Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị sẽ làm cho Đảng tốt lên

03/12/2018 08:48
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Việc lấy phiếu tín nhiệm để mỗi Ủy viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thấy rằng tín nhiệm của mình đang ở mức nào để cố gắng".

Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 9 vào tháng 12/2018 để thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, theo Quy định số 262-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Để có góc nhìn sâu hơn vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Theo ông Lê Như Tiến: “Chúng ta đã lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, cái đó đã được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận xã hội rất ủng hộ.

Vậy tại sao không làm như thế đối với các cơ quan của Đảng hoặc các cơ quan khác”.

Ông Lê Như Tiến cho rằng: “Thời gian vừa qua, trong hệ thống chính trị thì Quốc hội đã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, hội đồng nhân dân cũng đã triển khai việc này. Qua mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm chỉ có tốt thêm.

Việc lấy phiếu tín nhiệm giúp mỗi chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ nhận thấy được mình đang ở đâu, tín nhiệm đến mức nào để cố gắng làm tốt hơn.

Do đó, việc lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi rất tán đồng và ủng hộ”.

Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị sẽ làm cho Đảng tốt lên ảnh 2Lấy phiếu tín nhiệm sẽ đánh giá được uy tín Ủy viên Bộ Chính trị trước Đại hội

Chia sẻ thêm lý do ủng hộ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư là những cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Việc lấy phiếu tín nhiệm để cho mỗi thành viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thấy rằng tín nhiệm của mình đang ở mức nào để cố gắng phấn đấu tốt hơn. Đây là việc tốt cần phải ủng hộ và chia sẻ.

Không chỉ tôi - đảng viên 45 năm tuổi Đảng mà còn rất nhiều cử tri, dư luận xã hội và nhân dân cả nước và các đảng viên khác cũng rất ủng hộ”.

Ông Lê Như Tiến còn cho rằng, các đảng bộ địa phương, bộ ngành cũng nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các thành viên ban cán sự đảng. Điều này giúp các đồng chí lãnh đạo thấy được trách nhiệm của họ trước các đảng viên của mình.

Ngoài ra, vị này còn kiến nghị, nếu như các cơ quan của chính quyền, bộ ngành, tỉnh thành thực hiện việc tiếp dân, lấy ý kiến nhân dân định kỳ thường xuyên thì các cơ quan Đảng cũng nên thực hiện tiếp dân để lấy ý kiến nhân dân, để cho dân góp ý với cơ quan của Đảng ở địa phương và kể cả ở Trung ương.

“Tại sao các cơ quan của Đảng ở địa phương lại không tiếp dân mà chỉ có đồng chí chủ tịch tỉnh, thanh tra tỉnh tiếp dân.

Cần thiết cũng phải có cơ quan tiếp dân của cơ quan Đảng. Để cho quần chúng, đảng viên góp ý cho Đảng” – vị này nhấn mạnh.

Cuối cùng ông Lê Như Tiến khẳng định: “Với tư cách đảng viên 45 tuổi đảng tôi tán thành việc đảng lấy phiếu tín nhiệm trong Đảng, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương….vì điều này làm cho Đảng tốt thêm để kéo con tàu đất nước đi lên”.

Lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị sẽ làm cho Đảng tốt lên ảnh 3Không chịu tiếp dân thì có còn xứng đáng là Chủ tịch tỉnh nữa không?

Trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sắp tới còn lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

Lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt là để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay.

Chỉ căn cứ vào chỗ đó mà thay đổi cán bộ thì đã chín chưa, chuẩn xác chưa?

Ở đây có tính chất răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính.

Đương nhiên, nếu ai thấp dưới 50% là phải xử lý vì đã quy định”.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Lê Quang Thưởng – nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, đây là việc làm cần thiết để có thêm cơ sở chuẩn bị cho việc quy hoạch nhân sự Đại hội Đảng khóa XIII sắp tới.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm là cần thiết tuy nhiên phải đảm bảo khách quan.

Ở Quốc hội cũng vậy và Trung ương càng phải đảm bảo việc này hơn. Nó phụ thuộc vào bản lĩnh và trách nhiệm của các vị tham gia bỏ phiếu.

Bởi tôi nhớ có vị trưởng ngành từng được các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm rất cao nhưng sau đó vị này lại bị phát hiện ra rất nhiều sai phạm”, ông Lê Quang Thưởng nhấn mạnh.

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, trong công tác nhân sự, việc lấy phiếu tín nhiệm cũng phản ánh một phần nhưng thực chất đến đâu phụ thuộc vào tập thể có khách quan và đúng đắn.

“Để có nhân sự tốt thì cùng với lấy phiếu tín nhiệm, chúng ta còn cần thêm các biện pháp khác như lấy ý kiến người làm việc trong chính các cơ quan cán bộ đó làm việc, người dân nơi cán bộ đó sinh sống, xem xét kết quả làm việc trong những năm gần đây của vị đó.

Càng làm kỹ, kết hợp nhiều biện pháp thì càng có thêm cơ sở để lựa chọn nhân sự tốt nhất”, ông Lê Quang Thưởng nêu quan điểm.

Trinh Phúc