Mỹ phóng tàu thăm dò Sao Hoả, Trung Quốc tăng tốc đuổi theo sau

12/08/2012 15:19
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Mỹ vẫn vượt trội so với Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ, nhưng rất kiềm chế trong chi tiêu, trong khi Trung Quốc đang có tiến bộ rất nhanh.
Mỹ vừa phóng thành công tàu thăm dò vũ trụ Curiosity lên Sao Hỏa.
Mỹ vừa phóng thành công tàu thăm dò vũ trụ Curiosity lên Sao Hỏa.

Ngày 6/8, trang mạng báo ảnh “Minh tinh/Ngôi sao” Đức có bài viết nhan đề “Mỹ đã chạm đất, nhưng Trung Quốc đang tăng tốc”.

Bài viết cho rằng, tàu thăm dò vũ trụ/tàu thám hiểm tự hành “Curiosity” đã đổ bộ thành công lên Sao Hỏa, đánh dấu Cục Hàng không vũ trụ Mỹ đã đạt được cột mốc mới trong hành trình khám phá các hành tinh gần Trái Đất.

Sự thành công này giống như tiêm một mũi thuốc kích thích cho Mỹ, một nước lớn về hàng không vũ trụ đã rơi vào mệt mỏi trong một giai đoạn. Tổng thống Mỹ Barack Obama chúc mừng sự thành công này là “thành tựu công nghệ không gì sánh kịp”.

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã làm chủ các chuyến bay vào vũ trụ. Công tác nghiên cứu vũ trụ của châu Âu và Mỹ kết hợp chặt chẽ.

Quan hệ đối tác dưới sự lãnh đạo của Mỹ cũng có nghĩa là cùng xây dựng trạm không gian quốc tế. Nhưng, hiện nay vũ trụ đã xuất hiện 2 xu thế phát triển mới: bay vào vũ trụ với nguồn vốn cá nhân và châu Á (với đại diện là Trung Quốc) đang bước vào vũ trụ.

Độc lập tự chủ cố gắng đuổi theo

Những nỗ lực của các nước châu Á hoàn toàn không giống nhau. Trung Quốc không hứng thú với việc hợp tác trong chương trình hàng không vũ trụ nên bị quốc tế kiểm soát.

Chương trình vũ trụ của Trung Quốc là một chương trình đơn lẻ, muốn chứng minh với người dân Trung Quốc và thế giới rằng, Trung Quốc có thể đạt được thành tựu gì dưới sự lãnh đạo của tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc.

Vì vậy, nó rất giống chương trình Apollo của Mỹ. Năm 1957, sau khi Liên Xô phóng một vệ tinh nhân tạo và đi đầu trong cạnh tranh không gian, Mỹ đặc biệt muốn dựa vào chương trình Apollo để khẳng định địa vị ưu thế giành lại của họ.

Chính phủ Trung Quốc đã dốc sức lựa chọn con đường bay vào vũ trụ mang theo con người, chương trình này có thể đem lại danh tiếng rất lớn, nhưng nhìn vào góc độ khoa học, thì lại luôn đạt được ít tri thức nhất trong khi phải chi phí cao nhất.

Chẳng hạn, để bảo đảm an toàn cho nhân viên, chi phí thám hiểm Sao Hỏa mang theo con người sẽ cao hơn rất nhiều nhiệm vụ thăm dò của tàu thăm dò “Curiosity” không mang theo con người.

Trạm không gian Thiên Cung 1 và tàu vũ trụ Thần Châu 9 của Trung Quốc tiến hành lắp ghép.
Trạm không gian Thiên Cung 1 và tàu vũ trụ Thần Châu 9 của Trung Quốc tiến hành lắp ghép.

Nhưng, người Trung Quốc còn chưa đi xa như vậy. Công nghệ của họ còn dừng lại ở trình độ các thập niên 1960-1980. Song, dù sao cũng đã có 6 nhà du hành vũ trụ đã bay vào vũ trụ. Tàu vũ trụ Thiên Cung 1, mô-đun đầu tiên để Trung Quốc xây dựng Trạm không gian cho riêng mình, đã được đưa lên quỹ đạo và đã tiến hành thử nghiệm mang theo con người.

Đợi đến sau khi hoàn thành chương trình này, trạm không gian sẽ đưa vào sử dụng và tiến hành bay lên Mặt Trăng mang theo con người. Khoảng 10 năm nữa sẽ đạt được mục tiêu này.

Khi đó, Trung Quốc sẽ đạt trình độ khi Mỹ lần đầu tiên đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 1969. Đứng trước Trạm không gian quốc tế 400 tấn, Trạm không gian Thiên Cung 60 tấn chỉ là “đồ đệ”.

Nhưng nó có khác biệt ở chỗ: Trạm không gian quốc tế sở dĩ tồn tại, do tất cả những nước tham gia đã tập hợp được khả năng khoa học và nguồn vốn của họ, còn Trạm không gian Thiên Cung lại là chương trình thuần túy của Trung Quốc.

Những năm gần đây Trung Quốc mới tích cực trong nghiên cứu vũ trụ, nhưng lại bắt kịp rất nhanh. Vì vậy, bay lên Mặt Trăng trong kế hoạch chỉ là một trạm dừng chân giữa đường ngắn ngủi, sau đó Trung Quốc sẽ hoàn thành đuổi kịp về công nghệ và có thể trực tiếp thách thức Mỹ.

Ấn Độ, Nhật Bản cảm thấy sức ép

Các nước láng giềng của Trung Quốc đều đã được khích lệ, dù sao thì nghiên cứu không gian có thể áp dụng cho quân sự. Chương trình hàng không vũ trụ của Trung Quốc đặt dưới sự quản lý của Bộ Tổng Trang bị - Quân đội Trung Quốc.

Trên phương diện này, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu tương tự Mỹ, chẳng hạn, năm 2007 Trung Quốc đã dùng tên lửa bắn rơi một vệ tinh khí tượng cũ.

Trung Quốc phát triển khả năng chống vệ tinh.
Trung Quốc phát triển khả năng chống vệ tinh.

Đến năm 2020, tính năng của hệ thống dẫn đường vệ tinh Bắc Đẩu Trung Quốc sẽ đuổi kịp hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Ngoài sử dụng cho rất nhiều chương trình dân sự, hệ thống GPS cũng không thể thiếu trong chiến tranh hiện đại. Nhờ có nó, tên lửa đạn đạo có thể tấn công các mục tiêu di động như tàu sân bay.

Sự tiến bộ của Trung Quốc gây ra sức ép cho các nước láng giềng như Ấn Độ, buộc họ cũng chứng tỏ thành công trên phương diện nghiên cứu không gia và tên lửa. Năm nay, Ấn Độ có kế hoạch tiến hành bay lên Mặt Trăng lần thứ hai, lần này sẽ đưa máy thu tầm xa (thu tín hiệu) đưa lên bề mặt của Mặt Trăng.

Điều này có tính khả thi, bởi vì từ khi không phải nghiên cứu lại hoàn toàn công nghệ có liên quan, chi phí của chương trình vũ trụ đã giảm xuống. Nhưng, sự cạnh tranh và đòi hỏi lãnh thổ giữa các nước châu Á kéo dài chưa được giải quyết, vì vậy rất khó xây dựng được quan hệ đối tác và cơ chế an ninh chung như các nước châu Âu trong lĩnh vực vũ trụ.

Bất luận là Ấn Độ hay Nhật Bản đều không thể triển khai chương trình có thể so với Trung Quốc. Hiện nay, chỉ có Mỹ có thể gây thiệt hại cho những nỗ lực của Trung Quốc. Nhưng, Mỹ phải chăng sẽ tiến hành cuộc chạy đua vũ trụ mới tốn kém hiện vẫn còn chưa biết. Đến nay, Chính phủ Obama rất thận trọng khi phê duyệt chương trình vũ trụ mới đắt đỏ.

Trước mắt, Mỹ duy trì tư thế đe dọa. Đầu năm nay, hãng BBC Anh cho rằng, tàu vũ trụ quân dụng huyền bí X-37B của Mỹ đã bay vào quỹ đạo trong một nhiệm vụ bay gần đây nhất, có thể đã do thám trạm không gian của Trung Quốc ở cự ly gần.

Tàu vũ trụ X-37B của Mỹ.
Tàu vũ trụ X-37B của Mỹ.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)