Kinh hoàng dầu ăn và thuốc chữa bệnh Trung Quốc "cực bẩn”

10/01/2012 21:57
Giới chuyên môn cho biết, sau khi được đóng gói và dán nhãn của các thương hiệu nổi tiếng, những sản phẩm dầu lạc giả rất khó phân biệt với sản phẩm thật.
“Giờ đây ăn gì cũng không an toàn, bởi không biết chọn cái gì để ăn nên thực sự cảm thấy bất an” là tâm sự của nhiều bà nội trợ cũng như người tiêu dùng tại quốc gia hơn 1,34 tỷ dân sau khi xuất hiện ngày một nhiều thông tin xung quanh “thực phẩm bẩn” và cơ quan chức năng Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết vấn nạn này.

Ngay từ những ngày đầu của tháng 1/2012, giới truyền thông Trung Quốc đã đưa tin, cơ quan chức năng thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông vừa thu giữ gần 600 sản phẩm dầu lạc giả và kém chất lượng có nguy cơ gây vô sinh sau khi kiểm tra tại một số khu chợ tại tỉnh này.

Trong khi mỗi can 5 lít dầu lạc được mua tại nhà máy sản xuất dầu giả chỉ khoảng 2 NDT, nhưng được bán với giá 100 NDT-200 NDT ngoài thị trường. Vì khoản lợi nhuận “khủng” kể trên nên người ta bất chấp tất cả, kể cả có liên quan tới sức khỏe người tiêu dùng.

Giới chuyên môn cho biết, sau khi được đóng gói và dán nhãn của các thương hiệu nổi tiếng, những sản phẩm dầu lạc giả rất khó phân biệt với sản phẩm thật. Một quan chức địa phương tiết lộ, dầu lạc giả dường như được bán khá phổ biến ở một số chợ tại địa phương. Ngoài ra, số dầu lạc giả còn được bán cho các nhà máy chế biến thực phẩm và một số chợ thực phẩm ở những tỉnh như Quảng Đông, Hồ Nam, Giang Tây.

Cơ quan chức năng cho biết, số dầu kém chất lượng kể trên có thể gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng, bởi người ta đã trộn dầu nành, dầu cọ không rõ nguồn gốc và dầu hạt bông thô với nhau, thêm hương vị để có mùi giống với dầu lạc.
Dầu bẩn được phát hiện.
Dầu bẩn được phát hiện.

Được biết, dầu hạt bông thô nếu không được lọc cẩn trọng sẽ rất nguy hiểm bởi chứa độc tố gây ảnh hưởng đến tế bào tinh trùng nam giới gây vô sinh. Giới chức thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông cũng mới phát hiện độc tố vi nấm (aflatoxin - chất có thể gây ung thư gan) trong đậu phộng và dầu ăn. Cơ quan chức năng đã ra lệnh thu hồi (29/12/2011) các sản phẩm dầu ăn của một số công ty như Fusheng Oil, Manyi Peanut Oil, Mabo Oil.

Gần 1 tháng trước (1512/2011), hơn 300 học sinh một trường cấp hai ở thành phố Nhân Hoài, tỉnh Quý Châu đã đập phá cửa kính, bàn ăn, ghế ngồi của căn-tin sau khi phát hiện một thùng "dầu cống rãnh" dùng để nấu ăn tại đây. Hiệu trưởng trường này đã bị đình chỉ công tác để điều tra.

Trong khoảng 4 tháng qua, cơ quan chức năng đã bắt 32 người vì hành vi sản xuất và buôn bán dầu bẩn với số lượng lớn (tịch thu hơn 100 tấn dầu bẩn vốn được chế biến từ loại dầu vét từ cống rãnh sau các nhà hàng). Bộ Công an cho biết, cảnh sát các tỉnh Hà Nam, Chiết Giang và Sơn Đông đã tìm thấy hơn 100 tấn dầu tái chế trái phép được làm từ dầu phế thải lấy từ các cống rãnh tại nhà hàng.

Giới chuyên gia ước lượng, trung bình mỗi năm, người dân Trung Quốc tiêu thụ khoảng hai đến ba triệu tấn dầu ăn bất hợp pháp, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có phương pháp khoa học để nhận dạng "dầu cống rãnh", dầu bẩn với hàng đảm bảo chất lượng. Cách đây 4 năm (2008-2012), cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện hơn 70% mẫu các sản phẩm dầu lạc được mua ở các chợ địa phương không đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc gia.

Khoảng 2 tháng trước (17/11/2011), cảnh sát đã phát hiện và thu giữ một lượng thuốc giả khổng lồ trị giá 2 tỷ NDT (khoảng 315 triệu USD), trong một chiến dịch truy quét dược phẩm giả trên phạm vi toàn quốc. Đây là cuộc truy quét thứ hai của cảnh sát nhằm vào các đại lý, cơ sở sản xuất dược phẩm đang lan rộng tại nước này.

Hơn 1.600 cảnh sát tại 29 địa phương đã được huy động để tham gia vào chiến dịch truy quét dược phẩm giả và đã bắt gần 1.770 nghi can liên quan tới đường dây sản xuất và phân phối thuốc giả này.

Những người kể trên bị bắt khi đang thực hiện hành vi sử dụng các hóa chất cấm để sản xuất thuốc giả, làm lại các sản phẩm đã quá đát, cũng như làm nhái nhiều loại thuốc bổ của hơn 100 nhãn hiệu dược phẩm trong và ngoài nước.

Điều đáng nói là hầu hết số thuốc giả này được bán trực tuyến hoặc thông qua các phòng khám, cửa hàng dược trái phép mọc lên như nấm trên khắp đất nước Trung Quốc.

Hơn 4 tháng trước, cảnh sát đã phá mạng lưới cung cấp thuốc giả trị giá 46 triệu NDT và đã bắt, thẩm vấn 39 nghi phạm. Cơ quan chức năng đã niêm phong 69 cửa hàng bán thuốc giả, 20 nhà kho, một dây chuyền sản xuất và một cơ sở đóng gói sau khi phá mạng lưới này. Được biết, đây là mạng lưới hoạt động chủ yếu ở thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị Choang Quảng Tây, đã sản xuất và bán khoảng 710 loại thuốc và sản phẩm y tế (trong đó có thuốc giảm đau tramadol hydrochloride và amoxicillin).

Giới chuyên môn cho biết, phần lớn thuốc giả được làm từ tinh bột và bột gan lợn - không những không có tác dụng chữa bệnh, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe. Cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua thuốc qua các kênh bán hàng ngầm và không đáng tin cậy.

Theo lời khai của các cơ sở sản xuất thì công thức chủ yếu trong việc làm thuốc giả khá giống nhau, đó là dùng bột khoai tây trộn với thức ăn gia súc cùng chất kích thích phẩm màu độc hại và được chứa trong bao phân hóa học. Bộ Công an cho biết, sử dụng phải thuốc giả rất nguy hiểm bởi có thể bị mắc những bệnh như loãng xương, tiểu đường, loét tá tràng hoặc bệnh về đường tiêu hóa, cũng như gây tổn thương cho thận hoặc gan…

Giới chuyên gia y tế Trung Quốc cũng từng khuyến cáo người dân về việc lạm dụng thuốc bởi đã có hơn 1 triệu trẻ em bị điếc, tăng gấp 100 lần so với cảnh báo lần đầu năm 2007 (10.000 trẻ)

Theo Công an nhân dân