Mùa thi, mía đá vỉa hè 20.000 đồng/cốc, trông xe 20.000 đồng/chiếc

05/07/2012 09:29
Kim Ngân
(GDVN) - Nhà trọ đua nhau “hét” giá, còn tại các điểm thi, hàng quán mọc lên ào ào khiến phụ huynh và sĩ tử bị “chặt chém” gấp đôi, gấp ba ngày thường.
Giá tăng ngất ngưởng

Theo khảo sát của PV báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, tại các điểm thi trên địa bàn Hà Nội, hàng quán được mở công khai la liệt trên vỉa hè. Ngay tại cổng trường ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, Bách Khoa,… thì đồ ăn uống, dịch vụ gửi xe “tự ý” tăng gấp 2, gấp 3 giá ngày thường.

Cốc nước mía được bán với giá 15.000 – 20.000 đồng (tăng 5.000 – 10.000 đồng so với ngày thường); trà đá, nhân trần cũng theo đà tăng từ 2.000 đồng lên thành 5.000 đồng/cốc.

Một phép tính đơn giản, với giá tăng 5.000 đồng/1 cốc nước mía so với ngày thường (chưa tính lãi gốc), thì 200 cốc/buổi thi bán ra họ đã thu về thêm 1 triệu đồng.

Tại các điểm thi, nước mía tăng vọt từ 5-1.000 đồng so với ngày thường.
Tại các điểm thi, nước mía tăng vọt từ 5-1.000 đồng so với ngày thường.


Không chỉ đồ ăn uống tăng, dịch vụ trông xe cũng lôi kéo, mời chào phụ huynh gửi xe chờ con đi thi khiến vỉa hè gần như không còn chỗ trống.

Bác Nguyễn Thanh Tùng đang loay hoay dừng xe cho con xuống vào trường ĐH Ngoại thương, một thanh niên ở cửa hàng trên đường Chùa Láng nhanh nhảu chạy xuống đường mời chào, dắt xe và nhận gửi đảm bảo, an toàn.

Cuối giờ trả tiền xe, bác Tùng mới ngã ngửa ra giá gửi xe máy là 20.000 đồng. Không ngờ giá cả có thể cao như thế, bác Tùng thắc mắc thì chủ trông xe buông lời: “Thời buổi này cái gì chẳng thế, ở đâu cũng vậy thôi bác, cháu còn lấy rẻ, chỗ khác còn lấy bác đắt gấp mấy lần thế này”.

Các bãi trông xe tự phát mọc lên như nấm và tự hét giá theo cảm hứng.
Các bãi trông xe tự phát mọc lên như nấm và tự hét giá theo cảm hứng.


Vì hai mẹ con ở nhờ nhà người quen xa điểm thi nên chị Nguyễn Thị Hải (Hậu Lộc, Thanh Hóa) đành phải tá túc ở gần trường THPT Nhân Chính (Thanh Xuân) để chiều thi môn Lý. Quyết định ăn cơm bụi ngay cổng trường rồi tìm chỗ tá túc qua trưa. Được chủ nhà trọ đến tận trường mời chào với giá 200 nghìn đồng/2 người/1 buổi trưa. Nghe xong, chị Hải đắn đo một lúc, nhưng rồi đành cắn răng đồng ý để đảm bảo sức khỏe cho con.

Việc quán cóc, dịch vụ xuất hiện ở vỉa hè, cổng trường và các điểm thi khiến giao thông trở nên ùn ứ và là nguyên nhân dẫn đến tắc đường. Tuy nhiên, những chủ quán, điểm trông xe tự phát này không hề bị lực lượng chức năng nhắc nhở.

“Thét” bao nhiêu cũng phải theo


Song hành với các dịch vụ ăn theo, giá nhà trọ cũng tăng chóng mặt. Tại các khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy... giá cả phòng trọ xê dịch ở mức 100.000-120.000/người/ngày cho một phòng ghép. Nếu tính tổng chi phí cho cả đợt thi, mỗi gia đình chi tiêu ở mức hạn hẹp cũng ngót nghét 2 triệu đồng. Số tiền này không nhỏ đối với một gia đình ở nông thôn.

“Tôi chỉ thấy Hà Nội đắt đỏ, cái gì cũng tăng vùn vụt. Ngay cả cốc trà đá cũng lên 5.000 đồng”- ông Nguyễn Xuân Lâm (75 tuổi, Lam Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ chuyện đưa cháu ra dự thi khối A ĐH Luật Hà Nội.

Ông Lâm bức xúc “hai ông cháu đã nhờ người đặt phòng, thuê trọ ở ngõ Pháo Đài Láng cách đây mấy hôm, thế mà hôm 30/6 đưa cháu lên nhận phòng thì giá đã “thổi” thành 350.000 đồng – 450.000 đồng/phòng/4 ngày” và thở dài “thời buổi này nó thế, nói bao nhiêu thì chịu chứ biết làm thế nào. Tìm nhà trọ không phải dễ, chủ yếu lo cho cháu chỗ ăn ngủ gần trường để thuận tiện đi lại, ổn định tâm lý làm bài thi tốt”.

Còn chị Hải thở dài bộc bạch: “Họ nói bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu thôi. Mình lên đây lần đầu, đưa con thi chỉ mong ở chỗ nào thoáng mát, sạch sẽ để con thoải mái thi cử”.
Kim Ngân