Kỳ bí những huyền thoại quanh "Kim Tự Tháp" độc nhất tại Việt Nam

10/06/2012 06:56
Giữa đại ngàn núi rừng xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh có ngôi thành cổ vẫn chìm trong giấc ngủ, chờ hậu thế khám phá những bí ẩn cổ thành này nắm giữ.
Cứ tưởng những ngõ ngách rừng sâu núi thẳm trên dải đất hình chữ S đất nước Việt Nam đều đã có dấu chân người, ai ngờ cách trung tâm thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hơn 100km, giữa đại ngàn núi rừng xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh lại có ngôi thành cổ vẫn chìm trong giấc ngủ ngàn năm nay chờ hậu thế khám phá những bí ẩn cổ thành này nắm giữ.

Ngôi thành không dùng đến một mẩu vữa

Từ trung tâm xã Vĩnh Sơn, phải băng rừng lội suối cả nửa ngày đường mới đến thành cổ, nơi được bao bọc bởi màu xanh bất tận: Phía Tây là dãy Kon Srut (còn gọi là núi Nguyễn Huệ, tương truyền ngày xưa dãy núi có đường lên trời); phía Nam thành giáp với K’bang (nơi anh em Tây Sơn luyện tập trong những ngày đầu khởi binh).
Thành Tà Cơn
Thành Tà Cơn

Đứng phía dưới nhìn lên, tường thành là những phiến đá hình lục lăng thẳng đứng xếp chồng lên nhau cao tới 20-30 m. Có lẽ vì vậy mà người Ba Na mới gọi là thành Tà Kơn, tức đá xếp chồng lên nhau. Thành Tà Kơn hùng vĩ như một Kim Tự Tháp, những tảng đá nặng hàng chục ngàn tấn được xếp dính liền nhau. Đến nay chưa ai có thể giải thích ngày xưa làm thế nào những người Ba Na có thể đưa được những tảng đá khổng lồ đó lên; cũng chưa ai hiểu tại sao dù không có lớp vữa nào nhưng những tảng đá đó vẫn gắn khít lấy nhau, thi gan cùng tuế nguyệt.

Người dẫn đường có tên Đinh Clam nói: “Người xưa truyền tụng rằng ngày xưa khi đi xây thành, có những hòn đá mài ra chất keo, dính những tảng đá lại với nhau. Thế nên mới có chuyện người đời sau mê mải đi tìm những hòn đá này mà đào bới khu vực thành, tạo thành những hang sâu hoắm nhưng hết đời này đến đời khác đào bới mà vẫn chưa tìm thấy loại “đá thần” đó ở đâu”.
Già làng Đinh Quới, trường thôn Konblo cho biết: “Thành có hai cửa đi vào trong đó có một cửa tử và một cửa sinh. Truyền thuyết cho rằng nếu ai đi nhầm vào cửa từ thì đó chính là đường xuống âm phủ sâu hun hút và chỉ có nước chết; còn nếu đi vào cửa sinh thì sẽ đi lên đỉnh thành và gặp trời”. Không biết thực hư thế nào nhưng chỉ biết vì huyền thoại này, vài năm trước đây một số người dân địa phương đã lên đánh sập cửa hang bởi họ sợ “đi nhầm vào cửa tử”.

Những huyền thoại bất tử

Người dân Ba Na ai cũng tự hào về thành cổ Tà Kơn. Trong các lễ hội của làng, những truyền thuyết về ngôi thành này lại được các già làng kể say sưa trong hơi men của rượu, khói thuốc lá cuộn cho con cháu nghe với niềm tự hào bất tận về cha ông mình. Già làng Đinh Quới không giấu giếm niềm tự hào: “Tà Kơn xưa kia vốn là ngôi nhà của ba anh em gồm hai ông vua Trum, Trăm và cô em Bia Tơni xinh đẹp, thông minh. Một vị vua xứ khác có ý định cầu hôn Bia Tơni nhưng không thành nên nảy sinh ý chiếm đoạt, kéo quân đánh thành Tà Kơn. Bị vị vua xâm lược giở nhiều thủ đoạn, hai vị vua Trum, Trăm hoảng loạn phá thành , đạp nóc nhà và bỏ chạy về hướng biển Đông rồi biến mất, còn công chúa Bia Tơni đi về đồi Kônsơrut (tức làng K2 xã Vĩnh Sơn ngày nay), nơi ấy người ta gọi là vườn cam Nguyễn Huệ. Sau đó người làng Kon Blò không biết gì về ba anh em nhà vua nữa nhưng dấu tích thành cổ như vẫn chứng minh sự thịnh vượng của một vương triều xa xưa”. Nhiều người dân Ba Na còn truyền tai nhau một truyền thuyết khác, thường được kể trong các mùa lễ hội: “Ngày xưa, trong làng có nàng Hơ-Bia rất xinh đẹp. Thần núi đem lòng yêu mến và muốn lấy nàng làm vợ rồi hai người thành vợ chồng và cùng nhau xây nên thành Tà-Kơn này”.
Thời gian trôi qua, rêu phong phủ xanh thành và những lớp lang truyền thuyết vẫn cứ mãi là điều bí ẩn, nhưng tất cả người dân Ba Na ở đây vẫn xem Tà Kơn là niềm tự hào của mỗi lớp người. Hàng năm, người làng đều mang đến thành Tà Kơn một con dê để cầu xin ba anh em nhà vua bảo hộ cho dân làng.

Căn cứ của nhà Tây Sơn?

Khác với truyền thuyết, nhiều người dân địa phương còn có niềm tự hào lớn không kém khi cho rằng thành chính là căn cứ đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn trong những ngày đầu khởi nghĩa.
Ông Đinh Bá Hòa, giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, người có nhiều tâm huyết với thành cổ này cho biết: “Có thể đây là cứ điểm quân sự bởi ngay những năm đầu khởi binh, ba anh em nhà Tây Sơn từng ở Vĩnh Thạnh để tiếp cận với bầy ngựa hoang ở Hòn Cong (thuộc huyện Kbang, tình Gia Lai) mà thuần phục chúng phục vụ cho nghĩa binh. Bên cạnh đó vị trí địa lý của Vĩnh Thạnh cũng là một căn cứ điểm mà bất cứ nhà quân sự thiên tài nào cũng không bao giờ bỏ qua bởi đường lên thành là con đường độc đạo, rất dễ cố thủ bảo vệ. Chính vì thế nên chưa một lần nào quan quân nhà Nguyễn dám tấn công lên cứ điểm quân sự này”.
Cho đến giờ, thành cổ Tà Kơn vẫn miệt mài “giấc ngủ” giữa rừng sâu và kiến trúc kỳ bí của nó vẫn đầy tranh cãi, luôn hấp dẫn những ai muốn khám phá. Và hàng ngày, những câu chuyện về Tà Kơn vẫn tiếp tục được các già làng kể lại cho con cháu với niềm tự hào. Ông Đinh Khánh, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn tiếc nuối: “Thành cổ Tà Kơn đẹp lắm nhưng chính quyền địa phương, các cấp ngành văn hóa, lịch sử… chưa có kế hoạch bảo tồn và cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào về thành cổ này”.