“Lớp ta hôm nay, có ai đóng tiền không?”

05/08/2019 07:21
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc phụ huynh đóng tiền đúng thời gian quy định cũng chính là cách giúp giáo viên không trở thành “ngáo ộp” và luôn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt mọi người.

Đoạn văn ngắn được cho là của một học sinh lớp 3 khi tả về cô giáo của mình: “Cô giáo bước vào lớp.

Giáo viên vui vẻ với học sinh thì bao giờ hiệu quả tiết học cũng rất cao ( (Ảnh minh họa: vov.vn).
Giáo viên vui vẻ với học sinh thì bao giờ hiệu quả tiết học cũng rất cao ( (Ảnh minh họa: vov.vn).

Cô bận bộ áo dài hoa rất đẹp. Mái tóc cô dài buông xõa xuống bờ vai. Cô đặt chiếc cặp lên bàn và nhìn cả lớp một lượt, cô bắt đầu hỏi:

“Lớp ta hôm nay, có ai đóng tiền không?”

Bất kỳ ai đọc tới đó đều phải bật cười vì lời văn ngộ nghĩnh ngây thơ của một đứa trẻ.

Nhưng nụ cười ấy cũng vụt qua nhanh để lại sau đó là sự hả hê, sung sướng của những người ngoài cuộc.

Vì “đòi tiền cho lắm vào để đến nỗi một đứa trẻ chúng cũng phải thốt lên những câu từ ấy”.

Riêng những ai là thầy cô giáo thì sau những tiếng cười (cười vì những câu văn tả thực của trò) là nỗi xót xa, chua chát đến tận cùng.

Muốn thu được tiền phải biết “xù lông nhím”

“Lớp ta hôm nay, có ai đóng tiền không?” ảnh 2
Lạm thu ngầm, con quỷ khát tiền trong trường học

Đâu rồi hình ảnh những người thầy lịch lãm luôn nở nụ cười thân thiện với học sinh?

Đâu rồi những người cô như mẹ hiền luôn dịu dàng trong những tà áo dài thướt tha, ân cần, trìu mến?

Đâu rồi những nét mặt vui tươi, hài hước để chọc cười, khởi động cho một giờ học hiệu quả sau đó?

Thay vào đó là những khuôn mặt “hình sự”, khó đăm đăm, nói khó nghe một chút “mặt như đâm lê” làm cả lớp phải e dè, nép mình, nín thở.

Thầy cô không thể cười, càng không thể cười vì “sợ đám học trò nhờn mặt sẽ khó làm việc”.

Thầy cô không thể vui khi lớp đồng nghiệp đã thu hết tiền còn lớp mình lại không thể hoàn thành chỉ tiêu.

Thầy cô không thể ưu tiên việc dạy hơn việc đòi tiền. Vì dạy hay không chỉ học trò mới biết, còn thu tiền không được sẽ bị nhắt nhở, bị nêu tên đôi khi giữa cả hội đồng.

Gặp những hiệu trưởng khó tính, giáo viên thất thu còn bị khống chế cả vào xếp loại thi đua.

Vậy là vào lớp, thay vì giao lưu nhẹ nhàng với trò để tạo hứng khởi cho giờ học, không ít thầy cô hiện nay, tự biến mình thành kẻ “đòi nợ thuê” đáng ghét.

Thôi thì đủ thứ tiền phải đòi, tiền mua sách thiếu, bảo hiểm gần hết thời hạn phải chốt số lượng, tiền vệ sinh để có cái trả cho lao công, tiền học phí buổi 2 để nhà trường kết sổ, tiền học phí để nộp về kho bạc…

Toàn những khoản tiền thu hợp pháp đó chứ nhưng phụ huynh nộp chậm, dây dưa, giáo viên chẳng thể làm gì ngoài việc đành phải trút hết bao bực tức thậm chí hằn học lên đầu các em.

Chưa nói không ít trường học ở nhiều địa phương, số tiền học sinh phải đóng ngay đầu năm lên tới khoảng vài triệu đồng.

Vì lẻ đó, giáo viên phải đòi tiền hoặc đốc thúc học sinh nộp tiền còn căng thẳng hơn nhiều.

Cần phụ huynh chung tay

“Lớp ta hôm nay, có ai đóng tiền không?” ảnh 3
Năm học mới liệu có hết lạm thu?

Thầy cô biến thành “kẻ đòi nợ” không công, lỗi không chỉ vì trường học.

Bởi vì, không ít trường học hiện nay không lạm thu, họ vẫn thu đúng những khoản theo quy định.

Thế nhưng, vẫn còn không ít phụ huynh chây ỳ, nhất quyết không chịu đóng hoặc đóng dây dưa.

Trong số những người chây ỳ (điều đáng nói là kinh tế của họ lại không hề khó khăn), họ chỉ chịu đóng tiền khi con cái trên trường đã bị giáo viên nhắc nhở nhiều lần.

Với phụ huynh gặp hoàn cảnh gia đình khốn khó, giáo viên, nhà trường có thể chung tay giúp đỡ.

Nhưng gặp phụ huynh có tính chây ỳ thì thua luôn.

Bởi thế, những khoản thu sai, phụ huynh cần có ý kiến.

Những khoản thu đúng, phụ huynh cần hợp tác tốt cũng chính là cách giúp giáo viên không trở thành “ngáo ộp” và luôn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt mọi người.

Phan Tuyết