New Delhi khẳng định sức mạnh ngăn Trung Quốc bành trướng ra Ấn Độ Dương

26/12/2015 08:21
Đông Bình
(GDVN) - Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự, hợp tác quốc phòng-an ninh và tập trận với các nước, kiểm soát chắc sân sau và khẳng định lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Gần đây, Ấn Độ có nhiều động thái mới về ngoại giao, quân sự nhằm kiềm, ngăn chặn Trung Quốc cả trên biển và trên biên giới, được nhắc tới nhiều trên báo chí quốc tế, nhất là báo chí Trung Quốc.

Giữ vững quyền kiểm soát sân sau

Ấn Độ Dương là vùng biển rộng lớn và Ấn Độ luôn coi là vùng ảnh hưởng truyền thống của họ, lo ngại các thế lực bên ngoài thâm nhập, nhất là Trung Quốc. Bởi vì giữa hai nước Trung-Ấn còn đang tồn tại tranh chấp lãnh thổ biên giới chưa thể giải quyết – một vấn đề đã khiến cho hai nước từng xảy ra chiến tranh trong thế kỷ 20.

Theo báo chí Ấn Độ ngày 24/12, nước này 2 tuần tới sẽ tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn ở Ấn Độ Dương, bắc đến vịnh Bengal, nam đến biển Andaman – tức là vùng biển phía đông Ấn Độ, nơi tiếp giáp với eo biển Malacca, một tuyến đường hàng hải chiến lược, huyết mạch đối với Trung Quốc.

Báo chí Ấn Độ cho biết, mục đích diễn tập là để đối phó với hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của lực lượng hải quân Trung Quốc ở vùng biển phía đông Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ cần thông qua trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ để chống lại các mối đe dọa quân sự tương lai.

Tuyên bố của hải quân Ấn Độ đã tiết lộ tương đối chi tiết các trang bị quân sự tham gia cuộc diễn tập lần này: 24 tàu chiến, 2 tàu ngầm và trên 10 máy bay chiến đấu, trong đó, tàu ngầm hạt nhân Chakra gây chú ý đặc biệt cho dư luận.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ

Trong cuộc diễn tập lần này còn đặc biệt điều động tàu chiến, máy bay trực thăng cảnh báo sớm trên không từ bờ biển phía tây Ấn Độ tham gia diễn tập cùng máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon.

Ấn Độ sẽ mô phỏng nhiều loại xung đột quân sự trên biển, thử thách năng lực ứng phó và kỹ năng chiến thuật của Hải quân khi đối mặt với các sự kiện bất ngờ.

Trang tin tức Webindia123 ngày 24/12 tiết lộ, nhiều loại vũ khí chiến thuật sẽ xuất hiện trong cuộc diễn tập lần này, nhiều loại tên lửa như đất đối đất, đất đối không sẽ bắn từ nhiều bệ phóng khác nhau.

Hãng tin Press Trust of India ngày 24/12 phân tích, trong vài năm qua, số lần tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ở Ấn Độ Dương tăng mạnh. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố việc làm này chủ yếu là để chống cướp biển, nhưng cơ quan an ninh quốc gia Ấn Độ luôn nghi ngờ chủ trương của Trung Quốc.

Những năm gần đây, số lượng và quy mô diễn tập quân sự của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương không ngừng tăng lên. Các cuộc tập trận giữa Ấn-Mỹ, Ấn-Nga, thậm chí Ấn-Nhật đều rất gây chú ý.

Có phân tích cho rằng, Ấn Độ không ngừng tăng cường hiện diện quân sự ở vùng biển này rõ ràng nhằm kiềm chế Trung Quốc. Báo chí Ấn Độ khi đưa tin về cuộc tập trận trên biển quy mô lớn lần này thậm chí giật tít “New Delhi phát đi tín hiệu cho Trung Quốc”.

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 25/12 cho rằng, việc đi lại và huấn luyện của Hải quân Trung Quốc ở các vùng biển quốc tế như Ấn Độ Dương là việc làm “bình thường”, không phải là hành động đặc biệt nhằm vào bất kỳ nước nào.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon Hải quân Ấn Độ, mua của Mỹ

Thời báo Hoàn Cầu còn tiết lộ, trong lúc Ấn Độ tổ chức tập trận quy mô lớn trên biển, biên đội hộ tống tốp thứ 22 Hải quân Trung Quốc cũng đã lần đầu tiên tiến hành huấn luyện bắn đạn thật bằng vũ khí chiến thuật hạng nhẹ ở Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, Trung Quốc đã vài lần tuyên bố, gần đây tàu ngầm nước này liên tiếp xuất hiện ở Ấn Độ Dương là nhu cầu đi lại “bình thường”, quá trình dừng lại ở các cảng biển và tiếp tế đều đã thông báo cho Ấn Độ, hoàn toàn không xâm phạm lợi ích của bất cứ nước nào.

Tuy nhiên có nhiều nhà phân tích cho rằng, tàu ngầm là một loại trang bị ít dùng cho hoạt động chống cướp biển, việc Trung Quốc điều tàu ngầm đến Ấn Độ Dương rõ ràng có mục đích khác, trong đó có ý đồ răn đe chiến lược với các đối thủ, bao gồm Ấn Độ.

Tăng cường hợp tác kiềm chế Trung Quốc

Để thực hiện các mục tiêu chiến lược trong đó có kiềm chế, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên các vùng biển, những năm gần đây Ấn Độ đã chủ động tăng cường hợp tác quân sự, quốc phòng với Mỹ và các đồng minh khu vực của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Philippines.

Vào tháng 10/2015, Ấn Độ đã cùng Mỹ, Nhật Bản tổ chức cuộc tập trận trên biển quy mô lớn Malabar ở bờ biển phía tây Ấn Độ. Cuộc diễn tập được tổ chức trong thời gian 5 ngày, diễn ra từ ngày 14 - 19/10, với nhiều khoa mục, trong đó có khoa mục săn ngầm.

Diễn tập Malabar-2015 giữa Ấn-Mỹ-Nhật
Diễn tập Malabar-2015 giữa Ấn-Mỹ-Nhật

Khi đó, lực lượng tham gia diễn tập gồm có nhiều tàu chiến, tàu sân bay và tàu ngầm tấn công nhanh, trong đó có tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. Cuộc diễn tập này là một trong chuỗi các cuộc tập trận được tổ chức thường xuyên nhằm tăng cường quan hệ hàng hải đa quốc gia và an ninh chung.

Theo các chuyên gia, một trong những mục đích của cuộc tập trận này là nhằm đối phó với Trung Quốc – nước đang đẩy mạnh bành trướng quân sự ra các vùng biển bên ngoài và thực hiện chiến lược “chuỗi ngọc trai” tập trung vào xây dựng và sử dụng các cảng biển ở Ấn Độ Dương.

Được biết, quyết định cho Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này chỉ diễn ra sau vài ngày Lầu Năm Góc nói đang xem xét đưa tàu chiến đến tuần tra các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông. Hoạt động tuần tra sau đó đã được tàu khu trục USS Lassen Mỹ tiến hành vào ngày 27/10, khiến Trung Quốc vô cùng tức tối.

Gần đây, Ấn Độ đã đột ngột tăng cường các mối quan hệ đối tác để ứng phó với Trung Quốc và thể hiện vai trò nước lớn ở Ấn Độ Dương.

Đầu tháng 10/2015, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc Kumar Dhowan đã thăm Australia. Trước chuyến thăm, từ ngày 11 – 19/9/2015, hải quân hai nước đã tổ chức một cuộc diễn tập tác chiến săn ngầm hải quân song phương lần đầu tiên mang tên AUSINDEX-15.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Orion Australia
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Orion Australia

Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng, đối tượng tác chiến của cuộc tập trận này rõ ràng là các hoạt động ngày càng gia tăng của tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Trong cuộc diễn tập khi đó, Hải quân Australia đã cử tàu chở dầu Sirius, tàu khu trục Arunta lớp Anzac, tàu ngầm lớp Collins và máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Orion tham gia.

Trong khi đó, Hải quân Ấn Độ cử tàu hộ vệ tàng hình INS Shivalik, tàu khu trục tên lửa INS Ranvijay, tàu chở dầu INS Shakti, máy bay tuần tra săn ngầm P-8I Poseidon tham gia.

Hải quân hai nước Ấn Độ, Australia sẽ tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần cuộc diễn tập như vậy, mục đích là tăng cường hợp tác hàng hải giữa hai nước, tăng cường khả năng hành động liên hợp như cứu trợ nhân đạo, cứu nạn.

Tăng cường triển khai vũ khí trang bị ở biên giới với Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 24/12 dẫn báo chí Ấn Độ cho hay, Ấn Độ luôn tìm cách mua nhiều tới một trăm máy bay không người lái của Mỹ, trị giá lên tới 2 tỷ USD phục vụ cho hoạt động theo dõi, giám sát các động thái của Trung Quốc.

Theo các nguồn tin, Chính phủ Ấn Độ và Chính phủ Mỹ đang đàm phán liên tục. Ấn Độ hy vọng nhận được máy bay không người lái Avenger mới nhất của Mỹ để theo dõi Trung Quốc.

Máy bay không người lái Predator Mỹ lắp đạn dẫn đường laser
Máy bay không người lái Predator Mỹ lắp đạn dẫn đường laser

Ngoài ra, Ấn Độ còn muốn nhận được máy bay không người lái Predator XP để ứng phó với các mối đe dọa an ninh trong nước và xung đột biên giới.

Trong vài tháng qua, mặc dù đàm phán được thúc đẩy mạnh mẽ, Ấn Độ cũng đang chờ tham gia Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), nhưng Mỹ luôn không đưa ra cam kết công khai với Ấn Độ, Italia cũng đặt ra trở ngại cho Ấn Độ gia nhập MTCR.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Ấn Độ đều đang tràn đầy lòng tin đối với việc Ấn Độ khắc phục trở ngại, gia nhập MTCR trong vài tháng tới. Nếu Ấn Độ có thể gia nhập thành công MTCR thì thương mại quốc phòng Ấn-Mỹ sẽ thuận lợi hơn.

Vivek Lall - Giám đốc phụ trách phát triển chiến lược toàn cầu của General Atomics (GA) cho biết: “Công ty GA-ASI ý thức được Ấn Độ quan tâm đến máy bay không người lái dòng Predator của Mỹ”.

Theo Vivek Lall, Chính phủ Mỹ đã bày tỏ ủng hộ xuất khẩu máy bay không người lái dòng Predator cho Ấn Độ, GA-ASI hy vọng phát huy vai trò hỗ trợ quan trọng hơn trong đối thoại cấp cao giữa chính phủ hai nước.

Ngoài ra, theo báo chí Ấn Độ ngày 21/12, Ấn Độ đã đồng ý đàm phán lại với Mỹ, cùng sử dụng căn cứ quân sự và cảng biển của nhau, phát đi tín hiệu quan trọng về sự thay đổi quan hệ chiến lược song phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tại Ấn Độ vào tháng 3/2015
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tại Ấn Độ vào tháng 3/2015

Trước đó phía Ấn Độ lo ngại, việc làm này có thể đem lại ấn tượng cho cộng đồng quốc tế rằng hai nước đã xây dựng liên minh quân sự.

Thỏa thuận hợp tác hai bên được gọi là Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LSA), cho phép hai bên sử dụng cơ sở hạ tầng của nhau, tiến hành diễn tập và hợp tác quân sự. Đây cũng là cách để hai bên tăng cường lòng tin và Mỹ cung cấp vốn, khoa học công nghệ cho Ấn Độ. Điều này khuyến khích hai bên hợp tác sản xuất trang bị quân sự.

Trong thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter thăm Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cho biết, Ấn Độ có thái độ cởi mở với Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần, Thỏa thuận bản ghi nhớ về an ninh và trao đổi thông tin (CISMOA) và Thỏa thuận giao lưu, hợp tác cơ bản (BECA).

Trước đó, Ấn Độ tỏ thái độ cứng rắn đối với việc ký kết các thỏa thuận, vì cho rằng, nó không phù hợp với thái độ trung lập của Ấn Độ, có thể thách thức Trung Quốc. Chính vì điều này mà trước đó Ấn Độ đã không muốn để bên thứ ba tham gia vào cuộc diễn tập giữa họ với Mỹ.

Nhưng, vào tháng 10/2015, diễn tập Malabar giữa Ấn-Mỹ đã có sự tham gia của Nhật Bản, trong tương lai, Nhật Bản có thể được tham gia định kỳ.

Những thỏa thuận này có thể đặt cơ sở cho Ấn Độ nhận được các thông tin và công nghệ quân sự cao cấp từ Mỹ. Hai bên có thể sử dụng căn cứ của nhau, tạo thuận lợi cho hoạt động của mỗi bên.

Sau khi ký kết thỏa thuận CISMOA, Ấn Độ và Mỹ sẽ dễ dàng triển khai diễn tập và hành động quân sự. Mỹ và Ấn Độ đều có thể sử dụng thiết bị quân sự của nhau.

Thỏa thuận BECA sẽ cho phép hai bên chia sẻ tin tức tình báo rất lớn, bao gồm các thông tin về bản đồ quân sự và tin tức hình ảnh vệ tinh. Ấn Độ đang tìm kiếm các thông tin chi tiết hơn để thuận lợi trong việc chia sẻ với Quân đội Mỹ trong khuôn khổ thỏa thuận này.

Như vậy, thái độ, lập trường trong quan hệ với các nước của Ấn Độ đang có nhiều thay đổi theo hướng thiết thực hơn, vì lợi ích và an ninh quốc gia của Ấn Độ, giúp Ấn Độ tăng cường vai trò ảnh hưởng cũng như xử lý tốt quan hệ với các nước láng giềng và xử lý tốt các quan hệ quốc tế.

Khẳng định lợi ích quốc gia ở Biển Đông

Gần đây, Ấn Độ cũng tích cực khẳng định lợi ích quốc gia ở khu vực Biển Đông, tích cực đưa ra các tuyên bố và hành động kiềm chế Trung Quốc.

Từ ngày 12 - 13/12/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Ấn Độ
Từ ngày 12 - 13/12/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Ấn Độ

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào trung tuần tháng 12 vừa qua, Ấn Độ đã cùng với Nhật Bản khẳng định lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Trong tuyên bố chung giữa Thủ tướng hai nước, hai bên khẳng định tầm quan trọng của tuyến đường hàng hải Biển Đông đối với an ninh năng lượng, thương mại và tài chính khu vực, cho rằng, nó đóng vai trò to lớn trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng ở toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo đó, hai vị Thủ tướng kêu gọi tất cả các nước liên quan tránh có các hành động đơn phương có thể gây căng thẳng khu vực. Tuyên bố chung của Ấn-Nhật rõ ràng nhằm vào hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông như xây đảo nhân tạo, quân sự hóa...

Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar cũng khẳng định: “Biển Đông là một trong những mối lo ngại của chúng tôi. Cả hai nước đều có những lợi ích năng lượng liên quan đến khu vực này. Điều quan trọng là các hành động đơn phương cần phải được hạn chế và cần sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.

Như vậy, Ấn Độ đã cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục khẳng định mạnh mẽ “lợi ích năng lượng” cũng như an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ngoài ra, để khẳng định tiếng nói và lợi ích quốc gia ở Biển Đông, trong các tuyên bố song phương gần đây, trong đó có tuyên bố chung giữa Ấn-Mỹ, Ấn Độ cũng đã đề cập mạnh mẽ đến vấn đề Biển Đông.

Tàu chiến Hải quân Ấn Độ thăm Việt Nam năm 2013 (ảnh tư liệu)
Tàu chiến Hải quân Ấn Độ thăm Việt Nam năm 2013 (ảnh tư liệu)

Không chỉ có vậy, Ấn Độ gần đây đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ ủng hộ đối với Việt Nam và Philippines, trực tiếp can dự vấn đề Biển Đông.

Bloomberg ngày 29/8 cho biết, Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ quyết định tái khởi động công tác thăm dò dầu khí ở vùng biển Việt Nam. Ấn Độ thực hiện quyền kinh tế ở vùng biển này cho thấy, Ấn Độ có ý định cùng Mỹ và một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ngăn chặn tham vọng lãnh thổ bất hợp pháp của Trung Quốc.

Bài báo cho hay, năm 2006, Ấn Độ đã nhận được quyền thăm dò khu vực này. Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Modi quyết định trao quyền cho tập đoàn dầu khí của họ xây dựng giàn khoan ở khu vực này.

Phó giám đốc Học viện nghiên cứu quốc tế Rajaratnam, Singapore cho rằng, Ấn Độ quan tâm đến Biển Đông, hy vọng thông qua can dự khu vực này để tăng cường quan hệ trên biển với Mỹ và Nhật Bản. Hoạt động gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương những năm gần đây đã khiến cho Ấn Độ cảm thấy căng thẳng.

Ngày 14/10, tại Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Ấn Độ Sushma Swaraj và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario đã đồng chủ trì hội nghị Ủy ban liên hợp song phương lần thứ ba.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị này, Biển Đông đã được gọi là “biển Tây Philippines”, cho thấy Ấn Độ đã gián tiếp bày tỏ ủng hộ ngoại giao đối với Philippines trong vấn đề Biển Đông.

Theo chuyên gia Trung Quốc, Ấn Độ gọi Biển Đông như vậy không phải là một việc làm sơ suất đơn giản, mà là đã thực sự truyền đi tín hiệu ủng hộ Philippines, bất chấp cảm nhận của Trung Quốc.

Khi đó, Ấn Độ và Philippines khẳng định, cần dựa vào nguyên tắc của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển để giải quyết hòa bình tranh chấp, không thể sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Tại Viện nghiên cứu an ninh quốc phòng Ấn Độ tháng 7/2015, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines cũng đã phát biểu nói rõ lập trường của Philippines đối với luật pháp quốc tế, muốn nhận được sự ủng hộ của Ấn Độ trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc.

Hai biên đội tàu sân bay, Hải quân Ấn Độ
Hai biên đội tàu sân bay, Hải quân Ấn Độ

Có chuyên gia cho rằng, tầm quan trọng kinh tế và chiến lược quốc tế của Ấn Độ ngày càng tăng cường, cho nên Ấn Độ sẽ không từ chối đóng vai trò khu vực lớn hơn, tranh thủ nhiều tiếng nói hơn.

Theo chuyên gia Trung Quốc Tiền Phong, hai năm qua, Ấn Độ đã gia tăng can dự vấn đề Biển Đông, cho thấy họ không chỉ muốn làm nước lớn ở Ấn Độ Dương, mà còn muốn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề Thái Bình Dương.

Tiền Phong cho rằng, Ấn Độ muốn phối hợp với Philippines để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Bởi vì, Ấn Độ có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc gây tranh chấp lãnh thổ trên biển với các nước ven Biển Đông, trong đó có Philippines.

Như vậy, trong tất cả các hành động của Ấn Độ những năm gần đây, Ấn Độ đang tích cực thể hiện vai trò nước lớn của họ trong việc can dự vào các vấn đề của khu vực và quốc tế, nhất là ở Ấn Độ Dương và Biển Đông.

Tất cả các động thái này cho thấy Ấn Độ luôn khẳng định vai trò ảnh hưởng truyền thống ở Ấn Độ Dương và họ có ưu thế cũng như năng lực để làm điều đó.

Ngoài ra, Ấn Độ vừa thực thi cả chiến lược và chiến thuật trong khu vực, trong đó có Biển Đông, tạo ra nhiều “mũi tiến công” để kiềm chế các hành động bành trướng trên biển cũng như trên đất liền của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia của Ấn Độ.

Đông Bình