Máy bay săn ngầm có vai trò quan trọng trong tranh chấp biển đảo

22/05/2013 15:09
Việt Dũng
(GDVN) - Máy bay săn ngầm cánh cố định được cho là "khắc tinh" tuyệt vời của tàu ngầm, có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa P-8I Poseidon, Ấn Độ mua 8 chiếc của Mỹ, trị giá 2,1 tỷ USD.
Máy bay tuần tra săn ngầm tầm xa P-8I Poseidon, Ấn Độ mua 8 chiếc của Mỹ, trị giá 2,1 tỷ USD.

Ngày 21/5, tờ "Phương Đông" Trung Quốc đăng bài viết cho biết, trong thời gian gần đây, máy bay tuần tra chống tàu ngầm cỡ lớn bờ biển liên tiếp xuất hiện trước dư luận.

Ngày 15 tháng 5, người phát ngôn hải quân Ấn Độ Baab công khai tuyên bố, chiếc đầu tiên trong số 8 máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8I nước này mua của hãng Boeing Mỹ cùng ngày đã được triển khai ở căn cứ hải quân Rajali, Ấn Độ.

Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố, lô 2 chiếc máy bay tuần tra chống tàu ngầm thế hệ mới P-1 đầu tiên của Nhật Bản cách đây không lâu đã biên chế cho căn cứ Atsugi, tỉnh Kanagawa.

Đồng thời một quan chức cao cấp của công ty Lockheed Lockheed Mỹ tiết lộ, Việt Nam có kế hoạch đề nghị với Chính phủ Mỹ mua 6 máy bay tuần tra P-3C Orion.

Tháng 3 năm nay, công ty Boeing đã bàn giao chiếc máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A Poseidon đầu tiên cho Hải quân Mỹ - loại máy bay được mệnh danh là "máy bay săn ngầm tiên tiến nhất thế giới", dự kiến đến tháng 7 năm nay sẽ có khả năng tác chiến ban đầu, có thể triển khai ở Philippines.

Vào đầu năm nay, trên các trang mạng cũng đã xuất hiện cá hình ảnh về máy bay tuần tra chống tàu ngầm mới do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển.

Có thể thấy, các vùng biển xung quanh Trung Quốc sẽ trở thành vũ đài hoạt động của máy bay tuần tra săn ngầm các nước.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Một máy bay tuần tra sánh ngang 100 máy bay trực thăng trong hoạt động săn ngầm

Trong nhiều năm qua, dư luận luôn lo ngại về mối đe dọa tàu ngầm Trung Quốc, nhưng theo báo Trung Quốc tuyên truyền thì Trung Quốc là quốc gia "bị tàu ngầm đe dọa lớn nhất". Theo đánh giá của Hải quân Mỹ, đến khoảng năm 2015, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đặc biệt là Tây Thái Bình Dương sẽ tập trung 40% tàu ngầm thông thường của toàn thế giới.

Nhật Bản mặc dù chỉ có 20 chiếc tàu ngầm thông thường, nhưng chúng có chất lượng tuyệt vời. Đồng thời, những năm qua, sức chiến đấu dưới lòng biển của các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, Australia đều đang tăng lên rất nhanh, Ấn Độ thậm chí đã thuê 2 tàu ngầm hạt nhân Akula-2 tiên tiến của Nga.

Mối đe dọa lớn nhất đối với TQ (theo tuyên truyền của báo chí nước này) chính là mấy chục tàu ngầm hạt nhân tấn công và tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hải quân Mỹ. Những năm gần đây, quân Mỹ cũng đã cải tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, để nó mang theo 154 quả tên lửa hành trình Tomahawk, ẩn núp ở các vùng biển gần xung quanh Trung Quốc, có thể tấn công các mục tiêu chiến lược trong lãnh thổ Trung Quốc.

Chống tàu ngầm luôn được coi là điểm yếu lớn nhất của Hải quân Trung Quốc, họ thiếu máy bay trực thăng săn ngầm thích hợp trang bị cho tàu chiến. Trong khi đó, máy bay tuần tra săn ngầm cánh cố định cỡ lớn lại được cho là "điểm yếu trong điểm yếu".

Thủy phi cơ SH-5 (Thủy Oanh-5) do tính năng lạc hậu, không thể đáp ứng nhu cầu săn ngầm của Trung Quốc. Do cơ bản không có máy bay tuần tra săn ngầm cỡ lớn, Trung Quốc đành phải sử dụng máy bay trực thăng săn ngầm trang bị cho tàu chiến.

Máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 của Nhật Bản.
Máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 của Nhật Bản.

Ông Trần Hổ, chủ biên tạp chí "Quân sự thế giới" Trung Quốc cho rằng, máy bay trực thăng săn ngầm có tốc độ chậm, hành trình gần, thích hợp hơn với nhiệm vụ hộ tống. Nếu muốn tìm kiếm tàu ngầm ở vùng biển có diện tích lớn, máy bay tuần tra cỡ lớn chắc chắn là một loại vũ khí có hiệu suất cao nhất.

Trong tác chiến săn ngầm, ưu thế chủ yếu máy bay tuần tra cỡ lớn là có tốc độ nhanh, hành trình xa, thời gian bay dài, tải trọng lớn, đặc biệt là diện bao quát rộng, thậm chí được gọi là "lực lượng tranh chấp trung tâm".

Theo Trần Hổ, hoạt động của máy bay trực thăng là hoạt động "điểm", còn máy bay săn ngầm cánh cố định là hoạt động "diện".

Một máy bay tuần tra cánh cố định cỡ lớn, trong một lần nhiệm vụ thậm chí có thể tìm kiếm ở vùng biển hàng chục nghìn km, hiệu suất gấp gần 100 lần so với máy bay trực thăng.

Đa năng, hữu dụng cả thời chiến và thời bình

Mặc dù máy bay tuần tra săn ngầm cỡ lớn bờ biển có vai trò quan trọng và lớn như vậy, nhưng các nước nghiên cứu chế tạo thành công hoàn toàn không nhiều.

Bởi vì, về bản chất, nó là một loại máy bay cỡ lớn và vừa, có hành trình lớn, có khả năng chao lượn xuất sắc và không gian rộng, độ khó trong thiết kế và sản xuất rất lớn. Đồng thời, còn phải sản xuất thiết bị tìm kiếm, theo dõi và thông tin tiên tiến cũng như nhiều loại vũ khí tấn công. 

Máy bay tuần tra săn ngầm cỡ lớn hiện có được trang bị phổ biến phao sonar, cảm biến địa từ trường (MAD), radar tìm kiếm, máy quay, dưới bụng máy bay thường có kho đạn, có thể mang theo ngư lôi săn ngầm, dưới cánh máy bay còn có thể treo tên lửa chống hạm.

Dưới thân máy bay thường bố trí dày đặc rất nhiều anten cao tần, ngoài truyền tin, còn có thể được dùng để tiếp nhận tín hiệu gửi về từ phao sonar thả trên mặt biển.

Dư luận cho rằng, Việt Nam có thể mua máy bay tuần tra săn ngầm cánh cố định P-3C của Mỹ để bảo vệ chủ quyền biển đảo
Dư luận cho rằng, Việt Nam có thể mua máy bay tuần tra săn ngầm cánh cố định P-3C của Mỹ để bảo vệ chủ quyền biển đảo

Đối với máy bay tuần tra săn ngầm điển hình, ở lỗ tròn dưới bụng máy bay mang theo vài chục phao sonar, chúng được thả xuống vùng biển bị tình nghi có tàu ngầm hoạt động.

Một khi “nghe” thấy tạp âm do tàu ngầm phát ra, các phao sonar này sẽ phát ra tín hiệu vô tuyến điện, nhân viên sonar trên máy bay tuần tra có thể dựa vào đó để phán đoán, nhận biết vị trí, ký hiệu của tàu ngầm.

Máy bay tuần tra săn ngầm còn có thể sử dụng radar để dò tìm tàu ngầm đang nổi trên mặt nước, hoặc ống thông khí và kính tiềm vọng của tàu ngầm "lộ đầu". Cái đuôi dài của máy bay săn ngầm dùng để phát hiện từ tính là do tàu ngầm phát ra.

Một khi định vị thành công, máy bay tuần tra săn ngầm có thể lập tức lao đến, tung ngư lôi và tiêu diệt tàu ngầm.

Ngoài tác chiến săn ngầm, trong thời bình, máy bay săn tàu ngầm cỡ lớn cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ quyền lợi biển, bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển.

Máy bay săn ngầm cỡ lớn có thể dùng để theo dõi, kiểm soát các vùng biển trên phạm vi lớn, trong tranh chấp đảo Senkaku, tỷ lệ sử dụng máy bay săn tàu ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản rất cao, trở thành công cụ quan trọng của họ.


Việt Dũng