Máu và Vàng trên “cánh đồng vàng” vô chủ

27/08/2017 06:00
Tấn Tài
(GDVN) - Sau khi đào hàng tấn vàng mang đi, để lại một khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, “cánh đồng vàng” lớn nhất Đông Nam Á trở nên vô chủ, thành nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

LTS: Sau khi Công ty vàng Bồng Miêu bị cơ quan chức năng buộc phải đóng cửa mỏ khiến "cánh đồng vàng" lớn nhất Đông Nam Á vô chủ, gây ra nhiều hệ lụy.

Nhiều vụ cướp vàng, buôn bán chất nổ, chất độc cyanua đã bị cơ quan công an khám phá bắt giữ.

Nhưng mối nguy lớn nhất là các hầm lò bị dân làm vàng thổ phỉ ngày đêm cày xới, sẽ đổ sập xuống bất cứ lúc nào, vùi lấp hàng chục mạng nhân mạng.

Tiếp theo bài viết "Cánh đồng vàng vô chủ bây giờ ra sao?", Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục có bài phản ánh về thực trạng buồn tại bãi vàng Bồng Miêu.

“Bán mạng” trong những hầm vàng thổ phỉ

Từ đồn công an xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam), chúng tôi đi nhờ chiếc xe Win cà tàng chạy vào lãnh địa vàng. Dù được mệnh danh là “thủ phủ vàng” nhưng những con đường nơi đây rất hiểm trở, gập ghềnh với nhiều dốc đá dựng đứng.

Công ty vàng Bồng Miêu đã đào hàng tấn vàng mang đi, để lại một khoản nợ lớn cùng nhiều hệ lụy cho người dân xứ vàng. Ảnh: TT
Công ty vàng Bồng Miêu đã đào hàng tấn vàng mang đi, để lại một khoản nợ lớn cùng nhiều hệ lụy cho người dân xứ vàng. Ảnh: TT

Như lời Bí thư xã Tam Lãnh Nguyễn Tấn Hòa chia sẻ, dù nằm trên mỏ vàng nhưng để làm con đường nhỏ nối vào xã, địa phương cũng phải chạy ra tận trung ương "xin" tiền. Còn công ty vàng chỉ hỗ trợ rãi đá cấp phối dài hơn 3 km, được vài bữa thì mưa rừng đã cuốn trôi hết.

Nhìn về phía xa là những ngọn núi chứa trong mình những khối vàng đã bị đục khoét nham nhở suốt cả trăm năm nay. Với diện tích gần 400 hecta, trong đó hơn 100 hecta là hầm lò, bãi thải, để “quần” hết bãi vàng này thì cũng mất vài ngày.

Máu và Vàng trên “cánh đồng vàng” vô chủ ảnh 2

“Cánh đồng vàng” lớn nhất Đông Nam Á bây giờ ra sao?

Trên đường vào một khu hầm lò gần nhất, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh người dân địa phương phải cày xới bãi thải của công ty vàng Bồng Miêu để mót vàng. Thấy có người lạ, họ vứt lại máy móc rồi bỏ trốn vào rừng.

Ngước nhìn con dốc dựng đứng, phía trên còn bốc khói nghi ngút, một người dân địa phương cho biết, dân đào vàng thổ phỉ đang làm vàng trên ngách núi. Để leo lên được đó cũng mất vài giờ đồng hồ.

Trung tá Văn Công Đoàn – Đồn trưởng đồn công an xã Tam Lãnh cho biết, sau khi công ty vàng Bồng Miêu dừng hoạt động, số lượng người dân tứ xứ đổ về đây đào đãi vàng trái phép ngày một nhiều hơn.

Khu vực mỏ có rất nhiều hầm lò với hơn 40 đường hầm thông nhau, đâm vào vách núi cùng các ngách, điểm thông gió nên rất khó ngăn chặn dân đào vàng chui vào khai thác.

Cứ chặn ở đường hầm này thì họ lại tìm đường khác đi vào. Nguy hiểm nhất là có những ngách hầm từ thời Pháp, dân vẫn vào làm vàng nên rất nguy hiểm.

Sức hút của vàng đã khiến hàng trăm con người đổ xô về đây từ các ngã Bắc Trà My (Quảng Nam), Bồng Sơn (Quảng Ngãi) xuống, từ Tam Lãnh (Phú Ninh) lên. Họ tranh giành với nhau từng ngách lò để đào quặng vàng.

Dẫn chúng tôi vào lò 10, một đường hầm dài hàng km, đâm vào vách núi, một tổ công an phải chốt trực tại điểm này. Đường vào lò đã bị khóa lại, bên ngoài có hai chiến sĩ công an canh gác 24/24.

“Trước đây, dân đào vàng theo đường hầm này vào khai thác vì nó khá rộng, dễ di chuyển. Để ngăn chặn, chúng tôi phải cử người gác. Đi lên lưng chừng núi này cũng có hai tổ canh như vậy”, một chiến sĩ công an đồn Tam Lãnh cho hay.

Dù vậy, phía trong lò 10 này vẫn có từ 15-20 người thường xuyên “đục đẽo” tìm kiếm vàng. Lực lượng công an huy động hàng chục chiến sĩ, tiến hành hàng trăm lượt truy quét nhưng vẫn không thể đẩy đuổi hết dân làm vàng thổ phỉ ra khỏi “cánh đồng vàng”.

Máu và vàng

Theo Trung tá Đoàn, chỉ cách đây vài ngày, một vụ sập hầm vàng đã khiến anh Đinh Xuân Thành (sinh năm 1977, trú tại Bồng Miêu) bị đá văng vỡ đầu, gãy tay. Hầu như năm nào ở mỏ vàng này cũng xảy ra sập hầm, ngạt khí… cướp đi nhiều sinh mạng của dân đào vàng.

Một chốt gác của công an tại hầm lò số 10 để ngăn dân vào trong đào vàng. Ảnh: TT
Một chốt gác của công an tại hầm lò số 10 để ngăn dân vào trong đào vàng. Ảnh: TT

Vào giữa tháng 4, vợ chồng ông Nguyễn Đức Trọng (60 tuổi, trú tỉnh Quảng Trị) và bà Phạm Thị Dưỡng (59 tuổi) đi khai thác vàng ở một hầm vàng tại đồi Sim (xã Tam Lãnh).

Do dụng cụ chống đỡ thô sơ nên khi đào sâu vào lòng núi thì hầm bất ngờ bị đổ sập khiến ông Trọng bị tử vong.

Máu và Vàng trên “cánh đồng vàng” vô chủ ảnh 4

Hai công ty vàng lớn nhất nước nợ hơn 430 tỷ đồng tiền thuế

Trong ký ức của người dân xứ vàng Bồng Miêu, những vụ sập hầm đè chết phu vàng đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Máu và vàng trộn lẫn trong những câu chuyện của người dân xứ này.

Đó là vụ sập hầm vàng vào đêm 1/1/2015 khiến hai người chết, nhiều người bị thương hay vụ sập hầm vùi lấp ba phu vàng vào ngày 5/5/2013, không tìm thấy xác.

Những con số khô khốc về nhân mạng ấy vẫn không thể cưỡng bước chân của các toán giang hồ tứ chiếng kéo về đây buôn bán thuốc nổ, chất độc, tranh giành lãnh địa đào vàng…

Lật quyển sổ ghi chép nhật ký hoạt động của đồn, Trung tá Đoàn cho biết: “Hôm nay là ngày Tòa án nhân dân huyện Phú Ninh mở phiên tòa xét xử nhóm cướp đã gây ra ba vụ cướp vàng ở Bồng Miêu”.

Nhóm cướp này do Mai Kim Lai (sinh năm 1992, Bồng Miêu) cầm đầu, đã cùng đồng bọn mang theo mã tấu, roi điện.. lên núi cướp tài sản của dân đào vàng trái phép.

Chúng lợi dụng đêm tối, tấn công vào các lán trại khai thác vàng trái phép cướp đi nhiều kim loại kẽm ngậm vàng, tiền, điện thoại di động, máng ngân… Khi bị chống cự, chúng ra tay chém trọng thương phu vàng rồi bỏ trốn.

Còn các loại tội phạm khác như vận chuyển mua bán thuốc nổ, kíp nổ, chất độc cyanua… thì hầu như tuần nào đồn công an Tam Lãnh cũng bắt, xử lý vài vụ.

“Các đối tượng này tìm đủ mọi cách đối phó để vận chuyển thuốc nổ, cyanua vào bãi vàng. Có trường hợp nó còn hòa tan xyanua trong nước rồi vận chuyển. Khi bị phát hiện, nó hất văng xuống đất để thoát tội”, trung tá Đoàn cho hay.

(Còn nữa)

Tấn Tài