/QĐ TCNS ngày 23/03/2007 của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà xuất bản Giáo dục. [10]

Riêng Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân, không thấy có bất kỳ mối liên hệ nào với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Nhưng cả hai công ty này phụ trách phát hành 2 trong 4 bộ sách giáo khoa “mới” đều liên quan đến 2 ông Ngô Trần Ái và Vũ Bá Khánh. 

Ông Ngô Trần Ái - cựu Tổng giám đốc Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam từng kiêm nhiệm Chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội nơi ông Vũ Bá Khánh làm Tổng giám đốc.

Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa ảnh 6

Một vài tâm tư gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Ông Ái là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam, còn ông Khánh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Vậy ai đã cho phép 2 công ty này biên soạn và phát hành sách giáo khoa và "tài liệu như sách giáo khoa" (sách VNEN)?

Quy trình làm sách giáo khoa được ông Ngô Trần Ái giải thích kỹ với dư luận từ năm 2006, sau những bức xúc về vấn nạn độc quyền sách giáo khoa.

Thời điểm này nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống và có công thư yêu cầu thanh tra, xóa bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. [11]

Báo Sài Gòn Giải phóng dẫn lời ông Ngô Trần Ái cho biết: 

Xuất bản sách giáo khoa gồm 4 công đoạn: Biên soạn (Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm), còn khâu biên tập - in và phát hành thuộc về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế toàn bộ sách VNEN được sử dụng như sách giáo khoa cho hàng triệu học sinh, đã được "khoán trắng" cho Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội.

Bộ sách giáo khoa Trường học mới chỉnh sửa từ sách VNEN cũng vậy.

Nay lại có thông tin từ chính ông Vũ Bá Khánh, doanh nghiệp tư nhân mà ông Ái làm đại diện pháp luật, ông Khánh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, "được giao" biên soạn bộ sách giáo khoa mới.

Công ty này cũng đăng tin tuyển dụng người viết sách giáo khoa trên chính Báo Giáo dục và Thời đại.

Những chuyện này không chỉ đi ngược hoàn toàn quy trình ông Ái giải thích từ 11 năm trước.

Nghiêm trọng hơn, nó còn cho thấy nguy cơ vết xe đổ của chương trình 2000 sẽ lặp lại:

Làm chương trình tổng thể và chương trình bộ môn chỉ để hợp thức hóa dự án, tiêu 80 triệu đô la đi vay để hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, và 100 triệu đô la vay để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa?

Vì vậy chúng tôi trộm nghĩ, Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cần vào cuộc giám sát việc phát hành và cung cấp độc quyền sách giáo khoa hiện nay.

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục "giữ quyền im lặng", trước hết chúng tôi xin được kiến nghị với Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cần yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo công khai các vấn đề sau:

Một là các văn bản, quyết định chỉ định các đơn vị làm sách giáo khoa mới và căn cứ pháp lý nào để làm việc này từ lúc chương trình tổng thể, chương trình môn học còn chưa có?

Việc chỉ định này có phải biến tướng của độc quyền phát hành, cung cấp sách giáo khoa và chia chác miếng bánh thị trường sách giáo khoa, sách tham khảo của các nhóm lợi ích?

Hai là, danh sách các thành viên ban soạn thảo chương trình tổng thể, ban soạn thảo chương trình môn học và ban biên soạn 1 bộ sách giáo khoa “quốc doanh” của Bộ, nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.

Ba là, làm rõ trong số hơn 150 giáo sư, tiến sĩ, thầy cô đã tham gia viết bộ sách VNEN mới, có bao nhiêu người nằm trong ban soạn thảo chương trình các môn học của chương trình mới?

Bốn là, có thành viên nào trong ban xây dựng chương trình tổng thể, chương trình môn học ký hợp đồng với 1 hoặc trên 1 trong 4 doanh nghiệp nói trên, tham gia biên soạn sách giáo khoa “mới” hay không?

Năm là, có lãnh đạo / nguyên lãnh đạo nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng vợ / chồng; con / cháu; anh em của họ có cổ phần trong 4 doanh nghiệp độc quyền phát hành sách giáo khoa nêu trên hay không?

Nếu có, đề nghị công khai danh sách này để nhân dân, cha mẹ học sinh giám sát.

Để góp phần lành mạnh hóa môi trường giáo dục, chúng tôi mong nhận được các bài viết phân tích, mổ xẻ về những góc khuất, bất cập của chính sách, thậm chí là các bước “lái” chính sách của một số nhóm phát hành sách giáo khoa hiện nay, mặc dù chung một mái nhà là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bài viết xin vui lòng gửi về địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn, thông tin của quý vị sẽ được bảo mật theo quy định của pháp luật. Xin trân trọng cảm ơn!

Lúc này, nhắc lại lời cảnh báo của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cách đây gần 3 năm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, có lẽ vẫn còn giữ nguyên tính thời sự:

"Tôi muốn cảnh báo để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cả cơ quan trình đề án không bị “ru ngủ” vì câu chữ." [12]

Sở dĩ chúng tôi phải nêu vấn đề này, là bởi trong phiên thảo luận của Quốc hội khóa 14, kỳ họp thứ 4 ngày 2/11 vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết:

“Về kinh phí, với chương trình thì mới tiêu 48,2 tỉ. Như vậy mới tiêu 2 triệu USD.

Với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới có 2,3 tỉ, như vậy cộng tổng số là hơn 50 tỉ. Còn lại số tiền vẫn trong quá trình kế hoạch.

Từng năm một chúng tôi công khai chỉ số này và giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền. Thực tế tiền mới chi cho các thầy làm chương trình là chủ yếu." [13]

Cách "xé" 80 triệu đô la Mỹ ra thành từng gói nhỏ hàng năm theo tiến độ giải ngân của Ngân hàng Thế giới để báo cáo Quốc hội và công khai với dư luận, không trả lời được câu hỏi:

Tại sao Bộ xin 462 tỉ đồng, được duyệt 778,8 tỉ đồng, mà lại đi vay gần 1800 tỉ đồng?

Cùng với đề án đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa 100 triệu đô la Mỹ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cam kết chương trình - sách giáo khoa mới sử dụng ổn định, liên tục trong bao nhiêu năm?

Bài học nhãn tiền từ việc làm giáo dục bằng dự án qua việc thay chương trình - sách giáo khoa hiện hành từ những năm 2000, dự án VNEN, "lách luật" triển khai công nghệ giáo dục...khiến dư luận không thể yên tâm.

Làm sao có thể ngồi chờ Bộ công khai mỗi năm cho đến lúc kết thúc dự án, nếu thất bại ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Bởi khi gạo đã nấu thành cơm, ván đã đóng thuyền, biết kinh phí hàng năm phỏng có ích gì?

Rất mong Quốc hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vào cuộc kiểm tra, giám sát các dự án vay vốn ODA phục vụ đổi mới giáo dục đến nay đã lên tới ngót nghét 3 tỉ đô la Mỹ;

Đặc biệt là các dự án vay vốn 2 lần thay chương trình - sách giáo khoa hiện hành và chương trình - sách giáo khoa mới, việc phát hành sách giáo khoa cũng như "tài liệu sử dụng như sách giáo khoa".

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thong-tin-ve-2-bo-sach-giao-khoa-mien-bacmien-nam-la-co-co-so-479517.vov

[2]https://www.vietnamplus.vn/se-co-bo-sach-giao-khoa-vnen-theo-chuong-trinh-giao-duc-moi/459003.vnp

[3]http://images1.cafef.vn/download/250417/eid-nghi-quyet-dai-hoi-dong-co-dong-thuong-nien-nam-2017_5.pdf

[3]http://masocongty.vn/company/1313012/cong-ty-co-phan-dau-tu-xuat-ban-thiet-bi-giao-duc-viet-nam.html

[4]http://static2.vietstock.vn/data/HNX/2015/BCTN/VN/SED_Baocaothuongnien_2015.pdf

[5]http://masocongty.vn/company/1313012/cong-ty-co-phan-dau-tu-xuat-ban-thiet-bi-giao-duc-viet-nam.html

[6]http://vepic.edu.vn/Content/Clients/tailieudaihoi.pdf

[7]http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/cong-ty-co-phan-dau-tu-xuat-ban-thiet-bi-giao-duc-vn-thong-bao-tuyen-dung-lao-dong-3741061.html

[8]http://congnghegiaoduc.vn/tin-tuc/153-2016-07-27-08-05-18.html

http://masocongty.vn/company/589370/cong-ty-co-phan-dau-tu-va-phat-trien-truong-pho-thong-cong-nghe-giao-duc.html

[9]https://www.youtube.com/watch?v=9U3yqMZhb3g

[10]http://www.nxbgd.vn/userfiles/files/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20CBTT%20n%C4%83m%202016.pdf

[11]http://www.sggp.org.vn/bai-1-tong-gd-nxbgd-ngo-tran-aitoi-cung-khong-chiu-noi-tai-tieng-ong-doc-quyen-69698.html

[12]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Toi-muon-canh-bao-de-Quoc-hoi-khong-bi-ru-ngu-vi-cau-chu-post149258.gd

[13]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-se-bao-cao-Quoc-hoi-tien-lam-chuong-trinh-sach-giao-khoa-tung-nam-post180944.gd

Hồng Thủy