Narendra Modi đột phá vào ý thức hệ, phá vỡ nạn cát cứ địa phương

07/08/2016 08:48
Ngọc Việt
(GDVN) - Tiến bộ trong khoa học kỹ thuật của Ấn Độ không mang lại phồn vinh cho đất nước Ấn Độ bởi rào cản của ý thức hệ phân biệt đẳng cấp trong xã hội.

Bloomberg ngày 3/8 đưa tin, sau một thập kỷ tranh cãi, Thượng viện Ấn Độ đã nhất trí thông qua Dự luật về cải cách thuế hàng hóa và dịch vụ thống nhất trên toàn quốc (được gọi là GST).

Động thái này được cho là sẽ xóa sạch các rào cản lớn nhất để đưa thị trường 1,3 tỷ người của Ấn Độ thành một thị trường duy nhất vào năm 2017 – sự kiện đầu tiên trong lịch sử nền kinh tế đất nước của sử thi Mahabharata.

Thủ tướng Narendra Modi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật cải cách quan trọng này. Có thể thấy rằng, từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng Modi đã biến nhiều rào cản với Ấn Độ thành các nhịp cầu hợp tác, giao thương.

Vậy nhưng cho đến lúc này, nhiều chương trình cải cách đầy hứa hẹn của Thủ tướng Modi đã không thành công. Những quy định lạc hậu về thuế hàng hoá và dịch vụ tại Ấn Độ được nhân diện là nguyên nhân chính.

Thủ tướng Narendra Modi đã có chiến thắng lịch sử để đưa ông sánh ngang với Jawaharlal Nehru huyền thoại, khi GST có thể đưa Ấn Độ vào kỷ nguyên phát triển mới. Ảnh: The Hindu.
Thủ tướng Narendra Modi đã có chiến thắng lịch sử để đưa ông sánh ngang với Jawaharlal Nehru huyền thoại, khi GST có thể đưa Ấn Độ vào kỷ nguyên phát triển mới. Ảnh: The Hindu.

Hơn nửa thế kỷ qua tại Ấn Độ, quy định về thuế hàng hoá và dịch vụ luôn không đồng nhất giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, luôn có sự khác biệt giữa các lân bang với nhau. 

“Mớ bòng bong của thuế hàng hoá và dịch vụ là rào cản đối với sự thân thiện của Thủ tướng Modi dành cho hệ thống doanh nghiệp, kể từ chiến thắng vang dội của BJP trong cuộc bầu cử năm 2014.

Các chương trình cải cách hiện nay trong lĩnh vực lao động và đất đai đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi nó có nhiệm vụ chính trị cực kỳ quan trọng là đảm bảo lợi ích cho cộng đồng nông dân nông thôn Ấn Độ.

Đây được xem là quá trình chuẩn bị của Thủ tướng Modi và đảng Bharatiya Janata (BJP) cho cuộc bầu cử của Quốc hội năm 2019.” [1]

Điều đó cho thấy việc Quốc hội Ấn Độ thông qua Dự luật GST là thành quả rất lớn lao của chính phủ Modi.

“Đối với các nhà đầu tư thì đây là một bước đột phá. GST có thể tạo ra những cú hích quan trọng làm thay đổi tích cực cho nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay.

Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Ấn Độ đã có phản ứng tích cực với GST khi có mức tăng điểm cao nhất kể từ tháng 8 năm 2015”. “Đây có thể là sự thay đổi cho một cuộc chơi lớn", ông Deepak Garg, cựu Cố vấn McKinsey & Co., nhận xét về Dự luật GST mới.[1]

Người viết cho rằng, chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Ấn Độ năm 2014 đã tạo ra cột mốc lịch sử khi BJP lấy lại được quyền lực sau 10 năm do đảng Quốc đại (INC) nắm giữ và đó là chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử chính trị hiện đại tại đất nước của nền văn minh sông Hằng.

Tuy nhiên, ý nghĩa của chiến thắng đó còn đứng sau việc Dự luật cải cách GST được Thượng viện thông qua, bởi từ đây Thủ tướng Modi có thể đưa đất nước Ấn Độ sang một kỷ nguyên phát triển mới đầy hiệu ứng tích cực.

GST làm thay đổi xã hội, làm cơ sở cho việc tiến tới chấm dứt chế độ phân biệt đẳng cấp đã tồn tại hàng ngàn năm qua trên đất nước Ấn Độ 

Theo lịch sử triết học phương Đông, người Ấn Độ cổ đại lý giải sự tồn tại của thế giới rất huyền bí, được cai quản bởi các vị thần có thứ bậc cao thấp.

Chính sự huyền bí trong lý giải về thế giới tự nhiên được xem nguyên nhân quan trọng khiến người Ấn Độ lý giải cho sự ra đời và tồn tại của một xã hội phức tạp và có nhiều khác biệt với những hình thái kinh tế - xã hội cùng thời đại.

Trong những sự phức tạp, khác biệt ấy có sự tồn tại chế độ phân biệt đẳng cấp mà biểu hiện ra là có tầng lớp cao quý, tầng lớp bình dân và tầng lớp “không đáng đụng đến – hạ đẳng”.

Sự tồn tại chế độ phân biệt đẳng cấp có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị - xã hội tại Ấn Độ. Vì vậy, khi giành được độc lập từ thực dân Anh năm 1947, cố Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã rất hy vọng ý thức hệ về phân biệt đẳng cấp sẽ giảm đi trong xã hội Ấn Độ.

Điều đó cũng được thể hiện trong suốt cuộc đời đấu tranh không mệt mỏi cho hoà bình và công bằng xã hội của lãnh tụ kiệt suất Mahatma Gandhi. Song mong ước của hai lãnh tụ huyền thoại của đất nước Ấn Độ đã không thành hiện thực. 

Trong đất nước Ấn Độ của thế kỷ 21 mà vẫn còn hơn 300 triệu người Dalit – tầng lớp bị coi là “không đáng đụng tới”, nằm dưới đáy xã hội trong chế độ đẳng cấp của Ấn Độ giáo.

Narendra Modi đột phá vào ý thức hệ, phá vỡ nạn cát cứ địa phương ảnh 2

Tham bát bỏ mâm xem thường Ấn Độ, Bắc Kinh phải trả giá đắt

(GDVN) - Việc Narendra Modi thách thức Tập Cận Bình - mà đúng ra là trả đũa – đã rất nguy hại cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên đầu năm 2016 có một sự kiện quan trọng đã xảy ra, ảnh hưởng tới ý thực hệ về phân biệt đẳng cấp tại đất nước của nền văn minh sông Hằng.

Đó là: “Ngày 17/1/2016, Rohith Vemula – thuộc đẳng cấp Dalit-  một nghiên cứu sinh của Đại học Hyderabad bang Telangana Ấn Độ, đã treo cổ tự tử để đấu tranh cho mục đích nâng cao quyền của người Dalit.” [3]

Từ sự kiện này, Thủ tướng Modi đã hứa hẹn sẽ có thay đổi trong việc nâng cao quyền lợi cho người Dalit, song điều đó không dễ dàng trong một xã hội mà quan niệm về phân biệt đẳng cấp đã trở thành ý thức hệ.

Bài học xương máu của Thủ tướng tài năng Pratap Singh những năm 1990 vẫn còn nguyên giá trị. Khi đó ông Pratap Singh đã phải hứng chịu làn sóng phản đối dữ dội của những tầng lớp trên trong xã hội Ấn Độ, khi ông có ý định nâng cao quyền lợi cho tầng lớp “hạ đẳng”.

Và ông Pratap Singh mất cơ hội thực hiện cải cách cho Ấn Độ, điều đó cho thấy ông Modi đã rất mạo hiểm với sự nghiệp chính trị của mình.

Tuy nhiên, với nguồn gốc xuất thân và tư tưởng ôn hoà, Thủ tướng Modi vẫn nuôi ý nguyện làm đổi thay tích cực đất nước Ấn Độ, trong đó có việc nâng cao quyền lợi cho người Dalit, tạo đà dần dẫn tới xoá bỏ chế độ phân biệt đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ.

Chế độ phân biệt đẳng cấp được nhận diện là nguyên nhân quan trọng khiến cho kinh tế Ấn Độ không phát triển, đất nước nghèo khó, bởi lẽ nó là rào cản trong việc huy động mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển đất nước.

Và ông Modi đã nhìn thấy Dự luật cải cách GST là công cụ hữu hiệu cho mình để thực hiện mục tiêu này.

Luật thuế hàng hoá và dịch vụ của Ấn Độ được ban hành từ năm 1950 và được xem là nguyên tắc cơ bản của chính quyền về thuế từ đó đến nay. Sự hà khắc của luật thuế này thể hiện ở nhiểu điểm, trong đó có sự không công bằng giữa các thành phần trong xã hội.

Tầng lớp thuộc đẳng cấp cao ở những khu vực giàu có thì có quy định khác, tầng lớp bình dân thì khác, tầng lớp “hạ đẳng” ở những vùng khó khăn, nghèo khổ thì có quy định khác.

Chính điều đó làm cho quy định về thuế hàng hoá và dịch vụ của Ấn Độ như một mớ bòng bong.   

Như vậy là nếu công bằng về thuế thì sẽ có công bằng về nhiều mặt khác trong đời sống xã hội, điều đó khiến cho ông Modi quyết tâm thúc đẩy việc cải cách GST.

Thực ra, Dự luật về cải cách GST đã được đảng BJP của ông Modi đề xuất từ năm 2006, nhưng luôn bị đảng Quốc đại (INC)– đảng của tầng lớp quyền quý – phản đối.

Năm 2014, khi BJP chiến thắng vang dội và INC trở thành đảng đối lập với số ghế quá ít ỏi thì Thủ tướng Modi tiếp tục thúc đẩy Quốc hội thông qua Dự luật cải cách GST quan trọng này.

Theo Bloomberg, trước những chỉ trích rằng Thủ tướng Modi đã tận dụng chiến thắng của BJP nhằm tăng cường sức mạnh để đánh bại các đẳng cấp trên và củng cố sự ủng hộ của đa số người Hindu, ông Modi đã kiên định với những bước tịnh tiến của mình.

"Để có được ngày vui, ông đã rất thận trọng trong việc thúc đẩy cải cách, phải có những hành động đề phòng để giảm thiểu rủi ro chính trị, tránh nguy cơ gây gián đoạn quyền lực”, ông Milan Vaishnav, một quản lý cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế đã nhận định.[1]

GST chấm dứt tình trạng cát cứ gần trăm năm qua, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho đất nước Ấn Độ

Có thể thấy rằng, việc không thống nhất, không đồng nhất trong quy định về nghĩa vụ thuế của công dân và doanh nghiệp tại Ấn Độ xuất phát từ ý thức hệ phân biệt đẳng cấp. Điều đó khiến cho tình trạng cát cứ tồn tại trong nền kinh tế Ấn Độ gần trăm năm qua như một tất yếu.

Chính quyền trung ương không thể tập trung nguồn lực của đất nước, những cơ chế được chính quyền trung ương ban hành có thể bị vô hiệu bởi “phép vua thua lệ làng” tại các địa phương – nhất là các bang quan trọng của Ấn Độ.

Một kỷ nguyên phát triển mới được kỳ vọng “những chuyến tàu đầy người và đầy nguy hiểm” sẽ không còn lăn bánh trên đất nước Ấn Độ. Ảnh: dailymotion.com.
Một kỷ nguyên phát triển mới được kỳ vọng “những chuyến tàu đầy người và đầy nguy hiểm” sẽ không còn lăn bánh trên đất nước Ấn Độ. Ảnh: dailymotion.com.

Giới đầu tư không dám mạo hiểm với cơ chế phức tạp như vậy. Cho dù, từ khi nhậm chức tới nay, Thủ tướng Modi đã có những tác động tích cực tới chính quyền các bang như Rajasthan, Maharashtra và Gujarat, các địa phương này đã cải cách luật lao động thân thiện hơn.

Andhra Pradesh có thể cho thuê đất công nghiệp đến 99 năm, còn Karnataka thì tạo điều kiện đa dạng hoá tái đầu tư. Tuy nhiên, nền kinh tế Ấn độ vẫn phức tạp và như nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương, Vishnu Varathan, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Mizuho Ltd, Singapore nhận xét.[1]

Bên cạnh đó, việc giảm gánh nặng pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ là một trong những ưu tiên của Thủ tướng Narendra Modi cũng hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.

Ấn Độ mới đây được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng thứ 130 trong danh sách các quốc gia đo lường gánh nặng pháp lý đặt lên các doanh nghiệp nhỏ.

Hệ thống cơ sở hạ tầng của Ấn Độ vẫn còn rất kém và có thể phải mất hàng thập kỷ để được nâng cấp, trong khi vốn đầu tư cho lĩnh vực này rất ít, ngân sách thì liên tục thâm hụt và thâm hụt lớn. 

Tuy nhiên, vấn nạn đó sẽ chấm dứt khi Dự luật cải cách GST có hiệu lực.

“GST sẽ thay thế ít nhất 17 khoản thu ở bang và trong toàn liên bang, nó giúp cho việc lưu thông hàng hoá được liền mạch trong toàn quốc và chi phí vận chuyển hàng hoá giảm đi rất nhiều.

Hệ thống thuế mới sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với hệ thống hiện tại - một loại hàng hoá mà bị đánh thuế nhiều lần với các mức khác nhau. Nguyên tắc cơ bản xác định thuế hàng hóa là giá trên thị trường chứ không phải giá sản xuất”.[2]

Theo Bloomberg, các cố vấn kinh tế hàng đầu của Thủ tướng Modi và phe đối lập muốn ấn định thuế suất cho hàng hoá và dịch vụ với mức trung bình khoảng 18%, trong khi trung bình tại các nước OECD là khảng 20%.

Trên toàn cầu, mức thuế tiêu thụ tương tự thì dao động từ 5% đến 27% tuỳ mỗi quốc gia và chủng loại hàng hoá, dịch vụ.

“GST có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thêm 2%, giảm thâm hụt ngân sách, tạo được nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phúc lợi như y tế, giáo dục”, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley nhận định.[2]

Trong khi đó, ông Arun Maira, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Tư vấn Boston và là cựu thành viên Ủy ban Kế hoạch của Ấn Độ thì cho biết:

“Sau khi áp dụng, GST có thể khiến các địa phương tự động tăng tốc cải cách, chính quyền các bang không thể tuỳ tiện đưa ra mức những thuế suất phi lý để thu hút đầu tư.

Điều đó khiến cho công cuộc cải cách trong các lĩnh vực như đất đai, giáo dục sẽ diễn ra nhanh chóng, tệ quan liêu sẽ nhanh chóng được cải thiện.”

Narendra Modi đột phá vào ý thức hệ, phá vỡ nạn cát cứ địa phương ảnh 4

Gene lãnh đạo thoái hóa

(GDVN) - Không phải cứ “hổ phụ” là chắc chắn sẽ sinh “hổ tử”. Vì vậy nếu INC tiếp tục lấy "truyền ngôi, nối dõi" làm phương châm lựa chọn lãnh đạo đảng là một sai lầm.

Như vậy là Thủ tướng Modi đã có được công cụ quan trọng nhất để có thể biến chiến thắng của ông thành kết quả của người dân Ấn Độ, Thủ tướng Modi có thể đưa đất nước Ấn Độ sang một kỷ nguyên phát triển mới đầy hứa hẹn.

Từ khi tuyên bộ độc lập cho đến nay, đất nước Ấn Độ đã có nhiều bài học cho các nước đang phát triển, trong đó đặc biệt là cuộc “Cách mạng Xanh” trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, tiến bộ trong khoa học kỹ thuật của Ấn Độ không mang lại phồn vinh cho đất nước Ấn Độ bởi rào cản của ý thức hệ phân biệt đẳng cấp trong xã hội.

Nay Thủ tướng Modi đã tìm ra công cụ có thể đột phá thành công vào “thành trì” ấy và điều đó đã giúp ông Modi có cơ hội sánh ngang với huyền thoại Nehru về những đóng góp cho sự phát triển của đất nước Ấn Độ trong thế kỷ 21.

Ấn Độ đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế  nhanh nhất thế giới, sau khi vượt qua Trung Quốc vào năm 2015. Việc Quốc hội thông qua Dự luật cải cách GST đã giúp Thủ tướng Modi có cơ chế hữu hiệu trong việc khẳng định tài năng của mình.

Đây có thể được xem như một lời cảnh báo gửi tới Trung Nam Hải và tạo ra một bước ngoặt mới cho cuộc cạnh tranh giữa “hai người khổng lồ” Trung - Ấn.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.bloomberg.com/news/articles/2016-08-03/modi-s-tax-win-clears-way-to-focus-on-even-harder-india-reforms

[2]http://www.bloomberg.com/news/articles/2016-08-02/what-s-the-big-deal-about-india-s-goods-and-services-tax-q-a

[3]https://www.project-syndicate.org/commentary/india-caste-system-vemula-suicide-by-shashi-tharoor-2016-02

Ngọc Việt