"Nền giáo dục lớp 1" chỉ như khung trời nhỏ qua cửa sổ, dựa vào đâu mà vĩnh cửu?

15/09/2018 07:45
Xuân Dương
(GDVN) - 800.000 học sinh đang bị “thí điểm” hay “thử nghiệm” có phải là tự nguyện hay bị lãnh đạo từ trường đến huyện, tỉnh, bộ bắt buộc...?

Trước năm 1945, thực dân Pháp cai trị Việt Nam với “chính sách ngu dân” và “chia để trị”, Nam Kỳ là thuộc địa, Trung Kỳ là phong kiến, Bắc Kỳ nửa thuộc địa, nửa phong kiến. 

Kỉ yếu của Nha Học chính Đông Pháp ghi nhận “95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì!”. [1]

Cách mạng thành công, chỉ một năm sau ngày Nha Bình dân học vụ được thành lập, 75.000 lớp học được mở với hơn 95.000 giáo viên. Kết quả, có hơn 2.500.000 người thoát nạn mù chữ. [2]

Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?

Từ 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ năm 1946, tới năm 1948 là 6 triệu người và đến năm 1952 là 10 triệu người. Chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành. [3]

Vào thời điểm đó, những người nông dân chân lấm tay bùn không cần biết về “nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm” hay “tiếng, chữ, từ, tiết”,… chỉ sau vài tháng học là có thể biết đọc, biết viết, biết ký tên thay vì điểm chỉ.

Hơn bảy mươi năm sau, vào năm 2018 này, cuộc tranh luận về dạy học cho trẻ con (tiểu học) bùng phát dữ dội với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà báo và cha mẹ học trò.

Bốn năm trước, người viết đã có lần đề cập đến “Quốc ngữ” trong bài “Vài suy nghĩ về giọng nói và biểu tượng Quốc gia”. [4]

Nhiều người có quan điểm trái chiều về việc dạy tiếng Việt trong sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục. Ảnh: Laodong.vn
Nhiều người có quan điểm trái chiều về việc dạy tiếng Việt trong sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục. Ảnh: Laodong.vn

Tiếc rằng cho đến nay, nhà nước vẫn chưa có những quy định chuẩn về “Quốc ngữ” như quy định về Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, phải chăng chính Nhà nước chứ không phải vài ông giáo sư, vài vị tiến sĩ mới là nguyên nhân châm ngòi cho sự bùng phát dồn nén tới 40 năm về cách dạy tiếng Việt cho trẻ con lớp 1?

Là người ngoại đạo về lĩnh vực ngôn ngữ học, người viết không dám đi sâu về khía cạnh âm, chữ, về cách đánh vần,… mà chỉ điểm phá đôi nét về những bất cập nơi thượng tầng.

Trước khi đề cập đến vai trò của những cơ quan quản lý cao nhất, nơi hoạch định chính sách và cũng là nơi quyết định tiền thuế của dân được tiêu thế nào, xin có đôi lời về ngôn từ mà một số vị đáng kính đang tận dụng hết cỡ sự uyên thâm của mình để “nói chuyện” với nhau, đôi khi còn là với các cơ quan công quyền.

Về ý kiến của một vị giáo sư mà báo chí trích dẫn: “Sách (Công nghệ giáo dục - CNGD) tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn”, người viết không biết là sự trích dẫn này có “nguyên bản” hay không vì không trực tiếp chứng kiến.

Liệu có thể đó chỉ là một phát biểu ngẫu hứng với bạn bè bị ai đó “chụp lén” được rồi tung lên mạng xã hội?

Nếu ý kiến đó là có thực, thiết nghĩ khi đã vượt quá tuổi “cổ lai hy”, không cần phải là giáo sư, tiến sĩ người ta cũng có thể nhận thức được rằng chẳng có cái gì trên đời này tồn tại vĩnh viễn.

"Nền giáo dục lớp 1" chỉ như khung trời nhỏ qua cửa sổ, dựa vào đâu mà vĩnh cửu? ảnh 2Chỉ mỗi chuyện đánh vần, bao năm rồi mà vẫn cứ rối tinh lên thế?

Các hình thái xã hội, các thể chế chính trị và nhà nước, ngay cả trái đất và các thiên hà cũng sẽ đến lúc bị diệt vong.

Các vua chúa Trung Hoa, Ai Cập hy vọng đem mơ ước trường cửu của riêng mình áp chế thời gian, khuất phục thời gian chẳng qua chỉ là quá tự tin đến mức ảo tưởng.

Dẫu có bí mật đến mấy thì lăng mộ của họ rồi cũng bị người đời sau đào bới, thân xác bị cho vào tủ kính đem trưng bày trong viện bảo tàng.

Nói đến “Nền giáo dục” thì đó phải là khái niệm gắn với quốc gia, dân tộc.

Hệ thống giáo dục của một quốc gia - nếu chỉ xét trên phương diện dạy và học - bắt đầu từ khi trẻ đến trường (mẫu giáo, mầm non) cho đến đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).

“Nền giáo dục lớp 1” không thể và không phải là nền giáo dục quốc gia, nói một cách hình tượng, đó chỉ là một khung trời nho nhỏ qua vuông cửa sổ?

“Thí điểm” hay “Thử nghiệm” phương pháp dạy trẻ lớp 1 theo “Công nghệ giáo dục” đã tiến hành được 40 năm. Đây quả là điều hy hữu chưa từng có trên thế giới.

Dựa vào ai/cơ quan nào mà tác giả được phép “lách luật” để thử nghiệm suốt 40 năm qua đã được nhiều nhà báo, thày cô giáo, nhà nghiên cứu chỉ rõ.

Vấn đề là Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Chính phủ có biết cuộc “Trường kỳ thử nghiệm” này?

Sau 40 năm thử nghiệm, đến năm 2018 này mới thấy ý kiến của một vị lãnh đạo cao cấp:

Thực nghiệm gì mà mấy chục năm rồi vẫn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ học sinh lắm.

Không thể trường này tôi muốn học cái này, trường khác thì học cái khác. Tỉnh nào có sách của tỉnh đó. Nền giáo dục như vậy không được”. [5]

"Nền giáo dục lớp 1" chỉ như khung trời nhỏ qua cửa sổ, dựa vào đâu mà vĩnh cửu? ảnh 3Bình Thuận thấy không có lý do gì để phải dạy sách thầy Hồ Ngọc Đại

Không biết trong số những chương trình thí điểm, thực nghiệm làm “khổ học sinh lắm” mà vị lãnh đạo đề cập, có bao hàm điều mà dư luận quan tâm là “sách công nghệ giáo dục”?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự án sửa đổi Luật Giáo dục sáng 12/9/2018 phát biểu như sau:

Việc tranh luận vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ý kiến chính thức, đấy chỉ là một phương pháp, dạy chủ yếu phát âm cho trẻ, chứ không phải đổi mới cải cách tiếng Việt…

Trong giáo dục dù thận trọng nhưng cũng phải đổi mới và quá trình đó cần có thực nghiệm”.

Phát biểu của ông Vũ Đức Đam cho thấy điều dư luận quan tâm, điều mà một số giáo sư, tiến sĩ đang “xắn tay áo” với nhau chỉ là  “Phương pháp dạy chủ yếu phát âm cho trẻ” chứ tuyệt nhiên không phải là một “Nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn”!

Những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đều biết “Thí điểm” hay “Thử nghiệm” là nhằm mục đích đánh giá chất lượng sản phẩm mới, nguyên tắc thông dụng là:

Thứ nhất: so sánh chất lượng sản phẩm mới với sản phẩm cùng chủng loại đã có trước;

Thứ hai, so sánh với sản mới cùng thời điểm nhưng khác nguồn gốc xuất xứ;

Thứ ba, nếu không có đối chứng thì tham khảo ý kiến người sử dụng.

Sau khi thử nghiệm phải có kết quả đánh giá, so sánh cả định tính lẫn định lượng giữa sản phẩm mới và các đối chứng được chọn.

Trường hợp chưa đạt yêu cầu hoặc kém hơn sản phẩm cũ thì phải tiến hành làm lại.

Nếu chưa có bất kỳ tổng kết, đánh giá nào, chưa có bất kỳ số liệu thống kê đáng tin cậy nào mà cứ “thử nghiệm” thì đó không chỉ là sai lầm của người thử nghiệm, của chính cơ quan cho phép thử nghiệm mà còn là việc làm trái pháp luật, cần xem xét ở góc độ hình sự.

"Nền giáo dục lớp 1" chỉ như khung trời nhỏ qua cửa sổ, dựa vào đâu mà vĩnh cửu? ảnh 4Cuộc chiến sách Công nghệ giáo dục - sách giáo khoa 2000 chuyển hướng

Đặt vấn đề như vậy là bởi có mấy điều cần làm rõ:

Thứ nhất, “Quyền và nghĩa vụ học tập của công dân” đã được quy định trong Luật Giáo dục 2005, theo đó:

Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.

Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng”.

Vậy 800.000 học sinh đang bị “thí điểm” hay “thử nghiệm” có phải là tự nguyện hay bị lãnh đạo từ trường đến huyện, tỉnh, bộ bắt buộc, số trẻ em này có được “bình đẳng về cơ hội học tập”?

Nếu việc học sách Công nghệ giáo dục của gần một triệu học sinh là bắt buộc, nói chính xác là bị cưỡng bức học theo Công nghệ giáo dục thì đó là việc làm trái pháp luật kể cả khi ngành Giáo dục các địa phương “tự nguyện”.

Tại sao “thử nghiệm” mà học sinh không được quyền từ chối, buộc phải theo học, nếu không muốn học thì chỉ còn cách chuyển trường, chuyển lớp?

Thử nghiệm một sản phẩm mới thì người thử nghiệm phải trả công cho người giúp họ thử nghiệm, ít nhất cũng phải miễn phí sản phẩm thử nghiệm, tại sao lại bắt học sinh phải trả tiền mua sản phẩm thử nghiệm là sách giáo khoa Công nghệ giáo dục?

Thứ hai, khoản 1, điều 38 Luật Khoa học và Công nghệ quy định:

Người giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ có trách nhiệm thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành hoặc thuê tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập để đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.

"Nền giáo dục lớp 1" chỉ như khung trời nhỏ qua cửa sổ, dựa vào đâu mà vĩnh cửu? ảnh 5Thầy Hiền, thầy Đại có lỗi không?

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có phải là người “Giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ” cho tác giả sách Công nghệ giáo dục trong việc thử nghiệm sách Tiếng Việt 1 tại mấy chục tỉnh thành toàn quốc?

Nếu có thì đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trên Cổng Thông tin của Bộ quyết định của Bộ trưởng về việc này.

Nếu Bộ trưởng Nhạ không có văn bản nào “Giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ” cho tác giả thử nghiệm sách Công nghệ giáo dục thì ông không có quyền “Thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ để đánh giá, nghiệm thu” chất lượng công trình này.

Được biết “Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong sách giáo khoa hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục”. [6]

Đối chiếu với quy định trong Luật Khoa học và Công nghệ, việc Bộ trưởng đương nhiệm Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập “Hội đồng thẩm định quốc gia Tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục” liệu có trái luật?

Thứ ba, mười một năm trước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 59/2007/QĐ-BGDĐT quy định về “Quản lý dự án sản xuất, thử nghiệm cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Điều 2 của Quyết định ghi:

Dự án sản xuất thử nghiệm (sau đây gọi là dự án) là hoạt động triển khai thực nghiệm các kết quả nghiên cứu để sản xuất thử ở quy mô nhỏ nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất đại trà phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.

Việc triển khai “thực nghiệm” sách Công nghệ giáo dục tại mấy chục tỉnh thành với khoảng 800.000 học sinh có gọi là “quy mô nhỏ”?

Nếu không phải là “quy mô nhỏ” thì có phải chính một số lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang vi phạm pháp luật?

Bên cạnh vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn phải kể đến trách nhiệm của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, của Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, Uỷ ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo.

Bốn mươi năm qua, các cơ quan này đã có ý kiến gì về việc “thử nghiệm” tràn lan này?

Một số ý kiến được truyền thông đăng tải cho rằng: “Học theo sách công nghệ giáo dục học trò sẽ nói và viết đúng chính tả tiếng Việt hơn các sách dạy tiếng Việt trước đây”.

Những hình ảnh đầy xót xa (hình và ghi chú của Vietnamnet.vn)
Những hình ảnh đầy xót xa (hình và ghi chú của Vietnamnet.vn)

Liệu người phát biểu có thể chứng minh, rằng từ Bắc vào Nam, khi giáo viên viết cụm từ “vui vẻ” thì học sinh học theo sách Công nghệ giáo dục sẽ không đọc là “dui dẻ” hay “vay vốn” sẽ không là “day dốn”? Viết đúng là một chuyện, nói đúng lại là chuyện khác.

Thực tế cho thấy không ít nhà giáo, cán bộ lãnh đạo vẫn nói “năn nộn” thay vì “lăn lộn”, không ít phát thanh viên vẫn nói “dung động” chứ không phải là “rung động”.

Những cách nói sai tiếng Việt vẫn được chấp nhận bởi đó là phương ngữ, là cách phát âm mang tính vùng miền và cũng bởi Nhà nước vẫn chưa đưa ra được “Chuẩn quốc gia về Quốc ngữ”.

Có người lại còn mạnh dạn đến mức như Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang - khi cho rằng:

Học sinh bước vào lớp 2 có kỹ năng đọc, viết và cả tư duy ngôn ngữ, hình thể… cũng tương đối vững vàng hơn so với học sinh học sách truyền thống”. [7]

Học theo sách Công nghệ giáo dục khiến cho “Hình thể” vững vàng hơn so với học sinh học sách truyền thống, vậy “Hình thể” ở đây là cái gì nếu không phải là tầm vóc (chiều cao, cân nặng)?

Nếu xuất ăn của các cháu chỉ có cơm trộn với mì tôm như báo chí mô tả thì sách Công nghệ giáo dục có giúp các cháu “vững vàng hơn về hình thể”?

Hơn một năm trước, người viết từng đề cập một số ý kiến trong bài “Giáo dục và Quy luật … “Tít mù”,  [8] viết mãi, góp ý mãi rồi vẫn buộc phải “Tít mù nó lại vòng quanh” một lần nữa.

Xin các vị ở trên cao hãy tìm hiểu phong trào Bình dân học vụ từ năm 1945, học thế nào, đánh vần thế nào mà chỉ vài tháng mấy triệu người đã thoát nạn mù chữ, chỉ cần người có trình độ lớp 3, lớp 4 đã có thể dạy người chưa biết chữ đọc, viết tiếng Việt.

Ngày nay kỹ sư, bác sĩ thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ cũng không dạy được cho con em mình đánh vần là “Nền giáo dục” gì vậy?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/1000_nam_thang_long/133287/m7897;t-th7901;i-truy7873;n-ba-qu7889;c-ng7919;

[2]http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/binh-dan-hoc-vu-ky-tich-cua-nganh-giao-duc-viet-nam-478342

[3] https://www.vietnamplus.vn/chien-dich-diet-giac-dot-bai-hoc-mau-muc-ve-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap/340428.vnp

[4] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Vai-suy-nghi-ve-giong-noi-va-bieu-tuong-Quoc-gia-post148998.gd

[5] http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/chu-tich-quoc-hoi-het-thi-diem-lai-thuc-nghiem-kho-hoc-sinh-lam_t114c67n138506

[6] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/bo-giao-duc-sach-cong-nghe-giao-duc-se-duoc-tai-tham-dinh-trong-chuong-trinh-pho-thong-moi-20180908121637234.htm

[7] https://thanhnien.vn/giao-duc/lanh-dao-cac-so-thuc-hien-tieng-viet-cong-nghe-giao-duc-noi-gi-1001536.html

[8] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc-va-quy-luat--Tit-mu-post179054.gd

Xuân Dương