Kỳ án hiếp dâm: Sự bất thường trước phiên giám đốc thẩm

14/12/2011 14:31
Những động thái mà một số cán bộ TAND Tối cao đã làm  thời gian qua cho thấy có dấu hiệu đáng lo ngại về tính công minh của bản án.
Liên quan đến vụ 3 thanh niên làng Yên Nghĩa bị công an, VKSND, TAND Hà Tây (cũ) bắt, kết án với mức án từ 11-16 năm tù. Suốt 10 năm thụ án và kêu oan, vụ án đã được công luận lên tiếng, Chủ tịch Nước yêu cầu xem xét lại...

Từ những thông tin đó, Viện KSND Tối cao đã xem xét lại vụ án và ra kháng nghị vô tội, trả tự do cho 3 con người này. Sau gần 2 năm nhận được kháng nghị, TAND Tối cao đã quyết định mở phiên giám đốc thẩm vào ngày 7.12 tới đây. Tuy nhiên, những động thái mà một số cán bộ TAND Tối cao đã làm  thời gian qua cho thấy có dấu hiệu đáng lo ngại về tính công minh của bản án.

Những dấu hiệu không bình thường

Chúng tôi xin không nhắc lại nội dung vụ án nhưng có thể khẳng định ngay rằng, người 11 năm trước đã ra bản án số 583/HSTP ngày 22.4.2002 gây oan khốc cho ba thanh niên Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên là bà thẩm phán Hoàng Thị Kim Oanh. Hiện bà Hoàng Thị Kim Oanh đang giữ chức Phó chánh Tòa hình sự - TAND Tối cao. Đây là điều mà bấy lâu nay dư luận vẫn nghi ngờ rằng tại sao đã gần 2 năm nhưng TAND Tối cao vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. 

Sự nghi ngờ này không phải không có lý, bởi nếu kháng nghị của Viện KSND Tối cao được Hội đồng thẩm phán chấp nhận và tuyên vô tội cho 3 thanh niên kia, rất có thể Phó chánh Toà hình sự TAND Tối cao Hoàng Thị Kim Oanh và những cán bộ từ công an, tòa án đến VKS đã gây ra vụ án đó sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho 30 năm tù oan của 3 con người.   

Lãnh đạo VKSNDTC chúc mừng 3 thanh niên được trả tự do. Ảnh: CHÍ TÙNG
Lãnh đạo VKSNDTC chúc mừng 3 thanh niên được trả tự do. Ảnh: CHÍ TÙNG


Với một “kết cục xấu” như vậy, hẳn người ta sẽ tìm mọi cách để chứng minh mình đúng. Do vậy cách nào đó để kháng nghị của Viện KSND Tối cao không được chấp nhận,  hoặc chí ít là “trả hồ sơ, điều tra lại” rồi cho “thối án”, dẫn đến kết cục “hòa cả làng”, không ai phải chịu trách nhiệm là những phương án rất dễ  được tính đến. Có lẽ vì thế mà HĐTP xét xử vụ án đã liên tục yêu cầu Viện KSND Tối cao “bổ sung hồ sơ”, mặc dù hồ sơ kháng nghị đã rõ ràng, chẳng có gì cần phải bổ sung thêm gì nữa.

Một điều hết sức khó hiểu nữa là ngày 15.9.2011, HĐTP đã tổ chức cuộc họp bàn giải quyết vụ án nêu trên. Thành phần dự họp có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đại diện Viện KSND Tối cao (lãnh đạo Viện KSND Tối cao không dự cuộc họp này mà chỉ có cấp chuyên viên dự) và tất cả các cán bộ đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án trên thuộc Cơ quan điều tra, Viện KSND, TAND tỉnh Hà Tây (cũ) mà không mời luật sư, bị hại, bị án và những cán bộ công an Hà Nội – là những người đã xem xét lại đơn khiếu nại và đưa ra những chứng cứ gỡ tội cho các bị án.

Với những thành phần “áp đảo” như vậy, đương nhiên các cán bộ của ba ngành tư pháp tỉnh Hà Tây (cũ) đều khẳng định tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử tuyên phạt tù ba bị án có mức án trên là đúng, không oan sai. Sự có mặt của Ủy ban Tư pháp Quốc hội và Bộ Công an lần đầu tiên nghe vụ án hoặc chỉ mới xem lướt qua hồ sơ thì không thể nào nắm bắt hết được vụ án và khó mà có ý kiến sâu sắc được.

Nguyễn Đình Tình - một trong ba bị án đã mắc HIV trong khi bị tù.
Nguyễn Đình Tình - một trong ba bị án đã mắc HIV trong khi bị tù.


Liệu có vi phạm tố tụng?

Bình luận về vấn đề này, luật sư Phạm Thanh Bình (Cty luật Hồng Hà) cho rằng: “Theo quy định tại Điều 280 Bộ luật TTHS về những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm thì “phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của viện kiểm sát cùng cấp. Khi xét thấy cần thiết, tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và có thể triệu tập những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm”. Như vậy, ngoài những thành phần bắt buộc (các thẩm phán, đại diện VKS) thì trong những trường hợp cần thiết, tòa có thể triệu tập người bị kết án, người bào chữa, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm.

Việc HĐXX coi các điều tra viên đã từng điều tra vụ án này ở Công an tỉnh Hà Tây (cũ) là “những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị” để triệu tập họ đến phiên tòa cũng là sự thận trọng cần thiết. Nhưng nếu đã triệu tập những người này thì tòa cũng phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa, hay nói cách khác trong trường hợp đó thì nhất thiết phải có mặt người bị kết án, người bào chữa; còn “những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị” thì không nhất thiết.

Như vậy, việc HĐXX triệu tập các điều tra viên đã từng điều tra vụ án này ở Công an tỉnh Hà Tây (cũ) tham gia phiên tòa giám đốc thẩm mà lại không triệu tập người bị kết án, người bào chữa là không đúng với quy định của Điều 280 Bộ luật TTHS”.

TAND Tối cao là nơi cầm cân nảy mực cao nhất, là niềm tin của nhân dân vào sự công minh của pháp luật, nhưng những động thái trước phiên giám đốc thẩm của một số cán bộ HĐXX đã dấy lên sự lo ngại về tính khách quan của việc xét xử vụ án đặc biệt này.   

Chí Tùng/Lao động