Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Mất cân bằng giới khi sinh: Nhóm trí thức, giàu nhất "đứng đầu bảng"

04/11/2012 07:23
Thảo Lăng
(GDVN) - Ở nhóm dân số nghèo nhất, tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái là 105/100; nhóm dân số giàu nhất, tỷ lệ này là 112/100.

Ngày 3/11/2012, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Quốc gia về mất cân bằng giới tình khi sinh (MCBGTKS) tại trung tâm Hội nghị Quốc tế. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội thảo. 

MCBGTKS ở Việt Nam diễn ra khá muộn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng lại xảy ra với tốc độ nhanh, diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng, thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và dư luận xã hội. Việt Nam được chia ra 6 vùng kinh tế - xã hội thì năm 2009 chỉ còn duy nhất vùng các tỉnh Tây Nguyên có TSGTKS ở mức bình thường (105), còn 5/6 vùng còn lại đều đã có tình trạng MCBGTKS. 

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội thảo.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội thảo.

Nhấn mạnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến nói: “Suốt 2 thập kỷ từ 1979 - 1999, tỷ số GTKS ở Việt Nam chỉ tăng trung bình 0,1 điểm phần trăm/năm (tỷ số GTKS từ 105 năm 1979 lên 107 năm 1999), nhưng từ năm 2006 đến nay, tỷ số này luôn trong xu hướng tăng và tăng mạnh; có năm tăng tới 1 điểm phần trăm – tức là gấp 10 lần so với trước đây và hiện đã cao tới mức nghiêm trọng: 112,3 vào ¼ năm 2012”.

Thứ trưởng cho rằng: “Nếu không có sự can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh thì tỷ số GTKS của nước ta có thể tiếp tục tăng lên khoảng 125 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050. Như vậy, vào năm 2050 mức này tương ứng với việc dư thừa khoảng 12% nam giới tuổi dưới 50”.

Ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số đưa ra con số, chênh lệch trẻ trai/trẻ gái tăng cao ở nhóm gia đình có kinh tế khá giả, phụ nữ có học vấn cao. Cụ thể: ở nhóm dân số nghèo nhất, tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái là 105/100; nhóm dân số giàu nhất, tỷ lệ này là 112/100. Đặc biệt, trong nhóm giàu nhất, ở lần sinh thứ ba tỷ lệ này càng cao, lên đến 133/100. Chênh lệch trẻ trai/trẻ gái thấp nhất (107/100) ở nhóm phụ nữ không biết chữ và lên đến 114/100 (nhóm bà mẹ có trình độ từ cao đẳng trở lên).

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tình trạng mất cân bằng GTKS ở nước ta đang trở thành vấn đề nóng và hội thảo hôm nay là rất quan trọng và cần thiết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sự gia tăng của GTKS trong những năm qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây rất đáng lo ngại. Động cơ phải có con trai đã tồn tại trong tâm lý của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng hàng nghìn năm nay. 

Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và cơ hội tiếp cận nó ngày càng dễ dàng và thuận lợi của người dân; việc thực thi luật pháp trong việc lựa chọn giới tính thai nhi chưa nghiêm… đã khiến TSGTKS ngày càng tăng. 

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo.

Về quan niệm, nhu cầu phải có con trai để dưỡng già, Phó Thủ tướng chia sẻ ngay trong gia đình mình để nói lên: “Bố mẹ già không nhất thiết phải ở với con trai, không có con trai thì ở với con đẻ, là con gái cũng đâu có sao. Như vậy là cần thiết phải thay đổi mô hình gia đình".

Phó Thủ tướng gợi ý, vấn đề kế thừa tài sản sau khi cưới cũng nên có thành chuyên đề. Đây là vấn đề về văn hóa, nhưng rõ ràng cần thiết phải có sự phân biệt để phụ nữ có quyền hơn trong các vấn đề về gia đình, trong đó có việc sở hữu tài sản.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng một trong số các giải pháp cần đưa ra là tăng cường lực lượng cộng tác viên cơ sở, ngoài việc tăng quy mô, cần thiết phải duy trì và tập trung vào chất lượng. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần bàn với ngành Giáo dục để đưa vấn đề giới tính vào các chương trình chính thức để ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, các em sẽ có những nhìn nhận đúng đắn hơn về giới và bình đẳng giới. Làm thế nào để các em có những nhận thức đúng là việc cốt lõi. Đặc biệt, cần thiết phải có sự tham gia của các đoàn thể, đặc biệt đoàn thanh niên. Phải có nhận thức đúng để tự tạo hạnh phúc cho mình. Về thay đổi tập quán, Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự kết hợp giữa các địa phương, học hỏi những mô hình thành công.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đoàn thể để có kế hoạch và giải pháp cho vấn đề giảm thiểu MCBGTKS trong năm 2013 và những năm tới.

Thảo Lăng