Mỹ hợp tác với Trung Quốc như ngủ với kẻ thù, luôn phải mở một mắt

04/10/2015 05:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Washington nhận ra rằng đối thủ an ninh toàn cầu và thách thức an ninh chính của mình là Trung Quốc.
Chính sách leo thang bành trướng Biển Đông dưới thời ông Tập Cận Bình khiến khu vực, quốc tế ngày càng lo ngại. Ảnh: Fox News.
Chính sách leo thang bành trướng Biển Đông dưới thời ông Tập Cận Bình khiến khu vực, quốc tế ngày càng lo ngại. Ảnh: Fox News.

South China Morning Post ngày 4/10 bình luận, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong những năm qua không thể thay đổi một thực tế rằng, Trung Quốc vẫn là đối thủ lớn nhất của Mỹ về an ninh toàn cầu, các chuyên gia quân sự cho biết.

"Lầu Năm Góc và nhiều chính trị gia Mỹ vẫn xem Trung Quốc đang trỗi dậy như một mối đe dọa, bất chấp Tập Cận Bình nhắc lại ở Seattle rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn làm bá chủ và bành trướng", Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân từ Bắc Kinh nhận định.

Ông Kiệt đã phớt lờ những thực tế leo thang bành trướng, xưng hùng xưng bá Trung Quốc đang theo đuổi trên Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực, đe dọa an ninh, tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông và luật pháp quốc tế - PV.

"Thực tế các vấn đề an ninh mạng, vấn đề Biển Đông và các chủ đề an ninh khác vẫn là rào cản chính mà Bắc Kinh và Washington phải đối diện, Mỹ luôn giữ con mắt thận trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc", Lý Kiệt bình luận.

Ông nhắc lại tuyên bố mới đây của tình báo quốc phòng Mỹ rằng, hải quân Trung Quốc lên kế hoạch tuần tra đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn 904 vào cuối năm nay. Tàu được trang bị tên lửa đạn đạo JL-2 có khả năng tấn công nước Mỹ.

Tuyên bố của tình báo Hoa Kỳ được đưa ra sau khi Tập Cận Bình đặt chân tới Washington tháng trước, làm gia tăng lo ngại của Washington đối với nguy cơ dằn mặt của Bắc Kinh ở châu Á. Giáo sư Jonathan Holslag, Trưởng nhóm nghiên cứu Trung Quốc của Viện Brussels cho rằng Trung Quốc đặt mục tiêu hiện diện thường trực tàu ngầm mang tên lửa chiến lược và tàu ngầm hạt nhân ở Thái Bình Dương.

"Người Mỹ biết điều này và đã bắt đầu phát triển tất cả các loại cảm biến mới nhất để theo dõi chúng và các phương tiện không người lái dưới nước để tiêu diệt chúng nếu cần thiết", ông Jonathan Holslag cho biết.

Đinh Thụ Phạm, một giáo sư chuyên về quân đội Trung Quốc từ Hội đồng Nghiên cứu chính sách Trung Quốc ở Đài Bắc nói với South China Morning Post, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Washington nhận ra rằng đối thủ an ninh toàn cầu và thách thức an ninh chính của mình là Trung Quốc.

"Những thành tựu đáng ngạc nhiên của quá trình hiện đại hóa quân sự Trung Quốc cho thế giới thấy, Trung Quốc đã thay thế Liên Xô cũ trong ảnhh hưởng toàn cầu đối với Mỹ", ông Phạm nói. Bắc Kinh và Washington đã tăng cường hợp tác quân sự trong thập kỷ qua, hai bên ký một phụ lục thỏa thuận bao gồm các hoạt động quân sự ngày 18/9, trong đó mở rộng quy chế về hành vi an toàn cho tàu hải quân mặt nước hai bên khi bất ngời chạm trán trên biển.

Nhưng chỉ ba ngày trước khi phụ lục này được ký kết, Lầu Năm Góc công bố thông tin một chiến đấu cơ Trung Quốc đã thực hiện hoạt động bay ngăn chặn mất an toàn đối với một máy bay do thám Hoa Kỳ gần bán đảo Sơn Đông. "Ít nhất cả hai bên nhận ra rằng hợp tác quan trọng cùng với cạnh tranh, nếu không họ sẽ tiêu diệt lẫn nhau. Ngay cả thời Chiến tranh Lạnh, Washington đã phải làm việc với kẻ thù không đội trời chung là Moscow", ông Phạm bình luận.

Hồng Thủy