Mỹ cân nhắc cấp độ tấn công Syria, vẫn dò xét hành động của Nga, Iran

29/08/2013 10:35
Bình Nguyên
(GDVN) - Thông tấn Mỹ AP dẫn hai nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama vẫn đang cân nhắc cụ thể các mục tiêu cũng như cấp độ tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Syria một khi chiến tranh được phát động để chống lại chế độ của Tổng thống Syria Assad.
Tùa sân bay USS Harry Truman đang có mặt ở một địa điểm không được công bố trên Địa Trung Hải
Tùa sân bay USS Harry Truman đang có mặt ở một địa điểm không được công bố trên Địa Trung Hải

Chiến tranh dường như là kịch bản không thể tránh khỏi trong những ngày tới. Tuy nhiên, phát động chiến tranh chỉ thực sự sẽ được bắt đầu khi Nhà Trắng công bố với dư luận nước Mỹ rằng việc sử dụng vũ khí hóa học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là chính xác.
Hiện các nhà lập pháp và các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ đang "đấu tranh" để xác định được đâu là mục tiêu họ hy vọng thực sự khi phát động một cuộc chiến.
Một quan chức nói trong điều kiện giấu tên với AP rằng “Nếu hành động (tấn công) được lựa chọn, nó phải được xác định rõ ràng. Mục tiêu là gì, tại sao”, “Quyết định phải dựa trên các sự thật rõ ràng”.
Trong khi đó, một quan chức khác của Mỹ nói với tờ Los Angeles Times rằng “Nhà Trắng có thể lựa chọn phương án tấn công đủ mạnh để không bị coi thường nhưng sẽ không đủ dữ dội để đảm bảo không nhận được phản ứng từ Nga và Iran”.
Cách đây 2 ngày, tối hôm 27/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tuyên bố rằng ông vẫn chưa quyết định liệu có ra lệnh tấn công Syria hay không mặc dù nhà lãnh đạo của nước Mỹ đã nói rằng Hoa Kỳ đã kết luận chính quyền Syria chính là thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học hại chết hàng trăm thường dân ở hiện trường gần Damacus.
F/A-18C Hornet của Hải quân Mỹ
F/A-18C Hornet của Hải quân Mỹ

Hiện nay Mỹ và các đồng minh của mình đã thừa nguồn lực và sức mạnh quân sự bố trí gần khu vực để phát động tấn công nhằm vào Syria. Trong khi đó, ngày 28/8/2013, Hải quân Mỹ tuyên bố họ sẽ điều thêm một tàu sân bay nữa đến khu vực Vịnh Ba Tư.

Hiện tàu sân bay USS Truman trước đó đang ở Biển A Rập đã được lệnh di chuyển đến khu vực nhóm tấn công của tàu sân bay USS Nimitz ở Ấn Độ Dương.
Trước đó, các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng cũng đã nói rằng Mỹ có thể phát động tấn công Syria bằng cách  sử dụng các chiến hạm đang có mặt ở Địa Trung Hải.

Theo hãng tin Reuters, khi cần Mỹ sẽ điều động thêm lực lượng tàu chiến hùng hậu đang hiện diện ở Thái Bình Dương (châu Á) và châu Âu.
Cũng theo tin của Reuters, quân đội Mỹ có thể được hỗ trợ bằng tàu sân bay của Hải quân Pháp. Thêm vào đó Hải quân Pháp cũng có thể sử dụng 1 tàu ngầm, một chiến hạm tham chiến hỗ trợ lực lượng tiến công. Ngoài ra, Hải quân Anh cũng đang hiện hiện ít nhất 1 tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa tấn công hành trình cực mạnh gần khu vực Địa Trung Hải. Trong chiến tranh chống lại chế độ của Tổng thống Libya Gaddafi vừa mới kết thúc năm 2011, Pháp là lực lượng hăng hái nhất trong khi tiến hành phát động chiến tranh. Còn trong thời điểm hiện nay, sôi sục nhất là ý chí của các nhà lãnh đạo Anh. Một số nhà bình luận cho rằng "đây có lẽ là quy định vòng quay của liên quân do Mỹ dẫn đầu"

Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 28/8, Thủ tướng Syria Wael al-Halqi cho biết nước này sẽ trở thành "mồ chôn những kẻ xâm lược" nếu phương Tây can thiệp quân sự. Truyền hình nhà nước Syria dẫn lời ông al-Halqi nói rằng Syria sẽ "làm bất ngờ những kẻ xâm lược như đã từng làm" trong cuộc chiến Yom Kippur của người Do Thái năm 1973, khi lực lượng Arập đánh úp Israel.

Thủ tướng Syria nêu rõ "mối đe dọa thực dân" của những cường quốc phương Tây "không làm hăm dọa được chúng tôi trước ý chí và quyết tâm của nhân dân Syria, những người không chấp nhận bị làm nhục".

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Vương quốc Anh William Hague cùng ngày kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nỗ lực ngăn chặn tình trạng đổ máu tại Syria bằng cách chấp thuận nghị quyết do London bảo trợ, theo đó tiến hành "những biện pháp cần thiết" để bảo vệ dân thường.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết nước này đã đặt lực lượng vũ trang vào tình trạng cảnh giác để phòng vệ trước những mối đe dọa từ Syria, trong bối cảnh các đồng minh phương Tây cân nhắc khả năng có hành động quân sự nhằm vào Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo ông Davutoglu, Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ "mọi khả năng" trước khả năng quốc tế có hành động quân sự. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã lên án vụ tấn công bằng khí độc tại Syria và đổ trách nhiệm cho chính phủ nước này, đồng thời kêu gọi phản hồi "tội ác ghê tởm" này bằng "hành động dứt khoát". Nguồn: Vietnamplus

Bình Nguyên