Làm rõ phản ánh "sân sau" của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy

03/08/2016 06:24
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trực tiếp đặt ra yêu cầu này với ông Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy vào chiều 2/8.

Trực tiếp trả lời chất vấn tại Hội đồng nhân dân thành phố chiều 2/8, khi đề cập tới tình hình phòng chống cháy nổ, Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn nêu ra câu hỏi: Dư luận đặt câu hỏi liệu cảnh sát phòng cháy chữa cháy có sân sau không?

Ông Chung đặt vấn đề: “Tôi đề nghị anh Định (ông Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội) cho kiểm tra lại thông tin này mà cử tri đã nêu với Ban cán sự UBND thành phố và nêu với lãnh đạo thành phố.

Nếu có thì phải khắc phục và phải nghiêm túc xử lý, chứ không có chuyện đưa người vào làm rồi khi kiểm tra và họ sai thì không nói được”.

Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu làm rõ phản ánh: Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội có "sân sau" không? ảnh: Nguyễn Dũng.
Ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu làm rõ phản ánh: Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội có "sân sau" không? ảnh: Nguyễn Dũng.

Từ thực tế có quá nhiều tòa nhà trên địa bàn Thủ đô xảy ra sự cố cháy nổ, ông Nguyễn Đức Chung nói thẳng: "Hà Nội luôn mong muốn các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố, nhưng chỉ khuyến khích các đơn vị làm ăn chân chính, còn những doanh nghiệp vi phạm thì sẽ bị xử lý.

Ví dụ như tập đoàn Mường Thanh, 15 công trình không đạt điều kiện phòng cháy chữa cháy thì không thể chấp nhận được".

Theo ông Chung, thành phố Hà Nội sẽ xử lý các sai phạm quyết liệt, nếu doanh nghiệp không tự giác khắc phục thì sẽ chịu cưỡng chế như đối với công trình 8b Lê Trực.

Thành phố sẽ đứng ra thuê các công ty khắc phục sự cố, nhưng chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí. Đồng thời, thành phố sẽ không phê duyệt các dự án tiếp theo đối với những doanh nghiệp thuộc diện này.

Liên quan tới công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Thủ đô, Chủ tịch HĐND thành phố - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong báo cáo của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có nêu 6 tháng đầu năm vừa qua, không có vụ cháy lớn nào xảy ra.

Số vụ hỏa hoạn là 397 vụ, giảm so với cùng kỳ, nhưng số người chết và thiệt hại tài sản không giảm (ước tính 15 tỷ).

Làm rõ phản ánh "sân sau" của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy ảnh 2

Hà Nội đang yếu kém những gì?

Bởi vậy, UBND thành phố và các cấp cần phải tiếp tục giám sát và đôn đốc công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, đồng thời có những giải pháp quyết liệt hơn:

Thứ nhất, theo luật, đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của chính quyền các cấp chứ không chỉ riêng cơ quan phòng cháy chữa cháy.

Tới nay sự tham gia và tham mưu của các cấp, các ngành chưa quyết liệt, kết quả đạt được chưa cao, không có phân công phân nhiệm cụ thể. 

Thứ hai, UBND thành phố chỉ đạo sở, ngành tăng cường kiểm tra và khắc phục những nơi đã thanh tra và phát hiện sai phạm trước đó. Đồng thời xem xét và xử lý kiên quyết những chủ đầu tư vi phạm, chưa được cấp phép nhưng đã cho người dân vào ở.

Thứ ba, công khai danh tính những chủ đầu tư chưa có cấp phép phòng cháy chữa cháy và bàn giao.

Thứ tư, tuyên truyền rộng rãi để người dân tự thấy trách nhiệm của mình. Hầu hết các vụ cháy xảy ra đều do bất cẩn khi sử dụng các thiết bị.

Thứ năm, đề nghị Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố theo sát vấn đề này vì nó liên quan trực tiếp tới an sinh xã hội.

Tránh hình sự hóa các vấn đề hành chính, kinh tế

Trả lời về cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, công tác kiện toàn bộ máy thực hiện theo đúng nguyên tắc, đúng chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thành uỷ, bảo đảm yêu cầu ổn định, không ảnh hưởng đến chất lượng công việc.

Đến nay đã sắp xếp được 10 sở, giảm 21 các phòng, 24 đơn vị sự nghiệp công lập và giảm 21 trưởng phòng, 63 phó phòng.

Tiếp theo sẽ sắp xếp 12 sở còn lại và 70 ban quản lý dự án của UBND thành phố.

Đến tháng 10/2016, khi toàn bộ việc sắp xếp hoàn thành sẽ giảm 37 phòng, 18 trưởng phòng, 83 phó trưởng phòng ở 34 đơn vị sự nghiệp và 35 ban quản lý dự án.

“Quá trình sắp xếp phải làm thận trọng, tỉ mỉ, hài hoà giữa lợi ích nhà nước, lợi ích người lao động và tính chất công việc để không gây xáo trộn”, ông Chung cho biết.

Một nội dung khác cũng hết sức quan trọng là xử lý ra sao đối với các doanh nghiệp nợ đọng thuế?

Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Giữa cục thuế và Công an thành phố đã có sự phối hợp vào cuộc xác định số nợ, sử dụng biện pháp hành chính để thu hồi.

Chỉ khi nào cưỡng chế không được mới chuyển sang Công an thành phố xử lý, tránh việc hình sự hóa vấn đề hành chính kinh tế.

Đề nghị Công an thành phố kiểm soát chặt chẽ các vụ việc trốn thuế, nợ thuế nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện phát triển và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trước đó, tại buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội vào chiều 26/7, Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã ban hành 807.663 lượt thông báo tiền nợ thuế và tiền chậm nộp; 6.967 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản đối với 4.121 doanh nghiệp, với số tiền thuế nợ 4.572 tỷ đồng.

Cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng đối với 1.034 doanh nghiệp, số tiền nợ là 2.326 tỷ đồng.

Thực hiện công khai danh sách 807 đơn vị nợ tiền thuế phí, tiền thuê đất với tổng số nợ là 1.713 tỷ đồng.

Ngọc Quang