La Viện dâng kế chiếm đoạt bãi Cỏ Mây

23/07/2015 11:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Lý lẽ ngô nghê này của La Viện cho thấy một điều, ông ta đang tự dối mình và gạt người, chỉ có những kẻ ngô nghê không hiểu gì hoặc tham quá mất khôn mới nói.
La Viện.
La Viện.

Thời báo Hoàn Cầu ngày 22/7 đăng bài bình luận của La Viện, một viên Thiếu tướng về hưu, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc về 6 phương án chiếm đoạt bãi Cỏ Mây nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện Philippines đang cắt cử lực lượng chiếm đóng tại đây.

La Viện tìm mọi cách buộc tội Philippines: "Philippines là kẻ gây rắc rối ở Biển Đông. Gần đây Philippines đơn phương phá hoại nhận thức chung mà Trung Quốc và nước này đã thống nhất về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, khăng khăng kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc ở The Hague. Tổng thống Philippines còn nhục mạ Trung Quốc là phát xít.

Quân đội Philippines đang gia cố chiến hạm cũ trên bãi Cỏ Mây, chuẩn bị đưa chiến đấu cơ và chiến hạm vào căn cứ Subic, tăng cường sức mạnh quân sự trên Biển Đông, nghênh ngang tuyên bố đối phó với Trung Quốc. Trước các hành vi khiêu khích gây hấn của Philippines, chúng ta cần phải cho họ biết rằng khiêu khích sẽ phải trả giá, cái giá phải trả sẽ lớn hơn cái họ được, chỉ có như thế mới khiến Philippines thấy mà rút lui" (?!).

Ai gây rối ở Biển Đông, bành trướng lãnh thổ, giễu võ dương oai phá hoại hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực, trật tự và luật pháp quốc tế trên Biển Đông hẳn cả thế giới đều rõ, Trung Quốc chứ không phải ai khác. Cái ông Viện nói là Philippines đơn phương hủy bỏ "nhận thức chung" giữa 2 nước đã được các nhà lãnh đạo Philippines nhiều lần khẳng định, khởi kiện Trung Quốc là vạn bất đắc dĩ sau 18 năm đàm phán không đi tới đâu vì sự ngang ngược không chấp nhận được của Bắc Kinh: Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác.

Những hoạt động củng cố quốc phòng, nâng cao năng lực phòng thủ không riêng gì Philippines mà các bên liên quan ở Biển Đông đều phải tiến hành bởi chính mối đe dọa bành trướng quân sự từ Trung Quốc. Thực tiễn bài học Trung Quốc chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012 hay việc kéo giàn khoan và hạm đội tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái cũng như việc Bắc Kinh ngang nhiên cho tàu cắt cáp tàu Việt Nam trước đó là những bài học nhãn tiền.

Xác chiến hạm Philippines lấy làm căn cứ đồn trú ở bãi Cỏ Mây, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang nhảy vào tranh chấp.
Xác chiến hạm Philippines lấy làm căn cứ đồn trú ở bãi Cỏ Mây, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang nhảy vào tranh chấp.

Tuy nhiên Philippines cũng ý thức rất rõ và công khai thừa nhận rằng họ không phải đối thủ của Trung Quốc về mặt quân sự. Nhưng điều đó không có nghĩa là các bên liên quan cũng như Philippines cam tâm chấp nhận sự lấn lướt, uy hiếp, bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Còn những lời đe dọa của La Viện thì chỉ nói cho sướng miệng và thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận người Trung Quốc đang bị những học giả "hỏa lực mồm" như ông Viện tiêm nhiễm chủ nghĩa bành trướng đại Hán mà thôi.

Ông Viện lập luận: "Thủ đoạn mà Philippines lựa chọn ở Biển Đông là khuấy cho đục nước, biến vấn đề chủ quyền thành vấn đề quyền hàng hải. Bản chất tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông là vấn đề chủ quyền đối với các đảo, nhưng Philippines lại kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) chẳng liên quan gì đến chủ quyền (?!).

Philippines biết rõ rằng UNCLOS chỉ bàn về hoạch định các vùng nước như nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển quốc tế chứ không bàn vấn đề chủ quyền. UNCLOS chỉ quản biển chứ không quản đất, trong khi 'đất thống trị biển'.

Nói cách khác chỉ khi nào giải quyết được vấn đề chủ quyền mới đến lượt vấn đề quyền hàng hải. Tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines hiện nay là chủ quyền chứ không phải quyền hàng hải. Chủ quyền nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của UNCLOS, nhưng Philippines lại cố gắng đánh tráo khái niệm của UNCLOS, điên đảo thị phi".

Thoạt nghe lập luận này có vẻ như La Viện am tường luật lệ quốc tế, đặc biệt là UNCLOS lắm, nhưng chính ông Viện đang đánh tráo khái niệm, cố tình lặp lờ đánh lận con đen để ngụy biện cho Bắc Kinh nhằm trốn tránh vụ kiện, trốn tránh nghĩa vụ tuân thủ Công ước của một nước thành viên UNCLOS trong việc áp dụng, giải thích cũng như chịu sự ràng buộc của Công ước này.

Đầu tiên ông Viện nói là "tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines ở Biển Đông là tranh chấp chủ quyền, không phải quyền hàng hải". Đó chỉ là cách ngụy biện của Bắc Kinh, bởi lẽ Manila đưa ra yêu sách vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa ở Biển Đông, bao gồm Scarborough và một số thực thể nằm ở phía Đông quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) dựa theo các quy định của UNCLOS.

Lính Philippines ngoài bãi Cỏ Mây trước sự lượn lờ theo dõi, chống phá tiếp tế của các tàu Hải giám (nay là Cảnh sát biển) Trung Quốc.
Lính Philippines ngoài bãi Cỏ Mây trước sự lượn lờ theo dõi, chống phá tiếp tế của các tàu Hải giám (nay là Cảnh sát biển) Trung Quốc.

Do đó việc Philippines kiện Trung Quốc áp dụng và giải thích sai UNCLOS với đường lưỡi bò và các hoạt động chiếm đóng bất hợp pháp làm phương hại quyền và lợi ích của các thành viên khác của UNCLOS, ngăn cản hoạt động của phía Philippines trong các vùng biển nước này yêu sách theo UNCLOS chẳng có gì sai cả.

Ông Viện cũng đưa ra một khái niệm mới nghe có vẻ rất "chuyên môn" là nguyên lý "đất thống trị biển" để viện dẫn cho việc "giải quyết tranh chấp chủ quyền trước, tranh chấp các vùng biển chồng lấn sau" để né tránh vụ kiện của Philippines. Nhưng La Viện đã lờ đi một sự thật rằng, nếu nói về nguyên lý "đất thống trị biển" thì rõ ràng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), bãi cạn Scarborough đều không liên quan gì đến thềm lục địa Trung Quốc.

Còn cái gọi là yêu sách chủ quyền dựa vào "căn cứ lịch sử", "vùng nước lịch sử" chỉ là sự ảo tưởng và tham vọng bành trướng của Trung Quốc mà thôi. Ngay cả cái đường lưỡi bò Trung Quốc còn không thể chứng minh hay giải thích nó là cái gì thì đừng nói chuyện "vận dụng" luật pháp quốc tế hay UNCLOS.

Về vấn đề bãi Cỏ Mây, La Viện dâng kế 6 bước chiếm đoạt: "Tôi cho rằng có thể tổ chức họp báo quốc tế về vấn đề bãi Cỏ Mây, nói rõ với dư luận quốc tế về đầu đuôi câu chuyện bãi Cỏ Mây và căn cứ chủ quyền của Trung Quốc, công bố tuyên bố của Philippines năm xưa về việc 'xin' đặt chiến hạm mắc cạn ở bãi Cỏ Mây và cam kết sẽ kéo chiến hạm này khỏi đây, giải thích sự chiếu cố của ta với Philippines vì lý do nhân đạo cũng như sự kiềm chế, nhẫn nại của Trung Quốc.

Sau khi dư luận quốc tế hiểu được chân tướng sự việc bãi Cỏ Mây, chúng ta có thể đưa ra phương án giải quyết sự kiện bãi Cỏ Mây thấu tình đạt lý:

1. Đôn đốc Philippines tự giác rời xác chiến hạm này, hoặc tháo dỡ mang đi.

2. Xây dựng bảo tàng Cứu nạn cứu hộ hàng hải Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây lấy xác chiến hạm Philippines làm hiện vật để phục vụ tham quan, giáo dục (chủ nghĩa bành trướng đại Hán). Trung Quốc có thể trả chi phí hiện vật cho Philippines.

3. Trung Quốc phái tàu kéo giúp Philippines kéo chiến hạm khỏi bãi Cỏ Mây, theo thông lệ quốc tế thì mọi chi phí sẽ do Philippines thanh toán.

4. Với lực lượng binh sĩ Thủy quân Philippines đồn trú trên xác chiến hạm này, có thể xử lý như quy chế với người tị nạn. chiếu cố nhân đạo.

5. Đối với các tổn thất môi trường do xác chiến hạm Philippines gây ra ở bãi Cỏ Mây trong thời gian dài cần phải được tính lũy tiến.

6. Nếu Philippines rượu mừng không uống muốn uống rượu phạt, chúng ta chỉ có thể cưỡng chế tháo dỡ xác chiến hạm của Philippines, bắt giữ binh lính đồn trú và chiếm bãi Cỏ Mây."

Những lý lẽ ngô nghê này của La Viện cho thấy một điều, ông ta đang tự dối mình và gạt người, chỉ có những kẻ ngô nghê không hiểu gì hoặc tham quá mất khôn mới nói ra những điều vô nghĩa như vậy - PV.

Hồng Thủy