Nam sinh nghèo ở Hà Giang vào đại học để mong thay đổi cuộc đời

26/10/2019 06:35
Thùy Linh
(GDVN) - Sùng Thìn Phà tha thiết mong bố mẹ cho đi học đại học bởi nam sinh nghĩ nếu ở nhà theo chân bố mẹ làm nương, rẫy thì cuộc sống sẽ không cải thiện được là bao.

Mang niềm khát khao trở thành kỹ sư chăn nuôi, Sùng Thìn Phà (sinh năm 2000, trú tại Cao Mã Pờ, Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã luôn nỗ lực cố gắng 12 năm học và vượt qua kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019 để chạm đến ước mơ trở thành tân sinh viên ngành Thú ý, trường Đại học Hùng Vương. 

Nhưng hoàn cảnh khó khăn khiến nam sinh nhà nghèo tại Hà Giang phải đắn đo lựa chọn giữa tiếp tục và dừng lại.

Bởi lẽ gia đình xuất thân từ nghề nông, thuộc diện hộ nghèo. Sau mỗi mùa nương rẫy, cha mẹ đều phải đi làm đủ việc để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Mẹ hàng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quần quật với 4 sào ruộng. 

Vừa nuôi 3 người con ăn học, cha mẹ Phà còn chăm sóc cho một người con bị tàn tật, không đi lại được. 

Sùng Thìn Phà tha thiết mong bố mẹ cho đi học đại học bởi nam sinh nghĩ nếu ở nhà theo chân bố mẹ làm nương, rẫy thì cuộc sống sẽ không cải thiện được là bao.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Sùng Thìn Phà tha thiết mong bố mẹ cho đi học đại học bởi nam sinh nghĩ nếu ở nhà theo chân bố mẹ làm nương, rẫy thì cuộc sống sẽ không cải thiện được là bao.(Ảnh nhân vật cung cấp)

Thương cha mẹ vất vả, chị gái Phà sau khi học hết lớp 12 do hoàn cảnh khó khăn nên chị đi học tiếp mà đi lấy chồng.  Hiện Phà đang có em gái học lớp 12, em trai học lớp 10. 

Thấu hiểu sự khó khăn của cha mẹ, 3 anh em Phà đều quyết tâm cố gắng trong học tập, mong đáp lại sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ mình. Các em luôn nỗ lực trong học tập với ước ao cuộc sống về sau đỡ vất vả hơn. 

Riêng Phà đã từng đạt giải khuyến khích môn sinh cấp tỉnh và giải khuyến khích cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. 

Phà nhớ lại, khi hoàn thành kỳ thi quốc gia 2019, Phà ngày đêm kỳ vọng mình sẽ hoàn thành mục tiêu vào đại học. Đến khi nhà trường công bố điểm chuẩn, đối chiếu với điểm thi của mình, em vui mừng khôn xiết.

Vậy là, sau bao năm cố gắng, em đã chạm đến ước mơ vào giảng đường. Cổng trường đại học đã ở trước mắt, tương lai em dần mở ra với biết bao viễn cảnh tươi đẹp.

Thế nhưng, Phà kể: “Khi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học em rất vui nhưng khi thấy số tiền phải nộp đầu năm thì em nản và mất hi vọng vì bố mẹ không có đủ tiền cho em đi học. 

Em xin bố mẹ cho đi học tiếp nhưng không được vì lý do không có tiền đi học, sau một tuần trôi qua các bạn học cùng cấp 3 đã nhập trường, em đã quyết định không đi học tiếp mà đi làm để giúp đỡ bố mẹ và 2 em còn đi học. 

Tuy nhiên, khi đó, các thầy cô biết em quyết định như vậy nên đã động viên rất nhiều, cuối cùng em cũng xin được bố mẹ cho đi học nhưng em phải vừa học vừa làm thêm thì mới đủ ăn học”. 

Cậu bé tân sinh viên bước vào giảng đường đại học cũng là lúc tìm kiếm công việc làm thêm (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cậu bé tân sinh viên bước vào giảng đường đại học cũng là lúc tìm kiếm công việc làm thêm (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lý do để Phà tha thiết mong bố mẹ cho đi học đại học bởi nam sinh nghĩ rằng nếu ở nhà theo chân bố mẹ làm nương, rẫy thì cuộc sống sẽ không cải thiện được là bao. 

Cậu bé tân sinh viên bước vào giảng đường đại học cũng là lúc tìm kiếm công việc làm thêm, ngày 25/10, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phà nói:

“Hiện tại cứ vào cuối tuần (thứ 7, chủ nhật) em đến làm thêm với công việc chăn gà, lợn, bò cho một trang trại. Em hi vọng với những trải nghiệm này sẽ giúp em học hỏi được nhiều hơn, thực tế hơn ngành thú y mà bản thân đang theo học”. 

Câu chuyện của Phà cho chúng ta một niềm tin rằng, cái nghèo luôn ẩn hiện ở làng quê, nhưng các em, các cháu thì không ngừng cố gắng học tập, với hi vọng sau này sẽ thoát nghèo giống như Phà. 

Thùy Linh