Liên tục bán vé siêu rẻ, tín hiệu "bất thường" ở các hãng bay?

14/12/2012 12:38
Theo Pháp luật TP.HCM
Năm 2012, các hãng hàng không đều ế khách nên phải bán vé siêu rẻ liên tục để kích cầu. Về thực chất, loại vé này nhằm lấp chỗ trống trên các chuyến bay.
Ngày 5/12, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific mở đợt bán vé siêu rẻ 1 đồng cho các chặng bay nội địa một chiều Hà Nội, Hải Phòng đi TP.HCM từ ngày 25/1 đến ngày 9/2/2013. Theo hãng này, hơn 7.000 vé giá 1 đồng (chưa thuế, phí) đã được bán cho người tiêu dùng. Còn mới đây (tối 12/12), VietJet Air cũng mở chương trình bán vé giá rẻ TP.HCM - Bangkok (Thái Lan) chỉ với 12.000 đồng/chặng (chưa thuế, phí).
Không chỉ có các hãng hàng không giá rẻ mà ngay cả “anh lớn” trong ngành là Vietnam Airlines, vốn có mức độ tăng trưởng ổn định, cũng tham gia khuyến mãi mạnh trong 10 tuần. Theo đó, vé một số chặng Hà Nội - Đà Lạt, TP.HCM - Quy Nhơn… của hãng chỉ còn 199.000 đồng (chưa thuế, phí).
Cũng có người tiêu dùng mua được vé máy bay rẻ bất ngờ nhưng nhiều người lại thất vọng vì mỏi mắt săn vé mà không được. Do cách bán vé của một số hãng có thời gian khuyến mãi quá ngắn, người mua luôn bị nghẽn mạng nên có dư luận cho rằng đây là “vé rẻ ảo”.
Giảm giá để bớt lỗ?

Lý giải tình hình trên, đại diện Jetstar Pacific chia sẻ hiện chẳng hãng hàng không nào có lãi. Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến lượng người đi lại bằng máy bay quá ít. Năm nay, các hãng liên tục bán giá rẻ để lấp chỗ trống và khuyến khích nhiều người tiêu dùng chọn máy bay làm phương tiện đi lại.
Vé máy bay giá rẻ của nhiều hãng hàng không được bán ra ồ ạt trong thời gian ngắn, song không nhiều người tiếp cận được.
Vé máy bay giá rẻ của nhiều hãng hàng không được bán ra ồ ạt trong thời gian ngắn, song không nhiều người tiếp cận được.
“Ở Việt Nam, giá vé máy bay còn cao so với thu nhập bình quân đầu người. Mỗi năm hàng không vận chuyển 15-16 triệu lượt khách nhưng chỉ có 3 triệu lượt trong số đó đi lại thường xuyên. Số còn lại là những người thấy vé rẻ thì tranh thủ mua. Họ là khách hàng tiềm năng. Vì vậy, mục đích chương trình khuyến mãi là tạo ra nhu cầu. Người tiêu dùng biết có vé rẻ thì mua sau thành thói quen, khi có điều kiện thì sử dụng dịch vụ này luôn”, đại diện Jetstar Pacific nói thêm.
Đồng ý kiến, đại diện VietJet Air cho rằng các hãng hàng không đang cạnh tranh nhau khá gay gắt nên phải bán hết vé khuyến mãi để lấp chỗ trống. Liên quan đến vấn đề lỗ lãi, đại diện VietJet Air cho biết trong kế hoạch kinh doanh từ lúc thành lập, hãng chấp nhận sau ba năm mới có thể hòa vốn.
Tuy nhiên, theo phó giám đốc một hãng hàng không khác, cách khai thác tiềm năng hàng không bằng chương trình vé rẻ chưa chắc đã hiệu quả. “Vì trên thực tế, số người mua được rất ít. Mục đích mà các hãng tập trung thông qua chương trình vé rẻ là quảng bá hình ảnh. Nếu như vì mục tiêu kích cầu thì ngoài hàng không, các khách sạn, phương tiện vận chuyển… phải cùng tham gia. Bởi bản chất vẫn là làm tăng nhu cầu đi lại”, ông nhấn mạnh.
Thuế, phí còn cao

Các hãng hàng không cho biết, một điều khó khăn của họ hiện nay là chi phí đầu vào như thuế xăng dầu, phí bay bầu trời, phí sân bay, đường truyền… trong kinh doanh hàng không ở Việt Nam còn cao. Khi giá thành cao, nhà vận chuyển không thể giảm giá bán vé được. Lý do này cũng khiến sức cạnh tranh của các hãng chưa cao.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không, cho rằng có một thực tế là thu nhập của doanh nghiệp này là chi phí của doanh nghiệp kia. Hãng hàng không chỉ thực hiện chuyến bay nhưng phải thuê đường băng của cảng hàng không, mua nhiên liệu của công ty xăng dầu hàng không... Vì thế, việc chỉnh sửa giá dịch vụ hàng không mới đây (29-11-2012) là nhằm hài hòa lợi ích giữa các đơn vị. “Cơ quan quản lý không thể chỉ vì doanh nghiệp hàng không than phí cao thì hạ xuống thấp. Nếu như vậy, cảng hàng không cũng than theo ngay” - ông Thanh nói.
Hàng không đề xuất bỏ khung giá trần

Các doanh nghiệp hàng không đang ra sức ép đòi Cục Hàng không bỏ khung giá trần (giá cao nhất), nghĩa là để doanh nghiệp tự định giá. Tuy nhiên, do quan điểm thị trường hàng không nhạy cảm đối với mặt bằng giá của xã hội nên cơ quan quản lý chưa đồng ý đề xuất này.

Năm 2011, Bộ Tài chính đã ban hành khung giá trần chia theo giới hạn năm cự ly đường bay nội địa, mức giá cao nhất là tăng 20%. Ví dụ, đường bay cự ly dưới 500 km, giá cao nhất cũ 1.100.000 đồng thì giá cao nhất mới là 1.320.000 đồng. Cự ly từ 1.000 km đến dưới 1.280 km (Hà Nội - TP.HCM), giá cao nhất cũ 2.227.000 đồng thì giá cao nhất mới là 2.560.000 đồng.
                                   Ông LẠI XUÂN THANH, Cục phó Cục Hàng không

Sao không giảm trên giá vé thường?

Tôi thường xuyên theo dõi các chương trình bán vé máy bay giá rẻ. Tất nhiên, người tiêu dùng chúng tôi hiểu các hãng đã cố gắng để có chương trình vé giá rẻ, tạo điều kiện để người thu nhập không cao có cơ hội sử dụng phương tiện này. Tuy nhiên, mới đây vào mạng của VietJet Air để mua vé máy bay 12.000 đồng từ TP.HCM đi Bangkok, tôi lại gặp tình cảnh mạng quá chậm, không thể đặt vé. Trước đó, việc mua vé 10.000 đồng/chặng của hãng này cũng khiến tôi thức đêm và phát khùng vì mạng chạy chậm.

Tôi nghĩ nếu các hãng muốn tạo thói quen cho người dân đi lại bằng hàng không có lẽ trước mắt cứ giảm trên giá vé thông thường. Chứ các chương trình khuyến mãi kiểu bán vé siêu rẻ này dù sao cũng quá ít người may mắn.
Bà TRẦN THỊ LAN, quận Phú Nhuận, TP.HCM

Theo Pháp luật TP.HCM