Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sẽ lựa chọn chất vấn 4 nhóm vấn đề

17/05/2019 16:44
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ngày 17/5, Tổng Thư ký Quốc hội đã chủ trì họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 7 sẽ được khai mạc vào ngày 20/5 và làm việc trong 20 ngày. Thời gian bế mạc dự kiến và ngày 14/6.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 – năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về Kỳ họp thứ 7. Ảnh: Ngọc Thắng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin về Kỳ họp thứ 7. Ảnh: Ngọc Thắng.

Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (12 ngày, chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian của kỳ họp).

Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật, 2 Nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án Luật.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Tại họp báo, các phóng viên có đặt câu hỏi với Tổng Thư ký Quốc hội về nhóm vấn đề nào sẽ được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội cho hay: “Về các nội dung chất vấn tại kỳ họp, chúng tôi đã có văn bản gửi xin ý kiến các đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề xin ý kiến chất vấn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục lấy ý kiến của đại biểu khi về dự kỳ họp.

Sau phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, chúng tôi sẽ tiếp tục tập hợp ý kiến các đại biểu để chọn ra 6-7 nhóm vấn đề.

Sau đó, sẽ gửi văn bản xin ý kiến đại biểu Quốc hội, 4 nhóm vấn đề nào đại biểu chọn nhiều nhất sẽ được chất vấn tại kỳ họp.

Đến thời điểm này, chưa có nhóm vấn đề cụ thể chất vấn tại kỳ họp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Tổng Thư ký Quốc hội trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm
Tổng Thư ký Quốc hội trả lời các câu hỏi của phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm

Các phóng viên đặt câu hỏi, thời gian vừa qua có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm do lái xe sử dụng rượu bia gây ra, tại Kỳ họp 7, Quốc hội có ra nghị quyết về xử lý lái xe uống rượu bia gây tai nạn giao thông?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đã đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết để xử lý tình trạng lái xe uống rượu bia vì có nhiều ý kiến cử tri cho rằng hình phạt hiện nay quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Theo ông Phúc, ở Việt Nam, các hình phạt hình sự được quy định trong Bộ Luật Hình sự, các hành vi xử phạt hành chính nằm trong Luật Xử phạt hành chính. 

"Trước tình hình trên, tại phiên họp 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị tăng hình phạt. Trong Kỳ họp thứ 7 này Quốc hội có thể ra Nghị quyết riêng hoặc chung để có hình thức xử lý ngay được lái xe uống rượu bia gây tai nạn", ông Phúc nói.

Đỗ Thơm