Trung Quốc "đảo hóa" đá ngầm thúc đẩy Đông Nam Á "chống Hoa"

Lowy: ""Sói đội lốt cừu", TQ không muốn Việt Nam đi chệch quỹ đạo"

03/12/2014 09:47
Đông Bình
(GDVN) - Cơ quan nghiên cứu Australia coi TQ là "sói đội lốt cừu", hành động cực đoan, gây ra làn sóng "chống Hoa", dịu giọng là để Việt Nam không thoát khỏi quỹ đạo...
Đá Chữ Thập (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 2 tháng 12 năm 2014)
Đá Chữ Thập (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 2 tháng 12 năm 2014)

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 2 tháng 12 đưa tin, Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, Australia ngày 28 tháng 11 có bài viết cho rằng, do hành vi "cực đoan" (bành trướng) của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á luôn coi Trung Quốc là con "sói đội lốt cừu".

Sự thực Bắc Kinh xây dựng (bất hợp pháp) đường băng ở đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) có thể sẽ làm cho các nước Đông Nam Á đoàn kết lại phản đối Bắc Kinh, việc lập ra cái gọi là "vùng nhận dạng phòng không" cũng sẽ như vậy.

Ngày 25 tháng 11, 2 tàu hộ vệ Việt Nam đã thăm Philippines, hai bên sẽ triển khai hoạt động tuần tra hòa bình liên hợp ở quần đảo Trường Sa, đúng vào thời điểm tròn 1 năm Trung Quốc tuyên bố vẽ ra (cái gọi là) “vùng đặc quyền kinh tế Biển Đông”. Từ đó, các nước Đông Nam Á đều rất lo ngại Bắc Kinh sẽ xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ Biển Đông như thế nào.

Một năm trôi qua, tình hình Biển Đông đã lại gia tăng khả năng nổ ra các sự cố lớn, tính toán nhầm và xung đột nghiêm trọng, mặc dù thường cùng nhau thảo luận, nhưng giữa các nước ASEAN hoàn toàn “không đoàn kết”. Tháng 5 năm 2014, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra Tuyên bố chung, bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng".

Tháng 11, Hội nghị Cấp cao ASEAN vẫn bày tỏ "chúng tôi vẫn quan ngại", tiếp tục chủ trương "tầm quan trọng của bảo vệ hòa bình và ổn định", bao gồm "tự do hàng hải trên biển, trên không của Biển Đông". Một văn kiện dự thảo trước hội nghị cấp cao đề cập xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử" (COC), nhưng, thông qua đàm phán 10 năm vẫn chưa đạt được thỏa thuận chính thức.

Theo bài báo, ASEAN “thiếu đoàn kết”, các nước Đông Nam Á tiếp tục chiến đấu đơn độc. Tháng 3 năm 2014, Philippines đã đệ trình lên tòa án trọng tài La Hay nội dung tuyên bố dài 4.000 để kiện Trung Quốc. Tháng vừa qua, Manila cũng tuyên bố trước năm 2017 mua sắm quốc phòng phải đạt 2 tỷ USD. Đồng thời, tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh gần đây (một diễn đàn về tương lai Biển Đông lấy "châu Á của người châu Á" làm nền tảng, không mời Mỹ), Philippines mạnh mẽ yêu cầu tránh xung đột, xây dựng lòng tin.

Việt Nam cũng đã áp dụng lập trường cứng rắn. Tháng 5, Tập đoàn dầu khí quốc gia hải dương Trung Quốc hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, đã làm trào dâng làn sóng phản đối ở Việt Nam. Tiếp theo, phong trào "chống Hoa" lại bất ngờ dừng lại, quan chức cấp cao hai nước Trung Quốc và Việt Nam đã ngồi lại, bắt tay nhau, đã đạt được thỏa thuận hợp tác mới.

Trong thời khắc quan trọng dừng triển khai giàn khoan, Bắc Kinh có thể muốn tránh để Việt Nam "thoát ly khỏi quỹ đạo của Trung Quốc". Nhưng, về lịch sử, Việt Nam luôn "không tin tưởng vào Trung Quốc".

Đá Chữ Thập (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 2 tháng 12 năm 2014)
Đá Chữ Thập (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 2 tháng 12 năm 2014)

Tháng 9 và tháng 10 năm 2014, Việt Nam bắt đầu mở rộng nền tảng hữu nghị với các nước khác. Từ sau khi Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Việt Nam đã xích lại gần hơn với  Mỹ.

Theo bài báo: Để đáp trả sự kiện giàn khoan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ, hội đàm với Thủ tướng Modi; trước đó Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee đến thăm Việt Nam, đã ký kết rất nhiều thỏa thuận hợp tác, bao gồm cung cấp 2 lô thăm dò dầu mỏ cho Ấn Độ ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

Bài viết cho rằng: "Trên thực tế, thỏa thuận này là để Ấn Độ đứng về phía Việt Nam khi Việt Nam xử lý vấn đề tranh chấp lãnh thổ".

Bắc Kinh mở rộng (bất hợp pháp) công trình ở quần đảo Trường Sa, làm leo thang tình hình. Từ tháng 8, Bắc Kinh bắt đầu nạo vét lòng biển ở đá Chữ Thập, "vây biển, tạo đất". "Đất khai khẩn" dài 3 km này có thể giúp cho Bắc Kinh xây dựng (bất hợp pháp) một đường băng có quy mô tương đối.

Mặc dù từ năm 2013 Trung Quốc đã "khai khẩn" (bất hợp pháp) đất ở đá Gaven và đá Châu Viên, nhưng theo hình ảnh vệ tinh, đến nay, "đất khai khẩn" của đá Chữ Thập là mảnh đất lớn nhất, cũng là mảnh đất "khai khẩn" thích hợp cho xây dựng đường băng sân bay.

Phương án mở rộng đá chữ Thập (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 2 tháng 12 năm 2014)
Phương án mở rộng đá chữ Thập (nguồn mạng sina Trung Quốc ngày 2 tháng 12 năm 2014)

Những nước chủ trương chủ quyền khác đối với quần đảo Trường Sa (Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia) đều có sân bay ở các quy mô khác nhau ở "khu vực tranh chấp" (trên thực tế, Trung Quốc tiến hành chiến tranh xâm lược, rồi gây ra tranh chấp). Trung Quốc mặc dù chưa có sân bay, nhưng hải quân hiện đại ở đảo Hải Nam “có năng lực điều động lực lượng quân sự rất cao”.

Philippines chính thức tiến hành phản đối về việc Trung Quốc “khai khẩn” (mở rộng) đá Chữ Thập. Là "tàu sân bay không chìm", xây dựng (bất hợp pháp) sân bay trên đảo có nghĩa là muốn lập ra (cái gọi là) "Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông" (một cách bất hợp pháp). Từ tháng 11 năm 2013 đến nay, mối quan ngại này đã không ngừng được nhắc tới.

Hành động (bất hợp pháp) này của Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy các nước ASEAN tăng cường đoàn kết. Vì vậy, để làm yên mối lo ngại này, Bắc Kinh đã cung cấp 20 tỷ USD khoản vay phát triển tại Hội nghị Cấp cao ASEAN (trong đó phần lớn khoản vay cung cấp cho Myanmar và Campuchia), khoản vay được cấp cho những nước này (không bao gồm Indonesia) thông qua Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á.

Theo nhận định của bài báo: Do hành vi "cực đoan" của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước Đông Nam Á sẽ luôn coi Trung Quốc là "sói đội lốt cừu", đặc biệt là Việt Nam và Philippines.  Việc xây dựng (bất hợp pháp) đường băng máy bay sẽ thúc đẩy mọi người cùng phản đối Bắc Kinh, việc xây dựng "Vùng nhận dạng phòng không" cũng sẽ như vậy.

Đông Bình