Nạn nhân bom mìn, 10 năm đi nói chuyện không nhận một đồng thù lao

03/04/2016 08:26
HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG
(GDVN) - Không nhận cho mình bất kỳ một khoản thù lao nào, hơn 10 năm qua ông Thí đã đến hơn 30 quốc gia để thuyết trình về tác hại của bom đạn.

Vào một ngày năm 1977, trong lúc cuốc đất làm ruộng, ông Phạm Qúy Thí cuốc phải quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Sau tiếng nổ kinh hoàng, ông vĩnh viễn mất đi gần nửa cánh tay phải khi vừa tròn 22 tuổi.

Sau ngày đó, ông tự nguyện trở thành một người vận động, chia sẻ nổi đau với những nạn nhân bom mìn nói riêng và người tàn tật trên địa bàn nói chung.

Hành trình trở thành “người vận động”

Ông Phạm Qúy Thí (SN 1955) tại xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị – một vùng quê từng nổi tiếng với nghề rà phá phế liệu chiến tranh.

Tuy không gắn bó với cái “nghề nguy hiểm” này, nhưng trong quá trình mưu sinh, bom đạn cũng cũng đã cướp đi của ông Thí một phần cơ thể của mình.

Ông Phạm Qúy Thí giới thiệu về “Điều trị đau chi ma bằng liệu pháp hộp gương”. Ảnh: Bảo Sương
Ông Phạm Qúy Thí giới thiệu về “Điều trị đau chi ma bằng liệu pháp hộp gương”. Ảnh: Bảo Sương

Nhấp ly trà nóng, ông Phạm Qúy Thí ngồi nhớ lại: “Hải Thọ là vùng quê có rất nhiều người bị chết và bị thương do bom đạn. Chết do rà phá cũng có mà chết do vô tình gặp phải cũng có.

Tôi đã gặp phải bom hai lần nhưng đều may mắn thoát chết. Lần đầu là vào năm 1977 trong lúc làm ruộng, tôi cuốc phải bom bi. Lúc ấy tôi chỉ thấy một tia lửa chớp lên, cái cuốc và cánh tay phải của tôi đứt rời, nát bét, sau đó tôi không còn biết gì nữa.

Lần thứ hai vào năm 2009, khi phát bờ ruộng tôi nghe tiếng rựa vấp phải vật cứng, lần mò vén bụi cỏ ra tôi mới lạnh người vì đó cũng là một quả bom bi còn sót lại. May mà lần đó nó không nổ, nếu không giờ tôi cũng không biết mình có còn ngồi được ở đây”.

Cũng theo ông Thí, ở xã Hải Thọ mỗi năm người dân làm ruộng 6 tháng nên có nhiều thời gian rãnh rỗi. Hồi đó nhà nào cũng sắm máy để đi rà phế liệu kiếm thêm thu nhập.

Thế nhưng bom đạn có thương lấy ai, dù thời bình nhưng năm nào ở xã ông cũng có người chết. “Ngay như ở xóm tôi hồi trước có khoảng 40 người đi làm nghề đi rà phá phế liệu chiến tranh thì đến 35 người bỏ mạng, 5 người còn lại thì đều chịu cảnh tàn phế suốt đời”, ông Thí lắc đầu ngán ngẩm.

Chứng kiến quá nhiều người lần lượt phải làm nạn nhân của bom mìn, ông Thí đã quyết định tự mình đi vận động kêu gọi mọi người bỏ cái nghề nguy hiểm này. Cứ ai có máy rà là ông lại đến khuyên can từng người một, thế nhưng làm cái việc này vào thời điểm đó đâu phải là dễ.

Nhiều người còn chửi mắng ông vì đi làm cái việc bao đồng, nhiều chuyện. Rồi bằng sự kiên trì của mình, cộng thêm với việc có quá nhiều người phải chết do bom đạn, mọi người cũng chịu nghe theo.

Đến hiện tại, cả xã Hải Thọ hiện không còn ai làm nghề rà phá phế liệu chiến tranh nữa. Thành công đó phải kể đến sự đóng góp rất lớn của ông Phạm Qúy Thí.

Sau này, nhiều người từng suýt chết vì bom mìn nhưng nhờ ông mà bỏ được nghề còn quay lại cảm ơn ông Thí rối rít.

Ông Thí giao lưu trò chuyện về bom mìn tại Quảng Trị năm 2014. Ảnh tư liệu
Ông Thí giao lưu trò chuyện về bom mìn tại Quảng Trị năm 2014. Ảnh tư liệu

Không chỉ vận động, tuyên truyền mọi người biết đến tác hại của bom mìn để phòng tránh, ông Phạm Qúy Thí còn làm thêm công việc đến thăm nom vận động những nạn nhân bom mìn trên địa bàn.

Sau tai nạn bom mìn, nhiều người nảy sinh tâm lý buồn chán, ông đã cố gắng vận động họ vui sống hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường.

“Nếu được tôi sẵn sàng góp hết sức mình”

Nhận thấy việc tuyên truyền về tác hại của bom mìn không phải là việc làm trong ngày một ngày hai. Ông Thí đã đăng ký được làm cộng tác viên cho tổ chức phi chính phủ của CHLB Đức – Renew (Tổ chức phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh) trong lĩnh vực phòng chống bom mìn.

Cùng với đó, ông trở thành người đại diện cho Việt Nam làm sứ mệnh kêu gọi các quốc gia trên thế giới tham gia công ước chống bom chùm do tổ chức Handicap Internantional (Vương quốc Bỉ) thực hiện.

Không nhận cho mình bất kỳ một khoản thù lao cá nhân nào, hơn 10 năm qua người nông dân này đã đến hơn 30 quốc gia để thuyết trình về tác hại của bom đạn.

Những bài thuyết trình của ông đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế về việc giải quyết vấn đề ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam. Nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã tìm đến Việt Nam và có những hỗ trợ nhất định đối với những nạn nhân bom mìn trong việc điều trị, khắc phục hậu quả.

Trong một hội nghị quốc tế về bom mìn tại Mỹ năm 2013, sau khi được một chuyên gia trị liệu nước ngoài giới thiệu về “Điều trị đau chi ma bằng liệu pháp hộp gương”, ông nhanh chóng tiếp thu, đưa biện pháp này về nước để thử nghiệm trên chính bản thân mình với mong muốn nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng ra để giúp đỡ cho nhiều người.

Ông Thí cho biết: “Với nhiều người, vết thương do cụt tay cụt chân khi trở trời rất đau nhức không thể chịu được. Nhưng với bằng biện pháp chữa trị bằng liệu pháp hộp gương, chỉ sau một thời gian sẽ không còn chuyện đó nữa...". Ảnh: Bảo Sương
Ông Thí cho biết: “Với nhiều người, vết thương do cụt tay cụt chân khi trở trời rất đau nhức không thể chịu được. Nhưng với bằng biện pháp chữa trị bằng liệu pháp hộp gương, chỉ sau một thời gian sẽ không còn chuyện đó nữa...". Ảnh: Bảo Sương

Đây là một biện pháp trị liệu giúp cho những nạn nhân bom mìn không may bị cụt tay chân có thể giảm thiểu cơn đau của vết thương sau khi điều trị.

Nói về vấn đề này, ông Thí chia sẻ: “Với nhiều người, vết thương do cụt tay cụt chân khi trở trời rất đau nhức không thể chịu được. Nhưng với bằng biện pháp chữa trị bằng liệu pháp hộp gương, chỉ sau một thời gian sẽ không còn chuyện đó nữa.

Tuy chỉ có hiệu quả trong một vài năm, nhưng nếu đau lại mọi người vẫn có thể luyện tập tiếp. Đây là một biện pháp rất hay mà tôi đã thử nghiệm trên bản thân mình thấy được hiệu quả. Đến nay cánh tay của tôi đã không còn đau nhức nữa”.

Hiện tại ông Thí cũng đang tiến hành tập cho 4 nạn nhân bom mìn khác để tiếp tục kiểm tra. Nếu hiệu quả mang lại thực sự cao, sắp đến ông và 4 thành viên này sẽ đến tập huấn và chuyển giao biện pháp này lại cho những nạn nhân bom mìn khác.

“Khó khăn nhất mà chúng tôi đang gặp phải là số lượng nạn nhân bom mìn thì quá nhiều mà chi phí để đầu tư cho một sản phẩm trị liệu này là khá lớn. Loại kính dùng để thiết kế nó là kính khi bị rơi không bị vỡ vụn ra, loại này ở Quảng Trị vẫn chưa thấy bán.

Nếu được giúp đỡ hỗ trợ về sản phẩm này tôi sẵn sàng đóng góp hết sức mình để giới thiệu nhân rộng mô hình này đến với không chỉ các nạn nhân bom mìn mà cả người khuyết tật trên địa bàn nhằm giúp họ bớt khó khăn trong cuộc sống”.

Ông Thí (người đứng hàng trước, thứ 2 bên phải sang) chụp ảnh lưu niệm trong một hội nghị bom mìn do Handicap Internantional tổ chức. Ảnh tư liệu
Ông Thí (người đứng hàng trước, thứ 2 bên phải sang) chụp ảnh lưu niệm trong một hội nghị bom mìn do Handicap Internantional tổ chức. Ảnh tư liệu

Dù cũng là một nạn nhân bom mìn, cũng còn phải bận bịu với công việc ruộng đồng để mưu sinh nhưng ông Thí vẫn luôn tâm huyết với công việc tuyên truyền và giúp đỡ những nạn nhân bom mìn khác.

Những việc làm của ông đã nhận được rất nhiều lời khen của các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, nhất là sự đồng tình của những người dân phải sống trong mối nguy hiểm của bom đạn giữa thời bình.

Năm 2009, ông vinh dự được Thủ tướng Hun Sen trao tặng huy hiệu Vương quốc Cambodia và được tổ chức Handicap Internantional trao tặng bằng khen cho những đóng góp của mình.

Nói về công lao của mình, ông Thí xua tay từ chối: “Tôi tự nguyện làm công việc này trước hết là muốn giúp đỡ mọi người, sau nữa cũng chỉ muốn để lại cái đức cho con cháu mình”.

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG