"Nga “chân trong chân ngoài”, coi Nhật Bản là quân cờ kiềm chế TQ"

26/10/2013 09:19
Việt Dũng
(GDVN) - Theo nhận định của TQ, thủ đoạn ngoại giao của Nga chính là "chân trong chân ngoài" giữa Nhật-Trung. Mặc dù đang lợi dụng Nhật Bản kiềm chế Trung Quốc, nhưng "tuần trăng mật" Trung-Nga hoàn toàn chưa kết thúc.
Hội nghị bảo đảm an ninh 2+2 Nhật-Mỹ tại Tokyo ngày 3 tháng 10 năm 2013 (ảnh minh họa)
Hội nghị bảo đảm an ninh 2+2 Nhật-Mỹ tại Tokyo ngày 3 tháng 10 năm 2013 (ảnh minh họa)

Tân Hoa xã dẫn tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 24 tháng 10 đưa tin, Nhật Bản là một quân cờ kiềm chế Trung Quốc của Nga. Nếu không đến mức đối đầu nghiêm trọng với Trung Quốc, Nga sẽ không xích lại quá gần với Nhật Bản.

Mặc dù Nga trông đợi vào Nhật Bản về mặt hợp tác kinh tế, nhưng hầu như hoàn toàn không có ý định nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ. Sau đây là nội dung chính của bài viết:

Nhật Bản và Nga sẽ triệu tập Hội nghị "2+2' ở Tokyo vào ngày 1 tháng 11 tới với sự tham dự của Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Thông thường, Hội nghị "2+2" đều được tổ chức giữa các nước có quan hệ thân mật, còn giữa các nước còn tồn tại tranh chấp lãnh thổ như Nhật-Nga là điều hiếm thấy. Nga ngày càng lộ rõ "mưu tính sâu xa" trong vấn đề ứng phó với Trung Quốc.

Hội nghị "2+2" là một cơ chế tham vấn, đối thoại, hợp tác bảo đảm an ninh do Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai bên tham gia. Bởi vì cần có quan hệ tin cậy vững chắc giữa hai nước làm tiền đề, cho nên, Nhật Bản chỉ tổ chức hội nghị như vậy với Mỹ và Australia.

Quan chức Chính phủ Nhật Bản cho biết, "để thúc đẩy phát triển quan hệ Nhật-Nga, Nhật Bản đi đầu đưa ra kiến nghị", điều này cũng đã cân nhắc tới việc thúc đẩy đàm phán vấn đề lãnh thổ. Nhưng, nhiều nguồn tin về quan hệ Nhật-Nga cho rằng, nước thúc đẩy trước vấn đề này chính là Nga.

Vào tháng 7 năm 2012, khi hội kiến với Ngoại trưởng Nhật Bản đương nhiệm - ông Koichiro Genba tại thành phố ven bờ biển Đen, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi "mở rộng phạm vi hợp tác bảo đảm an ninh". Mùa thu năm 2012, ông Putin cử Thư ký Hội đồng an ninh Liên bang thân cận nhất, ông Patrushev đến Tokyo, tiếp tục thúc đẩy vấn đề này. Nhật Bản cũng thừa cơ đề xuất khả năng có thể tổ chức Hội nghị "2+2". Quá trình chính là như vậy.

Tàu phá băng khảo sát khoa học Tuyết Long, Trung Quốc tại Bắc Băng Dương (ảnh tư liệu)
Tàu phá băng khảo sát khoa học Tuyết Long, Trung Quốc tại Bắc Băng Dương (ảnh tư liệu)

Vậy Nga có mục đích gì? Trước hết, điều có thể tưởng tượng là tạo sự kiềm chế đối với Quân đội Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Nhưng, nếu chỉ xuất phát từ nguyên nhân này, cho dù không nhất thiết phải tiến hành Hội nghị "2+2", Nga cũng có thể đạt được mục đích tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh Nhật-Nga.

Lúc này, có thể nghĩ đến các hoạt động trên biển do Trung Quốc triển khai ở phía bắc. Khí hậu Bắc Cực nóng lên khiến cho lớp băng tan ra, tuyến đường hàng hải mới và cơ hội khai thác tài nguyên mới cũng theo đó xuất hiện. Để tranh giành lợi ích, Trung Quốc đã bắt đầu "đợt tấn công" mạnh.

Năm 2010, Trung Quốc đã điều tàu phá băng Tuyết Long tới Bắc Băng Dương, đã tiến hành khảo sát hơn 2 tháng. Tháng 7 năm 2012, trong lần khảo sát thứ năm, tàu Tuyết Long đã lần đầu tiên hoàn thành chuyến đi chạy xuyên qua Bắc Băng Dương.

"Vượt qua eo biển Soya, tiến vào biển Okhotsk, tiếp theo là Bắc Băng Dương... Tuyến đường đang được Trung Quốc cấp tốc khai phá này chính là phạm vi ảnh hưởng của Nga. Do đó, Tổng thống Putin mới khởi động Hội nghị 2+2 với Nhật Bản" - chuyên gia hiểu tình hình nội bộ Nga giải thích. Như vậy, để kiềm chế hoạt động của Trung Quốc từ biển Okhotsk đến Bắc Băng Dương, Nga muốn hợp tác với Nhật Bản.

Ngày 14 tháng 7 năm 2013, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua eo biển Soya, xâm nhập "khu vực không thể đụng chạm" biển Okhotsk của Nga.
Ngày 14 tháng 7 năm 2013, biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua eo biển Soya, xâm nhập "khu vực không thể đụng chạm" biển Okhotsk của Nga.

Ngày 14 tháng 7, lại xảy ra một sự kiện có sức tác động hơn đối với Nga. Lần này không phải là tàu phá băng, mà là 5 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua eo biển Soya, đã tiến vào biển Okhotsk.

Căn cứ tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược - đơn vị nâng đỡ cho lực lượng hạt nhân Nga kề sát với biển Okhotsk. Nghe nói, Quân đội Trung Quốc đã dám tiến vào "khu vực không thể đụng chạm" này khiến cho Tổng thống Putin rất tức giận.

Trên thực tế, trong cùng một ngày, Tổng thống Putin đã bất ngờ ra lệnh bắt đầu tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn ở khu vực Viễn Đông, Nga. Lực lượng huy động trên 160.000 quân, đồng thời cũng đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật ở biển Okhotsk. Có thể nói, đây chính là sự cảnh cáo của Nga đối với việc tàu chiến Trung Quốc hoạt động ở cách đó không xa.

Nhưng, nói cho cùng, đối với Nga, Nhật Bản chính là một quân cờ để họ kiềm chế Trung Quốc. Nếu không đến mức phải đối đầu nghiêm trọng với Trung Quốc, Nga sẽ không xích lại quá gần Nhật Bản. Tuy Nga trông đợi vào Nhật Bản về mặt hợp tác kinh tế, nhưng hầu như hoàn toàn không có ý định nhượng bộ trong vấn đề lãnh thổ.

Tháng 7 năm 2013, Quân đội Nga tiến hành diễn tập quy mô lớn ở khu vực Viễn Đông.
Tháng 7 năm 2013, Quân đội Nga tiến hành diễn tập quy mô lớn ở khu vực Viễn Đông.

Theo nhận định của TQ, thủ đoạn ngoại giao của Nga chính là "chân trong chân ngoài" giữa Nhật-Trung. Mặc dù đang lợi dụng Nhật Bản kiềm chế Trung Quốc, nhưng "tuần trăng mật" Trung-Nga hoàn toàn chưa kết thúc.

Chân tướng của sự thực thể hiện ở cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tối ngày 7 tháng này. Ông Putin đề nghị hai bên cùng chúc mừng tròn 70 năm thắng lợi Chiến tranh thế giới thứ hai, qua đó nhấn mạnh mối quan hệ được hai nước xây dựng trong chiến tranh chống phát xít Nhật trước đây.

Việt Dũng