Lý do Mỹ không nên đối đầu với Nga vì Ukraine

12/05/2015 07:12
Nguyễn Hường
(GDVN) - Những gì đang xảy ra ở Donbass dù khủng khiếp, nhưng không có một chút ý nghĩa thực tế nào đối với nước Mỹ.

Trong tình hình căng thẳng hiện nay ở Ukraine, khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ và thỏa thuận hòa bình Minsk 2 có nguy cơ bị sụp đổ, Tổng thống Petro Poroshenko cảnh báo rằng chiến tranh toàn diện sẽ nổ tung bất cứ lúc nào và chính quyền Kiev của ông tỏ ra rất sốt sắng trong việc thúc giục phương Tây gửi viện trợ tài chính, quân sự chọ họ. 

Tuy nhiên, Forbes ngày 11/5 dẫn lời nhà phân tích Doug Bandow cho biết, các nhà chức trách ở Washington nên suy nghĩ lại ý định viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine bởi những gì đang xảy ra ở Donbass dù khủng khiếp, nhưng không có một chút ý nghĩa thực tế nào đối với nước Mỹ. 

Nhà phân tích chính sách người Mỹ Doug Bandow.
Nhà phân tích chính sách người Mỹ Doug Bandow. 

​Theo Bandow, Nga có thể tham gia vào các cuộc xung đột Ukraine, nhưng các hành vi của Moscow "không đặt ra bất kỳ mối đe dọa nào cho Mỹ". Các hành động trên của Nga là phản ứng chống lại sự khiêu khích của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

"Washington và Brussels đã liên tục chà đạp lên các lợi ích an ninh của Nga. Họ đã mở rộng NATO đến biên giới Nga; chia cắt Serbia, nơi có lịch sử gắn liền với Liên bang Nga; cố gắng ngăn chặn sự tham gia của Moscow trong việc giải quyết tình hình Kosovo; đẩy Ukraine buộc phải lựa chọn giữa Đông và Tây; khuyến khích lật đổ chính quyền thân Nga tại Kiev", ông Bandow viết.

Mỹ không nên can thiệp và đối xử với Moscow như một kẻ thù. Ngược lại, Washington nên đứng ngoài cuộc xung đột và duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Điều này cho phép Washington có thể tránh được một cuộc đối đầu hạt nhân với quốc gia có thể tiêu diệt họ, mất đi một đồng minh có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo na Liên Hợp Quốc. 

Nga đã hỗ trợ Washington ở Afghanistan và không thích khủng bố Hồi giáo như hầu hết người Mỹ. Moscow có thể đem lại ít nhiều lợi ích cho Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Syria. Nga cũng đã chứng minh sức ảnh hưởng của mình đối với chính sách của Mỹ thông quan việc đồng ý cung cấp S-300 cho Iran và hâm nóng quan hệ với Triều Tiên, Bandow bình luận.

Ngoài ra xét về mọi mặt, Ukraine không đem lại nhiều lợi ích chiến lược cho Mỹ và "không có giá trị để Washington chiến đấu vì họ". Trong quan hệ Mỹ-Ukraine, Kiev không có nhiều ý nghĩa với Washington trên phương diện an ninh, kinh tế, chính trị hay văn hóa. 

Ukraine có ý nghĩa với châu Âu nhiều hơn Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các nước châu Âu không hài lòng và nhiệt tình với việc kết bạn với Kiev. Đối với châu Âu, Kiev là một lỗ đen kinh tế nuốt tiền của họ, trong bối cảnh chính các nước này đang phải gồng mình chống đỡ khủng hoảng kinh tế trong nước.

Hơn 6.100 người đã thiệt mạng vì xung đột ở Ukraine khiến nhiều người cho rằng cần phải đòi công lý cho họ. Con số thương vong này lớn, nhưng sẽ không thấm vào đâu so với các cuộc chiến tranh quy mô khác trên thế giới. Hơn nữa, chính phủ Kiev kêu gọi phương Tây hỗ trợ vũ khí, nhưng bản thân họ không kiểm soát được các hành động bạo lực của lực lượng tình nguyện chiến đấu ở miền Đông. 

"Kiev nên chỉ theo đuổi chính sách riêng của họ, mà còn phải xem xét các chi phí khác. Washington và Brussels không nên hỗ trợ một chính sách đối đầu với Nga. Tình hình ở Ukraine khủng khiếp, nhưng nó không phải là cơ sở cho chính sách đối ngoại. Một cuộc đối đầu liên tục và nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nga còn tồi tệ hơn nhiều" Bandow nhấn mạnh.

Trong mọi trường hợp, Mỹ nên giữ vũ khí và quân đội của mình ở nhà. Washington đã có quá nhiều người đồng minh làm cho người Mỹ trở nên ít an toàn hơn. Ukraine không phải là cuộc chiến của Mỹ.

Doug Bandow là một nhà phân tích chính sách trong và ngoài nước.
Ông từng là thành viên cao cấp tại Viện Cato. Ông từng giữ chức cựu trợ lý đặc biệt của Tổng thống Ronald Reagan, một thành viên cao cấp của Viện Khủng bố Cuồng tín Quốc tế thuộc Viện Tôn giáo và Chính sách công.
Bandow còn là tác giả, biên tập viên của nhiều cuốn sách về đề tài chính trị, tôn giáo như: "Foreign Follies: America's New Global Empire", "The Politics of Plunder: Misgovernment in Washington","Beyond Good Intentions: A Biblical View of Politics".
Ông từng tốt nghiệp trường Đại học bang Florida  và trường Luật Stanford. 
Nguyễn Hường