Muốn làm đại học không lợi nhuận, thì phải làm thế nào?

10/09/2014 07:09
Vân Đăng
(GDVN) - “Những hành lang pháp lý phủ kín “các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau” đang hiện hữu trong GDĐH mới là điều mà chúng ta chờ đợi”.

Trên đây là quan điểm của ông Vân Đăng (nguyên là người theo dõi các vấn đề giáo dục của Chính phủ) gửi tới Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhân bàn về mô hình trường lợi nhuận và không vì lợi nhuận đối với giáo dục đại học.

Bài viết này thể hiện quan điểm và cái nhìn riêng của tác giả, chúng tôi xin trích đăng nguyên văn như một sự gợi  ý đối với người làm chính sách, làm sao để cả hệ thống giáo dục đại học được phát triển như mong muốn.

…Luật Giáo dục Đại học nước ta đã quy định cơ sở giáo dục đại học “hoạt động không vì lợi nhuận” với hai tiêu chí: (i) phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia; (ii) không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ. Cứ theo tiêu chí này thì Việt Nam có nhiều trường đại học phi lợi nhuận. Điều mà tôi quan tâm nhiều hơn là chênh lệch thu chi ở các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) được phân phối thế nào? Hành lang pháp lý nào đảm bảo không vụ lợi trọng toàn bộ quy trình hoạt động của nhà trường.

Muốn làm đại học không lợi nhuận, thì phải làm thế nào? ảnh 1

Ảnh minh họa

Chặng đường hơn 20 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa phát triển GDĐH nhà nước đã có những tuyên bố, quyết định quan trọng về sở hữu tài sản. 

Ban đầu, một số trường đại học dân lập (ĐHDL) ra đời theo sáng kiến của một số nhà giáo, nhà khoa học. Đáp ứng nhu cầu bức thiết của công tác quản lý, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD & ĐT) ký ban hành quy chế tạm thời ĐHDL  “với mục đích không kinh doanh, không vụ lợi cá nhân. Kinh phí hoạt động thường xuyên của trường ĐHDL chủ yếu từ các nguồn ngoài ngân sách Nhà nước”.

Muốn làm đại học không lợi nhuận, thì phải làm thế nào? ảnh 2Chuyên gia Trần Đức Cảnh: Việt Nam hiện chưa có đại học phi lợi nhuận

(GDVN) - “Lợi thế của mô hình không vì lợi nhuận là sự tham gia đóng góp của nhiều người quan tâm, lâu dài có sự tham gia và đóng góp của các cựu sinh viên”.

Sáu năm sau, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Trường đại học dân lập nói rõ “huy động các nhà giáo, nhà đầu tư cùng đóng góp công sức, kinh phí và cơ sở vật chất..” và đồng thời  tuyên bố “ Tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường”; “ tài sản của trường ĐHDL sau khi trừ phần vốn góp của tập thể, cá nhân và phân chia cho các hoạt động của trường kể cả trả lãi vốn vay, vốn góp là tài sản không chia thuộc sở hữu tập thể của nhà trường”. 

Mặt khác, từ 2005, nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân góp vốn, "đưa tài sản vào nhà trường để thành chủ sở hữu của nhà trường”. Theo Luật dân sự, những trường này có tài sản thuộc sở hữu tư nhân. 

Xung đột và hệ lụy

Năm 2005 Luật Giáo dục định chế: “Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động”. Tiếc rằng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục không cho phép lập các trường đại học ở khu vực GDĐH dẫn tới việc Thủ tướng Chính phủ quyết định các trường đại học dân lập phải chuyển qua loại hình trường đại học tư thục.

Năm 2013, loại hình trường do cộng đồng đầu tư lại được định hướng trở lại khi Ban chấp hành Trung ương đảng Khóa XI chỉ đạo về phát triển trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Một khi quan niệm “cứng” chỉ có một mô hình đại học tư thục dẫn tới đồng thời đưa cả loại hình sở hữu tư nhân (vốn chỉ có đối với loại trường tư thục hoạt động vì lợi nhuận) và sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng (tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia, thường chỉ có ở loại trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận) vào cùng một mô hình quản trị kèm theo không ít quy định chưa kín kẽ, điển hình là quản trị và điều hành trọn vẹn trong tay Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT)... đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy xấu. 

Bây giờ nhiều người đầu tư không yên tâm; việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục không hoàn tất, có trường muốn ở lại với mô hình ĐHDL để tiếp tục hoạt động theo cơ chế sở hữu tập thể nhưng không được chấp thuận; xuất hiện sự tranh giành quyền lực khốc liệt không đáng có giữa các thành viên trong chính một số trường đại học tư thục.

Giải pháp nào?

Thực tiễn sinh động của nền kinh tế nước ta đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đúc kết và chỉ rõ trong Cương lĩnh là phải "phân định quyền của người sở hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình”.

Tinh thần trên cũng đã được thể hiện trong hệ thống luật của nước ta trong những năm gần đây. Trong xu thế đó, Luật Giáo dục 2005 thừa nhận “Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài  sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn”. 

Muốn làm đại học không lợi nhuận, thì phải làm thế nào? ảnh 3ĐH lợi nhuận và không lợi nhuận: Sở hữu tập thể hay sở hữu cộng đồng?

(GDVN) - Mấu chốt của vấn đề phân định đại học vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận nằm ở chỗ tài sản chung không chia được xác định của tập thể hay cộng đồng?

Điều này đã thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào giáo dục và đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông rồi kế đến là GDĐH. Nay có những vấn đề nổi cộm khiến chúng ta phải tháo gỡ. Giải pháp nên bắt đầu từ việc nhìn nhận lại những chính sách quản lý GDĐH đã và đang áp dụng, thấm nhuần chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đồng thời lắng nghe các cơ sở GDĐH để tạo dựng hành lang pháp lý.

Với cách nghĩ như vậy, người viết bài này xin gợi ý sắp xếp các cơ sở GDĐH thành ba nhóm với định hướng quản lý như sau: 

Nhóm trường công, do Nhà nước đầu tư, có tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, quản trị theo quy định của Nhà nước;

Nhóm trường do các cá nhân hay cộng đồng đầu tư có tài sản (trước đây gọi là dân lập) thuộc sở hữu tập thể, quản trị theo nguyên tắc tập thể;

Nhóm trường tư, do một số tư nhân đầu tư (gia đình, một số người) hoặc doanh nghiệp (công ty) góp vốn, “chuyển tiền hoặc tài sản vào nhà trường để trở thành chủ sở hữu của nhà trường”, có sở hữu tư nhân, quản trị theo nguyên tắc đối vốn.

Các nhóm trường trên đều chịu các chế định chung về  hoạt động đào tạo và nghiên cứu, nhưng có định chế riêng về tài chính, tài sản và mô hình quản trị.

Những hành lang pháp lý phủ kín “các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau” đang hiện hữu trong GDĐH mới là điều mà chúng ta chờ đợi. Được như vậy, các cơ sở GDĐH ngoài công lập sẽ tự điều chỉnh mình vào hành lang pháp lý phù hợp, tháo gỡ nhiều vướng mắc hiện nay./.

Vân Đăng