Mỗi năm nhà nước mất hàng nghìn tỷ đồng, kinh tế sẽ kiệt quệ vì buôn lậu

20/06/2015 06:50
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều Đại biểu tán thành đề nghị thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu trực thuộc Bộ Công an.

Ngày 19/6, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Nội dung được nhiều Đại biểu quan tâm đề cập là đề nghị của Bộ Công an được thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.

Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tán thành việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu và các Phòng Cảnh sát điều tra chống buôn lậu.

Ông Phúc phân tích: “Qua hoạt động giám sát cho thấy mặc dù Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đều đã nỗ lực phòng chống buôn lậu, nhưng tình hình buôn lậu vẫn đang diễn biến bức tạp và gây nguy hại cho nền kinh tế. Phá hoại hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước, làm méo mó thị trường, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

Vì vậy, chúng ta cần có một cơ quan chuyên trách để điều tra loại tội phạm tinh vi, phức tạp này”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh). ảnh: TTBC Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh). ảnh: TTBC Quốc hội.

Theo ông Phúc, trong thời gian vừa qua các cơ quan chức năng phát hiện hàng chục nghìn vụ việc, nhưng chỉ khởi tố được hơn 4000 vụ, còn lại là xử lý hành chính. Trong số các vụ khởi tố thì mới chỉ xử lý được các đối tượng vận chuyển chứ chưa xử lý được đối tượng cầm đầu.

“Vì thế chúng tôi ủng hộ quyết định của Chính phủ và Bộ Công an thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu. Chúng tôi hy vọng tới đây khi có cơ quan này thì tình hình chống buôn lậu sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ”, ông Phúc nói.

Mỗi năm nhà nước mất hàng nghìn tỷ đồng, kinh tế sẽ kiệt quệ vì buôn lậu ảnh 2

Chính phủ chịu trách nhiệm những gì trước Quốc hội?

Trong những năm qua cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường thì tình hình buôn lậu và gian lận thương mại tiếp tục gia tăng, gây hậu quả xấu cho kinh tế xã hội, ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe của nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy tác hại lớn từ loại tội phạm này, đã thành lập ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389 quốc gia).

Mặc dù các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng, nhưng hoạt động gian lận thương mại vẫn không thuyên giảm. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ tính riêng trong quý I/2015, đã khởi tố 351 vụ với 427 đối tượng tham gia, thu về cho ngân sách gần 3000 tỷ đồng.

Ngày 9/6/2015, Chính phủ đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Nghị quyết của Chính phủ nhận định, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, làm thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, thất thoát tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh. Hàng giả, hàng nhập lậu còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.

Trước tình hình này, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cũng tán thành việc ban hành Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự để kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, tạo cơ sở pháp lý cao trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan điều tra.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn ủng hộ thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về chống buôn lậu. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn ủng hộ thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về chống buôn lậu. ảnh: Ngọc Quang.

Ông Sơn đề nghị ở cấp bộ có 4 cục trực thuộc gồm: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ và tham nhũng (trên cơ sở sáp nhập Cục Cảnh sát kinh tế và Cục  Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu.

Ông Sơn chỉ rõ: “Tôi không đồng tình với quan điểm nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng không thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về buôn lậu và đưa vào Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế.

Tôi cho rằng sáp nhập như vậy sẽ không đáp ứng được đòi hỏi đấu tranh với loại tội phạm buôn lậu đã và đang là vấn đề nhức nhối của xã hội”.

Kinh tế suy kiệt vì buôn lậu

Cách đây mấy ngày, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Mai Hữu tín đã khiến nhiều người giật mình khi nêu ra con số 20 tỷ USD hàng lậu tuồn vào Việt Nam năm 2014. Và từ đó, Đại biểu Tín lo lắng: "Có vẻ với Việt Nam chiếc áo giáp này đang rách trong giao dịch thương mại với Trung Quốc".

'Áo giáp' đang rách khi giao dịch với Trung Quốc?

"Áo giáp" đang rách khi giao dịch với Trung Quốc?

Nước ta có đường biên giới rất dài với Trung Quốc, vì vậy để đấu tranh chống buôn lậu có hiệu quả hơn thì rất cần có một lực lượng chuyên sâu, đủ sức mạnh tập hợp các lực lượng khác, đấu tranh quyết liệt với vấn nạn buôn lậu.

Ủng hộ quan điểm của các Đại biểu nêu trên, Đại biểu Bùi Mậu Quân (đoàn Hải Dương) nhận định, tình hình buôn lậu thì phức tạp, nhưng chủ yếu xử lý hành chính, chưa xử lý được đối tượng cầm đầu, đó là do chưa có chế tài đủ mạnh, chưa tổ chức được lực lượng đấu tranh chuyên sâu với các biện pháp tấn công quyết liệt, hạn chế và răn đe.

“Nếu chỉ xử lý hành chính thì tính răn đe không cao, đối tượng sẽ thua keo này bày keo khác và gia tăng hoạt động buôn lậu để gỡ lại số tiền đã mất. Mặt khác còn có thể làm phát sinh tiêu cực, bỏ lọt tội phạm, bảo kê cho sai phạm.

Trước diễn biến phức tạp trên, tôi cho rằng việc thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về chống buôn lậu là cần thiết. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận chống buôn lậu. Vì vậy, tôi cho rằng rất cần thiết giao quyền điều tra cho cơ quan này”, ông Quân nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) ủng hộ thành lập Cục điều tra chống buôn lậu thuộc Bộ Công an, đồng thời thành lập các Phòng Cảnh sát điều tra chống buôn lậu tại các tỉnh, thành phố.

“Bổ sung này là hết sức cần thiết trong công cuộc đấu tranh chống buôn lậu, chống hàng giả, chống gian lận thương mại, chống vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… đang diễn ra hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng”, ông Dũng nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cũng cho rang, thành lập Cục Cảnh sát chống buôn lậu là rất cần thiết để có thể đấu tranh xuyên suốt, liên tục, đồng thời cũng ngăn chặn được những tiêu cực tại các địa phương - nơi vẫn đang xảy ra buôn lậu.

Ngọc Quang