Mỹ xem xét lại tính hợp hiến của Luật về Quyền Bầu cử

29/10/2012 19:04
Bảo Thành (Nguồn: RT)
(GDVN) - Luật này nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử trong bầu cử và cho phép chính quyền liên bang giám sát các cuộc bầu cử ở những bang từng xảy ra nạn phân biệt chủng tộc ở các điểm bầu cử.
Báo RT của Nga ngày 29/10 đưa tin, Tòa án Tối cao Mỹ đang xem xét Luật về Quyền Bầu cử được đưa ra vào năm 1965 để quyết định về tính hợp hiến của đạo luật này. Để ngăn ngừa tình trạng phân biệt đối xử trong bầu cử, đạo luật này yêu cầu một số bang khi thay đổi quy định bầu cử ở địa phương phải được sự phê chuẩn của chính quyền liên bang.

Một địa điểm bỏ phiếu ở Mỹ.
Một địa điểm bỏ phiếu ở Mỹ.

Luật này nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử trong bầu cử và cho phép chính quyền liên bang giám sát các cuộc bầu cử ở những bang từng xảy ra nạn phân biệt chủng tộc ở các điểm bầu cử. Những bang này nếu có bất cứ thay đổi nào trong quy định bầu cử đối với cử tri đều phải nhận được phê chuẩn từ Bộ Tư pháp hoặc tòa án liên bang ở Washington trước khi đưa vào áp dụng. Họ cũng phải chứng minh rằng những thay đổi này không phân biệt đối xử đối với các cộng đồng thiểu số.

Theo luật này, chính quyền liên bang được phép giám sát bầu cử ở các bang Alabama, Alaska, Arizona, Georgia, Louisiana, Mississippi, Nam Carolina, Texas và Virginia cùng một số hạt ở một vài bang khác.

Tuy nhiên gần đây một số bang, chủ yếu là ở miền nam nước Mỹ, cho rằng chính quyền ở bang mình đã không còn tình trạng phân biệt đối xử và không cần phải được Washington giám sát chặt chẽ đến vậy. Các bang này đã kiến nghị lên Tòa án Tối cao đề nghị xem xét lại tính hợp hiến của Luật về Quyền Bầu cử.

Cử tri da màu Mỹ biểu tình đòi quyền bỏ phiếu công bằng.
Cử tri da màu Mỹ biểu tình đòi quyền bỏ phiếu công bằng.

Gần đây Hạ viện Mỹ đã xem xét một số trường hợp phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi ở một số bang kể trên và quyết định rằng biện pháp giám sát của chính quyền liên bang là cần thiết. Ngày hôm nay Tòa án Tối cao Mỹ sẽ đưa ra phán quyết về tính hợp hiến và cần thiết của đạo luật này.

Nghiên cứu của Hạ viện Mỹ cho thấy hàng trăm vụ phân biệt đối xử đối với cử tri ở các bang này kể từ năm 1982, và điều này có thể ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa án Tối cao.

Một trường hợp được nêu ra là vụ quyết định tái phân vùng bầu cử ở Alabama khiến một ứng cử viên người Mỹ gốc Phi thua cuộc trong cuộc bầu cử vào Hội đồng thành phố mà đáng lẽ ra ông này đã thắng.

Ernest Montgomery chạy đua vào vị trí trong Hội đồng thành phố Calera năm 2004 và giành thắng lợi trong khu vực bầu cử với hơn 70% cử tri là người da màu. Sau đó, thành phố đã quyết định phân chia lại vùng bầu cử khiến cho tỉ lệ cử tri người da màu trong khu vực bầu cử của ông chỉ còn lại 23%. Trong nỗ lực tái cử năm 2008, Montgomery đã thất bại do quyết định tái phân vùng bầu cử đó.

Tuy nhiên, năm 2009, Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts Jr. cho rằng các bang này đã cải thiện đáng kể điều kiện bầu cử và chứng tỏ được rằng tỉ lệ cử tri là người thuộc cộng đồng thiểu số đã cao hơn ở các điểm bỏ phiếu.

Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts Jr.
Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts Jr.

Ông Roberts nhấn mạnh rằng “đạo luật này tạo nên gánh nặng và cần phải được xem xét lại theo các nhu cầu hiện nay.” Các nhu cầu này sẽ được Tòa án Tối cao cân nhắc trong những ngày tới.

Nếu Tòa án Tối cao cho rằng sự giám sát của chính quyền liên bang là không cần thiết thì đạo luật này có thể bị phán quyết là vi hiến. Còn nếu nghiên cứu của Hạ viện Mỹ về các trường hợp phân biệt chủng tộc thuyết phục được Tòa án Tối cao rằng tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử thì nhiều khả năng đạo luật này sẽ tiếp tục được duy trì.
Bảo Thành (Nguồn: RT)