Lo cho thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước

02/11/2015 16:46
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Tấn Tuân – Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Khánh Hòa, đồng thời cũng là Phó Bí thư tỉnh Khánh Hòa nêu băn khoăn này tại Quốc hội,

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân đồng thời chỉ ra 3 hạn chế, tồn tại, được cho là trở lực lớn nhất cho sự phát triển của đất nước về tổ chức bộ máy, quản lý tài nguyên đất nước, quản lý thu, chi ngân sách nhà nước.

Đại biểu Tuân đánh giá, về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, thiếu cụ thể. Cải cách hành chính trên một số lĩnh vực còn chậm, thủ tục còn gây phiền hà cho doanh nghiệp, cho người dân.

Thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao, có nơi còn hình thức, hậu kiểm tra, giám sát còn bỏ ngỏ, kỷ cương, kỷ luật lỏng lẻo. Điều đáng nói là khuyết điểm, hạn chế này đã tồn tại trong nhiều năm nhưng vẫn chưa khắc phục được.

“Theo tôi, vấn đề thể chế và xây dựng bộ máy phải đươc đặt lên hàng đầu để tiếp tục phát huy dân chủ xã hội, đồng thời để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh”, ông Tuân nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Tuân. ảnh: An ninh Thủ đô.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tấn Tuân. ảnh: An ninh Thủ đô.

Vị Đại biểu đến từ tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ ra một minh chứng cụ thể, đó là trong báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội gần đây cho thấy tâm tư, nguyện vọng của người dân gửi đến Quốc hội ngày càng nhiều.

Nhưng đáng chú ý là những kỳ họp trước chỉ có 1000 - 2000 ý kiến, thi tại kỳ họp thứ 10 này lên đến 4.900 ý kiến. Điều này do yêu cầu xã hội đặt ra ngày càng cao, những ý kiến, kiến nghị của cử tri đề xuất qua nhiều năm chưa được giải quyết một cách cụ thể.

“Tôi đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để cắt giảm một số khoản chi tiêu công chưa cần thiết để thực hiện việc tăng lương theo lộ trình, đáp ứng yêu cầu mong mỏi của cử tri, giữ niềm tin của nhân dân và chính sách nhà nước khi đã đưa ra chính sách thì phải bảo đảm thực hiện”, Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh.

“Chúng ta thấy rất đau lòng khi tình hình khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội. Hiện tượng này do nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, nhất là pháp luât về khiếu nại, tố cáo.

Nguyên nhân khác sâu xa hơn là thái độ vô cảm của một bộ phận cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Năng lực hạn chế, đạo đức yếu kém, giải quyết, hướng dẫn không đến nơi đến chốn, thái độ xa dân càng làm cho người dân bức xúc phải tìm đến những nơi mà người dân tin tưởng đó là công lý, là đạo đức, là chính quyền của dân, do dân và vì dân”, ông Tuân phân tích.

Với tồn tại yếu kém này được chỉ ra như vậy, Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp luân chuyển cán bộ, công chức ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ tham nhũng cao, có quan hệ trực tiếp với công dân, tổ chức và cá nhân.

Lo cho thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước ảnh 2

"Chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng Bí thư rơi vào lịch sử"

Ông Tuân nói: “Cử tri và nhân dân đang rất lo lắng cho một thế hệ lãnh đạo mới từ cấp cơ sở cho đến Trung ương mà Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã phản ánh ngay tại đầu kỳ họp.

Đây là nguyện vọng chính đáng của toàn dân, thể hiện trách nhiệm cao cả của mình khi lựa chọn cử lãnh đạo để điều hành dẫu còn rất nhiều quan điểm lựa chọn cán bộ khác nhau cả những dư luận mới đây về công tác sắp xếp bố trí cán bộ.

Theo tôi cán bộ trước hết là người sẽ nhận lấy trách nhiệm để phục vụ vì lợi ích của đất nước, của dân tộc và là người đại diện cho nguyện vọng chính đáng của người dân”.

Thu chi ngân sách quá nhiều bất cập

Theo Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, báo cáo Chính phủ cho thấy công tác quản lý khai thác đất đai, tài nguyên còn nhiều yếu kém, hiệu quả chưa cao, đó là do hệ quả của quá trình quy hoạch treo, nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, nhiều cảng biển, sân bay trong nhiều năm qua đã gây ra lãng phí đất đai rất lớn.

Việc quản lý và sử dụng đất lâm trường mà Báo cáo giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa gửi đến cho các đại biểu. Tình trạng khai thác vàng, cát, sỏi trái quy định, chặt phá rừng, đánh bắt tài nguyên trái phép, khai thác xuất khẩu dầu thô, than vẫn nhiều so với kế hoạch, tài nguyên đất nước đang bị khai thác quá mức.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành khi xây dựng kế hoạch khai thác phải đảm bảo sử dụng có hiệu quả, khai thác phải tiết kiệm cho con cháu sau này. Vì đất đai, tài nguyên không thể tái tạo được, nếu khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến môi trường.

Chính phủ cần siết chặt việc cấp phép khai thác và phải giao trách nhiệm cho các địa phương, có kế hoạch giám sát, hậu kiểm tốt đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên của đất nước là của để dành cho các thế hệ mai sau”, ông Tuân đặt vấn đề.

Cũng theo Đại biểu Tuân, quản lý thu, chi ngân sách còn nhiều bất cập nhất là bội chi ngân sách, nợ công tăng cao dẫn đến nhiều khó khăn cho đất nước, cơ cấu chi chưa hợp lý, chi thường xuyên chiếm cao tăng lên trong khi chi đầu tư phát triển thấp, tăng trưởng chậm, tình trạng gian lận, trốn thuế vẫn đang là vấn đề phức tạp, khai thác nguồn thu còn yếu, ngân sách tập trung vào khai thác tài nguyên là điều bất ổn cho những năm tiếp theo.

“Tôi đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu lại nợ, đảm bảo trong giới hạn an toàn, tránh nguy cơ đổ vỡ nền kinh tế.

Xây dựng một bộ máy nhà nước minh bạch, trong sáng, hệ thống pháp luật nghiêm minh với đội ngũ cán bộ, công chức công tâm quản lý nguồn vốn ngân sách và tài nguyên đất nước tốt là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của đất nước”, ông Tuân nêu quan điểm.

Ngọc Quang