Lớp học tình thương rất linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập trong ngắn hạn

26/01/2019 06:56
Hưng Long
(GDVN) - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 chia sẻ: “Lớp học tình thương có tính linh hoạt, giải quyết nhu cầu học tập trong ngắn hạn cho một số học sinh”.

Ông Ngô Xuân Đông – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 (Thành phố Hồ Chí Minh) nói với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, về mặt quản lý nhà nước, Phòng Giáo dục và Đào tạo quản lý về hệ thống giáo dục chính quy.

Lớp học tình thương xuất phát từ hiện tượng các em lang thang cơ nhỡ không nơi nương tựa, có những cá nhân do xuất phát từ tấm lòng nên mở lớp dạy.

Cô giáo Đặng Thị Thu Thảo (ảnh nhỏ) và học sinh lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L)
Cô giáo Đặng Thị Thu Thảo (ảnh nhỏ) và học sinh lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L)

Tiếng lành đồn xa nên các em tìm đến học và có những hoạt động. Khi có những hoạt động thì Ủy ban, phường, địa phương quản lý các hoạt động đó.

Ủy ban nhân dân quận cũng đã quy định, tất cả những em dù cho tạm trú, đối tượng xóa đói giảm nghèo đều được miễn phí để đi học.

Ông Đông cho biết, ở quận 7, có đầy đủ cơ sở vật chất để các em thuộc diện xóa đói giảm nghèo được đi học miễn phí.

Cứ mỗi đầu năm học, Phòng giáo dục giao cho bộ phận chuyên trách phải rà soát những em học sinh đang học ở lớp tình thương trong độ tuổi quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được theo học tại trường chính quy.

Giang hồ học lớp tình thương 

Trong nhà trường mới có đủ cơ sở, phòng chức năng và có các thầy cô giáo được đào tạo chính quy để các em học có sân chơi.

Ông Ngô Xuân Đông phân tích, lớp học tình thương là để giải quyết tạm thời những học sinh không đủ điều kiện thời gian đến lớp để học. Hai tính chất của lớp học hoàn toàn khác nhau.

Quy định về quyền trẻ em là trẻ phải được học hành và đến trường…cho nên, tất cả các em đều phải vào trường để học.

Một thực tế, có nhiều phụ huynh sợ đưa các em vào học do không có tiền mua quần áo, giày dép…

Còn học ở lớp tình thương có một số nơi tập vở được cấp, giày dép được cấp và thậm chí có Mạnh Thường Quân cho cả suất ăn, cái áo, cái quần để mặc.

Ông Đông đánh giá, nhiều phụ huynh có điều kiện về kinh tế nhưng vì lý do này hay lý do khác lại cho con vào lớp tình thương để học.

Quan điểm của Phòng Giáo dục và Đào tạo là tất cả các trẻ em sinh sống trên địa bàn quận 7 đều phải được đến trường để học. Nếu không có điều kiện thì ban ngành đoàn thể sẽ chăm lo cho các em được đến trường.

Quan trọng là các em học sinh có được phụ huynh quan tâm cho vào trường học hay không.

Tại quận 7, có nhiều học sinh không có điều kiện nên được vào chùa để tá túc và được nuôi dưỡng. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 vẫn tiếp nhận tất cả các em vào trường để học.

Ở những nơi tổ chức các lớp từ thiện, các  lớp học tình thương vẫn sẽ được Ủy ban nhân dân Phường hỗ trợ về vấn đề chuyên môn.

Ông Ngô Xuân Đông thừa nhận, là lớp học tình thương nhưng vẫn có nhiều tính ưu việt. Một số lớp tình thương được Mạnh Thường Quân giúp đỡ về mặt cơ sở vật chất cho các cháu nên phụ huynh hay lui tới.

Tôi dạy các em bằng tất cả tình thương của con người 

Các cơ quan ban ngành vẫn đồng hành, hỗ trợ các lớp học tình thương. Đơn cử, ở thời điểm kiểm tra để công nhận hết lớp 5 thì các em sẽ được xét cấp học bạ để vào tiếp lớp 6.

Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 7 tạo mọi điều kiện để các em học sinh lớp tình thương hòa nhập với các em đang học chính quy. Vấn đề còn lại là sự hợp tác của phụ huynh.

Các lớp học tình thương luôn được Phòng Giáo dục và Đào tạo tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em có thể học hành như những trẻ em khác. Lớp học tình thương thoải mái hơn, không bị điểm danh, không phải kiểm tra,…

Lớp học tình thương có tính linh hoạt, giải quyết nhu cầu học tập trong ngắn hạn cho một số học sinh. Ví dụ, một số học sinh theo cha mẹ đi ghe, tạt ngang quận 7 sinh sống một thời gian.

“Các em được phụ huynh đưa đến lớp để học vài tháng rồi sau đó theo ghe cùng cha mẹ tiếp tục đi nơi khác để lập nghiệp, ông Ngô Xuân Đông nói.  

Hưng Long