Kỳ án hiếp dâm tại Hà Đông: "Xin sớm trả lại quyền công dân"

05/10/2011 06:23
Nam Phong
(GDVN) - Ba người trở về cuộc sống đời thường khi trên đầu vẫn 'lơ lửng' bản án, không nghề nghiệp ổn định, đến hạnh phúc riêng tư cũng dở dang...

Ngày 26/1/2010, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra Quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tuyên huỷ bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án oan hiếp dâm tại Hà Đông, tuyên các bị cáo Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên không phạm tội cướp tài sản và tội hiếp dâm, đồng thời tạm đình chỉ thi hành án đối với 3 bị cáo này, chờ phiên Giám đốc thẩm.

Đã hơn 20 tháng kể từ ngày Viện KSND tối cao ra quyết định tạm trả tự do cho ba chú cháu, anh em nhà họ Nguyễn Đình nhưng phiên tòa giám đốc thẩm vẫn chưa diễn ra. Ba người từng phải gánh chịu án oan hiếp dâm trở về cuộc sống đời thường khi trên đầu vẫn 'lơ lửng' bản án hiếp dâm, không chứng minh thư, không nghề nghiệp ổn định và đến cả hạnh phúc riêng tư cũng thiếu vẹn tròn.

Giờ đây, cả ba chàng thanh niên Nguyễn Đình Kiên (áo xanh) và Nguyễn Đình Tình.(áo kẻ) và Nguyễn Đình Lợi vẫn mỏi mòn chờ đợi ngày diễn ra phiên tòa Giám đốc thẩm.
Giờ đây, cả ba chàng thanh niên Nguyễn Đình Kiên (áo xanh) và Nguyễn Đình Tình.(áo kẻ) và Nguyễn Đình Lợi vẫn mỏi mòn chờ đợi ngày diễn ra phiên tòa Giám đốc thẩm.

Trở lại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) trong ngày đầu đông gió lạnh, mọi thứ dường như không có gì thay đổi. Có chăng là trên khuôn mặt của ba chàng thanh niên Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi và Nguyễn Đình Kiên cũng như những người thân của họ có thêm những nếp nhăn, quầng mắt thêm màu thâm.

Tại quán sửa chữa xe máy của Nguyễn Đình Lợi, tôi gặp cả Nguyễn Đình Kiên cũng có mặt tại đây. Hiện nay, vì không có nghề nghiệp nên hàng ngày, Kiên ra đây để phụ giúp Lợi sửa chữa xe máy cũng vừa để học nghề, vừa để “giết thời gian”.

Kiên tâm sự, “bây giờ chúng tôi đã ngoài 30 tuổi đầu rồi, sau 10 năm ngồi tù, nay chúng tôi đã trở về địa phương. Nhưng thật đáng buồn vì cả ba chúng tôi vẫn chưa được thừa nhận là công dân. Chúng tôi không có chứng minh nhân dân, bởi vậy mà trong cuộc sống gặp phải vô vàn những khó khăn…” Kiên thở dài.

Nguyễn Đình Kiên đùa rằng "có lẽ tôi sống một mình quen rồi, giờ mà có lấy vợ được chắc cũng không quen. Nhưng cũng không biết được đến bao giờ điều mà Kiên "không quen" ấy mới đến.
Nguyễn Đình Kiên đùa rằng "có lẽ tôi sống một mình quen rồi, giờ mà có lấy vợ được chắc cũng không quen. Nhưng cũng không biết được đến bao giờ điều mà Kiên "không quen" ấy mới đến.

“Chúng tôi cũng muốn đi học cái nghề gì đó hoặc đi làm để có thể tự nuôi sống bản thân, tuy nhiên điều đó là không thể. Bởi bây giờ chúng tôi không có chứng minh nhân dân, chưa chính thức được trả lại quyền công dân nên cũng chẳng thể học hành hay đi làm bất cứ việc gì cả. Lợi còn có nghề phụ là sửa xe máy và mở cửa hàng ở nhà làm thêm cho đỡ buồn. Tình có "vợ" nhưng cũng không thể đăng ký kết hôn vì thiếu chứng minh thư. Còn tôi… tôi có gì nào? Họ còn muốn chúng tôi phải chờ đợi đến bao giờ nữa?” – Kiên bức xúc.

Lợi có vẻ trầm tính hơn, ít nói và chỉ biết cắm đầu vào những bu-lông, ốc vít, những chiếc cờ-lê và những chiếc xe máy để khỏi phải nghĩ ngợi điều gì cả.

Ông Nguyễn Đình Lộc, bố đẻ của Nguyễn Đình Lợi tỏ ra rất bức xúc khi mà phiên tòa Giám đốc thẩm đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa thể diễn ra.
Ông Nguyễn Đình Lộc, bố đẻ của Nguyễn Đình Lợi tỏ ra rất bức xúc khi mà phiên tòa Giám đốc thẩm đã gần 2 năm nhưng vẫn chưa thể diễn ra.

Ông Nguyễn Đình Lộc, cha đẻ Lợi, ngồi bên, nhấp ngụm nước chè nóng thở dài ngao ngán “Gần 2 năm trời trôi qua rồi, nhưng em tôi, con tôi và cháu tôi vẫn chưa được trả lại quyền công dân. Phải chăng họ đang cố tình kéo dài thời gian để tìm cách giảm tội cho những người đã gây ra sự oan khuất mà ba đứa và gia đình chúng tôi phải chịu bấy lâu nay? Chúng tôi cũng chẳng mong gì ngoài việc nhà nước, pháp luật sớm xét xử để có kết luận cuối cùng để ba đứa nó còn làm việc, còn lấy vợ, sinh con. Không lẽ cứ để vậy để chúng chết già sao?”

Tới nhà Tình, căn nhà khóa cửa, PV gọi điện cho Tình và một lúc sau cậu có mặt ở nhà. Tình cho biết, hiện đang làm bảo vệ cho một công trường gần nhà với đồng lương ít ỏi 3,5 triệu đồng/tháng nhưng công việc phải thức đêm trông coi công trường. Công việc tuy không nặng nhọc lắm nhưng Tình phải thức đêm thức hôm trong khi trong người lại mang dịch bệnh thế kỷ nên ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe.

Nhắc tới chuyện phải đợi chờ phiên xét xử quá lâu, Tình ngao ngán và thở dài “tôi chẳng muốn nhắc đến làm gì cho bực mình. Chúng tôi càng mong mỏi bao nhiêu thì kết quả càng khiến chúng tôi thất vọng bấy nhiêu. Giờ chứng minh thư không có nên có được công việc cũng là tốt lắm rồi.”

Đôi mắt Tình luôn nhìn xa xôi về phía ngoài cửa và mọng đầy nước, những giọt nước mắt chỉ như muốn trào ra vì nỗi oan, sự cay đắng mà mình đang phải nặng gánh mang theo.
Đôi mắt Tình luôn nhìn xa xôi về phía ngoài cửa và mọng đầy nước, những giọt nước mắt chỉ như muốn trào ra vì nỗi oan, sự cay đắng mà mình đang phải nặng gánh mang theo.

Được biết, hiện ba chàng trai đã soạn đơn kiến nghị kêu cứu tới lãnh đạo Đảng và nhà nước cũng như Văn phòng Chính phủ để mong rằng chuyện oan khuất mà ba người phải chịu trong suốt mười năm qua sớm được trả lại công bằng.

Nguyễn Đình Lợi giờ đây tạm "coi như ổn" với cái "nghề" sửa xe máy.
Nguyễn Đình Lợi giờ đây tạm "coi như ổn" với cái "nghề" sửa xe máy.

ThS. Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi đã tham gia và theo đuổi vụ án từ cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm.

Xem hồ sơ vụ án cũng như khi gặp ba bị cáo, chúng tôi càng củng cố nhận định về việc ba thanh niên này không phải là người phạm tội Hiếp dâm như cáo trạng đã đưa ra.

Theo quy định tại điều 283 Bộ luật tố tụng hình sự về thời hạn giám đốc thẩm thì: “Phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị”.

Tuy nhiên đến thời điểm này, phiên tòa giám đốc thẩm vẫn chưa được mở. Như vậy, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”.

Nam Phong