Mỹ triển khai tàu tuần duyên mới ở biển Đông khiến Trung Quốc lo lắng

22/04/2013 06:38
Việt Dũng
(GDVN) - Trong thời gian triển khai ở Singapore, tàu tuần duyên USS Freedom sẽ tham gia nhiều cuộc diễn tập, thăm cảng biển với hải quân các nước Đông Nam Á.
Tàu tuần duyên USS Freedom LCS-1 đã đến quân cảng Changi, Singapore
Tàu tuần duyên USS Freedom LCS-1 đã đến quân cảng Changi, Singapore

Tờ “Phượng Hoàng” Hồng Kông vừa dẫn các nguồn tin cho biết, khoảng 11 giờ sáng ngày 18/4/2013, tàu tuần duyên đầu tiên của Hải quân Mỹ là USS Freedom LCS-1 đã từ từ chạy vào quân cảng Changi của Singapore. Đây là tàu chiến đầu tiên của Mỹ thường trực tại biển Đông, chốt giữ eo biển Malacca với thời gian là 8 tháng.

Việc triển khai ở tuyến đầu những tàu chiến này là một phần của chiến lược chuyển hướng (pivot) tới châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, từ Iraq và Afghanistan chuyển hướng sang châu Á-Thái Bình Dương thực hiện tái cân bằng…, thể hiện với đồng minh Mỹ và bạn bè rằng Mỹ cam kết duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực này để bảo đảm sự ổn định.

Đây cũng là lần đầu tiên Hải quân Mỹ triển khai loại tàu chiến này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc điểm lớn nhất của tàu chiến này là có khả năng tác chiến ở biển gần (vùng nước nông). Trong thời gian triển khai 8 tháng tới đây, tàu USS Freedom sẽ tham gia một loạt cuộc diễn tập liên hợp hải quân (CARAT, SEACAT) và thăm các cảng biển khác của khu vực này.

Theo trang mạng tuần san quốc phòng Mỹ, tàu tuần duyện USS Freedom đến Singapore là một cột mốc trong phát triển của tàu chiến đấu duyên hải/tàu tuần duyên. Hải quân Mỹ chủ yếu dựa vào loại tàu chiến mới này để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có tác chiếc chống thủy lôi và săn ngầm.

Tàu tuần duyên USS Freedom đến Singapore đúng vào thời điểm tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng, tranh chấp lãnh thổ trên biển ở biển Hoa Đông và biển Đông vẫn chưa có nhiều tín hiệu hạ nhiệt.

Nhưng về chiến lược, nó phát đi tín hiệu quan trọng hơn có thể là, mặc dù cắt giảm mạnh về ngân sách quốc phòng, nhưng Mỹ không hề thay đổi quyết tâm thúc đẩy chiến lược quay trở lại châu Á. Với tính chất là một phần “quân sự” của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ có kế hoạch triển khai 60% tàu chiến ở khu vực Thái Bình Dương trước năm 2020.

Tham gia diễn tập quân sự với các nước ASEAN

Tàu USS Freedom dài khoảng 115 m, mang theo 91 thành viên, ngày 18/4 đã đến căn cứ hải quân Changi của Singapore, đồng thời còn mang theo một máy bay trực thăng hàng hải Sea Hawk MH-60. Đại sứ Mỹ tại Singapore David Adelman và Tổng chỉ huy Hạm đội Hải quân Singapore đã đến đón tiếp.

Trung tá Timothy Wilke, chỉ huy tàu tuần duyên USS Freedom nói: “Chúng tôi có kế hoạch dành phần lớn thời gian hoạt động ở Đông Nam Á. Đây sẽ là khu vực hoạt động của tàu Freedom trong 8 tháng tới. Chúng tôi trông đợi rời khỏi khoang tàu, hợp tác với các lực lượng hải quân khác của khu vực này, chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất trong các cuộc diễn tập liên hợp, thăm cảng và các hoạt động an ninh hàng hải”.

Hải quân Mỹ cho biết, trong thời gian triển khai 8 tháng tới đây, tàu tuần duyên USS Freedom sẽ tham gia các cuộc diễn tập, huấn luyện trên biển với nhiều nước Đông Nam Á và thăm các cảng biển khác. 1 tháng sau, tàu Freedom sẽ xuất hiện tại triển lãm hải quân IMDEX tổ chức tại Changi, Singapore.

Tàu tuần duyên USS Freedom là tàu chiến kiểu mới của Mỹ, đi vào hoạt động năm 2008, có các đặc điểm như tốc độ nhanh, tính linh hoạt mạnh, đa năng và có thể tác chiến ở vùng biển nông. Lần này đến Singapore ngoài mang theo máy bay trực thăng Sea Hawk MH-60, tàu Freedom còn trang bị 2 pháo điều khiển 30 mm và 2 tàu cao su dài 11 m.

Có chuyên gia cho rằng, tàu tuần duyên là sản phẩm chuyển đổi chiến lược từ “tác chiến đại dương” sang “tấn công biển gần” của Hải quân Mỹ, tàu USS Freedom và các tàu kế tiếp đến đồn trú ở Singapore, có nghĩa là Hải quân Mỹ đã có tàu thường trú ở khu vực biển Đông, không chỉ có thể tiếp tục “tỏ rõ cảm giác hiện diện”, mà còn có thể ứng phó nhanh hơn với các sự kiện xảy ra ở khu vực biển Đông.

Tháng 6/2012, Bộ Quốc phòng Singapore ra thông cáo cho biết, về nguyên tắc, Singapore đồng ý cho Mỹ triển khai 4 tàu tuần duyên ở căn cứ hải quân Changi, chiếc đầu tiên hoàn tất triển khai vào tháng 3/2013. Căn cứ hải quân Changi cũng là nơi đứng chân lớn nhất và quan trọng nhất của quân Mỹ ở biển Đông. Theo tiết lộ của Bộ Quốc phòng Singapore, mục tiêu cuối cùng của Mỹ là 1-2 tàu tuần duyên vĩnh viễn ở đó.

Điều đáng chú ý là, ngày 9/4, tàu tuần duyên USS Freedom còn thăm Philippines, nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, trong một bản tuyên bố, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cho biết, chuyến thăm này thể hiện rõ “mối quan hệ lịch sử, xã hội và quân sự vững chắc” Mỹ-Philippines.

Đối với ý địnhtăng cường triển khai quân sự ở khu vực này, Mỹ không hề giấu giếm gì. Ciel Haney, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ trước đây từng công khai tuyên bố rằng, tàu USS Freedom lần đầu tiên triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho thấy quyết định bảo vệ an ninh và ổn định khu vực này của Mỹ. Việc triển khai lần này sẽ tăng cường khả năng tác chiến của quân Mỹ tại khu vực, trực tiếp hỗ trợ cho việc chuyển trọng tâm chiến lược của quân Mỹ sang hướng Đông.

Chuyên gia an ninh khu vực Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore nói với truyền thông rằng, việc triển khai tàu tuần duyên USS Freedom phát đi tín hiệu Washington cam kết bảo đảm tự do hàng hải ở khu vực này. Eo biển Malacca là một trong những tuyến đường thương mại trên biển nhộn nhịp nhất thế giới. “Việc triển khai những tàu chiến này ở tuyến đầu là một phần của chiến lược chuyển hướng tới châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, từ Iraq và Afghanistan tái cân bằng chuyển hướng tới châu Á”.

Storey nói thêm: “Nó thể hiện với các đồng minh và bạn bè của Mỹ rằng, Mỹ cam kết duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ tại khu vực này để đảm bảo sự ổn định”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng tuyên bố, trước năm 2020, Washington sẽ chuyển phần lớn hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương để thích ứng với việc châu Á là một trọng điểm chiến lược mới. Trong đó, Singapore là đồng minh lâu đời của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, tạo sự hỗ trợ rất lớn về cung cấp hậu cần và diễn tập của quân Mỹ tại khu vực này. Đầu tháng này,      tàu sân bay động cơ hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ là USS John C. Stennis CVN-74 cũng đã đến căn cứ hải quân Changi của Singapore.

Ngày 1/3/2013, tàu USS Freedom xuất phát từ cảng chính San Diego, đi xuyên qua Thái Bình Dương chạy hướng Singapore, nó đi qua Hawaii, Guam và thủ đô Manila của Philippines, vượt 12.900 hải lý, hành trình trải qua gần 6 tuần. Được biết, sau khi trở về San Diego vào đầu năm 2014, Mỹ dự kiến sẽ triển khai 4 tàu tuần duyên ở Singapore. Số lượng này được Mỹ và Singapore cùng tuyên bố tại Đối thoại Shangri-La 2 năm trước.

Thích hợp với tác chiến ở Đông Nam Á

Việc Mỹ tăng cường triển khai các phương tiện quân sự ở xung quanh biển Đông chắc chắn sẽ làm gia tăng mối lo ngại cho Trung Quốc.

Euan Graham, chuyên gia an ninh hàng hải, Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang Singapore cho rằng,  Bắc Kinh “rõ ràng cảnh giác với bất cứ sự gia tăng hiện diện quân sự nào ở khu vực xung quanh biển Đông”. Nhưng, ông cho rằng, Trung Quốc cũng hiểu được rằng, sự hiện diện của tàu tuần duyên USS Freedom “hoàn toàn không làm thay đổi to lớn đối với cân bằng sức mạnh hải quân khu vực”.

Khi thông tin quân Mỹ muốn triển khai tàu tuần duyên ở Singapore lộ ra trước đây, Bộ Ngoại giao Singapore đã giải thích rằng, Singapore hoàn toàn không phải là đồng minh của Mỹ, nước này chỉ cung cấp hạ tầng và dịch vụ cho tàu chiến Mỹ một cách hạn chế. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhiều lần cho biết, Singapore sẽ không cho phép quân Mỹ xây dựng căn cứ. Tuy nhiên, Singapore và quân Mỹ duy trì lâu dài quan hệ “bán đồng minh” và còn duy trì hợp tác quân sự chặt chẽ.

Theo Graham, Trung Quốc rất muốn tìm hiểu những biểu hiện tính năng của tàu chiến kiểu mới này, loại tàu chiến này rất thích hợp với các vùng biển ở Đông Nam Á.

Sĩ quan chỉ huy tàu Timothy Wilke cho biết: “Với sự phối hợp chuyên nghiệp của các thủy thủ Hải quân Mỹ, tàu tuần duyên USS Freedom đã hoàn thành tất cả các giai đoạn quan trọng cho việc triển khai lần này. Tôi cảm thấy tự hào về những thành tích đã đạt được của tàu Freedom”.

Nhưng, trên đường tới Đông Nam Á, tàu tuần duyên USS Freedom vẫn gặp phải không ít những việc ngoài dự tính.

Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ là James vào cuối tháng trước còn cho biết, trong 2 tuần, tàu Freedom đã xuất hiện 3 lần mất điện, đều xảy ra trong thời gian đi từ Trân Châu Cảng tới Singapore. Vì vậy, có phân tích chỉ ra, một nguyên nhân quan trọng khác mà Mỹ triển khai tàu này ở Singapore là thử nghiệm độ tin cậy của loại vũ khí tác chiến mới này tại khu vực nước nông.

Ngoài Singapore, quan chức Mỹ từng cho biết, trước năm 2020, Hải quân Mỹ sẽ triển khai 8 tàu tuần duyên khác ở Bahrain, quốc gia tại khu vực Trung Đông.

Tàu tuần duyên USS Freedom LCS-1 đã triển khai thường trú tại Singapore - chốt giữ tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới - nơi kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
Tàu tuần duyên USS Freedom LCS-1 đã triển khai thường trú tại Singapore - chốt giữ tuyến đường hàng hải quan trọng của thế giới - nơi kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.
Việt Dũng