Mỹ đang đứng trước thời điểm quan trọng để đàm phán với Bắc Triều Tiên

16/08/2017 07:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Sở dĩ ông Kim Jong-un phải sử dụng đến "hiểm kế" này là vì muốn buộc Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán vô điều kiện.

The Guardian, Anh quốc ngày 15/8 (tức 16/8 giờ Hà Nội) dẫn lời các nhà phân tích nói rằng:

Tuyên bố mới nhất của ông Kim Jong-un được KCNA đưa sáng hôm qua cho thấy dấu hiệu Bình Nhưỡng tạm hoãn cuộc tấn công tên lửa vào Guam.

Triều Tiên đang cho Hoa Kỳ một khoảng thời gian ngắn để chấm dứt căng thẳng.

Cho Mỹ cơ hội tháo ngòi nổ

Nhiều nhà quan sát lâu năm về Triều Tiên đã bày tỏ lo ngại, Hoa Kỳ có thể hiểu sai thông điệp Bình Nhưỡng phát đi hôm thứ Ba 15/8.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được dẫn lời nói rằng, ông sẽ theo dõi từng chút một cách Hoa Kỳ hành động trong khu vực, trước khi quyết định phóng tên lửa.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Newsplex.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: Newsplex.

Một số phương tiện truyền thông Mỹ mô tả tuyên bố này như một sự rút lui kế hoạch tấn công Guam, trước nguy cơ áp đảo về lực lượng từ cảnh báo của Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.

Giáo sư Vipin Narang chuyên nghiên cứu chiến lược hạt nhân từ Học viện Công nghệ Massachusetts bình luận:

"Tôi nghĩ mọi người đã không đọc (kỹ) tuyên bố đó. Nó đúng là khôi phục mối đe dọa, nhưng để lại khoảng trống, không gian cho đàm phán.

Mối đe dọa vẫn còn. Nó trông không giống như ông ấy (Kim Jong-un) đã hạ thấp các mối đe dọa.

Nếu Mỹ làm bất cứ điều gì ông ta coi là khiêu khích, Kim Jong-un sẽ xem lại kế hoạch và sẵn sàng thực hiện.

Triều Tiên luôn coi máy bay ném bom B-1 Mỹ là 'cướp biển Guam'.

Ông Kim Jong-un rất dị ứng với các chuyến bay của B-1 và xem nó là hành vi quấy rối khi B-1 bay vào sâu hàng chục km trong lãnh thổ Triều Tiên.

Do đó tên lửa Hwasong-12 của Triều Tiên sẽ (có lý do) để hạ cánh cách Guam chừng 30 đến 40 km."

KCNA ngày 15/8 dẫn lời ông Kim Jong-un cảnh báo, Hoa Kỳ nên suy nghĩ cẩn trọng về hậu quả.

Adam Mout, một chuyên gia về các chương trình vũ khí của Triều Tiên tại Trung tâm Vì sự tiến bộ của Hoa Kỳ nhận định:

"Không có điểm nào trong tuyên bố mới nhất của Triều Tiên nói rằng Hoa Kỳ phải bỏ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc (dự định sẽ bắt đầu vào thứ Hai tuần tới).

Đây là điều Bình Nhưỡng luôn luôn nhắc tới trong quá khứ. Họ nhiều lần thét lên điều đó, nhưng lần này thì không nhắc tới nó.

Bởi vậy, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm Bắc Triều Tiên đề nghị Hoa Kỳ có thể ngăn chặn một cuộc thử tên lửa.

Bây giờ có một cửa sổ rất rõ ràng Triều Tiên đã để dành cho Hoa Kỳ để đưa ra phản ứng.

Sự lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt là tìm kiếm các biện pháp giảm căng thẳng, hoặc phải đối diện với cuộc tấn công tên lửa vào Guam.

Mỹ đang đứng trước thời điểm quan trọng để đàm phán với Bắc Triều Tiên ảnh 2

Hoa Kỳ thừa nhận ông Kim Jong-un dám nói, dám làm?

Đây là cơ hội tốt nhất cho Donald Trump để hạn chế chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên."

Có một kênh liên lạc giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, ở New York. Một thỏa hiệp có thể xảy ra.

James Acton, đồng giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại Tổ chức Hòa bình quốc tế Carnegie đề xuất phương án:

"Có thể có một thỏa thuận với Triều Tiên rằng Mỹ không tiến hành các chuyến bay (B-1, B-52) tới Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, và chúng tôi đồng ý không bay tới gần biên giới Triều Tiên." [1]

Khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đắc lợi

Cá nhân người viết cho rằng cục diện và cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên ngày nay là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, là hậu quả tất yếu trong cuộc cạnh tranh giữa 3 siêu cường toàn cầu Mỹ - Trung - Xô ngày trước, và Trung - Mỹ ngày nay.

Giống như không ít các quốc gia nhỏ trên thế giới, dân tộc Triều Tiên đã bị mắc kẹt trong cuộc chiến, bề ngoài là giữa hai luồng ý thức hệ, nhưng thực chất bên trong là âm mưu, toan tính của các siêu cường.

Tuy nhiên người viết không thể phủ nhận rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khác hẳn lãnh đạo các quốc gia, dân tộc khác bị mắc kẹt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ hay giữa Nga với Mỹ.

Ông đã, đang khai thác tối đa mâu thuẫn giữa các siêu cường để bảo vệ sự tồn vong của quốc gia, dân tộc, chính thể hiện nay. Những gì đang diễn ra dường như không nằm ngoài tính toán của ông Kim Jong-un.

Donald Trump còn có nhiều cái để mất, nhiều cái phải lo và cũng nhiều lực cản từ dư luận trong, ngoài nước Mỹ, đặc biệt là đồng minh Hàn Quốc.

Không phải ông cứ muốn đánh là đánh.

Kim Jong-un thì khác. Ông có vị thế độc tôn ở Triều Tiên.

Kim Jong-un biết người Trung Quốc muốn gì và toan tính điều gì, ông cũng hiểu người Mỹ sợ nhất điều gì.

Theo thiển kiến của cá nhân người viết, mục tiêu tối hậu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc là làm cho Mỹ suy yếu, chiếm vị thế siêu cường số 1 toàn cầu của Hoa Kỳ.

Nhưng Bắc Kinh không muốn / không thể ra mặt làm việc này. Ở châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, duy chỉ có Triều Tiên giúp được Bắc Kinh làm điều đó. 

Mỹ đang đứng trước thời điểm quan trọng để đàm phán với Bắc Triều Tiên ảnh 3

Triều Tiên sẽ bắn 4 quả tên lửa gần Guam để "dạy Donald Trump một bài học"?

Đó là lý do và động lực chính khiến Trung Quốc có bị Triều Tiên chỉ trích đi nữa, cũng phải ngậm bồ hòn ngầm chống lưng cho Bình Nhưỡng.

Bởi vậy, cái mà Mỹ mong muốn là Trung Quốc dùng các đòn bẩy của mình ép Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo sẽ không bao giờ xảy ra. 

Có lẽ Bắc Kinh chỉ dùng đến nó trong trường hợp Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc, hoặc Bình Nhưỡng có dấu hiệu muốn bắt tay hợp tác với Hoa Kỳ.

Chúng tôi xin không bàn đến vấn đề nội trị của Triều Tiên, bởi quốc gia nào cũng có những vấn đề riêng. 

Nhưng trong quan hệ quốc tế hiện nay, Triều Tiên đang đấu tranh cho sự công bằng và bình đẳng thực sự giữa các thành viên Liên Hợp Quốc.

Chúng tôi phản đối việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. 

Nhưng cũng thật vô lý khi 5 thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an tự cho mình cái quyền sở hữu vũ khí hạt nhân để răn đe nước khác, và cấm nước còn lại làm việc này, cho dù với mục đích tự vệ.

Người viết tin rằng, sở dĩ ông Kim Jong-un phải sử dụng đến "hiểm kế" này là vì muốn buộc Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán vô điều kiện.

Với ông ấy, có lẽ không có chuyện Bình Nhưỡng hạ vũ khí trước, ngồi vào bàn đàm phán trong khi vũ khí và binh lực Hoa Kỳ vẫn bủa vây dày đặc xung quanh bán đảo và chĩa vào Bình Nhưỡng.

Tinh thần tự lực tự cường, vượt lên trong thế kẹt giữa các siêu cường, đặc biệt là về tiềm lực quốc phòng, thiết nghĩ Triều Tiên vẫn có những bài học quý giá cho các nước nhỏ.

Thực tế nhãn tiền cho thấy, sát hại Muammar al-Gaddafi không làm cho Libya ổn định hơn, tử hình Saddam Hussein không mang lại hòa bình cho Iraq, mà đẩy 2 quốc gia này vào vòng xoáy bạo lực.

Đó là 2 bài học sờ sờ đối với những nhà lãnh đạo như ông Kim Jong-un.

Tránh được một kết cục tương tự đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và đôi khi cả sự khôn khéo, bởi sau lưng các nhà lãnh đạo này là cả một quốc gia, dân tộc.

Ngoại trưởng Rex Tillerson vẫn bỏ ngỏ khả năng và hy vọng đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng, nhưng "điều kiện tiên quyết" vẫn còn, thì Triều Tiên sẽ còn thúc đẩy kế hoạch phát triển sức mạnh hạt nhân của riêng mình.

Trước khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump là một doanh nhân tài ba, tỉ phủ thành đạt. Ông đặc biệt tự hào về kỹ năng đàm phán của mình.

Bàn cờ Triều Tiên đang cần một lời giải, kỹ năng đàm phán của ông Donald Trump sẽ có cơ hội được tỏa sáng, nếu ông thực sự muốn nắm lấy nó.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.theguardian.com/world/2017/aug/15/north-korea-guam-strike-pause-donald-trump-negotiations

Hồng Thủy