Máy bay F-35 Mỹ trang bị bom hạt nhân sẽ "mê hoặc" đồng minh ở châu Á

30/05/2013 08:45
Đông Bình
(GDVN) - Bom hạt nhân B61 sẽ "Đông tiến", các đồng minh châu Á chưa có vũ khí hạt nhân Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia sẽ bị mê hoặc bởi máy bay F-35 trang bị B61.
Bom hạt nhân chiến thuật B61 Mỹ
Bom hạt nhân chiến thuật B61 Mỹ

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 29 tháng 5 đăng bài viết "Mỹ định lấy F-35 làm máy bay trang bị đạn hạt nhân, làm "mê hoặc" (báo TQ) rất lớn đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia".

Bài viết cho rằng, so với vũ khí hạt nhân chiến lược, vũ khí hạt nhân chiến thuật có tầm phóng tương đối ngắn, chủ yếu dùng để tấn công đối với các mục tiêu chiến thuật gây ảnh hưởng trực tiếp tới các hành động quân sự, thể tích và uy lực của nó đều tương đối nhỏ, nhưng tính cơ động tốt, độ chính xác cao.

Sự bùng phát khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên gần đây làm cho vũ khí hạt nhân chiến thuật tiếp tục đi vào tầm ngắm của các nước. Trước việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố muốn tiến hành tấn công hạt nhân mang tính hủy diệt đối với Mỹ và đồng minh - "coi Triều Tiên là thù địch", Mỹ và đồng minh đã ứng phó cứng rắn.

Trong báo cáo sức mạnh quân sự CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên công bố vào đầu tháng 5, Mỹ đã chỉ trích CHDCND Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa, có ý đồ tấn công Hàn Quốc, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Mỹ coi CHDCND Triều Tiên là "mối đe dọa nghiêm trọng nhất" và áp dụng các biện pháp ứng phó, Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương, tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, khởi động "ô bảo vệ hạt nhân" đối với các đồng minh như Hàn Quốc. 22 năm trước, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, chính quyền “Bush cha” đã rút về vũ khí hạt nhân chiến thuật triển khai ở Hàn Quốc.

Bom hạt nhân chiến thuật B61
Bom hạt nhân chiến thuật B61

Với tính chất là một biện pháp khác, trong ngân sách quốc phòng mới, Mỹ có kế hoạch chi 11 tỷ USD để tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Trong tương lai, những vũ khí hạt nhân chiến thuật sau nâng cấp này sẽ trang bị cho máy bay chiến đấu F-35, mục đích là nâng cao hiệu quả tấn công đối với các mục tiêu quân sự kẻ thù của Mỹ.

Vũ khí hạt nhân ngày càng "sạch"

Mỹ từng rất coi trọng nghiên cứu phát triển và sản xuất vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ và NATO đạt đỉnh điểm, ở khu vực "trọng tâm" đối đầu Chiến tranh Lạnh - Tây Âu đã triển khai 7.300 vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Liên Xô và Khối hiệp ước Vacsava khi đó cũng không cam chịu yếu thế, liên tục triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật như tên lửa hạt nhân tầm trung SS-20 ở Đông Âu, lúc nhiều nhất lên tới hàng chục nghìn quả. Trong thời điểm đó, bóng ma hạt nhân đã bao trùm khắp đại lục châu Âu.

Cùng với việc Liên Xô tan rã và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã rút rất nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi châu Âu, hiện nay chỉ giữ lại khoảng 200 quả bom hạt nhân chiến thuật B61.

Căn cứ vào dự đoán của "Báo cáo nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ quân sự" Mỹ, trong tương lai xu thế phát triển của vũ khí hạt nhân chiến thuật là coi trọng chất lượng, coi nhẹ số lượng, có sức công phá và có độ chính xác cao, phát động tấn công theo kiểu “phẫu thuật ngoại khoa” đối với các mục tiêu kẻ thù, đồng thời lại có thể giảm thiệt hại phụ đến tối thiểu.

Trong tương lai, vũ khí hạt nhân chiến thuật hiện đại sẽ "cắt xén" đặc biệt đối với hiệu ứng nổ hạt nhân, chẳng hạn bom nơ-tron chỉ làm sát thương nhân viên đối phương, phá hoại rất nhỏ đối với các công trình kiến trúc và hạ tầng, cũng sẽ không gây ra ô nhiễm phóng xạ lâu dài. Loại bom này thuộc vũ khí hạt nhân "sạch".

Bom hạt nhân chiến thuật B61-7 Mỹ
Bom hạt nhân chiến thuật B61-7 Mỹ

Loại vũ khí hạt nhân mà Mỹ chuẩn bị nâng cấp trọng điểm lần này chính là bom hạt nhân B61, đây là một loại bom hàng không đa năng, do Phòng thực nghiệm quốc gia Los Alamos, bang New Mexico thiết kế. Trọng lượng của bom hạt nhân khoảng 320 kg, độ dài của bom khoảng 2,6 m, đường kính 34 cm.

Bom hạt nhân B62 có nhiều loại, căn cứ vào sự khác nhau về sức công phá và vai trò tác chiến được phân thành các loại bom như: B61-3, B61-4, B61-7, B61-11.

Trong đó B61-3 là vũ khí hạt nhân sớm nhất (1980) áp dụng hệ thống điểm hỏa điện tử kiểm soát micro; B61-4 sử dụng thuốc nổ năng lượng cao; B61-11 là bom hạt nhân xuyên đất, có thể xuyên vào lòng đất 3-6 m, cũng là bom hạt nhân mới nhất trong kho vũ khí hạt nhân hiện nay của Mỹ, kể từ khi Mỹ tạm dừng sản xuất vũ khí hạt nhân năm 1989 đến nay.

200 quả của châu Âu được phân thành 2 bộ phận: B61 triển khai ở căn cứ quân Mỹ và do máy bay chiến đấu Mỹ phóng; B61 triển khai ở các nước đồng minh NATO hoặc căn cứ quân sự của nước khác và do máy bay chiến đấu nước đồng minh phóng.

Loại thứ nhất gồm 100 quả được quân Mỹ dự trữ ở căn cứ không quân Incirlik, Thổ Nhĩ Kỳ và Viano, Italia. Loại thứ hai có khoảng 100 quả do Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Phần Lan phụ trách phóng.

Những quả bom hạt nhân này trong thời bình do trung đội bảo đảm đạn dược bảo quản. Thực ra, chúng được dự trữ ở dưới lòng đất, nơi cách cánh máy bay chiến đấu vài m tại nhà chứa máy bay. Trong thời chiến, chỉ cần Tổng thống Mỹ phê chuẩn sử dụng, chúng có thể lập tức được chuyển giao cho các nước NATO tương ứng.

Mỹ đang nghiên cứu phát triển bom hạt nhân chiến thuật B61-12
Mỹ đang nghiên cứu phát triển bom hạt nhân chiến thuật B61-12

Nội dung cải tạo

Dựa vào kế hoạch của Mỹ, việc nâng cấp cải tạo lần này có liên quan đến vũ khí hạt nhân và công cụ phóng.

Mỹ có kế hoạch rút bom hạt nhân Type B61-3 và B61-4 triển khai ở châu Âu về Mỹ, đồng thời kết hợp với các ưu điểm của vài loại B61 khác, nghiên cứu phát triển một loại bom hạt nhân mang tên B61-12, dự kiến bàn giao vào năm 2019.

Được biết, B61-12 có tính năng ưu việt hơn vài loại trước đây, sức công phá là 50.000 tấn. Mỹ hy vọng B61-12 có thể đạt yêu cầu sức công phá 360.000 tấn của B61-7. Đối với vấn đề này, nhân viên nghiên cứu khoa học Mỹ đã cải tạo thiết bị dẫn đường ở phần đuôi bom, mục đích là nâng cao độ chính xác bắn trúng.

Trong tình hình nâng cao độ chính xác, bom có sức công phá 50.000 tấn sẽ làm cho những mục tiêu bị tấn công đối mặt với mối đe dọa tương đương bom hạt nhân có sức công phá 360.000 tấn.

Do độ chính xác bắn trúng của bom hạt nhân được nâng cao, vì vậy những mục tiêu mà trước đây phải sử dụng bom hạt nhân có sức công phá tương đối lớn mới có thể phá hủy thì nay sử dụng bom hạt nhân có sức công phá nhỏ là có thể hoàn thành, đồng thời đã làm giảm cường độ của bụi phóng xạ, từ đó đã nâng cao "khả năng sẵn sàng" cho vũ khí hạt nhân.

Biên đội máy bay chiến đấu F-35A Mỹ - loại máy bay được Mỹ sử dụng để phóng bom hạt nhân chiến thuật B61
Biên đội máy bay chiến đấu F-35A Mỹ - loại máy bay được Mỹ sử dụng để phóng bom hạt nhân chiến thuật B61

Ngoài nâng cao tính năng phá hủy cho bom hạt nhân triển khai ở châu Âu, Mỹ còn có kế hoạch tiến hành cải tiến to lớn đối với một phần công cụ phóng bom hạt nhân. F-35 và F-16 đều được sử dụng làm máy bay phóng bom hạt nhân B61.

Mỗi chiếc F-35 có thể mang theo 2 quả bom B61-12 ở bên trong. Có chuyên gia cho rằng, Mỹ nâng cấp B61 có thể thúc đẩy biến tướng việc tiêu thụ máy bay F-35 ở châu Âu và châu Á. Đối với những nước còn chưa vượt qua ngưỡng cửa hạt nhân như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, máy bay chiến đấu F-35 có thể trang bị vũ khí hạt nhân chắc chắn là một sự mê hoặc to lớn.

Xu thế "Đông tiến"

Bom B61 phiên bản nâng cấp mới sẽ chỉ sinh ra tương đối ít vật chất phóng xạ, vì vậy dư luận lo ngại "do đã giảm hạn chế sử dụng", rất có thể dễ dàng dùng cho các cuộc xung đột trong tương lai.

Mỹ nâng cấp vũ khí hạt nhân chiến thuật B61 rốt cuộc là nhằm vào ai?

Có phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng, việc nâng cấp lần này là nhằm vào "đối thủ cũ" Nga. Số lượng B61 Mỹ ở châu Âu tuy hiện nay chỉ có mấy trăm quả, nhưng tạo ra mối đe dọa rất lớn đối với Nga.

Nga mặc dù không ngừng cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân thuật, nhưng số lượng của họ vượt xa Mỹ, có khoảng 3.000-4.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật, còn Mỹ chỉ có 730 vũ khí loại này.

Vì vậy, Mỹ luôn đề nghị với Nga tổ chức đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến thuật, nhưng Nga không muốn từ bỏ ưu thế số lượng, trong vấn đề này hai bên không có điểm chung. Hiện nay, Mỹ đã đưa ra kế hoạch cải tạo hiện đại hóa bom hạt nhân, đã tinh giản số lượng, nhưng đã tăng mạnh chất lượng.

Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 Mỹ
Máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35 Mỹ

Còn có chuyên gia phân tích cho rằng, đối thủ thực tế hơn cho việc nâng cấp lần này của Mỹ là CHDCND Triều Tiên. Những năm gần đây, CHDCND Triều Tiên gia tăng nghiên cứu phát triển công nghệ hạt nhân và luôn tiến hành thử nghiệm hạt nhân, Hàn Quốc đã cảm thấy sâu sắc về mối đe dọa và yêu cầu Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc.

Tháng 5 năm 2012, Ủy ban quân sự Hạ viện Mỹ đã thông qua một luật sửa đổi, đề xuất tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở khu vực Tây Thái Bình Dương, đây chính là sự phản hồi của Mỹ đối với Hàn Quốc.

"Liên minh các nhà khoa học Mỹ" - một cơ quan nghiên cứu Mỹ cho rằng, nếu B61 xuất hiện ở khu vực châu Á, thì chúng sẽ chủ yếu được triển khai ở căn cứ các nước như Nhật Bản.

Liên minh các nhà khoa học cho rằng, vũ khí hạt nhân chiến thuật - mà Mỹ triển khai ở nước ngoài - thực hiện "Đông tiến" là xu thế tất yếu, tức là chuyển từ Tây Âu hiện nay sang khu vực châu Á. Một mặt là vì các nước châu Âu ngày càng có ác cảm với vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đất nước họ; mặt khác cũng phù hợp với quyết định chuyển trọng điểm chiến lược tới châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Obama.
Máy bay chiến đấu F-16 Mỹ cũng được sử dụng làm máy bay phóng bom hạt nhân chiến thuật B61
Máy bay chiến đấu F-16 Mỹ cũng được sử dụng làm máy bay phóng bom hạt nhân chiến thuật B61
Đông Bình