Nga đã gặp thách thức trên thị trường vũ khí Ấn Độ

20/02/2014 07:47
Việt Dũng
(GDVN) - Hiện nay, Ấn Độ đã không ngừng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, nhất là tăng đặt hàng từ Mỹ, gây thách thức cho vị thế của Nga.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI Không quân Ấn Độ, mua của Nga
Máy bay chiến đấu Su-30MKI Không quân Ấn Độ, mua của Nga

2 nước láng giềng lớn của Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan đều đang tích cực đẩy mạnh xây dựng hiện đại hóa quân đội, trong khi đó hai quốc gia này đều có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, điều này cũng buộc Ấn Độ không dám lơ là trên phương diện hiện đại hóa quân đội.

Do nền tảng công nghiệp trong nước mỏng yếu, không thể cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ cho nhu cầu trang bị quân đội, cho nên trong 5 năm qua, Ấn Độ luôn đứng đầu trong danh sách khách hàng mua sắm vũ khí quốc tế. Mặc dù Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực làm thay đổi tình hình này, nhưng trong một giai đoạn rất dài tương lai sẽ khó thay đổi được.

Nước cung ứng vũ khí trang bị của Ấn Độ bao gồm Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Brazil, Đức, Israel, thậm chí cả Uzbekistan Trong đó, Nga, Pháp Israel và Mỹ là những nước cung ứng chủ yếu, họ đã cung cấp hầu hết các hệ thống vũ khí như máy bay, động cơ, tên lửa, radar cùng với trang bị an ninh lãnh thổ cho Ấn Độ.

Những năm gần đây, một chương trình mua sắm quốc tế lớn nhất của Ấn Độ chính là chương trình máy bay chiến đấu MMRCA trị giá 10,4 tỷ USD, đồng thời đã lựa chọn máy bay chiến đấu Rafale do công ty Dassault Pháp nghiên cứu chế tạo.

Hai biên đội tàu sân bay Ấn Độ phô diễn trên đại dương, trong đó có tàu sân bay Vikramaditya mua của Nga
Hai biên đội tàu sân bay Ấn Độ phô diễn trên đại dương, trong đó có tàu sân bay Vikramaditya mua của Nga

Căn cứ vào thời gian biểu của Ấn Độ, chiếc máy bay đầu tiên sẽ bàn giao cho Không quân Ấn Độ vào năm 2016, đến năm 2025 hoàn thành bàn giao toàn bộ. Nhưng, mãi đến nay, Ấn Độ và Pháp vẫn chưa ký kết hợp đồng mua sắm cuối cùng, nguyên nhân chủ yếu chính là vẫn chưa đạt được nhất trí về mặt chuyển nhượng công nghệ.

Israel cung cấp cho Ấn Độ chủ yếu là hệ thống tên lửa đất đối không và tên lửa không đối không, ngoài ra hệ thống máy bay không người lái cũng là sản phẩm tiêu thụ chính của họ trên thị trường Ấn Độ.

Trong vài chục năm qua, Liên Xô/Nga đều là nước cung ứng vũ khí chủ yếu của Ấn Độ, mối quan hệ này duy trì cho đến nay. Đến nay, Ấn Độ đã mua của Nga hàng chục tỷ USD máy bay chiến đấu, trong đó bao gồm máy bay chiến đấu Su-30MKI trang bị cho Không quân Ấn Độ và máy bay chiến đấu MiG-29K trang bị cho Hải quân Ấn Độ. Cuối năm 2013, Nga cũng đã bàn giao tàu sân bay Vikramaditya cho Hải quân Ấn Độ.

Nhưng, cùng với việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của Ấn Độ những năm gần đây, sản phẩm của Nga đã gặp phải thách thức nghiêm trọng trên thị trường Ấn Độ.

Chẳng hạn, máy bay chiến đấu T-50 của Sukhoi tuy được Ấn Độ xác định là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ tiếp theo (Ấn Độ có kế hoạch mua 144 chiếc, trị giá hợp đồng dự kiến 35 tỷ USD), nhưng hiện nay vẫn đang ở trạng thái "lựa chọn xác định". Điều này có nghĩa là, trong tương lai, Ấn Độ còn có thể lựa chọn sản phẩm của nước khác.

Máy bay trực thăng Mi-17V-5 của Ấn Độ, mua của Nga
Máy bay trực thăng Mi-17V-5 của Ấn Độ, mua của Nga

Ngoài mua sắm trang bị cho Không quân, Hải quân và Lục quân, những năm gần đây, Ấn Độ cũng đã gia tăng đầu tư đối với lực lượng an ninh biên phòng, chi 1,3 tỷ USD mua lô lớn máy bay trực thăng Mi-8MT và Mi-17 của Nga để dùng cho phòng thủ biên giới.

Dựa vào quan hệ hữu nghị Ấn-Mỹ mở ra từ thời đại Bush "con", các nhà chế tạo vũ khí Mỹ có thể tích cực xâm nhập thị trường Ấn Độ và giành được không ít đơn đặt hàng.

Trong 5 năm qua, trang bị Ấn Độ mua của Mỹ gồm 10 máy bay vận tải chiến lược C-17 do hãng Boeing sản xuất và 6 máy bay vận tải C-130J do hãng Lockheed Martin sản xuất, Hải quân Ấn Độ cũng đã có được 8 máy bay tuần tra săn ngầm đa năng trên biển P-8A của hãng Boeing.

Sản phẩm động cơ của Mỹ cũng được Ấn Độ hoan  nghênh, trong 5 năm qua, Ấn Độ đã lần lượt mua các động cơ F404 và F414 (dùng cho chương trình máy bay chiến đấu LCA) của General Electric và đã đặt mua động cơ phản lực F-125 dùng cho nâng cấp, cải tiến máy bay tấn công Jaguar của họ, ngoài ra còn có kế hoạch đặt mua một lô TPE-331 của công ty Honeywell dùng để nâng cấp phi đội máy bay tuần tra trên biển Do-228 của họ.

Máy bay vận tải chiến lược C-17 của Không quân Ấn Độ, mua của Mỹ
Máy bay vận tải chiến lược C-17 của Không quân Ấn Độ, mua của Mỹ
Việt Dũng