Lầu Năm Góc: Nga đang "đùa với lửa"

26/06/2015 06:31
Nguyễn Hường
(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work cho rằng kế hoạch tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Nga là hành động "đùa với lửa".

Reuters ngày 25/6 đưa tin cho biết, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Work cho rằng kế hoạch tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Nga để chống lại các mối đe dọa từ phương Tây là hành động "đùa với lửa" và Mỹ sẽ quyết tâm ngăn chặn điều này.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Robert Work
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Robert Work

Phát biểu trong một cuộc họp của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, ông Work cũng cảnh báo rằng việc hiện đại hóa và duy trì lực lượng hạt nhân của Mỹ trong những năm tới sẽ tiêu tốn đến 7% ngân sách quốc phòng, tăng 3-4% so với mức hiện nay. Điều này có nguy cơ làm các chương trình khác bị cắt giảm nếu không được bổ sung kinh phí. 

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng những nỗ lực của Nga trong việc sử dụng lực lượng hạt nhân để răn đe các nước láng giềng đã thất bại và nó chỉ giúp các đồng minh NATO gần gũi với nhau hơn. Ông cũng chỉ trích cái mà ông gọi là chiến lược "leo thang để ngăn leo thang" của Nga.

"Bất cứ ai nghĩ họ có thể kiểm soát sự leo thang thông qua việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân là đang đùa với lửa... Leo thang là leo thang, và sử dụng hạt nhân sẽ là sự leo thang cuối cùng", ông nhấn mạnh.

Work cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước lực lượng hạt nhân trung cấp, mà theo đó các tên lửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km bị cấm.

Mỹ từ lâu đã tham gia vào một nỗ lực tốn kém và kéo dài để hiện đại hóa lực lượng hạt nhân lão hóa của mình gồm cả vũ khí, tàu ngầm, máy bay ném bom, tên lửa đạn đạo. Ước tính chi phí này dao động từ 355 tỉ USD trong 10 năm đến khoảng 1 nghìn tỉ USD trong 30 năm.

Theo ông Work, việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân tiêu tốn trung bình 18 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn từ 2021-2035. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng hàng năm của Lầu Năm Góc là 500 tỉ USD.

Tuy nhiên, nhóm ủng hộ việc kiểm soát vũ khí cho rằng các lực lượng hạt nhân của Mỹ là lớn hơn mức cần thiết để thực hiện mục tiêu chiến lược của Tổng thống, và Lầu Năm Góc có thể tiết kiệm tiền bằng cách thận trọng cắt giảm quy mô của bộ ba hạt nhân và các bước khác.

Nguyễn Hường