Mỹ đánh Syria sẽ là cuộc chiến "lấy đá đập trứng", Syria sẽ thảm bại?

10/09/2013 10:02
Việt Dũng
(GDVN) - Mỹ sẽ dễ dàng đánh bại Syria, nhưng ngọn lửa chiến tranh sẽ lan rộng Trung Đông, tác động đến an ninh toàn cầu.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại phiên điều trần liên quan đến vấn đề can thiệp quân sự vào Syria của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 4 tháng 9 năm 2013
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại phiên điều trần liên quan đến vấn đề can thiệp quân sự vào Syria của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 4 tháng 9 năm 2013

Bài viết cho rằng, chiến sự Syria đang hết sức căng thẳng. Trước đây không lâu, tại vườn hoa Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố sẽ tấn công quân sự đối với Syria, điểm quan tâm của dư luận chuyển tới những vấn đề như tấn công vào lúc nào, tấn công như thế nào.

Nhìn vào cán cân sức mạnh quân sự, Syria rõ ràng không phải là đối thủ của Mỹ, đây sẽ là một cuộc chiến "lấy đá đập trứng".

Nhưng, xét đến bài học từ chiến tranh Iraq, chiến tranh Afghanistan, Obama đã đề xuất "tấn công quân sự có giới hạn".

Nhưng, ngọn lửa chiến tranh một khi bùng cháy, thực sự thực hiện được tấn công có giới hạn là rất khó khăn. Syria cũng không phải là Libya, trong tương lai Mỹ muốn kết thúc cuộc chiến trong danh dự cũng không phải là chuyện dễ dàng.

Chuẩn bị đã lâu khẳng định năng lực “thiết kế” chiến tranh

Syria có mối thù cũ vài chục năm với Mỹ, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, họ chính là đồng minh kiên định của Liên Xô ở khu vực Trung Đông. Năm 2003, sau khi chiến tranh Iraq bùng nổ, Syria bị Mỹ liệt vào "trục ma quỷ".

Từ khi phương Tây phát động chiến tranh Libya, sau khi đã giải quyết "mối hoạ lớn trong lòng" Gaddafi, việc nhổ "cái đinh trong mắt" - Syria đã được đặt vào chương trình làm việc của Mỹ.

Hiện nay, quân Mỹ đã tập kết 3 cụm chiến đấu tàu sân bay, vài tàu khu trục tên lửa và 1 tàu đổ bộ ở Địa Trung Hải và biển Đỏ (Hồng Hải), một số tàu chiến mang theo vài trăm quả tên lửa hành trình Tomahawk, có thể tiến hành tấn công kiểu "giải phẫu" đối với các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Syria.

Ngày 4 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục cảnh báo Mỹ và phương Tây về việc đơn phương can thiệp quân sự Syria
Ngày 4 tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục cảnh báo Mỹ và phương Tây về việc đơn phương can thiệp quân sự Syria

Ngoài ra, quân Mỹ còn có hệ thống tình báo trong không gian và máy bay ném bom chiến lược cất cánh từ lãnh thổ làm hậu thuẫn.

Hơn nữa, được các nước như Saudi Arabia cung cấp căn cứ quân sự, các nước như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ kiên định ủng hộ, hình thành thế bao vây đối với Syria.

Từ chiến tranh vùng Vịnh đến nay, quân Mỹ đã thể hiện năng lực “thiết kế” chiến tranh “tuyệt vời” của họ trong nhiều cuộc chiến tranh cục bộ. Đối với mỗi cuộc chiến tranh, quân Mỹ đều có lý luận mới để chỉ đạo, việc phát động, tiến hành và kết thúc một cuộc chiến tranh thường đều được "thiết kế".

Vì vậy, trong chiến tranh Syria, quân Mỹ có sử dụng phương châm tác chiến mới hay không là điều đáng chú ý.

Trong tình hình bình thường, quân Mỹ sẽ có một vài phương án tác chiến đối với một chiến dịch quân sự, họ sẽ căn cứ vào sự phát triển của tình hình để không ngừng sửa đổi, hoàn thiện, đồng thời lựa chọn một trong số đó khi tiến hành chiến tranh.

Quân Mỹ luôn luôn khoe độ minh bạch của họ, nhưng quan sát kỹ sẽ không khó phát hiện, những thứ họ công khai với bên ngoài thường là những tài liệu ở cấp độ tư tưởng chiến lược, trong khi đó giữ bí mật tuyệt đối các phương án tác chiến cụ thể.

Quân Mỹ thực hiện phương án nào đối với cuộc chiến chống lại Syria vẫn còn chưa thể biết được, nhưng, nhìn vào quá trình “dụng binh” của quân Mỹ và các loại dấu hiệu điều động binh lực nhằm vào Syria hiện nay vẫn có thể nhìn thấy được những manh mối.

Tàu khu trục tên lửa Stout của Hải quân Mỹ
Tàu khu trục tên lửa Stout của Hải quân Mỹ

Tấn công có giới hạn phải chăng sẽ "trói chân trói tay" quân Mỹ?

Trước khi khai chiến, tuyên bố "tấn công quân sự có giới hạn" của Barack Obama thực chất đã "định hình" cho cuộc chiến chống Syria lần này.

Thực chất của "tấn công quân sự có giới hạn" là thông qua lực lượng quân sự hạn chế tấn công các mục tiêu quân sự có hạn, đạt được mục đích tác chiến có giới hạn.

Obama còn cho biết, sẽ không điều lực lượng mặt đất tới Syria, điều này là để tránh bị sa lầy như chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq. Nhưng, "tấn công có giới hạn" thực ra còn nhiều điều chưa rõ ràng.

Mỹ tuyên bố Syria đụng vào "giới hạn đỏ", buộc Mỹ phải sử dụng vũ lực, vì vậy hành động của quân Mỹ mang tính chất trừng phạt, nhưng xuất phát từ sự cân nhắc của cân bằng sức mạnh khu vực, sẽ không thể tiêu diệt triệt để quân Chính phủ Syria.

Vì vậy, khi tấn công quân sự, không có nhiều khả năng lắm tiến hành “bắn phá điên cuồng” như chiến tranh Kosovo, để cuối cùng thông qua phương thức "vô đạo" - làm tê liệt hạ tầng dân dụng - buộc Syria phải khuất phục.

Cũng khó giống với chiến tranh Libya, do Mỹ bỏ tiền, bỏ súng và tự tiến hành các hoạt động tình báo, đồng minh chi viện trên không cho phe đối lập cuối cùng chiếm lĩnh, lật đổ chính quyền hiện nay.

Hình thức tấn công có khả năng xuất hiện là tương tự như chiến dịch "Cáo sa mạc" năm 1998. Nhưng, cho dù giống nhau thì cũng sẽ không phải là “phụ hoạ”, bởi vì chiến dịch "con cáo sa mạc" được phát động trên cơ sở thiết lập vùng cấm bay ở Iraq, còn lần này Mỹ hoàn toàn không thiết lập "vùng cấm bay" ở Libya.

Nhìn từ góc độ chi phí kinh tế, tấn công có giới hạn thích hợp với hoàn cảnh lớn là kinh tế trì trệ hiện nay. Chi phí khổng lồ cho chiến tranh làm cho các nước “nhìn thấy đã sợ”. Trong cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria lần này, rất nhiều đồng minh của Mỹ tỏ rõ thái độ sẽ không tham gia.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52)
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry (DDG-52)

Nguồn tin từ Quân đội Mỹ cho rằng, chi phí cho chiến dịch quân sự có giới hạn tuỳ thuộc vào số lượng tên lửa được sử dụng.

Lấy tên lửa hành trình Tomahawk làm ví dụ, chi phí chế tạo mỗi quả tên lửa khoảng 1,2 triệu USD. Dựa vào tiêu chuẩn đánh giá của Lầu Năm Góc, chỉ phương án tấn công có giới hạn bằng tên lửa hành trình thì chưa được coi là "đắt đỏ".

Muốn thực sự thực hiện được tấn công có giới hạn hoàn toàn không phải là việc dễ dàng. Nhiều bộ điều lệnh hiện hành của quân Mỹ đều đã nhấn mạnh đến tấn công có giới hạn, đề phòng tư tưởng có hại.

Sở dĩ như vậy chính là do làm được điều này trong các chiến dịch quân sự quá khó, đây cũng là kết quả được quân Mỹ rút ra bài học từ cuộc chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq.

Về lý thuyết, quân Mỹ có thể thực hiện được "tấn công có giới hạn" đối với Syria, nhưng không thể loại trừ khả năng sự đáp trả quân sự của Syria vượt dự kiến và làm leo thang chiến sự, tức là mở rộng báo thù.

Chẳng hạn quân Chính phủ Syria hoặc đồng minh Iran của họ phản ứng bằng việc sử dụng phương thức tấn công Israel, điều này sẽ thúc đẩy Mỹ thực hiện các hành động quân sự quá mức như tiêu diệt lực lượng phòng không của chính quyền Syria hoặc thiết lập "vùng cấm bay" ở Syria.

Ngoài ra, nhìn vào việc triển khai của quân Chính phủ Syria và quân chống chính phủ, đối đầu giữa hai bên xuất hiện thế "cài răng lược", quân Mỹ tiến hành tấn công có giới hạn, rất có thể hiệu quả không rõ rệt, thậm chí tấn công nhầm.

Tàu khu trục tên lửa USS Ramage (DDG-61) Mỹ
Tàu khu trục tên lửa USS Ramage (DDG-61) Mỹ

Tấn công có giới hạn là mục tiêu nỗ lực chung từ trên xuống dưới của quân Mỹ, xuất phát từ góc độ kiểm soát chiến tranh, nó chịu sự tác động của nhiều nhân tố như môi trường chiến trường, tố chất quân đội, luật pháp quốc tế.

Phần lớn lãnh thổ Syria là cao nguyên, miền núi, địa thế nghiêng, địa hình phức tạp, bất kể là không kích chính xác hay xâm lược trên mặt đất đều tương đối khó khăn. Ngoài ra, nhiều dân tộc miền núi xưa nay vốn không dễ dàng bị chinh phục, điểm này có sự khác biệt căn bản với Libya, quốc gia có 95% lãnh thổ là sa mạc bằng phẳng và nửa sa mạc.

Ra tay không dễ, kết thúc trong danh dự càng khó khăn

Phải nói rằng, quyết sách chiến tranh là việc của các nhà chính trị, nó là một quá trình phức tạp và lâu dài. Đối với Mỹ, quyết sách chiến tranh của họ chịu sự tác động ảnh hưởng bởi nhiều lực lượng quốc tế, phe phái chính trị trong nước và thái độ của người dân. Hiện nay, Mỹ đang "vắt óc" để "danh chính ngôn thuận" tiến hành chiến tranh.

Chỉ nhìn vào cán cân sức mạnh quân sự, quân Mỹ "không gì cản nổi" dẫn đồng minh tấn công Syria, thắng bại không phải lo, nhưng Syria, với tư cách là một cường quốc quân sự Trung Đông, đằng sau có Iran và phái Shia của Iraq làm hậu thuẫn, rất khó bị lật đổ nhanh chóng như Gaddafi.

Kết quả có thể làm cho cuộc nội chiến Syria duy trì thời gian rất dài và người sống chung với ngọn lửa chiến tranh chính là người dân gặp nạn, rất nhiều dân tị nạn sẽ trôi dạt khắp nơi. Ngày 3 tháng 9, cơ quan người tị nạn của Liên Hợp Quốc ra tuyên bố cho rằng, hiện đã có 2 triệu người Syria trở thành dân tị nạn, trung bình mỗi ngày có 5.000 công dân Syria chạy trốn khỏi Syria.

Tàu khu trục tên lửa USS Mahan (DDG-72) Mỹ
Tàu khu trục tên lửa USS Mahan (DDG-72) Mỹ

Cùng với việc Syria bị thử thách chiến tranh, Mỹ cũng sẽ không trở thành người được lợi 100%. Ngọn lửa chiến tranh một khi bùng cháy, người lính chém giết trên chiến trường không thể tránh khỏi cái chết, nếu quân Mỹ rơi vào cuộc chiến Syria, chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương đang được họ toàn lực thúc đẩy cũng sẽ bị kiềm chế, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến vị thế toàn cầu của Mỹ.

Hơn nữa, ngọn lửa chiến tranh có thể sẽ gây hiệu ứng "hồ điệp", tiến tới gây tác động tới cục diện chiến lược toàn cầu. Trung Đông là trái tim của đại lục Âu-Á, về địa-chính trị sẽ "rút dây động rừng".

Trong khi đó, Syria nằm ở khu trung tâm của Trung Đông, bắc tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ, nam tiếp giáp Israel, Jordan, đông gần Iraq, vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Syria xuất hiện khủng hoảng sẽ lan ra toàn bộ khu vực Trung Đông, thậm chí tác động đến tình hình an ninh toàn cầu.

Đồng minh Iran của Syria cũng rất hiểu đạo lý "môi hở răng lạnh", nếu như chính quyền Syria sụp đổ, kế tiếp có thể chính là Iran, vì vậy Iran đã buông ra một câu nói cứng rắn "Mỹ tấn công Syria, tôi sẽ đánh Israel".

Ngoài ra, cuộc chiến tranh này sẽ được cho là một cuộc tấn công nghiêm trọng của văn minh phương Tây đối với thế giới Hồi giáo, có thể gây ra kích động mâu thuẫn tôn giáo, các cuộc tấn công nổ bom khủng bố nhằm vào phương Tây sẽ không ngừng lan tràn từ Syria.

Tàu khu trục USS Gravely (DDG 107) Mỹ
Tàu khu trục USS Gravely (DDG 107) Mỹ
Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ (ảnh minh họa)
Cụm chiến đấu tàu sân bay Mỹ (ảnh minh họa)
* Đề nghị không sao chép, tái xuất bản với mục đích thương mại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng