Mô hình “kết hợp quân dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy'

12/10/2013 08:58
Theo Thượng tá PHAN ĐÌNH HOÀI/Báo quân đội nhân dâ
(GDVN) - Sau khi chọn 2 tỉnh trên làm thí điểm, Cục Hậu cần BTLBĐBP đã tổ chức khảo sát và lựa chọn các địa điểm cai nghiện luân phiên tại Đồn Biên phòng (ĐBP) Pa Thơm, Mường Nhà, Nà Hì, Tây Trang...(BĐBP Điện Biên) và ĐBP Pa Vệ Sử, Vàng Ma Chải, Pa Ủ, Huổi Luông…(BĐBP Lai Châu).
Thời gian gần đây, tình hình nghiện hút ngày càng gia tăng, nhất là trên các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Tại những địa bàn này, cơ quan chức năng đã thành lập nhiều mô hình, trung tâm cai nghiện nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên kết quả còn rất hạn chế. Nhận thấy hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có nhiều điểm phù hợp, ngày 20/4/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp, hỗ trợ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BTLBĐBP) về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cai nghiện và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện tại các xã vùng biên giới. Thực hiện chủ trương trên, Cục Hậu cần BTLBĐBP đã phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Kết hợp quân dân y cai nghiện cho người nghiện ma túy” trên địa bàn 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu.

Điện Biên và Lai Châu là 2 tỉnh biên giới phía Tây Bắc, thuộc “điểm nóng” về tình trạng nghiện hút và buôn bán ma túy của cả nước. Do địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt, có nhiều xã giáp biên nên công tác tổ chức cai nghiện của địa phương gặp nhiều khó khăn. Sau khi chọn 2 tỉnh trên làm thí điểm, Cục Hậu cần BTLBĐBP đã tổ chức khảo sát và lựa chọn các địa điểm cai nghiện luân phiên tại Đồn Biên phòng (ĐBP) Pa Thơm, Mường Nhà, Nà Hì, Tây Trang...(BĐBP Điện Biên) và ĐBP Pa Vệ Sử, Vàng Ma Chải, Pa Ủ, Huổi Luông…(BĐBP Lai Châu).

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với địa phương thành lập các tổ cai nghiện, mỗi tổ 7 đồng chí gồm: cán bộ ĐBP, đại diện chính quyền xã, y tế, hội phụ nữ…ban quân y, bệnh xá BP tỉnh…Ngành Quân y BCH BĐBP tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ của các tổ cai nghiện thuộc 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu về kỹ năng cai nghiện (phương pháp cắt cơn, hỗ trợ phục hồi sức khỏe, dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng…) với sự tham gia giảng bài của các cán bộ, chuyên gia thuộc Bộ LĐTB&XH, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), Cục Hậu cần BĐBP…

Kiểm tra sức khoẻ cho đối tượng cai nghiện ma tuý tại ĐBP Huổi Luông (Lai Châu). Ảnh: CTV.
Kiểm tra sức khoẻ cho đối tượng cai nghiện ma tuý tại ĐBP Huổi Luông (Lai Châu). Ảnh: CTV.

Đối với cấp đơn vị, Bộ chỉ huy BĐBP Điện Biên và Lai Châu đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo thành lập các tổ cai nghiện tổ chức triển khai mô hình “KHQDY cai nghiện cho người nghiện ma túy” tại các địa điểm đã được lựa chọn. Các ĐBP, xã biên giới phối hợp tuyên truyền, vận động các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tự nguyện đăng ký đến cai nghiện tại cơ sở đã lựa chọn. Sau đó, tổ chức cai nghiện tập trung, bảo đảm an ninh chặt chẽ trong thời gian cắt cơn. Tiến trình mỗi đợt cắt cơn, cai nghiện được thực hiện như sau:

Bước đầu, cán bộ tổ cai nghiện tuyên truyền, giáo dục cho đối tượng nghiện ma túy và gia đình người nghiện, vận động người nghiện đến đăng ký tự nguyện cai nghiện tại ĐBP, xã biên giới. Khi đủ số lượng người cai nghiện (mỗi đợt khoảng 10 - 15 người) thì vận động các đối tượng tập trung đến cắt cơn tại địa điểm đã lựa chọn (Trạm y tế, UBND xã, ĐBP...).

Những đối tượng ở xa, BĐBP cử cán bộ đến gia đình đưa người nghiện về địa điểm cai nghiện. Khi đối tượng đến tập trung, cán bộ quân y và y tế xã kiểm tra sức khỏe, sau đó, tiến hành các biện pháp cắt cơn (sử dụng thuốc Cedemex, kết hợp châm cứu, matxa hỗ trợ), đồng thời dùng các biện pháp nâng đỡ thể trạng cơ thể cho người nghiện (truyền dịch, thuốc hỗ trợ…). Trong quá trình cắt cơn nghiện, ĐBP và chính quyền địa phương phối hợp cách ly, ngăn ngừa các đối tượng xấu tiếp tế các chất ma túy cho người nghiện.

Sau một tuần cắt cơn, người nghiện được ở lại địa điểm cai nghiện để tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao thể trạng thêm 2-3 ngày. Sau đó, BĐBP tổ chức bàn giao các đối tượng trên cho gia đình và địa phương tiếp tục quản lý. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho họ được học nghề, hướng nghiệp.

Từ khi triển khai đến nay, số lượng người được cai nghiện tại các ĐBP ngày càng tăng lên. Tính đến năm 2012, BĐBP 2 tỉnh đã phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng tổ chức cai nghiện tập trung được 305 người, trong đó, BĐBP tỉnh Lai Châu là 195 người, BĐBP tỉnh Điện Biên 110 người.

Sau 3 năm triển khai thí điểm mô hình này tại các ĐBP 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu cho thấy, các ĐBP và địa phương đã có sự phối hợp tốt trong việc tuyên truyền, giáo dục, vận động các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn tập trung đến cai nghiện. Quá trình cai nghiện, các đơn vị đã sử dụng các biện pháp phối hợp cắt cơn tương đối tốt (trong 305 trường hợp chỉ có hơn 20 trường hợp có biểu hiện vật vã trong 2-3 ngày đầu). Công tác quản lý, giám sát quá trình cai nghiện được thực hiện nghiêm ngặt, không để con nghiện hoặc các đối tượng đưa ma túy vào địa điểm cai. Sau cai nghiện, các đồn đã tổ chức bàn giao những đối tượng được cắt cơn nghiện về gia đình bảo đảm an toàn. Đồng thời, có nhiều biện pháp hỗ trợ cho người nghiện được học nghề, hướng nghiệp nhằm mục đích tái hòa nhập cộng đồng, được người nghiện và gia đình đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả bước đầu đã đạt được, có thể thấy, hiệu quả và tính bền vững chưa cao; số người nghiện được cai còn thấp, tỷ lệ tái nghiện cao, công tác giám sát, quản lý sau cai, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng chưa được triển khai đầy đủ…Nguyên nhân của những hạn chế trên là do địa hình biên giới xa xôi, cách trở, công tác tuyên truyền, vận động chưa được triển khai toàn diện và chưa có chiều sâu.

Mặt khác, trình độ nhận thức cũng như điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội của người dân nơi biên giới còn nhiều hạn chế. Tình hình buôn bán ma túy, các chất gây nghiện vẫn không ngừng gia tăng trên nhiều địa bàn. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập, chưa có cơ sở riêng làm địa điểm cai nghiện tập trung nên việc quản lý, giám sát trong giai đoạn cắt cơn đòi hỏi rất nhiều lực lượng tham gia. Kinh phí bảo đảm thuốc, trang bị phục vụ công tác cai nghiện còn nhiều thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ cai nghiện đa phần là kiêm nhiệm; kỹ năng cai, phương pháp quản lý sau cai và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện còn nhiều hạn chế. Kinh phí hỗ trợ không có nên khó thực hiện được việc dạy nghề, hướng nghiệp cho người nghiện ma túy, gây rất nhiều khó khăn cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của các đối tượng, khiến tỷ lệ tái nghiện còn cao.

Từ những kết quả bước đầu đạt được và các hạn chế, tồn tại sau thời gian thí điểm, để nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình này, chúng tôi đề xuất một số nội dung sau:

Một là, cần lựa chọn địa điểm cai nghiện phù hợp. Thực tế cho thấy, quá trình cai nghiện, cần có địa điểm cai nghiện chuyên biệt. Trong khi đó, trên địa bàn biên giới hiện chưa có xã nào xây dựng được khu vực cai nghiện riêng, mà chỉ tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, nên gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai cai nghiện, nhất là việc quản lý đối tượng nghiện ma túy trong giai đoạn cắt cơn. Địa điểm cai nghiện đặt tại ĐBP hiện không phù hợp vì đồn là đơn vị sẵn sàng chiến đấu, nếu tổ chức cai nghiện tại đây sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác của cán bộ, chiến sỹ. Nếu đặt tại trạm y tế, UBND xã cũng không hợp lý vì ảnh hưởng nhiều đến việc điều hành hoạt động của chính quyền và việc khám, chữa bệnh cho bà con nhân dân của trạm y tế…

Vì vậy, nên tổ chức địa điểm cai nghiện tại các phòng khám quân dân y của các ĐBP, vừa thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát, lại có điều kiện thực hiện các công tác chuyên môn như châm cứu, truyền dịch…hỗ trợ hiệu quả trong việc cắt cơn. Đồng thời có thể tổ chức cai nghiện luân phiên, không nhất thiết phải cai tập trung thành đợt, tiết kiệm được nhiều thời gian và nhân lực. Tuy nhiên trên thực tế, phòng khám quân dân y của các đơn vị đều quá nhỏ (trung bình khoảng 15 - 20m2) nên không đủ diện tích để triển khai thực hiện. Vì vậy, đề nghị Bộ LĐTB&XH đầu tư nâng cấp cho các phòng khám quân dân y của BĐBP trên địa bàn các tỉnh tham gia công tác cai nghiện, đảm bảo mỗi phòng khám có diện tích khoảng 60 – 80m2 để việc tổ chức cai nghiện được an toàn và hiệu quả.

Hai là, có chính sách hỗ trợ kinh phí hợp lý cho việc cai nghiện. Về kinh phí hỗ trợ toàn diện cho người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tập trung tại ĐBP, xã biên giới, cần hỗ trợ kinh phí điều trị gồm tiền để mua thuốc cắt cơn, thuốc an thần kinh, thuốc bổ trợ toàn thân, dịch truyền...Ngoài ra, cần cấp bổ sung tiền ăn cho các đối tượng cai nghiện vì trong 10 - 15 ngày tập trung cắt cơn cai nghiện, gia đình người nghiện hầu như không có hỗ trợ gì. Sau khi cai nghiện, cần hỗ trợ kinh phí để đào tạo ngành nghề cho các đối tượng cai nghiện.

Ngoài kinh phí trên, cần hỗ trợ kinh phí quản lý, giám sát giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Đây là nguồn kinh phí chi trả cho lực lượng cán bộ đi tư vấn giám sát. Hiện nay, nguồn kinh phí này còn hạn hẹp, chưa phù hợp địa bàn biên giới xa xôi, cách trở. Việc vận động các đối tượng đến trung tâm cai nghiện đòi hỏi mất rất nhiều thời gian và chi phí (tiền ăn, xăng, xe…), sau đó lại phải đưa về tận gia đình, vì vậy, đề nghị tăng thêm kinh phí cho hoạt động này cho phù hợp.

Ba là, cần nghiên cứu lại quy trình cai nghiện. Hiện nay, việc cai nghiện tại cộng đồng theo mô hình thí điểm chỉ có tác dụng cắt cơn nghiện đơn thuần. Để đối tượng nghiện ma túy không tái nghiện đòi hỏi phải sử dụng thuốc lâu hơn, ít nhất là 6 tháng liên tục, kèm theo đó là việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng và nghề nghiệp cho đối tượng nghiện hút. Vì vậy, thời gian tới, đề nghị Cục phòng, chống tệ nạn xã hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu xem xét lại quy trình cai nghiện để đạt hiệu quả cao hơn.

Bốn là, cần có kế hoạch nhân rộng, phát triển mô hình một cách hợp lý, vững chắc. Tình hình nghiện ma túy hiện đã phát triển rộng tại nhiều địa bàn trên toàn quốc, số người nghiện ma tuý ngày càng gia tăng tại các tỉnh biên giới. Vì vậy, đề nghị Bộ LĐTB&XH cần nghiên cứu, đánh giá, có kế hoạch nhân rộng mô hình “KHQDY cai nghiện cho người nghiện ma túy” trên địa bàn rộng hơn, với quy mô lớn hơn để bảo đảm ngày càng nhiều đối tượng được cai nghiện.

Mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần điều chỉnh, khắc phục, song có thể thấy, sau thời gian triển khai thí điểm, mô hình “KHQDY cai nghiện cho người nghiện ma túy” của BĐBP trên địa bàn 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được điều chỉnh và triển khai nhân rộng góp phần khống chế tình trạng nghiện ma túy, giữ vững tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn trọng điểm, nơi biên cương Tổ quốc./.

Theo Thượng tá PHAN ĐÌNH HOÀI/Báo quân đội nhân dâ