Kinh nghiệm để trở thành nhà khoa học Việt có số trích dẫn hàng đầu thế giới

01/10/2019 06:47
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp lắng nghe chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung - người sở hữu trên 5.500 trích dẫn khoa học theo ISI.

LTS: Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung, Giáo sư - Viện trưởng Viện Khoa học tính toán (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) sở hữu trên 150 công trình công bố ở các tạp chí ISI uy tín, trên 5.500 trích dẫn khoa học theo ISI, chỉ số H-index theo ISI là 40, làm chủ nhiệm và đã hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước và nhiều giải thưởng, bằng khen về nghiên cứu khoa học. 

Giáo sư Nguyễn Thời Trung đã vinh dự được vào danh sách các nhà khoa học có công trình được trích dẫn hàng đầu thế giới, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Thời Trung để lắng nghe thầy chia sẻ về con đường đi đến thành công của mình.  

Phóng viên: Nhìn vào số lượng công trình công bố ở các tạp chí ISI uy tín và số trích dẫn khoa học theo ISI của thầy khiến nhiều người thán phục. Đâu là nguyên nhân dẫn đến thành công lớn như vậy của thầy?

Tiến sĩ Nguyễn Thời TrungĐể đạt được kết quả này trong điều kiện ở Việt Nam, theo tôi có 4 nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất là các nguyên nhân từ bản thân bao gồm: Một là, tôi đã chuẩn bị được một nền tảng kiến thức, ngoại ngữ và kỹ năng tốt phù hợp với công việc nghiên cứu khoa học sau này và phù hợp với hướng nghiên cứu mà tôi đã chọn;

Hai là, việc được làm công việc nghiên cứu khoa học mà mình yêu thích đã giúp tôi luôn cảm thấy hạnh phúc, động lực cao và kiên trì bền bỉ trong công việc;

Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung sở hữu trên 150 công trình công bố ở các tạp chí ISI uy tín (Ảnh nhân vật cung cấp)
Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung sở hữu trên 150 công trình công bố ở các tạp chí ISI uy tín (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ba là, tôi đã chọn được huớng nghiên cứu về Khoa học tính toán, là một hướng nghiên cứu có nhu cầu cao và nhiều ứng dụng trong nhiều ngành nghề đòi hỏi tính toán - mô phỏng, cả trong nước và quốc tế. 

Đặc biệt, đây là hướng nghiên cứu phù hợp với các điều kiện công nghệ của Việt Nam, phù hợp với tố chất thông minh về tư duy/logic của người Việt Nam và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại công nghiệp 4.0;

Bốn là, tôi đã thành lập nhóm nghiên cứu mạnh từ sớm và có cách thức tổ chức hoạt động hiệu quả, đồng bộ, để huy động và phát huy được sức mạnh tập thể của nhóm nghiên cứu;  

Thứ hai, là sự ủng hộ tuyệt đối của gia đình giúp tôi luôn an tâm tập trung nghiên cứu khoa học trong mọi điều kiện, cả thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là những giai đoạn khó khăn băn đầu. 

Thứ ba, là việc tôi được làm việc được một môi trường nghiên cứu khoa học với cơ chế/quy định rất thuận lợi và phù hợp với các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế tại Đại học Tôn Đức Thắng, cụ thể như:

Một là, có cơ chế nghiên cứu viên ngay trong trường đại học, giúp an tâm tập trung làm nghiên cứu khoa học;

Hai là, lương và thu nhập tăng thêm tỉ lệ thuận với năng suất và hiệu quả đầu ra của thành tích công bố khoa học;

Ba là, được đầu tư phòng lab làm việc, các điều kiện nghiên cứu chuyên ngành như hệ tính toán hiệu năng cao, các phần mềm tính toán có bản quyền;

Bốn là, có các quy định về nghiên cứu khoa học phù hợp với thông lệ quốc tế như quy định xếp hạng công trình công bố; quy định xếp hạng chuyên gia; quy định tăng chất lượng và số lượng trích dẫn nghiên cứu khoa học, quy định bổ nhiệm chức vụ chuyên môn,...

Thứ tư, là việc đổi mới chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại Việt Nam trong thời gian qua.

Cụ thể và hiệu quả nhất có thể kể đến là sự ra đời và vận hành hiệu quả của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) (từ 2003 - nay) với mục đích tạo dựng môi trường nghiên cứu thuận lợi, theo chuẩn mực quốc tế.

Cho đến nay Quỹ NAFOSTED đã tài trợ rất hiệu quả cho hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học của các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các Tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu tốt, mà trước đây rất khó để họ có thể đứng tên chủ nhiệm đề tài các đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia.

Thưa thầy, việc có nhiều bài báo quốc tế và nhiều trích dẫn như vậy nó phản ánh điều gì? Thành tựu đó nó có mang lại giá trị cho thầy và Viện Khoa học tính toán?

Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung: Theo tôi, việc có nhiều bài báo quốc tế và nhiều trích dẫn như vậy phản ánh một số điểm sau: 

Thứ nhất, năng suất nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu chúng tôi đang rất hiệu quả. Chúng tôi duy trì, mở rộng và phát triển tốt các hướng nghiên cứu liên ngành trong Khoa học tính toán, giúp phát triển nhiều ý tưởng mới trong nghiên cứu; 

Phó giáo sư người Việt có tới 240 bài báo khoa học quốc tế

Thứ hai, việc hợp tác nghiên cứu với các đối tác trong và ngoài nước đang phát triển tốt; ngày càng nhiều đối tác trong và nước ngoài muốn cộng tác nghiên cứu khoa học với nhóm nghiên cứu của chúng tôi; 

Thứ ba, các kết quả nghiên cứu của chúng tôi được cộng đồng khoa học thế giới quan tâm, theo dõi và trích dẫn trong các công bố nghiên cứu của họ. Điều này thể hiện sự tác động và ảnh hưởng nhất định của các công bố của chúng tôi đến cộng đồng khoa học thế giới.

Thành tựu đó dĩ nhiên mang lại nhiều giá trị không những cho bản thân tôi (về mặt tri thức khoa học, thành tích, động lực và uy tín khoa học), cho nhóm nghiên cứu (gồm các thế hệ nghiên cứu sinh, giảng viên, nghiên cứu viên trẻ) mà còn mang lại giá trị cho các chủ thể khác như Viện Khoa học tính toán và Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ví dụ như đóng góp vào việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, vào thành tích xếp hạng Đại học, xếp hạng Khoa/Viện, vào việc nâng cao uy tín của Trường/Viện, ..). 

Ngoài ra, thành tựu này cũng góp phần vào thành tích chung về công bố khoa học và trích dẫn của Việt Nam, và đóng góp vào kho tàng tri thức khoa học của thế giới. 

Nếu có điều gì muốn chia sẻ nhất với các nhà khoa học trẻ muốn có những bước tiến trong các bảng xếp hạng trên thế giới thì thầy sẽ chia sẻ điều gì? Vì sao?

Tiến sĩ Nguyễn Thời Trung: Nghiên cứu khoa học cũng là một cuộc cạnh tranh rất gay gắt mang tính toàn cầu với sự tham gia của hàng triệu nhà khoa học. Mỗi ngày, mỗi giờ trôi qua, các nhà khoa học trên thế giới lại tiếp tục tiến nhanh về phía trước thông qua việc công bố thêm nhiều công trình khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus. 

Chân dung 3 người Việt Nam trong top 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới

Vì vậy, để được ghi nhận, tham gia và thăng tiến trong các Bảng xếp hạng hay trong Danh sách các nhà khoa học hàng đầu của thế giới, đòi hỏi các nhà khoa học trẻ phải có đủ đam mê, sự kiên trì, có phương pháp làm việc khoa học và tối ưu với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân để có thể đi nhanh và đi xa trên con đường nghiên cứu khoa học mà mình chọn lựa. 

Chúng ta cần nỗ lực vận động để bắt kịp với tốc độ phát triển của thế giới, và cùng lúc phải đặt mục tiêu để có thể đuổi kịp nhóm những nhà khoa học hàng đầu của thế giới. Vì vậy ở câu trả lời này, tôi có hai điều muốn chia sẽ với các khoa học trẻ:  

Thứ nhất, muốn đi xa, các bạn cần có niềm đam mê nghiên cứu khoa học để có được niềm vui, sự kiên trì, kiên định trên còn đường mình đã chọn, có sự khiêm tốn cần thiết để không ngừng học hỏi cái mới và phát triển bản thân, có đội nhóm và sự hợp tác để tiếp sức và ủng hộ bạn trong những hoàn cảnh khác nhau, và cần có sự quyết đoán, sáng suốt để chọn cho mình một môi trường làm việc có điều kiện nghiên cứu khoa học thuận lợi.

Thứ hai, muốn đi nhanh, các bạn cần trang bị tốt những kiến thức nền, ngoại ngữ và kỹ năng nghiên cứu khoa học cần thiết; các bạn cần xác định cho mình những điểm đặc biệt riêng (như việc chọn hướng nghiên cứu phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và phù hợp với môi trường làm việc, điều kiện/ hoàn cảnh của bản thân); và cần có sự linh hoạt/ứng biến của nước để nhanh chóng vượt qua được những khó khăn, rào cản của môi trường làm việc, của cơ chế/chính sách.  

Trân trọng cảm ơn thầy!

Thùy Linh (ghi)