Máy bay chiến đấu T-50 của Nga sẽ tham gia lễ duyệt binh của TQ?

31/01/2015 11:37
Đông Bình
(GDVN) - Tập Cận Bình có thể mời Putin, không mời Obama, vũ khí duyệt binh có thể là máy bay J-20, xe tăng Type 99, máy bay vận tải Y-20, máy bay cảnh báo sớm KJ-500...
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2015 Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 2015 Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu", tờ báo chuyên đưa tin, bình luận giật gân của Trung Quốc ngày 30 tháng 1 đưa tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 29 tháng 1 trả lời phỏng vấn báo chí được phổ biến giải thích là "Trung Quốc xác định tổ chức duyệt binh ngày chiến thắng vào ngày 3 tháng 9". Đây được nhiều người cho là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức duyệt binh trong thời điểm không phải là ngày Quốc khánh.

Theo bài báo, năm 2015 là tròn 70 năm chiến thắng chống phát-xít trên thế giới, hành động này của Trung Quốc được bài báo phô trương là thể hiện quyết tâm "bảo vệ hòa bình thế giới". Bài báo nghĩ rằng, thế giới rõ ràng "cần cuộc duyệt binh như này", châu Á đặc biệt cần.

Báo Trung Quốc giải thích: Ngày kỷ niệm đổ bộ Normandy của châu Âu đã được mô tả rất quy mô và thiêng liêng, nhưng ở châu Á, có người "muốn bóp méo lịch sử đối với Chiến tranh thế giới lần thứ hai, từ chối thừa nhận trách nhiệm" (ám chỉ Nhật Bản), cho rằng, ranh giới đúng sai của chiến tranh đối mặt với "nguy cơ cắt và sửa". Báo Trung Quốc nói như vậy, nhưng không biết họ có nghĩ đến và thái độ của họ đối với các cuộc chiến tranh xâm lược biên giới và biển đảo do họ tiến hành vào các năm 1974, 1979, 1988 hay không?

Theo bài báo thì một số phương tiện truyền thông Nhật Bản và phương Tây tìm cách "quấy rối" duyệt binh của Trung Quốc, “liên hệ máy móc” nó với các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ Trung-Nhật, Mỹ "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương", tranh chấp đảo Biển Đông, cho rằng, Trung Quốc duyệt binh là để "thể hiện cứng rắn" với bên ngoài.

Bài báo dẫn "học giả người Hoa ở Tokyo" cho rằng, Trung Quốc không nên bị những nhân tố này gây rối, rằng "bảo vệ hòa bình" không thể dựa vào từ bi của người khác, mà chỉ có thể dựa vào sức mạnh của mình.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 201 (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 số hiệu 201 (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Theo bài báo thì tại cuộc họp báo ngày 29 tháng 1, đã có tới 5 câu hỏi liên quan đến vấn đề tổ chức duyệt binh kỷ niệm ngày "kháng chiến thắng lợi", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc là Dương Vũ Quân đã không phủ nhận khi tờ "Tín báo" Hồng Kông có bài viết cho rằng "Trung Quốc xác định ngày 3 tháng 9 tổ chức duyệt binh kháng chiến thắng lợi", và nói rằng, thông tin liên quan được Bộ Ngoại giao vừa công bố, hiện không có thông tin thêm.

Tờ "Nhật báo Phương Đông" Hồng Kông ngày 28 tháng 1 cho biết, theo tiết lộ của nguồn tin từ Bắc Kinh, Ban chỉ huy chuẩn bị duyệt binh gồm các sĩ quan của 4 Tổng bộ lớn cùng Hải quân, Không quân, Pháo binh 2 và Đại quân khu Bắc Kinh của Quân đội Trung Quốc đã được điều đến Tiểu Thang Sơn, ngoại ô Bắc Kinh, trong khi đó, Tân tư lệnh Đại quân khu Bắc Kinh mới nhậm chức đeo lon Thượng tướng là Tống Phổ Tuyển sẽ phụ trách cụ thể. Tổng Phổ Tuyển được cho là sẽ làm tổng chỉ huy duyệt binh.

Việc xây dựng các làng duyệt binh cũng đã cơ bản hoàn thành, các đơn vị tham gia duyệt binh đến từ các đại quân khu, học viện nhà trường quân sự và cảnh sát vũ trang của Quân đội Trung Quốc gần đây đã tập kết ở các khu vực ngoại ô Bắc Kinh như Thông Châu, triển khai huấn luyện, có nghĩa là công tác chuẩn bị duyệt binh sẽ chính thức khởi động trước sau Tết Nguyên Đán.

Về sự kiện nay, tờ "Đại công báo" Hồng Kông ngày 29 tháng 1 bình luận cho rằng, Trung Quốc đang tích cực chủ trương "ngoại giao nước lớn", cho nên, tổ chức hoạt động duyệt binh này là "cần thiết", cho rằng, Trung Quốc đã "được mùa" về "ngoại giao sân nhà" năm 2014 và cũng khởi đầu tốt đẹp khi tổ chức Diễn đàn Trung Quốc-Mỹ Latinh vào đầu năm 2015, do đó, cho rằng, cần tiếp tục thúc đẩy thành quả này.

Bài viết đã nhìn lại ngày kỷ niệm tròn 70 năm của cuộc đổ bộ Normandy năm 2014, khi đó, các nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ của 20 nước như Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thống Nga Putin, nữ hoàng Anh Elizabeth đã tham dự, đã tạo ra cơ hội để tổ chức các cuộc hội kiến hoặc hội đàm.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc là "nước chiến thắng chống phát-xít", hoạt động kỷ niệm này tiếp tục "định vị vị thế quốc tế và tầm nhìn quốc tế" của Trung Quốc.

Dẫn báo Australia cho rằng, Trung Quốc tổ chức duyệt binh là để tạo dựng lòng tự hào về đất nước hơn 1 tỷ dân và tăng cường "tự tin" cho quân đội, đồng thời khẳng định "thành quả chống tham nhũng" của Trung Quốc.

Tờ "Hankook Ilbo" Hàn Quốc cho rằng, Trung Quốc tổ chức duyệt binh lớn để thể hiện ý đồ "củng cố mặt trận thống nhất chống phát xít thế giới" của Trung Quốc và thể hiện Trung Quốc đang "ổn định chính trị".

Tờ "Moskovsky Komsomolets" Nga ngày 28 tháng 1 cho biết, dự tính, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ tham dự lễ duyệt binh này. Ngoài ra, nhà lãnh đạo các nước SCO và một số nước châu Âu cũng sẽ được mời. Do quan hệ đồng minh Nhật Bản và Mỹ, Trung Quốc chưa chắc sẽ mời ông Barack Obama tham gia.

Tờ "Học giả ngoại giao" Nhật Bản cho rằng, giống như Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần này tham dự lễ duyệt binh Quốc khánh Ấn Độ, khi đó ông Putin sẽ được mời cùng Tập Cận Bình xem duyệt binh và “bắn tín hiệu địa-chính trị rõ ràng”.

Hãng tin Yonhap Hàn Quốc cho rằng, không loại trừ khả năng quân đội hai nước Trung-Nga cùng tham gia, đến lúc đó máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc và T-50 của Nga có khả năng đồng thời bay trên quảng trường Thiên An Môn.

Tờ "Want Daily" Đài Loan ngày 29 tháng 1 đã điểm lại lịch sử duyệt binh của Trung Quốc, cho rằng, Trung Quốc đã tổ chức 14 cuộc duyệt binh, duyệt binh năm 1951 là cột mốc chuyển từ "xe ngựa" sang "cơ giới"; năm 1953 lực lượng tên lửa lần đầu tiên xuất hiện; năm 1954 bắt đầu xuất hiện lực lượng nhảy dù, đây là lần cuối cùng lực lượng kỵ binh xuất hiện;

năm 1957 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom động cơ phản lực nội địa Trung Quốc lần đầu tiên tham gia duyệt binh; đội hình dân quân tham gia duyệt binh năm 1958 có quy mô chưa từng có; số người tham gia duyệt binh năm 1959 lên tới 700.000 người.

Năm 1984, Trung Quốc lần đầu tiên khôi phục duyệt binh sau cải cách mở cửa, lực lượng tên lửa chiến lược lần đầu tiên xuất hiện; duyệt binh năm 1999 có các lực lượng như lục quân, hải quân, không quân, pháo binh 2, cảnh sát vũ trang và lực lượng vũ trang địa phương đại diện cho tất cả các thành phần của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Một cuộc khảo sát trực tuyến trên tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 29 tháng 1 cho thấy, dân mạng Trung Quốc trông đợi các loại vũ khí sẽ tham gia duyệt binh năm nay như xe tăng chiến đấu cải tiến Type 99, máy bay trực thăng vũ trang Z-10, tên lửa xuyên lục địa Đông Phong-41, máy bay chiến đấu tàng hình J-20. Ngoài ra, trong lễ duyệt binh có thể xuất hiện những người “lính cũ” tham chiến trước đây ngồi trên xe mui trần.

Theo kênh tin tức “Now” Hồng Kông ngày 29 tháng 1, cách hoạt động duyệt binh Quốc khánh lần trước đã 6 năm, sự phát triển quân sự của Trung Quốc rất nhanh, dự đoán sẽ có rất nhiều vũ khí trang bị mới sẽ được Trung Quốc phô trương, loại trang bị được quan tâm nhất là máy bay chiến đấu J-20, một tiêu điểm khác là máy bay vận tải cỡ lớn Y-20.

Về lục quân, xe tăng chiến đấu Type 99, xe chiến đấu bộ binh Type 04A có thể cùng tham gia. Về hải quân, ngoài tên lửa chống hạm hạng nặng YJ-18 và máy bay chiến đấu J-15, còn có thể xuất hiện tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9. Về không quân, ngoài máy bay không người lái GJ-1 xuất hiện ở Triển lãm hàng không Chu Hải, có thể sẽ xuất hiện máy bay chiến đấu J-10B, J-11B, máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay ném bom H-6K lắp tên lửa hành trình.

Theo mạng tin tức toàn cầu của Đức, lễ duyệt binh năm 2009 của Trung Quốc từng phô diễn 52 hệ thống vũ khí do Trung Quốc chế tạo. Lần này, vũ khí do Trung Quốc khoe có thể hiện đại hơn, kể cả một số "siêu vũ khí".

Đông Bình