"Mưa đá sẽ còn tiếp diễn trong khoảng hai tháng nữa"

01/04/2013 07:36
Nguyễn Huệ
(GDVN) - Những ngày gần đây, hiện tượng mưa đá liên tục diễn ra trên diện rộng như Lào Cai, Kon Tum, khu vực thủy điện Sông Tranh, Thanh Hóa… với mức độ “chưa từng có” và gây thiệt hại lớn cho người dân ở những nơi xẩy ra hiện tượng này. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương thì “đây là hiện tượng nguy hiểm, nó lặp đi lặp lại có tính quy luật”.

Tháng 4 và tháng 5 có thể còn mưa đá.

Theo ông Hải, nguyên nhân làm xuất hiện hiện tượng này là xuất phát từ việc, mùa xuân là giai đoạn đổi mùa từ mùa lạnh sang mùa nóng hoặc từ mùa đông sang mùa hè. Thông thường, thời kì này hay xẩy ra các hiện tượng “giông nguy hiểm”, bao gồm cả giông, tố, lốc, mưa đá, vòi rồng, sấm sét. Tất cả những cái đó đều từ giông nguy hiểm cả.

“Giông nguy hiểm” được xếp vào một trong ba loại thời tiết nguy hiểm nhất là bão áp thấp nhiệt đới; mưa lớn, lũ lụt và giông mạnh.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Ông Hải cho biết, đây là một hiện tượng thời tiết lặp đi lặp lại theo hướng có chu kì. Phân tích về tính chu kì của hiện tượng này, ông Hải nêu rõ: mùa xuân là mùa lặp lại nhiều nhất và nó có thể xẩy ra ở hầu hết các các khu vực trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhưng khu vực vùng núi phía Bắc, hiện tượng này xảy ra mạnh hơn vì có không khí lạnh từ phía Bắc xâm nhập xuống kết hợp với hội tụ trên cao để có được mưa đá, giông, tố, lốc mạnh bao giờ cũng có đối lưu phát triển rất mạnh, từ mặt đất cho lên tới tận 12 – 13km.

Trong quá trình phát triển mạnh ấy nếu hạt nước chỉ phát triển lên độ cao 5 - 6km thì chỉ gây ra mưa rào. Nhưng sau đó phát triển lên cao, các hạt nước này cũng bốc lên, đông kết lại thành các hạt đá. Hạt đá đó lại gắn với nhau, tích tụ thành các hạt mưa đá lớn như đợt vừa rồi ở Lào Cai, Thanh Hóa…

Nói sâu hơn về vấn đề này, ông Hải có nêu: “Yếu tố nguy hiểm không hẳn chỉ mưa đá mà còn có gió giật mạnh gọi là tố, lốc kèm theo cơn giông cũng xảy ra trong thời kì này”.

Ông Hải khẳng định thêm: Đây là hiện tượng nguy hiểm, nó lặp đi lặp lại có tính quy luật. Và tình trạng này còn tiếp diễn trong khoảng tháng 4, tháng 5 nữa. Khi mà tháng 6, tháng 7, mùa mưa bắt đầu vào thời kì chính thì giông mạnh giảm dần đi và chỉ còn mưa lớn.

Trận mưa đá kỉ lục ở Lào Cai đã tàn phá quang cảnh nơi đây.
Trận mưa đá kỉ lục ở Lào Cai đã tàn phá quang cảnh nơi đây.

Mưa đá ở Lào Cai là kỉ lục chưa từng xảy ra ở Việt Nam và cũng là hiếm thấy trên thế giới”.

Chia sẻ về dấu hiệu để giúp người dân nhận biết hiện tượng “nguy hiểm” này, ông Hải cho biết thêm: Để đưa ra cảnh báo cho cụ thể khu vực nào có mưa đá, giông, tố, lốc, vòi rồng là rất khó khăn. Nhưng trong các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, chúng tôi bao giờ cũng đưa ra những cảnh báo về giông, tố, lốc.

Mọi người có thể nghe thấy trong các bản tin dự báo là: “Có mưa rào và giông rải rác hoặc mưa rào và giông nhiều nơi; trong cơn giông đề phòng gió giật mạnh trên cấp 6, đề phòng mưa đá, gió lốc”, thì trên khu vực được cảnh báo trong bản tin thời tiết đó cần có biện pháp đề phòng.

Thêm nữa, khi quan sát trong đêm cũng như ngày, khi xuất hiện một cơn giông, bao giờ ban ngày trời tự nhiên cũng đen kịt trở lại, gió đang thổi bình thường tự nhiên lặng đi một chút. Sau đó cơn giông xuất hiện. Lúc này, mọi người sẽ thấy gió, lốc mạnh, bụi cát mù… kèm theo sẽ là sấm sét, mưa đá.

Ban đêm mắt thường không quan sát được bầu trời đen kịt thì sẽ thấy sấm chớp ở phía mây giông di chuyển và dần dần chúng ta cũng biết được cơn giông sắp đến.

Mưa đá tại miền núi Thanh Hóa.
Mưa đá tại miền núi Thanh Hóa.

Để đảm bảo an toàn tính cho con người khi cơn giông đến, ông Hải đưa ra lời cảnh bảo: Hiện nay, ở Việt Nam chưa có những công nghệ phá được mưa đá vì vậy chúng ta phải chấp nhận đối đầu với nó. Công tác phòng, chống cần được đẩy mạnh, trước tiên phòng tránh cho người là chính. Bằng cách tìm cho mình nơi trú ẩn khi nhận thấy có những dấu hiệu xảy ra mưa đá như tôi nêu ở trên.

Như ở Lào Cai trong trận mưa đá vừa qua thì có rất nhiều người chỉ chui xuống gầm giường hoặc gầm cầu thang hay di chuyển sang những ngôi nhà xây dựng kiên cố hơn có mái bằng, mái lợp tôn… cũng đã làm giảm thiệt hại về người. Đó là cách trước mắt giúp chúng ta giảm thiệt hại.

Vùng núi phía Bắc nước ta là nơi hay xẩy ra hiện tượng mưa đá nhưng không thể so sánh với những nước ở vùng Trung Á hay khu vực trồng nhiều nho. Ở những nơi này, họ còn có phương án phá mưa đá vì mưa đá có thể làm thiệt hại nho. Tần suất mưa đá ở Việt Nam cũng ở mức vừa phải.

Nói về những hạt mưa đá ở Lào Cai vừa qua, với đường kính hạt lớn nhất lên tới 10 – 14cm, ông Hải nhận định: “Mưa đá có hạt bằng quả trứng thì không hiếm, nhưng lớn như cái bát, đường kính 10 - 14 cm thì đúng là kỉ lục chưa từng xảy ra ở Việt Nam và cũng là hiếm thấy trên thế giới”.

Nguyễn Huệ