Luật sư Phan Thị Hương Thủy đang chờ trả lời của Bộ Tư pháp

27/11/2018 09:40
Diệu Linh
(GDVN) - Luật sư Phan Thị Hương Thủy gửi tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp đơn khiếu nại trong đó nêu 5 nội dung chứng minh việc kỷ luật bà là không khách quan, không minh bạch.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 12/2/2018, ông Nguyễn Chiến – Chủ nhiệm đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội ký quyết định kỷ luật khai trừ Luật sư Phan Thị Hương Thủy.

Sau đó, bà Thủy khiếu nại lên Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nơi ông Nguyễn Chiến đang là Phó Chủ tịch.

Tới ngày 23/10/2018, Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam đã ban hành Quyết định số 113/QĐ-BTV không chấp nhận nội dung khiếu nại, giữ nguyên hình thức kỷ luật “xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư” đối với bà Phan Thị Hương Thủy theo nội dung Quyết định số 72 của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội; thu hồi thẻ luật sư đã cấp cho tôi và giao Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội làm thủ tục đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư Thủy.

Ngày 13/11/2018, bà Phan Thị Hương Thủy đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp đơn khiếu nại nêu ra 5 điểm đáng chú ý, trong đó khẳng định Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội đã không khách quan trong việc xử lý kỷ luật luật sư:

Thứ nhất, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội đã giao cho Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư Hà Nội xác minh về đơn tố cáo của Công ty cổ phần thương mại Lý Nhân (Công ty Lý Nhân) và bà Vũ Thị Vi.

Hội đồng Khen thưởng kỷ luật phân công luật sư Hoàng Ngọc Biên và luật sư Nguyễn Văn Hà thụ lý giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Công ty Lý Nhân; Luật sư Phạm Thanh Bình và luật sư Trần Văn Sơn thụ lý giải quyết đơn tố cáo của bà Vũ Thị Vi.

Vụ Công ty Lý Nhân: Luật sư Hoàng Ngọc Biên đề nghị Hội đồng Khen thưởng kỷ luật áp dụng hình thức kỷ luật xóa tên tôi khỏi danh sách của Đoàn luật sư Hà Nội. Nhưng người thứ hai là luật sư Nguyễn Văn Hà đề nghị chấm dứt xử lý kỷ luật đối với tôi vì không có căn cứ.

Vụ bà Vũ Thị Vi: Cả hai luật sư được phân công đề nghị Hội đồng Khen thưởng kỷ luật không tiếp tục xem xét đơn tố cáo của bà Vi vì đã quá thời hiệu xem xét giải quyết.

Sau khi xác minh thực tế, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư Hà Nội đã họp (với thành phần tham dự 13/15) ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐKTKL ngày 20/5/2017,  quyết nghị: “Không xét kỷ luật đối với luật sư Phan Thị Hương Thủy” và đề nghị Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội áp dụng biện pháp nhắc nhở bằng văn bản theo quy định tại khoản 11, Điều 19 Quy định về xử lý kỷ luật luật sư ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-BTVLĐLSVN ngày 05/10/2012 của Ban Thường vụ  Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Bởi vì:

Tranh chấp hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Công ty Lý Nhân và Luật sư Phan Thị Hương Thủy đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật (Bản án số 01/2017/KDTM-ST ngày 10/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện Lý Nhân). Theo đó Tòa án đã chấp nhận một phần yêu cầu của Luật sư Phan Thị Hương Thủy, yêu cầu Công ty Lý Nhân phải trả thêm cho luật sư 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, luật sư có sơ xuất trong việc thực hiện hợp đồng (thể hiện ở việc viết giấy biên nhận tiền với khách hàng để lấy văn bản của Thanh tra Chính phủ) nên dễ dẫn đến đương sự hiểu lầm luật sư làm không đúng pháp luật.

Đơn tố cáo của bà Vũ Thị Vi đối với Luật sư Phan Thị Hương Thủy đã hết thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật theo khoản 1, khoản 2 Điều 5 Quy định về xử lý kỷ luật luật sư ban hành theo Quyết định số 68/QĐ-BTVLĐLSVN ngày 05/10/2012 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Hiện nay, Luật sư Phan Thị Hương Thủy đã khởi kiện đòi tiền của bà Vi tại Tòa án nhân dân quận Long Biên (Theo luật sư Thủy thì đây là số tiền 500 triệu đồng cho bà Vi vay để nộp cho Công ty luật Hoàng Long theo quy định của hợp đồng dịch vụ pháp lý).

Có 09/13 thành viên biểu quyết nhất trí không áp dụng hình thức kỷ luật đối với tôi. 04/13 thành viên biểu quyết áp dụng hình thức kỷ luật đối với tôi từ khiển trách đến xóa tên, trong đó chỉ có luật sư Hoàng Ngọc Biên biểu quyết áp dụng hình thức xóa tên tôi với tỷ lệ 01/13.

Do không nhất trí với Tờ trình của Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội yêu cầu tiếp tục thu thập chứng cứ và tiếp tục thụ lý giải quyết.

Trên cơ sở thu thập chứng cứ, xem xét vụ việc, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-HĐKTKL ngày 29/7/2017, (với 12/13 thành viên tham dự) trong đó quyết nghị: “Không đề nghị áp dụng hình thức kỷ luật đối với luật sư Phan Thị Hương Thủy” (giữ nguyên như Nghị quyết phiên họp số 31 ngày 20/5/2017).

Có 06/12 thành viên đề nghị áp dụng biện pháp nhắc nhở, 05/12 thành viên đề nghị áp dụng hình thức khiển trách, 01/12 đề nghị áp dụng hình thức xóa tên (là luật sư Hoàng Ngọc Biên).

Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội do ông Nguyễn Văn Chiến-Chủ nhiệm điều khiển phiên họp (thời điểm đó Công ty luật TNHH thực hành Nguyễn Chiến và Công ty luật TNHH Hoàng Long do tôi làm giám đốc đang đối tụng trong một vụ án dân sự từ năm 2014 tại Tòa án quận Hoàn Kiếm) tiếp tục yêu cầu Hội đồng Khen thưởng kỷ luật xác minh thời điểm nào bà Vi biết rõ quyền lợi của mình bị xâm phạm và thực hiện quy trình xét kỷ luật.

Trên cơ sở xem xét toàn diện, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư Hà Nội tiến hành họp (thành phần tham dự 12/12) và nhất trí ban hành Nghị quyết số 33/NQ-HĐKTKL ngày 30/9/2017, trong đó quyết nghị “Không áp dụng hình thức kỷ luật đối với Luật sư Phan Thị Hương Thủy. (giữ nguyên như Nghị quyết phiên họp số 32 ngày 29/7/2017).

(Tại phiên họp lần thứ 33 ngày 30/9/2017 Hội đồng Khen thưởng kỷ luật đã biểu quyết  12/12 luật sư có mặt nhất trí đơn tố cáo của bà Vũ Thị Vi đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 5 Quy định về xử lý kỷ luật luật sư quy định thời hiệu chịu trách nhiệm kỷ luật là hai năm được tính từ ngày xảy ra hành vi vi phạm cho đến ngày Đoàn luật sư nhận được văn bản tố cáo.

Hội đồng Khen thưởng kỷ luật xác định: Thời gian tôi có hành vi vi phạm đạo đức từ tháng 12/2012 đến là 28/01/2013, đến ngày 06/01/2017 bà Vi mới gửi đơn tố cáo đến Đoàn luật sư, ngày 12/01/2017 Đoàn mới nhận được đơn như vậy là gần 4 năm.

Việc đòi tiền của các bên thuộc quan hệ dân sự, luật sư Thủy đã khởi kiện ra tòa án quận Long Biên và đang được tòa án thụ lý giải quyết theo quy định).

Trên cơ sở các nghị quyết nêu trên, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư Hà Nội tiếp tục có Tờ trình số 33-34/HĐKTKL ngày 27/12/2017, trong đó giữ nguyên đề nghị về việc không áp dụng hình thức kỷ luật đối với tôi (như Nghị quyết phiên họp số 33 ngày 30/9/2017).

Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội vẫn ra Nghị quyết số 34/NQ-BCN ngày 30/12/2017 để ban hành Quyết định số 72/QĐ-BCNĐLS về việc kỷ luật luật sư đối với tôi là việc làm trái pháp luật, quy chụp, thiếu khách quan.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy gửi đơn khiếu nại tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy gửi đơn khiếu nại tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 2, Điều 85 Luật Luật sư thì “Việc xem xét quyết định kỷ luật Luật sư thuộc thẩm quyền của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của đoàn luật sư”. Đồng thời, khoản 2, Điều 3 Quy định về xử lý kỷ luật luật sư (ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-BTVLĐLSVN ngày 05/10/2012 của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam) quy định: “Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của Đoàn Luật sư có thẩm quyền điều tra, xem xét, kết luận và đề nghị Ban Chủ nhiệm quyết định kỷ luật luật sư”.

Điều 62 của Luật Luật sư quy định về các cơ quan của Đoàn luật sư thì Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư và Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư đều do Đại hội toàn thể luật sư hoặc Đại hội đại biểu luật sư bầu ra, tức là Ban Chủ nhiệm không phải là cơ quan cấp trên của Hội đồng Khen thưởng kỷ luật.

Như vậy, theo các quy định trên thì Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư chỉ có thẩm quyền xem xét kỷ luật “theo đề nghị” của Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của Đoàn luật sư.

Trong vụ việc của này, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật đã 4 lần ban hành nghị quyết, theo đó quyết nghị không đề nghị áp dụng kỷ luật đối với tôi, nhưng Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội vẫn ban hành Quyết định số 72 kỷ luật tôi là không khách quan.

Luật sư Phan Thị Hương Thủy trong một phiên tòa. ảnh: Pháp luật Việt Nam.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy trong một phiên tòa. ảnh: Pháp luật Việt Nam.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Quy định về xử lý kỷ luật luật sư thì “Cuộc họp của Ban Chủ nhiệm để xem xét thông qua quyết định kỷ luật luật sư phải có ít nhất hai phần ba số thành viên Ban Chủ nhiệm tham dự nếu Ban Chủ nhiệm có từ 05 luật sư trở lên… Đại diện Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật phải tham dự cuộc họp này để trình bày quan điểm và đề xuất về việc xử lý kỷ luật…”. Khoản 5 Điều này quy định: “Diễn biến cuộc họp xem xét, quyết định kỷ luật của Ban Chủ nhiệm được lập thành biên bản. Quyết định về việc xử lý kỷ luật luật sư được thông qua khi có quá nửa số thành viên Ban Chủ nhiệm tán thành. Biên bản họp phải có chữ ký của tất cả thành viên dự họp”.

Quyết định số 72 về xử lý kỷ luật xóa tên tôi của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội căn cứ vào Nghị quyết số 34/NQ-BCN của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội họp ngày 30/12/2017 xem  xét kỷ luật 3 luật sư trong đó có tôi.

Nghị quyết này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, quy chụp, thiếu khách quan cụ thể:

Luật sư Phan Thị Hương Thủy đang chờ trả lời của Bộ Tư pháp ảnh 3

Sự việc hy hữu trong giới luật sư: Kiến nghị tới Bộ trưởng Tư pháp

Về số thành viên dự họp: Tại phiên họp này có 10/13 thành viên Ban Chủ nhiệm tham dự (3 người vắng mặt).

Khi xét đến trường hợp của tôi thì có 3 luật sư thành viên Ban Chủ nhiệm ra về, không tham gia họp là các luật sư Lê Đức Bính - Bí thư Đảng ủy; Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga - Phó Chủ nhiệm; Luật sư Lê Trung Sơn - Ủy viên thường vụ.

Như vậy số thành viên Ban Chủ nhiệm dự họp để xem xét kỷ luật tôi chỉ có 7/13 (trong khi theo quy định phải là 9/13 thì nghị quyết thông qua mới là hợp pháp).

Về thành phần dự họp: Ban đầu cuộc họp có đại diện Hội đồng Khen thưởng kỷ luật, thành phần bắt buộc phải tham dự là Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng kỷ luật. Nhưng khi xét đến trường hợp của tôi thì Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến ra về. Như vậy cuộc họp xét kỷ luật thiếu đại diện Hội đồng Khen thưởng kỷ luật.

Việc Ban Chủ nhiệm căn cứ vào ý kiến của luật sư Hoàng Ngọc Biên đề xuất kỷ luật tôi là không đúng vì: Luật sư Biên không phải là đại diện của Hội đồng Khen thưởng kỷ luật.

Luật sư Biên chỉ được Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng kỷ luật phân công cùng với luật sư Nguyễn Văn Hà thụ lý giải quyết vụ Công ty Lý Nhân tố cáo tôi và cũng là luật sư thiểu số biểu quyết xóa tên tôi bằng được. Do đó Nghị quyết số 34/NQ-BCN ngày 30/12/2017 của Ban Chủ nhiệm là trái luật, không khách quan.

Về nội dung: Nghị quyết số 34 căn cứ vào Tờ trình của Hội đồng Khen thưởng kỷ luật số 33-34 nhưng tại tờ trình này của Hội đồng Khen thưởng kỷ luật đề nghị Ban Chủ nhiệm không áp dụng hình thức kỷ luật đối với tôi mà vẫn quyết định xóa tên tôi là trái luật.

Thứ tư, tính không hợp pháp của Quyết định số 72 của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội thể hiện: Theo quy định tại Điều 6 Quy định về xử lý kỷ luật luật sư thì “thời hạn xử lý kỷ luật luật sư là 6 tháng tính từ thời điểm Đoàn luật sư có văn bản thông báo về việc xem xét kỷ luật đối với luật sư đến thời điểm Ban Chủ nhiệm ra quyết định kỷ luật” (khoản 1, khoản 2). “Trường hợp phức tạp cần thêm thời gian xử lý thì Ban Chủ nhiệm được quyền ra quyết định gia hạn xử lý kỷ luật nhưng thời hạn gia hạn không được vượt quá ba tháng. Quá thời hạn này, Ban Chủ nhiệm chưa ban hành được quyết định kỷ luật luật sư thì phải chấm dứt việc xem xét kỷ luật”(khoản 2).

Căn cứ vào quy định nêu trên thì cả hai vụ tôi bị khiếu nại, tố cáo đều thuộc trường hợp phải chấm dứt việc xem xét kỷ luật. Cụ thể:

Vụ Công ty Lý Nhân: Tính từ thời điểm Ban Chủ nhiệm gửi thông báo tôi bị Công ty này khiếu nại tố cáo (ngày 19/11/2015), ngày 03/5/2016 Ban Chủ nhiệm ra Quyết định số 266/QĐ-BCN về việc gia hạn thời gian xét kỷ luật đối với tôi là 3 tháng kể từ ngày 03/5/2016 đến hết ngày 02/8/2016. Như vậy tính đến thời điểm Ban Chủ nhiệm ban hành Quyết định số 72 về việc xóa tên tôi thì đã quá 23 tháng 24 ngày.

Vụ bà Vũ Thị Vi: Ngày 09/02/2017 Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội gửi giấy mời số 43 thông báo tôi bị bà Vi tố cáo, tính đến ngày 12/2/2018 –ngày Ban Chủ nhiệm ra Quyết định số 72 xóa tên tôi là đã quá 12 tháng 9 ngày.  

Thứ năm, ngày 26/02/2018 tôi đã gửi đơn khiếu nại đối với Quyết định số 72 về xử lý kỷ luật tôi của Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội đến Liên đoàn luật sư Việt Nam. Ngày 23/3/2018 đại diện của Uỷ ban Khen thưởng, Kỷ luật của Liên đoàn đã có buổi làm việc với tôi.

Tại buổi làm việc tôi đã cung cấp nhiều tài liệu để chứng minh tính trái pháp luật, không khách quan của Quyết định xóa tên tôi trong đó có các tài liệu có lợi cho tôi như:

Vụ Công ty Lý Nhân: Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện Lý Nhân buộc Công ty Lý Nhân phải trả thêm cho tôi 100 triệu đồng phí dịch vụ (Công ty này không phản tố, không kháng cáo nên bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật), cùng các Biên bản làm việc của Tòa án với Công ty Lý Nhân thể hiện có sự thỏa thuận về bổ sung phí dịch vụ cho các công việc phát sinh thêm mà vào thời điểm giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý các bên không lường được, tức là không có việc nhận tiền thêm ngoài hợp đồng.

Tất cả các khoản tiền đều là tạm ứng, do chưa thanh lý hợp đồng nên chưa phát hóa đơn theo quy định.

Đồng thời Công văn số 3165/TTCP-VP ngày 30/12/2011 của Thanh tra Chính phủ chuyển đơn của Công ty luật Hoàng Long do tôi làm giám đốc đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cũng đã chứng minh việc tôi thực hiện trách nhiệm với khách hàng là Công ty Lý Nhân.

Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm lại đi xác minh tại Ban Tiếp dân Trung ương để quy chụp tôi nhận tiền nhưng không đến làm việc với Thanh tra Chính phủ.

Vụ bà Vũ Thị Vi: Tôi đã cung cấp giấy vay tiền mà bà Vi vay của tôi 500 triệu đồng để nộp cho Công ty luật Hoàng Long nơi tôi làm giám đốc. Số tiền 500 triệu đồng mà bà Vi tố cáo tôi chiếm đoạt chính là số tiền của tôi.

Ngoài ra, quyết định tại bản án phúc thẩm của Tòa án Hà Nội hoàn toàn đúng mục đích của bà Vi như trong Bản phụ lục hợp đồng dịch vụ pháp lý do chính bà Vi viết tay vào chiều ngày 25/01/2013, tức là đã thay thế bản Phụ lục hợp đồng dịch vụ pháp đánh máy sáng ngày 25/01/2013.

Trong quá trình giải quyết đơn kiện của tôi đòi bà Vi trả lại số tiền 500 triệu đồng,  Tòa án Nhân dân quận Long Biên đã tiến hành trưng cầu giám đinh về chữ viết và chữ ký của vợ chồng bà Vi trong các giấy vay tiền; Phụ lục hợp đồng dịch vụ pháp lý và đã có kết luận giám định là đúng chữ ký, chữ viết của vợ chồng bà Vi.

Nhưng tại Quyết định giải quyết khiếu nại số113 ngày 23/10/2018 của Ban Thường vụ Liên đoàn luật sư đều không căn cứ vào các tài liệu nêu trên là thể hiện thiếu khách quan, coi thường bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Quyết định thu hồi thẻ luật sư đã làm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền hành nghề và lợi ích hợp pháp của tôi.

Diệu Linh