Một đồng phạm của Dương Chí Dũng không mời luật sư bào chữa

12/12/2013 11:13
Minh Quyết
(GDVN) - Trần Hữu Chiều bị truy tố về cả hai tội danh Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và Tham ô tài sản. Với 2 tộ danh này, bị cáo có thể đối mặt với bản án tử hình. Tuy nhiên, trong phiên xét xử sáng nay, Chiều không mời luật sư bào chữa.

Sáng nay (ngày 12/12), TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Để phục vụ cho phiên xét xử diễn ra an toàn, vấn đề an ninh xung quanh khu vực TAND TP Hà Nội sáng nay đã được thắt chặt.

Đông đảo phóng viên có mặt trong khuôn viên TAND TP Hà Nội.
Đông đảo phóng viên có mặt trong khuôn viên TAND TP Hà Nội.

Đối với các phóng viên tới đưa tin về phiên xét xử cũng được kiểm tra an ninh trước khi vào tòa. Các phóng viên khi vào tòa tác nghiệp không được mang theo laptop, điện thoại, ghi âm… Phóng viên cũng chỉ được mang giấy bút, theo dõi phiên xét xử qua màn hình tivi từ căn phòng gần với hội trường xét xử.

Theo quan sát của phóng viên, sáng nay phiên xét xử đã diễn ra với sự tham dự của nhiều đơn vị có liên quan đến vụ án. Trong đó có đại diện Bộ Tài chính, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Giám đốc khối pháp lý Ngân hàng Citibank…

Đang chú ý, tại phiên xét xử, đa phần các bị cáo đều mời luật sư bào chữa. Trong đó, Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư, Mai Văn Phúc có 2 luật sư bào chữa. Chỉ riêng trường hợp của bị cáo Trần Hữu Chiều là không mời luật sư.

Công tác an ninh được thắt chặt.
Công tác an ninh được thắt chặt.

Theo HĐXX, bị cáo Chiều bị truy tố về cả hai tội danh Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và Tham ô tài sản. Trong đó, tội Tham ô tài sản có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Do đó, vì bị cáo không mời luật sư bào chữa nên theo quy định, tòa đã cử luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) tới tòa bào chữa cho bị cáo.

Trong phần thủ tục phiên tòa, luật sư Ngô Ngọc Thủy, bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng đều đề nghị HĐXX cần phải triệu tập giám định viên đến tòa để xét hỏi bởi theo các luật sư này thì căn cứ để buộc tội các bị cáo là bản giám định. Việc phiên tòa thiếu giám định viên sẽ không  có điều kiện thẩm tra, đối chất những căn cứ buộc tội đối với các bị cáo. 
Phần còn lại trong buổi sáng HĐXX bắt đầu phần xét hỏi với việc công bố cáo trạng buộc tội các bị cáo.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cáo đã ra cáo trạng đề nghị truy tố 10 bị cáo, gồm: Dương Chí Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines; Mai Văn Phúc – nguyên Tổng Giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều – nguyên Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng ban Quản lý dự án của Vinalines; Trần Hải Sơn – nguyên Phó ban Quản lý dự án; Mai Văn Khang – nguyên thành viên Ban Quản lý dự án; Bùi Thị Bích Loan – nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán; Lê Văn Dương – nguyên cán bộ Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng - đều nguyên là cán bộ Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Các phóng viên không đuợc mang máy ảnh, máy tính, điện thoại, ghi âm vào phòng theo dõi xét xử.
Các phóng viên không đuợc mang máy ảnh, máy tính, điện thoại, ghi âm vào phòng theo dõi xét xử.

Trong đó, Dũng, Phúc, Chiều, Sơn bị truy tố về cả 2 tội danh Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng và Tham ô tài sản. Các bị can còn lại bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng. Dũng, Phúc, phạm tội với vai trò là những kẻ cầm đầu, các bị can còn lại là những đồng phạm giúp sức. 

Theo cáo trạng, trong thời gian Vinalines tiến hành triển khai Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, từ đầu năm 2007 đến hết năm 2008 Vinalines đã tiến hành khảo sát, thương thảo, quyết định phương án mua, ký hợp đồng, thanh toán tiền, nhập khẩu ụ nổi 83M với Công ty Addpower Ventures, Singapore (Công ty AP).

Quá trình triển khai dự án, các đối tượng trên đã không thực hiện theo quy định của Nhà nước. Hậu quả, hành vi này đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 366.930.032.432 đồng.

Thông qua việc mua ụ nổi 83M trái quy định của Nhà nước, sau khi thanh toán 9.000.000 USD cho Công ty AP, Dũng, Phúc, Chiều, Sơn đã tham ô 28.198.397.058 đồng. Đây là số tiền mua ụ nổi 83M đã thanh toán, được Công ty AP chuyển lại Việt Nam.

Theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự, người phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng sẽ phải nhận khung hình thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, nặng nhất là phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội danh này còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo Điều 278 Bộ Luật Hình sự, tùy từng mức độ khác nhau, tội Tham ô tài sản có khung hình phạt thấp nhất là phạt tù 2 năm, cao nhất là tử hình. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản./.

Minh Quyết