Làm sao để trở thành giáo viên dạy giỏi?

03/02/2019 06:23
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Chuyện có giấy chứng nhận dạy giỏi các cấp hay không, thực ra không quan trọng với nhà giáo có tâm có tầm mà quan trọng được học trò và phụ huynh công nhận.

LTS: Thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ bài viết thể hiện góc nhìn về hình ảnh của một giáo viên dạy giỏi thực sự.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thi giáo viên dạy giỏi trong ngành giáo, đã để lại quá nhiều “dư âm bất cập”. 

Khách quan mà nói, cuộc thi này đã phát hiện, bồi dưỡng thành tài nhiều nhà giáo tâm huyết, qua các thời kì phát triển của giáo dục. 

Thế nhưng, "bệnh thành tích" đã biến cuộc thi tốt đẹp này thành một thứ “ung nhọt” đáng xấu hổ; người ta coi giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi các cấp là “tờ giấy thông hành giả dối”. 

Vì vậy, không ít người “reo vui” khi Bộ có ý kiến bỏ cuộc thi giáo viên dạy giỏi! Cũng có người còn đề nghị Bộ bỏ hết các cuộc thi của ngành giáo dục!

Làm thế nào để trở thành giáo viên dạy giỏi? Ảnh minh hoạ: VOV
Làm thế nào để trở thành giáo viên dạy giỏi? Ảnh minh hoạ: VOV

Nhìn một cách tích cực, các cuộc thi của ngành giáo dục vẫn có ưu điểm, chứ không phải chỉ có hoàn toàn khuyết điểm. Việc làm cho nó trở nên “bệnh hoạn” là khâu tổ chức từ cơ sở. 

Chính vì vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu mỗi giáo viên phải đổi mới chính mình.

Thành công hay thất bại của ngành không thể mình Bộ trưởng làm được, nó có đóng góp chủ yếu từ đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở và giáo viên đứng lớp. 

Chuyện có giấy chứng nhận dạy giỏi các cấp hay không, thực ra không quan trọng với nhà giáo có tâm, có tầm; cái quan trọng với họ là có được phụ huynh, học sinh “công nhận giáo viên giỏi hay không”. Đó mới là vấn đề then chốt.

Vậy làm sao để phụ huynh, học sinh “cấp” giấy chứng nhận dạy giỏi cho mình? 

Thành công trong nghề dạy học, không chỉ đơn giản phải yêu trẻ và có kiến thức “biết tuốt”; đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ.  

Lạc quan, tài sản vô giá của người thầy!

Làm sao để trở thành giáo viên dạy giỏi? ảnh 2Chúng tôi đi thi giáo viên dạy giỏi

Trong thế giới phẳng hôm nay, không gì có thể dấu, muốn dấu thì đừng làm.

Vì thế thái độ nhìn nhận của giáo viên với các vấn đề, cần phải tích cực, thái độ này truyền đến học sinh, đối tượng tương tác của người thầy.  

Thái độ tích cực, lạc quan trong cuộc sống, thể hiện bản lĩnh chính trị, quan điểm sống tích cực. Nó sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề hiệu quả và nhanh nhất có thể, kể cả giải bài tập.

Không cần nghiêm trọng hóa vấn đề dù đó là nhỏ hay lớn, sai thì sửa; quan điểm lạc quan này sẽ giúp bạn tự tin và thành công hơn khi giảng bài trong mắt học trò; nhỡ nhầm lẫn thì xin lỗi, nếu hôm sau mới phát hiện ra, xin lỗi vẫn chưa muộn.

Nụ cười, mười thang thuốc bổ!

Một giáo viên hài hước, vui vẻ, trên môi luôn nở nụ cười, mở đường vào tâm hồn, tri thức của học sinh dễ dàng hơn nhiều "một bộ mặt khó ưa". Nụ cười của giáo viên, hóa giải căng thẳng xảy ra trong trong học tập. 

Mọi vần đề được nhìn dưới góc hài hước, vui vẻ, giúp đem lại niềm vui và sự hứng thú học tập cho học sinh, khiến chúng háo hức và mong chờ được đến lớp học. 

Điều quan trọng, sự vui vẻ, hài hước của giáo viên, dễ truyền cảm hứng đến với học sinh; học sinh trở thành người vui vẻ và tích cực trong cuộc sống, trong học tập.

Người hài hước, vui vẻ thường là người thông minh là vì vậy.  

Hy vọng, nâng cánh ước mơ của cả thầy và trò!

Làm sao để trở thành giáo viên dạy giỏi? ảnh 3Bộ Giáo dục đã chỉ đạo, thi giáo viên giỏi phải giữ nguyên sĩ số

Ước mơ, không ai đánh thuế, làm giáo viên mà không khơi dậy ước mơ của học trò thì không thể làm thúc đẩy khát khao thực hiện ước mơ, tạo động lực phấn đấu.

Đừng bao giờ chôn vùi ước mơ của ai, đặc biệt là của học trò.

Có học sinh mơ làm ca sĩ, giáo viên thẳng thừng “em vừa lùn, vừa đen, vừa xấu, sao ước mơ viển vong thế?”, giáo viên đó chắc rằng chẳng dạy nổi ai thành người, vì họ không có một chút ước mơ san sẻ với người khác. 

Chúng ta vẫn hy vọng có thưởng Tết, có lương tháng 13, sống được bằng lương của mình hàng chục năm rồi, cứ dạy, cứ cống hiến sẻ chia đó thôi.

Làm việc có kế hoạch của thầy và trò!

Có kế hoạch giúp chúng ta thành công một nửa, nếu kế hoạch tốt. Vì vậy mỗi tiết dạy giáo viên cần có kế hoạch cho mình và … cho cả học trò.

Một giáo viên làm việc có kế hoạch, học sinh cũng học được kĩ năng lên kế hoạch cho mình. 

Hôm nay dạy cái gì, làm cái gì, đạt mục tiêu nào; học sinh phải chuẩn bị như thế nào, bắt buộc phải thực hiện tốt ngay từ tiết học đầu tiên. Chính tính kế hoạch tạo thói quen học tập tốt cho học sinh.

Khi có kế hoạch rồi, học sinh sẽ tự học, lúc đó mọi cám dỗ sẽ bị “…không dám đâu, em còn phải học bài… hổng dám đâu”.

Chuẩn mực trong nhận xét, đánh giá!

Nhận xét đánh giá hay nhất là trung thực, với cảm xúc và suy nghĩ của mình. Thế nhưng, với học trò, hay nhất là giúp học trò vượt lên chính mình. 

Khi buộc phải nhận xét, đánh giá, học trò, cần giữ sự công tâm. Nếu khen A. vì đi học thầy, chê B. vì không đi học thầy, mọi sự tôn trọng của học trò với thầy đã đổ xuống sông rồi. 

Khen học trò khen vừa đúng thực tại, hướng tới tương lai. Chê học trò, chê tế nhị, khéo léo, không làm tổn thương trái tim, tâm hồn nhạy cảm của nó, chê trong bao dung. 

Dạy học, thành công nhất là sống trong trái tim học trò; những giấy chứng nhận, bằng khen chỉ có giá trị dài nhất vài năm xét thi đua; được sống trong niềm tin yêu của học trò, phụ huynh, thời hạn là mãi mãi.

Mai này, học trò cũ đi ngang mộ thầy, kính cẩn ngiêng mình, thắp nén tâm nhang, mới thực sự là giáo viên dạy giỏi của nhân dân.     

Sơn Quang Huyến