Lầu Năm Góc phác thảo kế hoạch đối phó với tên lửa Đông Phong, Trung Quốc

07/08/2015 07:33
Nguyễn Hường
(GDVN) - Hải quân Mỹ ngại rằng DF-21D có thể đặt ra mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tờ Sputnik của Nga ngày 6/8 đưa tin cho biết, trong nỗ lực đối phó với tên lửa chống hạm tầm xa của Trung Quốc, Hải quân Mỹ đang xem xét một trong hai lựa chọn: sử dụng loại tên lửa mới chế tạo đắt đỏ hoặc nâng cấp tên lửa thời Chiến tranh Lạnh Tomahawk.

Bắc Kinh trong năm 2014 đã cho ra mắt tên lửa Đông Phong DF-21D được cho là "sát thủ tàu sân bay". Theo các đồn đoán, loại tên lửa này có thể di chuyển với tốc độ 10 Mach (10 lần tốc độ âm thanh) với tầm bắn 1.200 dặm.

Ảnh Sputnik.
Ảnh Sputnik.

Hải quân Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng DF-21D có thể đặt ra mối đe dọa lớn đối với tàu sân bay của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Hôm 5/8, Phó Tư lệnh Hải quân Mỹ Joseph Aucoin đã công bố phác thảo kế hoạch của Lầu Năm Góc để có thể đối phó tốt nhất với DF-21D.

Một trong các lựa chọn là nâng cấp tên lửa Tomahawk được ra mắt vào những năm 1970. Trong suốt hơn 40 năm phục vụ trong quân đội, loại tên lửa này chủ yếu làm trong các kho lưu trữ và một số được sử dụng để tấn công các mục tiêu trên đất liền.

Tomahawk không được thiết kế cho mục tiêu di động, nổi. Do đó, nó sẽ cần phải nâng cấp đáng kể trước khi có thể tham gia bất kỳ trận đấu nào với Hải quân Trung Quốc, tờ Sputnik nói.

Lựa chọn thứ hai là sử dụng tên lửa chống hạm Long Range Anti-Ship Missile (LRASM) của Lockheed Martin, loại tên lửa được bộ phận nghiên cứu của Lầu Năm Góc DARPA mô tả là có thể giúp Mỹ đạt được bước nhảy vọt về khả năng chiến tranh trên biển.

LRASM được cho là có khả năng hoạt động độc lập hoặc theo điều khiển từ xa, trong cả trường hợp nhiễu sóng GPS.

Theo lời Phó Đô đốc Aucoin nói với các phóng viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế rằng, ông muốn có "một cuộc cạnh tranh" giữa hai loại vũ khí trên để tìm ra loại tốt nhất.

Tuy nhiên, trong trường hợp thử nghiệm cho thấy Tomahawk là lựa chọn dài hạn tốt hơn, Hải quân Mỹ sẽ mua thêm LRASM để bổ sung vào nhu cầu hoạt động khẩn cấp trong ngắn hạn.

Theo bình luận của tờ Sputnik, đây có thể sẽ là một cuộc đua gay cấn giữa "đồ cổ và đồ mới". Tomahawk tương đối rẻ so LRASM trị giá 2 triệu USD mỗi chiếc. Tomahawk cũng có tầm bắn xa hơn, tải trọng lớn hơn. Nhưng LRASM lại bền và có thể hiệu quả hơn so với vũ khí của Trung Quốc.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng có tính toán tới một số lựa chọn khác có tính hiệu quả và chi phí tiết kiệm hơn.

Nguyễn Hường