Mã Anh Cửu: Chưa bàn thống nhất với Trung Quốc, không bỏ trứng vào một giỏ

03/10/2015 09:22
Đông Bình
(GDVN) - Hệ thống chính trị giữa hai bờ còn nhiều khác biệt, không thể bỏ qua cái giỏ lớn Trung Quốc, vừa tự lực vừa hợp tác với nước ngoài để chế tạo tàu ngầm.

Đài Loan còn chưa chuẩn bị tốt cho bàn thống nhất hai bờ

Mạng "Tin tức bình luận Trung Quốc" Hồng Kông ngày 1 tháng 10 đưa tin, cùng ngày trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã đưa ra quan điểm về các vấn đề như quan hệ Đài-Trung, mua bán vũ khí, kinh tế thương mại.

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu

Còn tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông ngày 1 tháng 10 dẫn lời Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters Anh cùng ngày cho biết, khoảng cách kinh tế, xã hội của hai bờ đều đang thu hẹp, nhưng tình hình chính trị hai bên vẫn tồn tại khác biệt, Đài Loan còn chưa chuẩn bị tốt cho thảo luận vấn đề thống nhất.

Mã Anh Cửu cho biết, khoảng cách giữa hai bờ đang thu hẹp, nhưng thời cơ thảo luận thống nhất còn chưa chín muồi. "Nếu muốn bàn vấn đề liên quan thống nhất, chúng tôi cảm thấy thời cơ hoàn toàn chưa chín muồi. Khoảng cách giữa hai bên thực sự đang giảm đi, nhưng một số vấn đề cốt lõi, hai bên vẫn có một số khoảng cách”.

“Tôi cảm thấy, lúc này, không cần thiết thảo luận những vấn đề còn chưa có biện pháp giải quyết này. Để nhiều giao lưu hơn, giảm khoảng cách hai bên, kéo gần khoảng cách hai bên, đến lúc đó, nếu hai bên có ý nguyện bàn, thì tương đối có khả năng giải quyết, nếu không hiện nay bàn cũng bằng không, sẽ không có kết quả”.

Tuy nhiên, Mã Anh Cửu cho biết thêm, Đài Loan hoàn toàn không phải là bài trừ vấn đề mang tính chính trị. Hai bờ sớm đã ký kết "Thỏa thuận hỗ trợ tư pháp và tấn công tội phạm chung" vào năm 2009, hiện nay cũng đang hiệp thương vấn đề thiết lập cơ quan hai bờ ở mỗi bên, nhưng vấn đề này đều có tính chính trị.

Đài Loan chỉ cảm thấy, hiện nay hoàn toàn không có tính cấp bách phải lập tức thảo luận vấn đề chính trị.

Quân đội Đài Loan tổ chức diễn tập Hán Quang-30 (ảnh tư liệu)
Quân đội Đài Loan tổ chức diễn tập Hán Quang-30 (ảnh tư liệu)

Nhìn lại quan hệ hai bờ từ khi ông lên cầm quyền, Mã Anh Cửu cho rằng, 7 năm qua, quan hệ hai bờ đã được cải thiện rất lớn, đã ký kết 23 thỏa thuận. Khi có vấn đề cũng có thể dùng phương thức hòa bình để giải quyết, làm cho quan hệ hai bờ ổn định, hòa bình, đem lại thịnh vượng và thân thiện giữa hai bờ.

Mã Anh Cửu cho rằng, hiện nay, kinh tế và xã hội Trung Quốc tự do hơn nhiều so với trước đây, thị trường cổ phiếu cũng rất phát triển, đây là điều rất hiếm có trước đây, 30 năm trước sẽ không nhìn thấy. Nhưng hệ thống chính trị của hai bên còn tồn tại sự khác biệt rất lớn, lúc này bàn vấn đề thống nhất là không thích hợp lắm, Đài Loan cũng chưa chuẩn bị tốt.

“Không bỏ trứng vào một giỏ”

Theo hãng tin CNA Đài Loan, trước đó, ngày 29 tháng 9, ông Mã Anh Cửu cho biết, “Đồng thuận 2/9” và quan hệ hai bờ là “hợp tác thì cùng thịnh vượng, tách rời thì bị thương”.

Quân đội Đài Loan tổ chức diễn tập Hán Quang-30 (ảnh tư liệu)
Quân đội Đài Loan tổ chức diễn tập Hán Quang-30 (ảnh tư liệu)

Tại tiệc tối cùng ngày do Quỹ giao lưu eo biển Đài Loan tổ chức, ông cho biết, trải qua nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung ương, sau khi thỏa thuận khung hợp tác kinh tế hai bờ (ECFA) được ký kết thì có 49,6% doanh nghiệp được lợi là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mã Anh Cửu cho biết, Đài Loan là một nền kinh tế mở nhưng nhỏ, tăng trưởng GDP có 70% lệ thuộc vào xuất khẩu. Năm 2000, Đài Loan xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 24% tổng xuất khẩu, năm 2008 đạt 40%; đến tháng 8 năm nay, không vượt 40%, trái lại giảm đi. Bắt đầu từ năm 2003, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đài Loan.

Theo Mã Anh Cửu, tổng lượng thương mại hai bờ tăng lên, nhưng do Đài Loan phân tán thị trường xuất khẩu, cho nên tỷ lệ % giảm đi. Ông nói: “Chúng ta không bỏ trứng vào cùng một giỏ, nhưng không thể không bỏ một quả trứng vào cái giỏ lớn Trung Quốc”.

Ngoài ra, khi tổ chức hội nghị video với nghị viện châu Âu ngày 29 tháng 9, ông Mã Anh Cửu cho biết, ông đã bày tỏ hy vọng tham gia Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (do Trung Quốc đứng đầu), sẽ tiếp tục tích cực tham gia.

Quân đội Đài Loan tổ chức diễn tập Hán Quang-30 (ảnh tư liệu)
Quân đội Đài Loan tổ chức diễn tập Hán Quang-30 (ảnh tư liệu)

Vừa tự lực vừa hợp tác để chế tạo tàu ngầm

Mạng "Tin tức bình luận Trung Quốc" Hồng Kông ngày 1 tháng 10 đưa tin, cùng ngày, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu còn cho biết, 4 tàu ngầm hiện có của Đài Loan đều đã cũ, vì vậy cần chế tạo.

Nhưng, ông tin tưởng, chỉ cần chính sách đúng đắn, Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan. Trong khi đó, lực lượng phòng thủ tốt nhất chính là để Trung Quốc hiểu được, nếu dùng phương thức phi hòa bình để đơn phương làm thay đổi hiện trang, sẽ không có lợi cho cả hai bên.

Đối với chính sách tự chế tạo tàu ngầm được bàn đến nhiều, Mã Anh Cửu cho biết, hiện nay, thực hiện chính sách "một phần tự chế tạo, một phần mua của nước ngoài", trao đổi với Mỹ không có vấn đề quá lớn, cũng không loại trừ có được công nghệ quan trọng từ nước khác. Nhưng, hiện nay còn chưa tiện tiết lộ chi tiết.

Mã Anh Cửu cho hay, chính sách tàu ngầm hiện nay là một kế hoạch mang tính tổng hợp. Ngay từ năm 2001, Mỹ đã đồng ý bán tàu ngầm diesel-điện cho Đài Loan, nhưng do Mỹ đã không sản xuất tàu ngầm diesel-điện, trong khi Đài Loan không cần tàu ngầm hạt nhân.

Tàu ngầm thông thường Hải Long, Hải quân Đài Loan
Tàu ngầm thông thường Hải Long, Hải quân Đài Loan

Hiện nay, Đài Loan quyết định tự làm, bởi vì bản thân Đài Loan có năng lực đóng tàu nhất định, hoàn toàn không cần dựa hết vào nước ngoài. Nhưng có một số công nghệ quan trọng và hệ thống vũ khí có thể phải dựa vào nước ngoài.

Trước đây, Đài Loan từng chế tạo máy bay chiến đấu tiên tiến, cũng là một phần tự chế, còn một phần khác nhận được công nghệ liên quan từ Mỹ.

Mã Anh Cửu cho biết, đến nay, Đài Loan và Mỹ "không có vấn đề gì quá lớn", sau khi đưa ra chính sách này, Mỹ cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ.

Nhưng, về việc Mỹ có sẵn sàng cung cấp hỗ trợ công nghệ hay không, ông Mã Anh Cửu cho biết, Đài Loan "còn chưa hoàn toàn thảo luận đến giai đoạn này", cũng không tiện cung cấp chi tiết, chỉ có thể nói phương hướng lớn là Đài Loan sẽ hợp tác với nước ngoài, một phần tự chế tạo, một phần dựa vào công nghệ của nước ngoài. Điều này "còn rất tin tưởng".

Hiện nay, còn chưa nghe thấy Mỹ không sẵn sàng bán, các nước khác nếu có công nghệ liên quan, Đài Loan cũng "không loại trừ" cơ hội như vậy, nhưng ông "không thể cho mọi người biết" có nước nào liên lạc với phía Đài Loan.

Máy bay chiến đấu IDF Đài Loan trong một cuộc diễn tập quân sự Hán Quốc
Máy bay chiến đấu IDF Đài Loan trong một cuộc diễn tập quân sự Hán Quốc
Đông Bình