Nga đang cố gắng lấy lại vị thế Liên Xô ở châu Phi

18/01/2015 07:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Cho đến giờ, Nga vẫn tỏ ra hào phóng với các khoản nợ của các đồng minh châu Phi năm xưa vì không có hy vọng số tiền đáng kinh ngạc này sẽ được hoàn trả.

Theo tờ Tầm nhìn, Moscow đang không chỉ cố gắng lấy lại vị thế địa chính trị ở châu Phi như thời kỳ Xô Viết, mà còn muốn đẩy mạnh ảnh hưởng kinh tế với châu lục này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tiến hành chuyến công du tới một loạt các quốc gia châu Phi trong thời gian gần đây như Nam Phi, Zimbabwe, Mozambique, Ethiopia, Angola, Nam Sudan, Algeria, Tanzania và nhận được sự tiếp đón tích cực của các quốc gia này với hứa hẹn sẽ hỗ trợ Moscow nhắc nhở mọi người về một siêu cường Nga từng hiện diện tại châu lục này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong chuyến thăm tới châu Phi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong chuyến thăm tới châu Phi.

Đối với Liên Xô, châu Phi là "một mặt trận lớn chống lại chủ nghĩa đế quốc và thực dân. Liên Xô đã không đòi hỏi bất kỳ lợi ích kinh tế nào từ sự hiện diện lớn trên châu lục này, mặt khác còn hỗ trợ các đồng minh tại đây bằng những khoản vay khổng lồ đến giờ vẫn chưa được thanh toán".

Cho đến giờ, Nga vẫn tỏ ra hào phóng với các khoản nợ của các đồng minh châu Phi năm xưa vì không có hy vọng số tiền đáng kinh ngạc này sẽ được hoàn trả, tờ Tầm nhìn bình luận.

Tầm nhìn cho rằng, những quốc gia như Angola, Mozambique, Ethiopia cũng đã "phải trả giá cho sự phản bội của họ đối với Liên Xô khi quốc gia này lâm vào khủng hoảng trong những năm 1990 và phải rút khỏi châu Phi. Sự phản bội này vẫn gây bất bình tại Moscow", nhưng tờ báo Nga hy vọng rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến sự khôi phục quan hệ với các đồng minh châu Phi cũ trong bối cảnh hiện nay.

Đối thủ của Nga ở châu Phi là Trung Quốc. Cuộc đối đầu giữa Nga và Trung Quốc tại châu Phi bắt đầu từ nửa cuối những năm 1960 khi Bắc Kinh bắt đầu chú ý đến châu lục này. Tuy nhiên Nga không giống Bắc Kinh, không can thiệp vào nền kinh tế và chính trị của các nước châu Phi một cách tiêu cực.

Ví dụ điển hình là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Liên Xô và Trung Quốc tại Zimbabwe, trong đó phe được Bắc Kinh hỗ trợ đã giành chiến thắng. Nhưng sau đó người Trung Quốc đã cố gắng cải tổ Zimbabwe, thúc đẩy nhà cầm quyền tịch thu đất của nông dân dẫn đến sự sụp đổ của ngành nông nghiệp, nạn đói và lạm phát bùng phát.

Báo Nga cho rằng sau nhiều năm hợp tác với Trung Quốc, nhiều nước châu Phi đã nhìn thấy mặt trái của nó và tỏ ra chào đón sự trở lại của Nga, gồm cả những nước đồng minh của Trung Quốc như Zimbabwe, Angola.

Châu Phi đang ngày càng trở thành một châu lục hấp dẫn với nhiều cường quốc và là mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của họ. Mỹ và châu Âu trong 10 năm qua cũng đã đổ rất nhiều tiền vào châu lục này để gây dựng ảnh hưởng của mình trước đối thủ Trung Quốc./.

Nguyễn Hường