Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu giàn khoan 981 lại xâm phạm vùng biển Việt Nam?

27/06/2015 10:30
Hồng Thủy
(GDVN) - Mỹ không thể điều Hạm đội 7 ra ngăn cản giàn khoan 981 Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ sẽ lên án, gây sức ép quốc tế buộc Trung Quốc phải xuống thang.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius.

Biển Đông trong trục quan hệ Việt - Mỹ, Việt - Trung, Trung - Mỹ đã trở thành chủ đề nóng hổi nhận được sự quan tâm, trao đổi đặc biệt của các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia "Hội thảo Quốc tế Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa, thực trạng và triển vọng" do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày hôm qua 26/6.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ngoài thực địa do các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, các học giả, nhà nghiên cứu tham dự hội thảo đã chia sẻ những góc nhìn của mình xung quanh vấn đề này.

"Sốc vì Trung Quốc lại kéo giàn khoan 981 ra vùng biển chồng lấn với Việt Nam, Mỹ sẽ lên án nếu 981 xâm phạm"

Trong phiên thảo luận về quan hệ chính trị - an ninh chiều qua, Tiến sĩ Murray Hiebert, Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu Đông Nam Á, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) cho biết, ông đã bị sốc khi biết tin Trung Quốc lại vừa kéo giàn khoan 981 ra Biển Đông.

Theo tuyên bố của Cục Hải sự Trung Quốc thì giàn khoan 981 sẽ hạ đặt trên khu vực chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc từ 20/6 đến 20/8 và vạch bán kính cấm tàu thuyền qua lại 2 km quanh giàn khoan. Năm ngoái Trung Quốc cũng đã gây ra cuộc khủng hoảng giàn khoan 981 từ tháng 6, đến giữa tháng 7 họ mới "giải thích" và rút.

Tiến sĩ Murray Hiebert cho biết, ông có cảm giác dường như Trung Quốc đang xem việc kéo giàn khoan 981 vào vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp với láng giềng là thủ đoạn mới và sẽ sử dụng nó thường xuyên, hàng năm.

Đặc biệt là năm nay Bắc Kinh đã vấp phản phản đối gay gắt từ Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong khi Chủ tịch nước này ông Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ tháng 9 năm tới cũng như các cuộc tiếp xúc song phương với Tổng thống Barack Obama trong khuôn khổ các hội nghị, diễn đàn quốc tế khác.

Tiến sĩ Murray Hiebert.
Tiến sĩ Murray Hiebert.

Học giả Mỹ lưu ý rằng, mục đích Trung Quốc lặp lại chước cũ bằng giàn khoan 981 năm nay cũng có thể liên quan đến quan hệ Việt - Mỹ đang phát triển tốt đẹp. Động thái kéo giàn khoan 981 ra Biển Đông diễn ra chỉ vài tuần trước chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau khi Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sang Trung Quốc dự phiên họp Ủy ban Chỉ đạo quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc và sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter.

Trong vụ giàn khoan 981 năm ngoái, Việt Nam đã lên án mạnh mẽ và kết hợp nhiều biện pháp phản ứng, đặc biệt là truyền thông và dư luận, cuối cùng Trung Quốc cũng rút giàn khoan 981, mặc dù lý do họ đưa ra là "hoàn thành sớm nhiệm vụ". Lần này Trung Quốc lại làm vậy, Mỹ không thể điều Hạm đội 7 ra ngăn cản giàn khoan 981 Trung Quốc, nhưng Hoa Kỳ sẽ lên án, gây sức ép quốc tế buộc Trung Quốc phải xuống thang, Tiến sĩ Murray Hiebert cho biết.

Nguy cơ xung đột, chiến tranh trên Biển Đông khó xảy ra, ngăn chặn gặm nhấm dần mới khó

Xung quanh những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng từ Học viện Ngoại giao chia sẻ tại hội thảo rằng khó có khả năng xảy ra chiến tranh, xung đột quân sự trên Biển Đông. Chính bản thân Trung Quốc cũng lo sợ đối đầu, bởi vì khi đánh nhau chưa chắc Trung Quốc thắng nổi Mỹ.

Mặc dù từ khi lên cầm quyền ông Tập Cận Bình đã theo đuổi chủ trương phát triển sức mạnh quân sự, đặc biệt là hải quân. Ông Bình đã chỉ thị cho quân đội nước này phải sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Nhưng nếu chiến tranh với người Mỹ mà Trung Quốc thua, uy tín của ông Tập Cận Bình sẽ "lĩnh đủ".

Tuy nhiên, thủ đoạn gặm nhấm dần mà Trung Quốc đang triển khai trên Biển Đông mới thực sự khó đối phó. Trung Quốc sợ chiến tranh, sợ đánh nhau nên mới phải sử dụng thủ đoạn gặm nhấm dần Biển Đông. Thực trạng quân đội Trung Quốc không mạnh bằng Mỹ, cũng không mạnh như những gì người Trung Quốc đang tuyên truyền.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Tùng.

Chia sẻ quan điểm khó nổ ra chiến tranh, xung đột quân sự trên Biển Đông, Đại tá Vũ Khanh từ Viện Chiến lược quốc phòng Bộ Quốc phòng cho rằng, trong thời đại ngày nay còn những ai theo đuổi chiến tranh là lạc hậu, lỗi thời, đi ngược với xu thế thời đại.

Các nước cần hòa bình và ổn định để phát triển, Trung Quốc cũng vậy. Một khi xảy ra chiến tranh ở Trường Sa nơi có một trong những tuyến hàng hải trọng yếu hàng đầu của thế giới đi qua thì chính nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng đầu tiên.

Ông Khanh lưu ý rằng, Biển Đông không phải chuyện riêng của Việt Nam, vì một khi để Trung Quốc tiếp tục gặm nhấm và hiện thực hóa đường lưỡi bò bất hợp pháp, thì tất cả các nước ven Biển Đông đều bị đe dọa, Mỹ cũng vậy. Lần đầu tiên Trung Quốc đưa Biển Đông vào Sách trắng quốc phòng, cũng lần đầu tiên Bắc Kinh đặt hải quân lên vị trí hàng đầu trong chiến lược quân sự tất cả nhằm hiện thực hóa đường lưỡi bò này.

Mỹ đang tập trung phát triển quan hệ với Việt Nam

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định rằng, các nhà lãnh đạo Mỹ đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ phát triển quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là Bộ Quốc phòng và các Thượng nghị sĩ trong Ủy ban Quân vụ. Quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua quan hệ thông thường và đang trên đà phát triển mạnh.

Chia sẻ quan điểm này, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak cho biết, Mỹ muốn xây dựng quan hệ với Việt Nam thành hình mẫu ở khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương. 

Một học giả Việt Nam chất vấn ngài Michalak rằng, trong khu vực Hoa Kỳ có nhiều đồng minh quan trọng suốt mấy chục năm qua như Nhật Bản, Hàn Quốc, ở Đông Nam Á thì có Philippines, các đối tác quan trọng như Indonesia, Malaysia, Singapore thì khiến dư luận khó tin ý định này của người Mỹ.

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michale Michalak.
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michale Michalak.

Cựu Đại sứ Michalak chia sẻ, đúng là trong khu vực Hoa Kỳ có những đồng minh và đối tác quan hệ chặt chẽ mấy chục năm qua, thời gian lâu hơn quan hệ với Việt Nam, nhưng chính vị trí chiến lược của Việt Nam đã định hình mong muốn ấy của người Mỹ.

Nhắc lại phát biểu của cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Văn Bàng trước đó rằng quan hệ quốc tế thay đổi liên tục, thù thành bạn, bạn thành thù, Việt - Mỹ hay Việt - Trung cũng như thế, nhưng lợi ích quốc gia dân tộc thì không thay đổi và quan hệ Việt - Mỹ đang ở trong thời kỳ phát triển, ông Michalak cho rằng 20 năm qua mới chỉ là nền tảng cho quan hệ Việt - Mỹ phát triển hơn nữa. Điều cốt lõi nằm ở lòng tin.

Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Murray Hiebert cũng khẳng định trước các học giả Việt Nam và quốc tế rằng, lật đổ chế độ ở Việt Nam hay tiến hành diễn biến hòa bình không phải là mục đích của Mỹ. Ngược lại, Việt Nam ngày nay đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Washington ủng hộ chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam, và quan hệ Việt - Mỹ phát triển có thể cũng có ích cho Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hay xử lý quan hệ với láng giềng Trung Quốc.

Đầu phiên hội thảo, Tiến sĩ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, người Việt Nam rất tôn trọng Hoa Kỳ và mong có một quan hệ tốt đẹp với Mỹ. Hoa Kỳ được xem là đối tác quan trọng nhất mà Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác.

Cựu Đại sứ Michael Michalak cho biết, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất tôn trọng sự khác biệt trong hệ thống chính trị của nhau, xóa bỏ dần sự nghi kỵ. Giáo dục nên là ưu tiên hợp tác số một, bởi giáo dục tốt sẽ là nền tảng giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra.

Hồng Thủy