Kiến nghị xây dựng tài nguyên giáo dục mở thành chương trình mục tiêu quốc gia

05/10/2019 13:41
Thùy Linh
(GDVN) - Hiệp hội sẽ kiến nghị với Nhà nước đưa tài nguyên giáo dục mở vào các chương trình phát triển bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia.

Hội thảo “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở” do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Hội thư viện, Hội tin học Việt Nam tổ chức ngày 4/10 tại Đại học Thăng Long đã ghi nhận được nhiều ý kiến xung quanh văn hóa mở, tư duy mở, giáo dục mở và tài nguyên giáo dục mở. 

Theo đó giải pháp hạ tầng, an toàn/ an ninh hệ thống cho tài nguyên giáo dục mở; Tài nguyên giáo dục mở với hệ thống thư viện Việt Nam và bản demo khai tác tài ngyên giáo dục mở đã được đưa ra tại buổi hội thảo. 

Tại đây, đại biểu Trương Thị Ngọc Mai đến từ trường Đại học Tôn Đức Thắng góp ý: “Hiện nay các trường đại học đã, đang xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở nên tôi khuyến nghị cần có sự liên kết nguồn tài nguyên giáo dục mở của các trường với nhau thành nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc gia. Khi đó cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tài nguyên giáo dục mở”. 

Hội thảo đã được nghe 9 báo cáo và nhiều ý kiến khác làm rõ về việc phát triển giáo dục mở, tài nguyên giáo dục mở. 

Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định: “Chúng ta cần phải nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên giáo dục mở đối với sự phát triển con người. 

Tuy nhiên, tài nguyên giáo dục mở còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ như giữ bản quyền, giữ quyền sở hữu trí tuệ hay được truy cập tự do. Và có phân biệt tài nguyên giáo dục mở và tài nguyên giáo dục không mở hay không…”. 

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho biết, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ kiến nghị với Nhà nước đưa tài nguyên giáo dục mở vào các chương trình phát triển bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: Thùy Linh)
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho biết, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam sẽ kiến nghị với Nhà nước đưa tài nguyên giáo dục mở vào các chương trình phát triển bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: Thùy Linh)

Vị này nói, Hiệp hội sẽ kiến nghị với Nhà nước đưa tài nguyên giáo dục mở vào các chương trình phát triển bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia, thậm chí cả việc xây dựng hạ tầng chính.

Đồng thời xung quanh thủ tục hành chính việc cấp phép tài nguyên giáo dục mở và tài nguyên giáo dục mở trong điều kiện cấp phép cần được thông thoáng hơn. 

Đồng thời, Nhà nước cần mở rộng hàng lang cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu và xác định rõ đâu là bí mật quốc gia, tài liệu mật, tài liệu không được phát hành.

“Vẫn tiếp tục đảm bảo bản quyền, sở hữu trí tuệ nếu không sẽ hạn chế sáng tạo”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng đề nghị. 

Đáng lẽ Việt Nam lợi thế nhất khu vực về nguồn lực con người, trí tuệ

Đối với các cơ quan thì lãnh đạo cần có chỉ đạo triển khai rộng rãi và khuyến khích phát triển phầm mềm, phát triển nghiên cứu khoa học, quy định rõ về an ninh mạng. 

“Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa vào chương trình sau trung học phổ thông là các em có một số kỹ năng nhất định về công nghệ thông tin, công nghệ số hóa. Và các thầy cô phải thay đổi cách dạy bằng cách giới thiệu những giá trị cốt lõi để học sinh tự tìm hiểu thêm chứ không phải áp đặt lên các em. 

Bản thân các trường đại học, cao đẳng cần hình thành chương trình nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hỗ trợ cho sự phát trển tài nguyên giáo dục mở”, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh. 

Thùy Linh