Làm thật ăn cháo, làm láo được khen

13/06/2017 06:46
Nguyễn Cao
(GDVN) - Những giáo viên dạy có trách nhiệm, nghiêm túc trong thi cử, đánh giá học trò khách quan, không muốn chạy theo thành tích ảo thì bao giờ cũng thua thiệt.

LTS: Trong trường học hiện nay, những giáo viên biết xu nịnh và làm vừa lòng Ban giám hiệu thường được đánh giá cao hơn những giáo viên thật thà chỉ biết chú tâm đến chuyên môn.

Thầy giáo Nguyễn Cao phản ánh thực tế đáng buồn trên và bày tỏ tâm tư của những giáo viên trung thực, nghiêm túc.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có một sự thực là trong những năm qua, chất lượng giảng dạy và học tập “thật” ở một số trường học không cao, nhất là những trường thuộc khu vực nông thôn, những vùng khó khăn.

Nhiều học sinh đến trường nhưng mải chơi, không có tâm thế học hành.

Thế nhưng, vì nhiều những qui định ngặt nghèo của trường, của ngành và cả sự háo danh của một bộ phận giáo viên nên có nhiều thầy cô giáo đã nâng điểm để một số em học sinh được đủ điểm trung bình, thậm chí được xếp loại cao trong học tập.

Sau mỗi năm học, các trường học đều nhận được bảng thống kê chất lượng giảng dạy của Phòng, Sở gửi về.

Từ những số liệu thống kê trung bình môn của các môn học được cấp trên gửi về, các trường sẽ có những kế hoạch cụ thể cho trường mình ở năm học tiếp theo.

Những giáo viên nghiêm túc, có trách nhiệm nhưng không biết xu nịnh, làm vừa lòng Ban giám hiệu thường chịu nhiều thiệt thòi. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Những giáo viên nghiêm túc, có trách nhiệm nhưng không biết xu nịnh, làm vừa lòng Ban giám hiệu thường chịu nhiều thiệt thòi. (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Vì thế, việc đầu tiên của một năm học là đăng kí các chỉ tiêu thi đua giữa các tổ, các cá nhân trong trường.

Ban giám hiệu nhà trường cứ lấy số liệu trung bình của Phòng, của Sở làm mốc điểm cho việc đăng kí chỉ tiêu của trường mình. Các tổ chuyên môn phải nhìn vào đó để đăng kí chỉ tiêu.

Tổ nào đăng kí tỉ lệ học sinh khá giỏi thấp hơn, học sinh yếu kém cao hơn trung bình của huyện, của tỉnh là Ban giám hiệu nhất quyết không chịu. Ít nhất là phải bằng với mặt bằng chung trên địa bàn.

Trong khi, mỗi trường đều có những đặc điểm và tình hình khác nhau. Nơi có điều kiện kinh tế chắc chắn sẽ được đầu tư và quan tâm nhiều hơn của phụ huynh thì chất lượng cao đã đành.

Những khu vực kinh tế còn khó khăn mà cứ ép giáo viên phải có tỉ lệ học sinh khá giỏi bằng với những nơi như thị trấn, thành phố là một điều hoàn toàn khiên cưỡng.

Nhưng, chuyện đó lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo của ngành có lẽ không quan tâm lắm.

Điều quan trọng là hướng tới việc phải có học sinh khá giỏi nhiều và hạn chế tối đa học sinh yếu kém trong phạm vi đơn vị mình phụ trách.

Vì cấp trên của giáo viên muốn vậy, nên các tổ chuyên môn cũng bắt buộc cho các giáo viên đăng kí chỉ tiêu thi đua. Và, dĩ nhiên là có một cuộc chạy đua chỉ tiêu ngầm với nhau giữa các giáo viên.

Làm thật ăn cháo, làm láo được khen ảnh 2

Ai đủ sức chữa được những “bệnh” này ở nhà trường, giáo viên?

Dù bằng cách nào không biết nhưng cuối năm phải có những số liệu đẹp để tổng kết và báo cáo.

Vì thế, nhiều giáo viên đã cho điểm rất thoáng, bài kiểm tra định kì, thường xuyên nếu thấy thấp là cho học sinh kiểm tra lại mới lấy điểm.

Nhiều giáo viên trong quá trình kiểm tra trên lớp luôn lờ đi những chuyện học sinh trao đổi, quay cóp bài của nhau.

Cũng chính từ cách dạy và coi thi không nghiêm túc như vậy mà nhiều lớp, nhiều học sinh có điểm cao chót vót. Không đúng với chất lượng giảng dạy và học tập của cả thầy và trò.

Những giáo viên dạy có trách nhiệm, nghiêm túc trong thi cử, đánh giá học trò khách quan, không muốn chạy theo thành tích ảo thì bao giờ cũng thua thiệt.

Cuối năm, có tỉ lệ học sinh có điểm yếu kém nhiều hơn, học sinh khá giỏi thấp hơn những đồng nghiệp cùng môn trong trường.

Và, tất nhiên những giáo viên này phải chịu sự chỉ trích từ tổ chuyên môn, từ nhà trường về việc dạy dỗ làm sao mà để chất lượng giảng dạy thấp như vậy.

Không chỉ bị thua thiệt so với đồng nghiệp mà những giáo viên nghiêm khắc trong giảng dạy cũng không nhận được thiện cảm với học trò.

Trong mỗi kì thi học kì, giáo viên nào dễ dãi thì mới bước vào lớp là học sinh reo hò, mừng rỡ.

Những giáo viên nghiêm khắc bước vào lớp là học sinh lặng im thin thít, thì thào to nhỏ khi gặp phải “bà chằn”, phải ông thầy khắt khe, khó tính.

Theo qui định hiện hành mỗi năm giáo viên phổ thông phải dự 18 tiết của đồng nghiệp nhưng có nhiều giáo viên cũng không bố trí dự đủ vì kẹt giờ, vì bận bịu công việc giảng dạy.

Làm thật ăn cháo, làm láo được khen ảnh 3

Đánh giá giáo viên “kiểu Úc phảy”

Nhiều giáo viên cả năm chỉ dự được một số tiết thao giảng của tổ, của trường nhưng cuối năm là tranh thủ mượn sổ dự giờ của đồng nghiệp chép cho đủ để nộp cho đúng với qui chế chuyên môn.

Vì thế, họ đã hoàn thành công việc chuyên môn của trường.

Những giáo viên giàu lòng tự trọng họ không bao giờ làm vậy.

Dự bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu nên bị qui vào tội vi phạm qui chế chuyên môn và dĩ nhiên sẽ bị Ban giám hiệu phê bình, nhắc nhở.

Cuối năm khi đánh giá giáo viên và xét thi đua thì cứ giáo viên nào có chất lượng giảng dạy cao là được xét trước, được đánh giá cao về xếp loại công chức, chuẩn giáo viên.

Vì thế, nhiều người làm việc chưa tốt nhưng “biết cách” để làm cho học sinh được điểm cao, chịu khó chép sổ dự giờ của đồng nghiệp đầy đủ, biết linh động trong quá trình công tác và đặc biệt là tạo mối quan hệ tốt với Ban giám hiệu là họ nghiễm nhiên trở thành những giáo viên có “uy tín”, “tiêu biểu” trong tổ, trong trường.

Từ đó, họ được ưu ái trong đánh giá, xét thi đua ở các thứ hạng cao, cùng với rất nhiều những quyền lợi như được khen thưởng, được nâng lương trước thời hạn.

Ngược lại, những giáo viên ghét sự giả dối, ghét a dua, xu nịnh, coi trọng nhân cách của mình thì dĩ nhiên họ không được xét thi đua, không được đánh giá cao và dĩ nhiên là họ trở thành những giáo viên “không có uy tín” trong trường.

Cuộc sống vốn đã không công bằng, luôn tiềm ẩn sự bất công nên những người thật thà thường thua thiệt, những người “làm thật thì ăn cháo” mà người “làm láo” thì được khen, được nhiều quyền lợi cho riêng mình.

Nghĩ mà buồn thay!

Nguyễn Cao